Nạn đói Giữa Kỷ Nguyên Của Sự Thừa Mứa - Công An Nhân Dân

Có chừng 600-850 triệu người trên thế giới (tùy theo mỗi thời vụ) lâm vào cảnh sắp chết đói. Sự bần cùng và nạn thiếu ăn – suy dinh dưỡng là “bạn đồng hành” của hàng trăm triệu người tại các nước chậm phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Thực trạng tang thương này buộc giới chuyên gia về các vấn đề lương thực, thực phẩm phải “sáng tạo” ra một trong những chủ đề trái ngược nhất của thời đại văn minh – tiên tiến; lập bản đồ đánh dấu các “vùng đói kém”. Điều bi đát là những vùng này cứ ngày càng “phình” rộng ra theo thời gian trên bản đồ địa lý thế giới hàng năm.

Vào đầu thập niên 60 thế kỷ XX, lượng lương thực dự trữ của thế giới đủ nuôi cả loài người trên hành tinh trong vòng 100 ngày. Đây chính là những năm tháng dư thừa dồi dào thực sự! Nhưng đột nhiên tới năm 1974 tụt xuống chỉ còn 24 ngày, và từ đó đến nay xê dịch trong khoảng cao nhất là 27-28 ngày. Giữa bối cảnh như vậy, mỗi vụ mùa thất bát xảy ra đương nhiên là đi kèm với những hệ lụy đói kém một phần đáng kể dân số trái đất.

“Sự no đủ” đã qua rồi

Trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1972, lượng lương thực của thế giới phát triển không ngừng, tăng từ mức 1.300kg lên 1.800kg thành phẩm trên 1 hécta đất canh tác. Giai đoạn từ năm 1954 đến 1972 sản lượng lương thực toàn cầu đã tăng gần 60%, với mức tăng tại các nước đang phát triển nhiều hơn là các quốc gia đã công nghiệp hóa. Trong những năm tháng “vẻ vang” ấy, người ta đã bắt đầu lạc quan với cách gọi là “Hậu cách mạng xanh” – mang lại sự no đủ cho nhân loại. Nhưng thực ra, tốc độ phát triển sản lượng lương thực thời kỳ đó tăng nhanh hơn là tốc độ tăng dân số tự nhiên. Rồi sự “bùng nổ dân số” đã cuốn đi tất cả mọi thành tựu phi thường về tăng sản lượng lương thực thời trước.

Những chuẩn đoán bi quan

Vậy viễn cảnh tương lai sẽ ra sao? Nhiều chuyên gia am hiểu đều đồng nhất với “biểu đồ lũy tiến” đầy bi quan: Vào năm 1985, các nước đang phát triển đã phải nhập cả thảy 100 triệu tấn lương thực cho nhu cầu của dân chúng. Đến đầu thế kỷ XXI, họ đã buộc phải nhập gấp 5 lần (500 triệu tấn) nhằm “chặn đứng” nguy cơ nạn đói tràn lan xảy ra. Cần nhắc lại một điều: 500 triệu tấn lương thực, thực phẩm là một con số vượt quá sản lượng ngô của toàn thế giới trong năm 1978 – một năm “bội thu”. Bên cạnh đó là việc người ta “đào” đâu ra nguồn ngoại tệ khổng lồ để nhập đủ lượng lương thực ấy?

Vòng luẩn quẩn của thế giới thứ 3

Một câu ngạn ngữ Nam Mỹ cho rằng: “Bàn ăn của người nghèo chông chênh, nhưng chiếc giường của họ luôn chắc chắn”. Sự thông thái và thâm thúy của câu ngạn ngữ này được tái khẳng định với thực trạng thế giới hiện nay. Sự “bùng nổ dân số” lớn lao xảy ra ngay tại các nước nghèo, tại những “vùng đói kém” đã được đánh dấu.

Tuần báo đầy uy tín Stern của Đức từng viết: “Xem ra sự bành trướng của nạn đói tại các nước thuộc thế giới thứ ba đã được “lập trình” từ trước. Tỉ như trong vòng 3 năm từ 1971 đến 1974, giá lương thực, thực phẩm nói chung đã tăng từ 2 đến 3 lần và từ đó đến nay không ngừng tăng. Nôm na như là một hiện tượng lạm phát lương thực vậy”.

Tình trạng khiến các quốc gia đang phát triển luôn lâm vào cái vòng luẩn quẩn: "Do giá cả tăng nên người ta phải giới hạn lượng nông phẩm nhập vào và tự phát triển nền lương thực trong nước. Nhưng bởi sản lượng tự sản xuất ra giảm sút thê thảm, buộc người ta phải tăng thêm số lương thực, thực phẩm cần nhập – thiết yếu cho dân chúng. Đúng là cái vòng luẩn quẩn không buông tha các nước chậm phát triển”.

Rõ ràng là tại các vùng đói kém triền miên, người ta cần phải áp dụng một cách có cân nhắc những phương pháp sản xuất hữu hiệu, đi kèm với các cải cách thích đáng cho nhà nông, cũng như phân bố lại cơ cấu lương thực một cách thích hợp nhất. Vấn đề này có ý nghĩa rất lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Trong thực tế 30% dân số hành tinh đang sử dụng tới hơn 70% nguồn tài nguyên của cả thế giới. Còn tại các nước thuộc thế giới thứ ba tuy chiếm 70% số dân và 80% nguồn tài nguyên thế giới, nhưng họ chỉ chiếm có 7% tiềm năng công nghiệp của hành tinh, cũng như chỉ sử dụng khoảng 10% các nguồn tài nguyên khoáng sản nói chung. “Một đứa bé sinh ra ở một nước công nghiệp phát triển – vẫn theo Stern – sẽ được chu cấp các nguồn lợi thiên nhiên tiềm tàng từ 20 đến 40 lần so với một đứa trẻ chào đời tại một vùng đói kém.

Đòi hỏi mới trong sự phân bổ lại nền kinh tế thế giới

Hệ thống kinh tế thế giới hiện nay tạo dựng theo nguyên lý “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, là một mối nguy hiểm tiềm ẩn những sự đối kháng xã hội trong tương lai với những hệ quả khó lường trước được! – nhiều nhà lãnh đạo trong nhóm G-77 (các quốc gia không liên kết) từng lên tiếng cảnh báo. Hiển nhiên là cái mô hình kinh tế ấy cứ ngày một đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người giàu và kẻ nghèo, âu cũng là một nguyên nhân xuất hiện ngày càng nhiều những phong trào rầm rộ phản đối xu thế “toàn cầu hóa” hiện nay.

Các thông số thống kê cho biết, rằng trong thập niên 60 thế kỷ XX, tổng sản phẩm kinh tế của cả thế giới (GDW) tăng ước chừng hơn 1.000 tỉ USD, nhưng các quốc gia đang phát triển chỉ chiếm chưa đầy 6% trong tổng số này. Và như vậy – 94% GDW cho 1/3 nhân loại và 6% cho số nhân loại còn lại (2/3).

Trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2005, trên hành tinh người ta đã khai thác thêm các nguồn tài nguyên mới với trị giá cỡ 210 tỉ USD, trong khi một số nước thuộc các “vùng đói kém” chỉ được “trả” gần 10 tỉ USD – có nghĩa là dưới mức 10% hay gần 1% mỗi năm, không khác gì mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm (?!).

Các giáo sư hàng đầu thuộc Viện Kinh tế thế giới có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ) vừa đưa ra 3 đề nghị tiên quyết, nhằm thay đổi bức tranh u ám tại các quốc gia chậm phát triển hiện nay:

- Ưu tiên cung cấp ngày một nhiều nguồn nguyên – nhiên liệu thiết yếu với giá không đổi cho các nước này; đồng thời mua lại tài nguyên của họ theo hệ số trượt giá chung.

- Cố gắng tới năm 2010 kiến tạo các nước thế giới thứ ba làm ra được 25% tổng sản phẩm công nghiệp của cả thế giới; hay nói một cách khác là tập trung 1/4 tiềm năng kỹ nghệ của toàn cầu cho khối các quốc gia này.

- Thay đổi cơ cấu tiêu dùng lương thực trên hành tinh, giới hạn mức “tiêu xài” thực phẩm “lãng phí” tại các quốc gia phát triển.

Vấn đề cuối cùng, xin nêu một ví dụ: tại Mỹ, để có được thêm 1kg thịt gia súc loại ngon nhất, người ta đã “tiêu xài” cả 20kg ngũ cốc. Một người Mỹ trung bình sử dụng tới 1.400kg lương thực mỗi năm, so với 200kg/năm của một người tại các nước đang phát triển. Suy ra, mức tiêu thụ của dân chúng Mỹ có thể nuôi được 7 lần số dân của họ (chừng 1,5tỉ người).

Tóm lại, cuộc chiến để xóa bỏ sự đói nghèo trên hành tinh là công việc cực kỳ nan giải. Chỉ cần điểm xuyết vài vấn đề nổi cộm nói trên, đủ thấy tính chất phức tạp cùng những nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra cho loài người trong Thiên niên kỷ thứ ba.

“Bần cùng sinh đạo tặc”, mọi người cần ghi nhớ câu châm ngôn của người phương Đông này. Đói kém đi kèm dịch bệnh, kéo theo là hệ quả: chiến tranh – nhằm tìm kiếm cái ăn cho một “đạo quân” hàng trăm triệu người. Đó là một mối nguy tiềm ẩn cho cả nhân loại, bởi vậy, mọi người, mọi giới không phân biệt quốc tịch, cần phải bắt tay vào giúp cải thiện thực trạng bi đát tại các “vùng đói kém” hiện nay.

Mặt khác, các quốc gia đang “đủ ăn” cần phải luôn tăng cường công tác an ninh lương thực của mình, ngõ hầu tránh những hiểm họa đột xuất có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, và giúp các quốc gia còn đói nghèo

Từ khóa » Thừa Mứa Ra Là Gì