Nan Giải Việc Xử Lý Nạn Bèo Lục Bình Trên Sông - Báo Hà Tĩnh

Việc vớt bỏ bèo lục bình đang là nhiệm vụ cấp thiết nhưng cũng hết sức nan giải đối với các địa phương.

Bèo lục bình (có nơi gọi là bèo tây, bèo Nhật Bản) xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta từ hàng chục năm về trước, xuất phát từ việc một số địa phương du nhập từ các tỉnh phía Nam về trồng làm thức ăn cho gia súc; làm phân bón; nhiều người thả bèo vào ao làm nơi tránh nắng cho các loại thủy sản.

Mặt sông Ba Nái từ lâu đã trở thành một thảm bèo
Mặt sông Ba Nái từ lâu đã trở thành một thảm bèo

Bên cạnh những lợi ích nhất định, bèo lục bình hiện đang thực sự là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương. Cây bèo lục bình có đặc điểm là sinh sản rất nhanh, chỉ một vài cây giống ban đầu, sau một thời gian ngắn sẽ lan tràn ra kín mặt sông. Nếu không được trục vớt kịp thời, bèo sẽ phát triển thành mảng dày hàng mét choán kín cả lòng sông, gây tắc nghẽn dòng chảy, khó khăn trong việc tưới, tiêu, làm tăng lượng bốc hơi nước; giảm đa dạng sinh học và là nơi chứa đủ loại mầm bệnh.

Đặc biệt, các “rừng” bèo là nơi trú ngụ và sinh sôi hết sức lý tưởng của đàn chuột. Theo người dân dọc các tuyến sông, thủ phạm gây ra nạn chuột phá hại tăng lên đột biến trong những vụ mùa vừa qua, chính là từ các thảm bèo lục bình.

Bèo lục bình có mặt hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng nhiều nhất là ở các con sông của các địa phương như: Sông Ba Nái (Sông Già) thuộc địa phận huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Sông Én (Yến Giang) ở Lộc Hà, Sông Đò Bang ở Thạch Hà và nhiều con lạch, hói xen giữa cánh đồng. Theo đó hàng loạt địa phương cùng chung tác hại do bèo gây nên.

Có mặt tại những con sông này, chúng tôi không tin vào mắt mình khi những dòng sông trong mát ngày nào nay trở thành những thảm bèo mênh mông xanh ngắt một màu. Trên thảm bèo dày từ 1 - 1,5 mét, người bình thường có thể đi lại được dễ dàng.

Mặc dù các địa phương đã tập trung nhân lực và kinh phí để tổ chức vớt bèo trên sông, nhưng do lượng bèo quá lớn, sức người gần như không thể thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ.

Hàng trăm khối bèo đã được vớt; khắp các trục đường nội đồng, hai bên bờ sông bèo chất như núi nhưng kết quả đó cũng chỉ như muối bỏ biển; nếu không kịp làm vách ngăn, chỉ vài ngày sau khi vớt, thảm bèo lại gần như nguyên trạng. Ở những nơi vừa mới vớt bèo, hiện rõ màu nước đen kịt và bốc mùi hôi tanh do rễ bèo, xác bèo bị thối tích tụ lâu ngày.

Xã Hồng Lộc huy động đoàn viên thanh niên vớt bèo trên Sông Én
Xã Hồng Lộc huy động đoàn viên thanh niên vớt bèo trên Sông Én

Ông Mai Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc - Lộc Hà cho biết, trận mưa cuối tháng 6 vừa qua mặc dù không phải là quá lớn nhưng địa phương bị ngập lụt nặng nề với hàng trăm ha lúa bị hư hỏng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nạn bèo lục bình gây tắc dòng chảy của các con sông, đặc biệt là hơn 1 km bèo trên dòng Sông Én chạy qua địa bàn xã.

Để giải quyết vấn nạn này, xã đã huy động hàng ngàn người dân và bố trí kinh phí thỏa đáng để vớt bèo. Lượng bèo vớt được là khá lớn nhưng so với bèo trên sông thi quả không thấm tháp gì.

Không chỉ trên các con sông, ở xã Quang Lộc (Can Lộc) và một số địa phương khác, bèo còn dày đặc tại những hói, lạch; tràn cả vào các kênh mương dẫn nước và những thửa ruộng cận kề.

Bèo sống chung với lúa
Bèo sống chung với lúa

Hiện ở tại các trạm bơm nước, người dân phải tiến hành nhổ bèo và dùng sào tre ngăn tạm mới có phần mặt nước để sử dụng. Trận lũ vừa qua, mặc dù không bị ngập lũ nhiều nhưng những trảng bèo lớn đã trôi dạt và lấp nhiều diện tích lúa hè thu của địa phương.

“Trước vấn nạn bèo lục bình, xã đã tổ chức cho nhân dân tiến hành nhiều đợt trục vớt, tuy nhiên kết quả vẫn chỉ là con số không. Hiện năng lực của việc vớt bèo thủ công đã rất khó khăn, nhưng sau khi vớt bèo lên, chỗ tập kết bèo lại càng nan giải” - Ông Đặng Đình Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lộc bày tỏ.

Đã đến lúc phải đặt tình trạng nguy hại của nạn bèo lục bình trên sông đối với sản xuất nông nghiệp như những tác hại của các loại thiên tai, dịch bệnh khác.

Một tin vui đối với chính quyền và người dân các địa phương là mới đây, trước nạn bèo lục bình hoành hành khắp nơi, anh Phạm Đình Quỳnh ở thôn Ban Long, xã Quang Lộc, được sự đồng tình, hỗ trợ của chính quyền xã đã quyết định vào Nam liên hệ mua chiếc máy băm vớt bèo trị giá gần 1 tỷ đồng, hy vọng có thể dọn sạch bèo ở các dòng sông trên địa bàn tỉnh. Nếu không có gì thay đổi, trong ít ngày tới, chiếc máy băm bèo sẽ được hạ thủy và đi vào hoạt động, đem lại hy vọng cho việc giải quyết vấn nạn bèo lục bình trên sông.

Từ khóa » Tác Hại Của Lục Bình