Nam Giới Hải Môn, Cửa Sót - Địa Danh Còn Mãi Với Thời Gian

Lạch Sót khi chảy cắt ngang tỉnh lộ IX đã tạo ra một bến đò ngang rất lớn gọi là bến đò Hộ Độ, một bến đò ngang rộng, thường có sóng lớn, lưu lượng người, hàng hoá qua lại nhiều. Một thời đò Hộ Độ là một trở ngại, thậm chí là một mối lo âu trong sự giao lưu trên con đường huyết mạch này. Trong bài hát "Đường về Hộ Độ", nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã phải viết: "Ngày xưa mẹ đi về Hộ Độ, mua được muối mang về không đi bằng đường bộ…. Ôi con đường xưa sao mà trắc trở"… Năm 1996, cầu Hộ Độ được xây bắc theo kiểu cầu vĩnh cửu, có chiều dài 240 mét, rộng 7 mét, dầm bê tông cốt thép tải trọng H30, vị trí cầu nằm ở lý trình km 6 +13 trên trục tỉnh lộ IX. Ngày nay, cách cầu Hộ Độ 2,8 km về phía hạ lưu lại có thêm một chiếc cầu vĩnh cửu mới nữa, cầu Cửa Sót. Đó là chiếc cầu nối đường quốc lộ 1A đi mỏ sắt Thạch Khê, tại Km 7+544. Cầu rộng 12 mét, dài 488,5 mét, nối hai bờ Cửa Sót Hộ Độ và Thạch Bàn.

Đò Điệm là khúc sâu nhất của đoạn sông này (4mét), nhưng những phần dưới đó lại quá cạn. Tàu vì thế phải đỗ ở Vũng Ông, trước cửa đền Chiêu Trưng. Vũng Ông cũng còn có tên là Vũng Rồng. Tuy nhiên đã có thời Cửa Sót, Vũng Rồng tấp nập như một thương cảng, tàu buôn nước ngoài đêm ngày nhộn nhịp vào ra : "Vũng Rồng, đèn rực cầu tàu" ("Kiều biên thương bạc Long tê hỏa" - thơ Lê Thánh Tông). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết:…" Cửa biển (chỉ cửa Sót) rộng 37 trượng, thủy triều lên sâu 8 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước… trước kia thuyền phương Bắc sang nước ta thường đậu ở đây". Theo khảo sát ngày nay thì cửa Sót rộng khoảng 700 mét, trước cửa biển có một chớn cát tại phao số hai. Nạo vét được đoạn đó tàu 4 vạn tấn có thể vào đậu được tại Vũng Ông. Lưu lượng nước qua cửa biển này lúc lớn nhất (đỉnh lũ) lên tới 3800m3/s. Những lúc đó cửa biển thật mênh mông:

"Quay mũi thuyền vào ngước cổ trông,

Nhìn xem Nam Giới nước trùng trùng"

(Thơ Trịnh Hồng Dực)

Những mũi đá từ núi Nam Giới nhô ra, rồi khi nước triều xuống, những bãi đá ngầm lại nổi lên đủ các hình dạng. Cực bắc núi Nam Giới là Mũi Ót, còn gọi là Hòn Lố cao 68 mét. Trong hai cuộc kháng chiến, đỉnh Hòn Lố là nơi đặt đài quan sát của dân quân, bộ đội và bây giờ là ngọn đèn biển soi đường vào cửa Sót của thuyền bè. Cạnh hòn Lố có hòn Môi nổi lên mặt nước trông như nóc nhà, hòn Tượng đá chồng cao, trên có khe nghiêng nước chảy róc rách, đá Am, đá Lố, đá Ngựa Chìm đều nằm dưới mặt nước, hòn Trống, hòn Mái trông giống như hình đuôi con hươu, cũng có sách chép là "Hươu Đá". Rồi còn nhiều hình thù kỳ dị khác như đá Rồng, đá Hến, đá Giường, đá Nhọn, đá Trứng Gà... Ngay dân địa phương - những người đã từng quen với luồng lạch rồi mà vẫn cảm thấy:

"Đi qua Hươu - Lố mà ghê,

Đá Ông, đá Mụ gập ghề lắm thay."

Hòn Ngứa cách Mũi Lố về phía đông bắc khoảng 6-7 mét, là khối đá ngầm rất dễ gây nguy hiểm. Nó đã từng nhấn chìm tại chỗ hai tàu nước ngoài: Một tàu vận tải Nhật năm 1942 và một tàu tuần thám Mỹ lẻn vào năm 1966.

Khác với các cửa khác, "Cửa Hội khó vào, cửa Trào khó ra", cửa Sót tàu thuyền ra vào thuận lợi. Các bộ chính sử nước ta đều chép khá nhiều cuộc chinh chiến hoặc tuần du của các vua chúa, quan quân các triều đại trước, mỗi lần qua đây thường dừng nghỉ lại, xem cửa Sót - Nam Giới như một căn cứ để từ đó tiếp tục cuộc hành trình vào Nam hay ra Bắc.

Cửa Sót nguyên xưa chảy qua làng Dương Luật (Thạch Hải) phía nam rú Bể, giữa Nam Giới và hòn Mốc. Dòng chảy đó theo thế nước và hướng đông nam của sông Nghèn - Hà Hoàng. Khi sông Sót chảy theo dòng này vẫn có một con hói nhỏ từ Mai Phụ đi xuống Kim Đôi (Thạch Kim). Hói này chảy cùng hướng với sông Rào Cái. Về sau sông Nghèn có bị phân tán, lượng nước yếu dần. Trong khi đó lượng nước sông Rào Cái từ Ngàn Mọ đổ về, vốn đã mạnh nay vượt hẳn lên, ép dòng chảy sông Sót theo hướng của nó mà lấn sang dòng chảy của con hói. Theo thời gian, quá trình xâm thực khoét lở cứ ngày càng dữ dội thêm như trong tự nhiên chúng ta thường thấy:

"Khúc sông bên lở bên bồi,

Bên lở lở mãi, bên bồi bồi thêm."

(ca dao)

Rồi nhân những trận lụt bão lớn, dòng nước Rào Cái cắt ngang dòng chảy sông Sót từ hướng đông nam (phía nam rú Bể) quật hẳn sang phía đông bắc (bắc rú Bể), dồn toàn bộ nước sang con hói cũ. Độ lớn của dòng chảy và lưu tốc được nâng lên nhanh chóng, đưa con hói từ một chi lưu thành dòng chảy chính và trở thành Cửa Sót ngày nay. Cũng từ đó dòng chảy cũ về phía Dương Luật mất hết nguồn nước và sự bồi lấp cũng diễn ra rất nhanh.

Ngày nay, đứng trên gò cao Mai Phụ, phóng tầm mắt xuôi về phía biển rất dễ nhận ra thực trạng biến thiên đó. Sông Sót hiện tại phía bờ bắc (tả ngạn) vẫn có những đoạn bờ sông cao dốc, gò đất bị khoét sâu. Phía bờ nam (hữu ngạn) hơi nghiêng và thấp trũng. Một bãi sú vẹt mọc lên giửa đồng lầy, chạy dọc giữa hai ngọn rú Bể và rú Mốc. Trên giải đất đó vẫn còn dấu tích một con khe, tàn dư của cửa Dương Luật thời ấy. Bãi sú vẹt ấy nay được cải tạo thành đồng muối của xã Thạch Bàn.

Cửa Sót đổi dòng, chứng tích còn khá rõ, các tài liệu nghiên cứu xưa nay đều thống nhất chứng minh điều đó nhưng đổi dòng vào thời điểm nào thì chưa có tài liệu nào khẳng định một cách có căn cứ thật sự thuyết phục, thậm chí các tài liệu còn nói rất khác nhau. Bởi vậy cần chờ đợi sự nghiên cứu thêm nữa.

Cửa bể này đã từng có tên là cửa Dương Luật, đó là thời nó chảy qua làng Dương Luật, phía nam rú Bể. Nhưng khi đổi dòng về phía bắc, chảy qua Trang Sót - Kim Đôi thì cửa biển lại mang tên là cửa Sót.

Cửa Sót có tài liệu gọi là cửa Nam Giới (Nam Giới Hải Môn), không phải là cửa biển lớn nhưng có thể là một trong những cửa biển đẹp, có cảnh trí thiên nhiên kỳ vĩ, có truyền thuyết, huyền thoại… "Núi Nam Giới vươn mình ra biển thành bức bình phong cho cửa Sót. Ngọn Long Ngâm có dáng đầu rồng cúi đầu uống nước biển Đông, mặc cho quanh năm bạc đầu sóng vổ. Và ở chốn phong ba hùng vĩ ấy, đền Chiêu Trưng thấp thoáng trong khoảng rừng xanh để quanh năm ngắm non trông bể, lắng nghe âm thanh của tạo hóa, hòa âm của sóng biển với gió rừng" (Du lịch Hà Tĩnh). Mỗi mũi đá, con khe, ngôi đền… ở đây đều có một vẻ duyên dáng riêng, một mẩu chuyện lý thú riêng mà dân gian vẫn truyền tụng. Bởi vậy từ thuở vua Hùng dựng nước cho đến hôm nay, vùng cửa Sót - Nam Giới luôn luôn được nhắc đến không những trong dân gian mà cả trong sử sách. Ở đây không những có non xanh nước biếc mà còn có chợ búa cư dân trù mật. Bởi vậy từ vị hoàng đế, nhà học giả đến người dân chài đều để lại đây những cảm xúc riêng đầy thú vị.

Vua Lê Thánh Tông khi tuần du phương nam qua đây được nhìn tận mắt Nam Giới Hải Môn, một di tích danh thắng, nơi ghi dấu những huyền thoại tuyệt đẹp đã phải dừng chân chiêm ngưỡng. Vốn là một người có tâm hồn thơ dào dạt, ông đã để lại những cảm xúc phiêu diêu, phóng khoáng trong bài Nam Giới Hải Môn Lữ Thứ :

"Đêm qua tỉnh mộng giang hồ,

Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời".

(Thái Kim Đỉnh dịch)

Tiến sĩ Bùi Dương Lịch, vốn không phải là người xa lạ mà đến đây vẫn ngỡ ngàng sửng sốt :

"Biển Nam Giới ai ngờ,

Rồng đá vươn khỏe thế"

(Nam Giới sơn - Võ Hồng Huy dịch)

Còn người dân chài bản xứ, những buổi chiều thanh bình, giong buồm hứng gió, nhìn sông nước thôn trang quê mình mà lòng vui khấp khởi :

"Chiều chiều giăng lái,

Thuyền bát ngát nghênh ngang,

Nom vô chợ Hôm Trang

Vui hơn miền thành thị".

(Vè nốc đáy)

Từ khóa » Cầu Cửa Sót Hà Tĩnh