Nấm Miệng (nấm Lưỡi): Nguyên Nhân, Nhận Biết Và điều Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • Nấm Candida ở miệng là gì?
  • Nguyên nhân gây ra nấm Candida ở miệng
  • Triệu chứng của nhiễm nấm Candida miệng
  • Những ai dễ mắc nấm miệng Candida?
  • Nấm miệng Candida có thể dẫn đến biến chứng nào?
  • Chẩn đoán nhiễm nấm Candida ở miệng bằng cách nào?
  • Nhiễm nấm Candida miệng có lây không?
  • Cách điều trị nấm miệng, nấm lưỡi Candida
  • Phòng ngừa nhiễm Candida miệng như thế nào?

Nhiễm nấm Candida là một vấn đề không hiếm gặp và có thể gây bệnh ở nhiều vị trí. Trong đó, nấm miệng cũng là bệnh lý liên quan đến Candida được nhiều người quan tâm. Vậy, nấm Candida miệng biểu hiện qua dấu hiệu nào? Điều trị như thế nào và phòng ngừa ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết của Bác sĩ Nguyễn Lê Vũ Hoàng nhé!

Nấm Candida ở miệng là gì?

Nhiễm nấm Candida ở miệng là tình trạng nhiễm nấm thuốc chủng Candida ở niêm mạc miệng. Nấm Candida ở miệng còn có tên gọi khác là bệnh tưa miệng.1

Những loại nấm có thể gây ra tình trạng này bao gồm: Candida albicans, Candida glabrata, Candida tropicalis, Candida krusei. Trong đó, loại thường gặp hơn cả là Candida albicans.1

Nguyên nhân gây ra nấm Candida ở miệng

Bình thường, các chủng Candida vẫn có thể tồn tại ở những bộ phận khác nhau của cơ thể và không gây bệnh. Tuy nhiên, một số nguyên nhân làm nấm Candida phát triển một cách quá mức ở miệng:

  • Hệ miễn dịch suy yếu.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Nhiễm nấm âm đạo.
  • Thuốc kháng sinh.

Triệu chứng của nhiễm nấm Candida miệng

Người lớn1

Người lớn khi nhiễm nấm sẽ xuất hiện lớp giả mạc dày, màu trắng hoặc màu trắng ngà ở niêm mạc miệng, phần má trong, lưỡi, họng. Ngoài ra, một số đốm nhỏ nổi trên nền sưng, đỏ của khoang miệng. Các đốm này khi ở cùng một khu vực có thể liên kết với nhau gọi là mảng.

Đôi khi, người lớn bị nấm Candida sẽ không có lớp giả mạc trắng mà chỉ bị sưng, đỏ ở phần má trong.

Khi nhiễm nấm Candida, người bệnh có những mảng trắng ở lưỡi 
Khi nhiễm nấm Candida, người bệnh có những mảng trắng ở lưỡi

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ1

Dấu hiệu nhiễm nấm Candida ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh là xuất hiện lớp giả mạc màu trắng tựa như phô mai ở đầu lưỡi. Lớp giả mạc này thường khó cạo ra. Khi cạo ra có thể gây chảy máu.

Các triệu chứng chung1

Những triệu chứng chung khi nhiễm nấm Candida miệng bao gồm: có vết nứt ở khóe miệng, đau lưỡi, đau nướu, khó nuốt, giảm vị giác khi ăn uống.

Những ai dễ mắc nấm miệng Candida?

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tưa miệng bao gồm:1

  • Vệ sinh răng miệng kém hay không tháo răng giả trước khi đi ngủ.
  • Người đang sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm steroid.
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Người mắc bệnh tiểu đường.
  • Người hút thuốc.
  • Người bị khô miệng.

Nấm miệng Candida có thể dẫn đến biến chứng nào?

Ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, nấm miệng hiếm khi gây biến chứng. Trong trường hợp nghiêm trọng, nấm Candida có thể lan đến thực quản của bạn.2

Nhiễm nấm Candida ở miệng có thể gây biến chứng đến thực quản
Nhiễm nấm Candida ở miệng có thể gây biến chứng đến thực quản

Với người bệnh ung thư, người nhiễm HIV có hệ thống miễn dịch suy yếu, có nhiều khả năng bị biến chứng do bệnh tưa miệng. Nếu không được điều trị thích hợp, loại nấm gây bệnh tưa miệng có thể xâm nhập vào máu và lan đến tim, não, mắt hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Điều này được gọi là nhiễm nấm Candida xâm lấn hoặc toàn thân.2

Bệnh nấm candida toàn thân có thể gây ra các vấn đề ở các cơ quan mà nó ảnh hưởng. Nó cũng có thể gây ra một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng được gọi là sốc nhiễm trùng.2

Chẩn đoán nhiễm nấm Candida ở miệng bằng cách nào?

Chẩn đoán bệnh tưa miệng chủ yếu là nhờ vào thăm khám những sang thương ở miệng của bạn để tìm các tổn thương đặc trưng mà nấm Candida gây ra. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể lấy sinh thiết vùng bị ảnh hưởng để xác định chẩn đoán.2

Để tiến hành sinh thiết, sẽ cần cạo một phần nhỏ tổn thương ở miệng của bệnh nhân. Sau đó, mẫu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm C. albicans. Nếu có biến chứng nấm Candida lan đến thực quản, có thể sử dụng phương pháp nuôi cấy phết họng hoặc nội soi để xác định chẩn đoán.2

Nhiễm nấm Candida miệng có lây không?

Nấm Candida ở miệng không lây ở người lớn. Tuy nhiên, bệnh có thể lây truyền ở trẻ sơ sinh và ba mẹ trong thời gian cho con bú.1

Cách điều trị nấm miệng, nấm lưỡi Candida

Phương pháp điều trị bệnh lý này là phương pháp nội khoa. Thuốc điều trị nấm có thể ở dạng gel, dạng giọt hoặc dạng ngậm. Tuỳ theo độ năng của bệnh mà sẽ sử dụng thuốc khác nhau:3

  • Nhiễm nấm Candida nhẹ: Clotrimazol liều dùng 10mg/lần x 5 lần/ngày (viên ngậm tan dần trong miệng). Hoặc có thể dùng dạng hỗn dịch uống 5ml Nystatin x 4 lần/ngày.
  • Nhiễm nấm Candida từ trung bình đến nặng: uống 200mg Fluconazole 1 liều duy nhất, sau đó 100mg/ngày trong vòng 7-14 ngày.
  • Nhiễm nấm Candida không đáp ứng với điều trị ban đầu: sử dụng Itraconzole.

Phòng ngừa nhiễm Candida miệng như thế nào?

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tưa miệng, có thể phòng ngừa bằng những biện pháp sau:2

  • Tránh dùng chung cốc và đồ dùng với người khác.
  • Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng và thực hành một lối sống lành mạnh tổng thể để hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch của bạn.
  • Vệ sinh răng miệng tốt bằng cách đánh răng hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa mỗi ngày.
  • Nếu miệng bị khô, hãy hẹn gặp bác sĩ để được điều trị.
  • Nếu có răng giả, hãy tháo chúng ra trước khi đi ngủ, làm sạch chúng hàng ngày và đảm bảo rằng răng vừa vặn.
  • Trường hợp có sử dụng ống hít corticosteroid, hãy súc miệng hoặc đánh răng sau khi sử dụng.
  • Với những bệnh nhân tiểu đường, hãy kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
  • Những người bị nhiễm trùng nấm men ở một bộ phận khác trên cơ thể ngoài miệng thì nên điều trị càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể.
Cần vệ sinh răng hai lần một ngày để phòng ngừa nhiễm Candida
Cần vệ sinh răng hai lần một ngày để phòng ngừa nhiễm Candida

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về nấm Candida miệng. Bạn đọc và gia đình nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, có lối sống lành mạnh,… để ngăn ngừa nấm miệng và các tình trạng về răng miệng khác.

Từ khóa » Hay Ngứa Lưỡi Là Bệnh Gì