Nam Định: Bảo Tồn Di Sản Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ - Vietnamnet

Vùng đất Nam Định là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ và có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống gắn với các hoạt động tín ngưỡng độc đáo.

Toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến “Nghi lễ Chầu văn”. Trong đó, quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn.

Nhằm tôn vinh giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”.

Phạm vi của đề án là toàn bộ không gian tồn tại, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó tập trung vào hai Trung tâm là Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (huyện Vụ Bản) và Phủ Quảng Cung (huyện Ý Yên).

Đề án đặt mục tiêu cụ thể, năm 2021, thành lập Hội những người bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Nam Định, quy tụ các câu lạc bộ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã có và thành lập các chi hội/câu lạc bộ ở các địa bàn chưa có tại tất cả các địa bàn đã và đang thực hành thuộc 10 huyện, thành phố trên địa bàn Nam Định.

Từ năm 2021-2022, xây dựng hệ thống các văn bản quản lý thống nhất đối với di sản mang tính đặc thù là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Nam Định. Tiến hành xây dựng Quy chế thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ áp dụng chung, thống nhất cho các địa bàn và thành lập các ban quản lý văn hóa các cấp; tổ chức tập huấn cho đại diện chủ thể của di sản về các văn bản pháp lý và giá trị của di sản.

Tổng kiểm kê và phân loại hệ thống di tích gắn với không gian thực hành di sản tại 10 huyện, thành phố; đồng thời kiểm kê nguồn lực thực hành di sản ở các địa phương (số lượng nghệ nhân cung văn, các thanh đồng và nguồn lực phụ trợ…), số lượng câu lạc bộ, bản hội cũng như hoạt động của công tác quản lý tại các di tích. Trên cơ sở đó, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể để có kế hoạch đầu tư tu bổ, nâng cấp và bảo vệ, xây dựng kế hoạch mở lớp truyền dạy cung văn cũng như phát huy giá trị di sản văn hóa tại Nam Định nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng.

Đến năm 2023, hoàn thành việc nghiên cứu, sưu tầm bài bản, biên soạn tài liệu, sản xuất các ấn phẩm liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ nghiên cứu, quản lý văn hóa và trao truyền giá trị di sản. Hoàn thành việc đầu tư xây dựng Trung tâm thông tin giới thiệu giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở một trong hai trung tâm thuộc Vụ Bản và Ý Yên. Hoàn thiện chính sách đãi ngộ nghệ nhân cho 50% người có công bảo vệ, gìn giữ, truyền dạy di sản được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định đưa ra trong đề án.

Đến năm 2024: Tổ chức quảng bá 2 đợt di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại nước ngoài. Giai đoạn từ năm 2024-2030, tiếp tục thực hiện 03 đợt trình diễn giao lưu và quảng bá di sản ở các nước ASEAN và các nước khác. 2 năm duy trì tổ chức Liên hoan Hát văn cấp tỉnh hoặc địa phương có khả năng đăng cai.

Thực hiện: Thúy Tình, Lệ Yên, Duy Tiến

Từ khóa » đền Mẫu ở Nam định