Năm Học Mới 2022-2023: Để Bữa ăn Bán Trú An Toàn, Chất Lượng
Có thể bạn quan tâm
Đảm bảo bữa ăn an toàn cho học sinh Thủ đô Đảm bảo 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng Công đoàn phối hợp nhà trường đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú cho trẻ |
Còn nhiều tâm tư
Hiện nay, tỷ lệ học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Nhiều trường học đã đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn bảo đảm đủ các điều kiện về vệ sinh ATTP, thành lập tổ giám sát nhập thực phẩm, suất ăn có sự tham gia của phụ huynh học sinh… Mặc dù vậy, một số sự cố đáng tiếc liên quan đến suất ăn trong trường học vẫn xảy ra. Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2010 đến năm 2021, trên địa bàn Thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học.
Có con vào lớp 1, chị Phạm Thị Thu Huyền (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ, nỗi quan tâm lớn nhất của chị là việc ăn bán trú tại trường của con. “Con nhà tôi khảnh ăn, hấp thu kém. Vì vậy, tôi khá lo lắng khi con ăn bán trú ở trường. Chỉ cần chút đồ ăn lạ là con bị rối loạn tiêu hóa”, chị Huyền tâm sự.
Học sinh Trường Tiểu học Bạch Dương (quận Hoàng Mai) trong một bữa ăn bán trú. |
Cũng theo chị Huyền, hầu hết sai phạm trong việc cung cấp bữa ăn bán trú của học sinh bị phát hiện bởi chính các phụ huynh. Đây chỉ là việc làm mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Để tránh các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, chị Huyền cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ hội cha mẹ học sinh; sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, ngành Giáo dục; đặc biệt, cần có những giải pháp quản lý, kiểm soát bữa ăn cho học sinh, nghiêm khắc xử lý các sai phạm.
Cùng chung nỗi lo với chị Phạm Thị Thu Huyền, chị Lê Minh Thúy (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, mặc dù được nhà trường giới thiệu đầy đủ thông tin của nhà cung cấp thực phẩm, được cùng tham gia nhập thực phẩm vào buổi sáng với Ban Giám hiệu nhà trường nhưng chị vẫn cảm thấy chưa yên tâm về bữa ăn của các con tại trường. “Phụ huynh cũng khó có thể kiểm soát được triệt để và thường xuyên về chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn của nhà trường bởi việc kiểm tra cũng chỉ là cảm quan. Tôi mong các nhà trường và nhà cung cấp thực phẩm, bếp ăn chế biến đặt sức khỏe của học sinh lên trên hết. Có như thế phụ huynh chúng tôi mới yên tâm khi con ở trường mỗi ngày”, chị Thúy chia sẻ.
Bày tỏ băn khoăn về công tác giám sát chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học, chị Bùi Thị Minh Giang (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho biết: “Từ nhiều vụ việc đã được phản ánh cho thấy, hiện tượng thực đơn niêm yết một đằng nhưng món ăn thực tế lại một nẻo. Nếu có đúng theo thực đơn đi nữa thì nhiều khi chỉ là cùng tên thực phẩm chứ chất lượng đã được hoán đổi từ loại 1 sang loại 2, 3... khó có thể biết rõ nếu chỉ nhìn qua chụp ảnh. Vì vậy, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều quan tâm không biết con có thực sự được ăn những đồ ăn, thức uống đảm bảo vệ sinh ATTP ở trường không?”.
Từ thực tế này, chị Giang mong muốn, đối với công tác ăn bán trú, Ban Giám hiệu các nhà trường phải thể hiện được trách nhiệm, sát sao kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nơi sản xuất, công ty cung cấp một cách thường xuyên chứ không phải chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới xem xét đến hợp đồng, trách nhiệm. “Hơn ai hết, các nhà trường, thầy cô giáo cùng đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn phải đặt chữ “tâm” lên hàng đầu; phải coi học sinh như con, cháu của mình để mang đến cho các con những bữa ăn tốt nhất có thể”, chị Giang bày tỏ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, chính vì vậy, việc bảo đảm ATTP tại các bếp ăn bán trú luôn được các cơ quan chức năng của Thành phố cùng các nhà trường đặc biệt quan tâm.
Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể của các trường học” vừa được tổ chức, ông Đặng Thanh Phong (Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) cho biết, vấn đề ATTP ngày càng được nhìn nhận có tầm quan trọng đặc biệt. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn đối với việc cải thiện sức khoẻ con người và chất lượng cuộc sống cũng như về lâu dài, đối với sự phát triển giống nòi của dân tộc. Tại Hà Nội, công tác quản lý ATTP đã được chú trọng, đặc biệt các bếp ăn tập thể đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm... Nguyên nhân chủ yếu là việc thực hiện các quy định điều kiện ATTP chưa đảm bảo, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.
Để tăng cường công tác quản lý ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể trên địa bàn, Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường Tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể: Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra ATTP của bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các trường có bếp ăn bán trú; kiểm tra các bếp ăn tập thể, căng tin tại các trường học trên địa bàn quản lý theo phân cấp, tập trung kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đưa vào, xét nghiệm nhanh, lấy mẫu ngẫu nhiên để đánh giá chất lượng thực phẩm khi thấy cần thiết; kiên quyết xử lý vi phạm tại các bếp ăn tập thể, căng tin khi có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP…
Theo ông Kiều Cao Trinh (Phó Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành triển khai rất bài bản. Vào đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế ban hành Kế hoạch liên ngành về công tác y tế trường học, trong đó đề ra mục tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Đối với cấp học Mầm non, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều ban hành văn bản Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và Hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn, trong đó có quy định rõ về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ (quản lý, thực hiện quy trình bếp ăn một chiều, giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia ăn, lưu mẫu thức ăn, sử dụng nguồn nước uống, nước sinh hoạt…).
Cùng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP cho học sinh, học viên, nhà giáo, cán bộ và nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong nhà trường. Việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học...
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Bạch Dương (quận Hoàng Mai), công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú được thực hiện đầy sát sao và trách nhiệm. Theo đó, nhà trường liên tục làm công tác tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên và các phòng học, đặc biệt là khu vực bếp ăn. Trường đầu tư bếp ăn một chiều với đầy đủ đồ dùng, dụng cụ phục vụ bữa ăn bán trú; đồng thời luôn giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh ATTP bữa ăn cho học sinh.
Cô giáo Lê Thị Kiều Dung (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Dương) chia sẻ: “Để tổ chức bữa ăn bán trú an toàn, quan trọng nhất là khâu lựa chọn thực phẩm. Nhà trường ký hợp đồng với công ty cung cấp lương thực, thực phẩm có uy tín, địa chỉ tin cậy. Các sản phẩm cung cấp cho bếp ăn bảo đảm rõ nguồn gốc. Hàng ngày, bộ phận y tế của nhà trường có nhiệm vụ kiểm tra xem thực phẩm có bị nhiễm khuẩn hay không. Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho học sinh. Thức ăn hằng ngày được nhà trường lưu mẫu 24h theo đúng quy định và có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ…”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân), Hiệu trưởng Chu Thị Thu Hương cho biết, những năm qua, Trường Tiểu học Khương Mai luôn chú trọng, quan tâm thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm ATTP cho bếp ăn bán trú, không để xảy ra các sự cố về ATTP tại bếp ăn tập thể. Để làm được điều đó, nhà trường đã thực hiện nghiêm các tiêu chí đánh giá về an toàn trường học; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, phụ huynh và học sinh về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển; tuân thủ quy trình giao - nhận, lưu mẫu theo quy định.
Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh học sinh kiểm tra thực tế nguồn gốc cung cấp nguyên liệu của đơn vị phục vụ suất ăn bán trú, từ đó đánh giá năng lực để lựa chọn đơn vị có uy tín cung cấp suất ăn tại trường; công khai đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo cung cấp suất ăn đúng thực đơn, đảm bảo cung cấp suất ăn học đường; tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát chất lượng bữa ăn. Đại diện nhà trường, đại diện Ban cha mẹ học sinh yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn ký cam kết và chịu trách nhiệm trước nhà trường về việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn. Trong trường hợp mất an toàn thực phẩm xảy ra tại bếp ăn của nhà trường, Hiệu trưởng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp suất ăn để xử lý kịp thời, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân xảy ra mất an toàn thực phẩm…
“Trường Tiểu học Khương Mai luôn xác định rõ công tác ATTP tại bếp ăn tập thể trường học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ này, nhà trường duy trì thực hiện các quy trình đảm bảo ATTP; bảo đảm tuyệt đối an toàn bữa ăn trong trường học, tạo sự tin tưởng, yên tâm khi phụ huynh giao phó con em cho nhà trường”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Mai bày tỏ.
Có thể khẳng định, để có bữa ăn học đường vừa an toàn vừa đủ dinh dưỡng, trách nhiệm chính là từ các nhà trường. Vì vậy, không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất bếp ăn, nhà ăn bán trú mà các trường cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình của bếp ăn bán trú hoặc tiếp nhận suất ăn từ bên ngoài. Trong đó, các trường cần lựa chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng, đủ cơ sở pháp lý, đáng tin cậy để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm hoặc suất ăn ngay từ đầu vào... Các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn sẵn cũng cần làm việc có trách nhiệm, đặt đạo đức kinh doanh lên trên hết, hướng đến lợi ích chung vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh…/.
Từ khóa » Bữa ăn Bán Trú Dành Cho Học Sinh Tiểu Học Không đảm Bảo Vệ Sinh Và Kém Chất Lượng
-
Suất ăn Học Sinh Bán Trú Bị Phản ánh Kém Chất Lượng - VnExpress
-
Phụ Huynh Bức Xúc Chất Lượng Bữa ăn Bán Trú - VnExpress
-
'Rút Ruột' Bữa ăn Bán Trú - Tuổi Trẻ Online
-
Căng Thẳng Chuyện ăn Bán Trú - Tuổi Trẻ Online
-
Hà Nội Nỗ Lực Xóa Mối Lo Mất An Toàn Thực Phẩm Bữa ăn Bán Trú
-
Bữa ăn Bán Trú Mùa Dịch: Linh Hoạt Tổ Chức, Bảo đảm Chất Lượng
-
Bảo đảm Bữa ăn Bán Trú An Toàn, Chất Lượng
-
Phụ Huynh Bức Xúc Với Bữa ăn Bán Trú Của Con ở Trường
-
TP HCM: Phụ Huynh Bật Khóc Khi Chứng Kiến Bữa ăn Bán Trú
-
Bữa ăn Học đường Kém Chất Lượng: Đánh Mất Cơ Hội Cải Thiện Giống ...
-
Vụ Bữa ăn Bán Trú Kém Chất Lượng: Thay đổi đơn Vị Cung Cấp Thực ...
-
Đảm Bảo An Toàn Thực Phẩm Bữa ăn Bán Trú Trường Học
-
Cảm Nhận Trong Ngày Tổ Chức Bán Trú đầu Tiên Sau Dịch