Nấm Ngọc Cẩu: Có Thật Là “thần Dược” Cho Phái Mạnh?

Nội dung bài viết

  • Nấm ngọc cẩu là gì?
  • Nấm ngọc cẩu có tác dụng gì?
  • Cách dùng
  • Một số bài thuốc điều trị các vấn đề nam khoa từ nấm ngọc cẩu
  • Lưu ý khi sử dụng

Nấm ngọc cẩu là loại dược liệu thường được sử dụng với mục đích điều trị các vấn đề nam giới. Vậy, nấm ngọc cẩu là gì? Dược liệu này có tác dụng gì? Đây có thật sự là “thần dược” cho phái mạnh hay không? Cùng tìm hiểu những vấn đề trên trong bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh nhé!

Nấm ngọc cẩu là gì?

1. Đặc điểm thực vật1 2

Nấm ngọc cẩu có tên khoa học là Cynomorium songaricum, thuộc họ Gió đất Balanophoraceae. Nấm ngọc cẩu còn có tên khác là tỏa dương, cây cu chó, củ gió đất, củ ngọt núi, hoa đất, cây không lá, cây xà cô,…

Ngọc cẩu là một loài cây cỏ thực vật, nhưng có ngoại hình gần giống như một cây nấm. Vì vậy, cây bị nhầm lẫn thành nấm. Ngọc cẩu toàn thân màu đỏ sẫm. Cấu tạo gồm một cán hoa lớn, bên trên mang theo hoa dày đặc. Hoa này có một lớp mo bao bọc, màu tím, mùi hôi. Cán hoa mềm mại, có hình dạng thay đổi, sần sùi, không có lá (nên có tên cây không lá).

Hoa đực và hoa cái mọc riêng biệt, có thể cùng gốc hoặc khác gốc. Hình dạng hoa gần giống như cu chó. Cụm hoa đực dạng hình trụ dài 10 – 15 cm, ở gốc có một vài lá bắc. Bao hoa xẻ nhiều thùy, dài và hẹp, dài bằng nhau. Nhị hoa có bao phấn hình móng ngựa. Trong khi đó, cụm hoa cái ngắn hơn, có hình thoi hoặc hình trứng, dài khoảng 2 – 3 cm, không có bao hoa. Trên cụm hoa cái có nhiều phần phụ hình chùy không sinh sản.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Nấm ngọc cẩu còn được gọi là tỏa dương, củ gió đất, cây cu chó,…
Nấm ngọc cẩu còn được gọi là tỏa dương, củ gió đất, cây cu chó,…

2. Phân loại2

Trên thế giới, chi Gió đất có hơn 20 loài phân bố ở châu Á, châu Phi và Úc. Môi trường sinh sống chủ yếu nhiệt đới, ôn đới.

3. Phân bố1 3

Ngọc cẩu thường mọc và sống kí sinh trên những cây cổ thụ có phần gốc rễ lớn. Ở nước ta, chúng sinh sống trong những khu rừng sâu ẩm thấp. Thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc nước ta như Hà Tây cũ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái.

Mùa thường rộ từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mùa này người dân đi rừng mới dễ phát hiện.

Ngoài ra, ngọc cẩu còn tìm thấy ở vùng Ninh Hạ, Nội Mông, Cam Túc của Trung Quốc. Ở vùng này, cây lại thích nghi được với khí hậu khô và thường ký sinh trên rễ loài cây thực vật Nitraria tangutorum Bobr. và Nitraria sibirica Pall.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Người dân thường hái toàn bộ cây ngọc cẩu. Họ mang về rửa sạch, cắt mỏng rồi đem hong phơi hoặc sao cho khô ráo để cất dành.

Khi phơi khô, ngọc cẩu trở nên nặng, cứng, khó bẻ, có màu nâu nhạt hoặc nâu vàng.

Nấm ngọc cẩu sẽ trở nên cứng, nặng, có màu nâu hoặc nâu vàng sau khi được phơi khô
Nấm ngọc cẩu sẽ trở nên cứng, nặng, có màu nâu hoặc nâu vàng sau khi được phơi khô

Nấm ngọc cẩu có tác dụng gì?

1. Thành phần hóa học3

Tổng cộng có 76 thành phần hóa học đã được tìm thấy trong ngọc cẩu. Trong đó bao gồm nhiều thành phần hoạt tính sinh học. Cụ thể là flavonoid, terpenoid, steroid, axit hữu cơ, saccharides, glycoside, thành phần dễ bay hơi và tanin.

Ngọc cẩu và các chất chiết xuất từ ngọc cẩu vốn được sử dụng theo truyền thống như một sản phẩm tốt cho sức khỏe. Nấm ngọc cẩu có nhiều lợi ích sức khỏe thông qua ăn trực tiếp, ngâm làm rượu hoặc uống dưới dạng trà.

2. Tác dụng theo Y học hiện đại3

Hiệu quả trên hệ sinh sản

Theo y học cổ truyền, ngọc cẩu dùng để điều trị chứng bất lực và rối loạn chức năng tình dục ở nam giới. Thử nghiệm động vật dùng ngọc cẩu cho thấy số lượng tinh trùng ở tinh hoàn, mào tinh hoàn và trọng lượng tinh hoàn tăng đáng kể. Thử nghiệm cũng không có tác dụng phụ đáng chú ý nào xảy ra. Điều này xác nhận tác dụng có lợi ngọc cẩu đối với việc cải thiện chức năng sinh sản của nam giới bằng cách tăng cường sinh tinh.

Gần đây, nấm ngọc cẩu cũng được ghi nhận tác dụng đối với sinh sản nữ giới. Chúng giúp phát triển nang noãn, nồng độ hormone FSH và hormone LH trong huyết thanh.

Chống lão hóa

Các nghiên cứu trên ruồi trưởng thành ghi nhận rằng chế độ ăn uống có sử dụng ngọc cẩu đã kéo dài tuổi thọ trung bình. Ngọc cẩu giúp cơ thể tăng khả năng chống lại stress oxy hóa, giảm mức độ lipid hydroperoxide. Ngoài ra, kéo dài tuổi thọ đi kèm với các tác động có lợi khác. Chẳng hạn như cải thiện khả năng sẵn sàng giao phối, tăng khả năng sinh sản và ngăn chặn tình trạng suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác ở ruồi già.

Giảm mệt mỏi, tăng sức bền khi tập thể thao

Trong quá trình luyện tập, nấm ngọc cẩu giúp cung cấp oxy cho cơ bằng cách tăng cách tăng đáng kể nồng độ hemoglobin trong máu, tăng sử dụng năng lượng và giảm quá trình thoái hóa protein trong cơ thể.

Cải thiện hệ miễn dịch

Các nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất của ngọc cẩu điều hòa hoạt động của các cơ quan miễn dịch. Chúng giúp tăng cường khả năng thực bào, tăng nồng độ kháng thể trong máu. Từ đó cải thiện chức năng miễn dịch dịch thể ở chuột.

Cải thiện hệ tiêu hóa

Chiết xuất của ngọc cẩu có thể sửa chữa tổn thương ở quai ruột và cải thiện khả năng nhu động ruột. Ngọc cẩu còn có tác dụng ngăn ngừa loét bằng cách cải thiện vi tuần hoàn và tăng cường khả năng phòng thủ của niêm mạc dạ dày. Những phát hiện này là cơ sở khoa học cho lý luận y học cổ truyền của ngọc cẩu đối với hệ thống tiêu hóa.

Nấm ngọc cẩu mang lại công dụng giảm mệt mỏi, tăng sức bền khi tập thể dục
Nấm ngọc cẩu mang lại công dụng giảm mệt mỏi, tăng sức bền khi tập thể dục

Một số tác dụng khác

Một số tác dụng khác được nghiên cứu bước đầu cho hiệu quả như:

  • Tiêu diệt được tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA);
  • Có hoạt tính estrogen tiềm năng trong điều trị các triệu chứng mãn kinh;
  • Cải thiện khả năng học tập, tăng cường trí nhớ, duy trì trí nhớ;
  • Ngọc cẩu cho thấy hoạt động ức chế 5α-reductase (5αR) mạnh mẽ, rút ngắn đáng kể thời gian mọc tóc, thúc đẩy quá trình mọc lại tóc;
  • Ngoài ra, ngọc cẩu ức chế kết tập tế bào tiểu cầu và tăng cường chức năng cơ tim.

3. Tác dụng theo Y học cổ truyền3 4

Theo y học cổ truyền, nấm ngọc cẩu được sử dụng như một loại thực phẩm, trà thảo mộc. Ngọc cẩu được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau như bất lực, xuất tinh sớm, chức năng tình dục thấp ở nam giới, di tinh mộng tinh và loét dạ dày. Do đó, ngọc cẩu đã được áp dụng rộng rãi trong y học dân gian ở Bắc Phi, Châu Âu, các nước Đông và Tây Á trong nhiều thế kỷ.

Theo y học cổ truyền, ngọc cẩu được xếp vào nhóm thuốc bổ Thận tráng dương. Có vị ngọt, tính ôn ấm, nhuận bổ, quy vào kinh Can, Thận, Đại trường. Tác dụng tương tự như nhục thung dung, công dụng thiện bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận trường táo. Chữa các chứng thận dương hư liệt, tinh huyết suy kém, táo bón.

Theo Y học cổ truyền, nấm ngọc cẩu có thể chữa chứng xuất tinh sớm, chức năng tình dục thấp ở nam giới
Theo Y học cổ truyền, nấm ngọc cẩu có thể chữa chứng xuất tinh sớm, chức năng tình dục thấp ở nam giới

Cách dùng

Liều lượng sử dụng ngọc cẩu từ 5 – 15 gam một ngày. Có thể gia giảm tùy theo tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ.

Một số bài thuốc điều trị các vấn đề nam khoa từ nấm ngọc cẩu

Dựa trên những tác dụng đã nghiên cứu, ghi chép ở trên thì nấm ngọc cẩu có thể được xem là thần dược cho phái mạnh. Bởi lẽ, y học cổ truyền phân chia chứng bất lực, xuất tinh sớm, di tinh,… vào nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Mỗi nguyên nhân gây bệnh có phương pháp điều trị riêng. Do đó, nấm ngọc cẩu chỉ dùng cho một vài nhóm người chứ không thể áp dụng cho toàn bộ mọi đối tượng nam giới. Vì vậy, bạn cần được khám lâm sàng và suy xét rõ ràng để sử dụng ngọc cẩu cho phù hợp.

  • Ngâm rượu ngọc cẩu: một phần ngọc cẩu, năm phần rượu trắng 40 độ. Ngâm rượu hơn một tháng, thu được rượu màu đỏ đậm vị chát nhẹ là sử dụng được. Ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần một ly nhỏ khoảng 30 ml.1
  • Ngọc cẩu có thể kết hợp cùng với các vị thuốc khác như dâm dương hoắc, ba kích thiên, kim anh tử, sơn dược, …
  • Ngoài ra, bạn có thể sử dụng ngọc cẩu từ 5 – 15 gam hầm cùng thịt dê, hoặc thịt gà thành canh. Hoặc có thể dùng liều lượng trên để nấu cùng gạo tẻ thành cháo.

Lưu ý khi sử dụng

Ngọc cẩu được xếp vào nhóm dược liệu an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý khi sử dụng ngọc cẩu:

  • Người âm hư hỏa vượng, thực nhiệt táo bón, đại tiện tiêu chảy không nên dùng ngọc cẩu.
  • Trong khi dùng thuốc không ăn đồ ăn sống, kiêng đồ dầu mỡ, cay nóng.
  • Nếu bạn đang có thai hoặc cho con bú, thì cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ y học cổ truyền.
  • Nếu bạn đang sử dụng thuốc tây y kê đơn có mong muốn sử dụng ngọc cẩu thì nên trao đổi thông tin này với bác sĩ của bạn.

Hy vọng bài viết trên đã mang đến những thông tin hữu ích về nấm ngọc cẩu cho bạn đọc. Trước khi sử dụng dược liệu này, người dùng cần trao đổi với bác sĩ, chuyên gia y tế để được hướng dẫn cụ thể về cách dùng và liều dùng.

Từ khóa » Cậu Có Tốt Không