Nạn Khấn Thuê, Dịch Quẻ Thẻ "bao Vây" Các Lễ Hội - CAND

Khu di tích đền thờ tổ mẫu Âu Cơ (tại thôn Việt Hồng, xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) ngày 23/2 khá đông khách hành hương. Phần lớn du khách đến Đền Hùng cũng đều qua đền thờ Âu Cơ làm lễ trước. Đây được coi là vùng đất linh thiêng, gắn với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng. Nhưng, cũng vì truyền thuyết đó mà nhiều người dân đã lấy đây làm cơ hội để kiếm tiền, phá vỡ sự linh thiêng vốn có ở khu di tích này.

Khoảng sân rộng trước đền thờ dành riêng cho khách hành lễ. Ghế đá dành cho khách tham quan nghỉ ngơi biến thành nơi hành nghề của hàng chục người "dịch" quẻ thẻ. Người trẻ có, già có, phụ nữ, đàn ông đều có cả. Đặc điểm chung của họ là mỗi người đều có một chiếc kính, người thì đeo, người thì cầm trên tay. Họ ngồi thành hàng, thành lối, kê cả ghế nhựa để ngồi và chuẩn bị sẵn chỗ cho khách. Khi thấy khách từ nơi xóc quẻ thẻ bước ra với mảnh giấy nhỏ trên tay, tất cả đồng loạt vẫy tay gọi với: "Đọc quẻ đi em, chị giải thích cho", "xem quẻ có đẹp không nào?", "ra đây ông dịch cho"… Có người không chịu ngồi chờ khách mà bám riết lấy khách để mời chào.

Đáp lại nhiệt tình của "đội quân" này, nhiều khách cũng đưa quẻ của mình cho họ "dịch" hộ. Nhưng, có để ý họ "dịch" thì chúng tôi mới thấy sự nực cười trong cách kiếm tiền lợi dụng tâm linh hết sức gò ép này.

"Trời ơi! Chú là người may mắn lắm đấy!" - người đàn ông dịch quẻ dưới gốc đa thốt lên khiến người khác phải đổ dồn mắt vào. Thì ra anh thanh niên trẻ vừa xóc quẻ được số 1. Ông dịch quẻ giải thích: "Hàng trăm người mới có một người lấy được quẻ này. Hiếm hoi lắm! Quẻ này cực tốt, chú cứ đọc là biết ngay, nhưng để tôi giải thích thêm cho rõ". Nói rồi ông này đọc lại quẻ, phân tích thêm ra rồi kết một câu: "Chú phải gập đôi vào thế này này, kẹp 5.000 đồng vào giữa rồi đặt lên bàn thờ tạ lễ. Không tạ lễ là không được đâu. Có hàng trăm người về rồi phải quay lại tạ lễ đấy!". Nghe ông này nói, anh thanh niên tỏ ra rất vui và không quên tặng ông "phiên dịch" 20.000 đồng rồi vào phía trong tạ lễ. Thông thường, khách nhờ dịch quẻ tại đây trả công "phiên dịch" tùy tâm, mức chung chỉ là 5.000 đồng.

Càng để ý, chúng tôi mới càng thấy cách nói của những người "phiên dịch" này thật ngây ngô và buồn cười (một phần cũng bởi nội dung quẻ dùng từ ngữ lủng củng). Thực ra, không phải là họ dịch mà là đọc lại quẻ rồi "nói thêm cho rõ" theo kiến thức hiểu biết của họ.Ví như, một người đàn bà "dịch" cho cô gái trẻ: "Chủ một thì không bệnh cảm tả" - nghĩa là: "Năm nay cô chỉ bị cúm sơ qua thôi chứ không bệnh tật gì". Quả thật, đọc hai câu ấy tôi chẳng hiểu gì cả, mà nghe bà "phiên dịch" tôi cũng không hiểu tại sao bà giải thích như thế.

Kiểu giải quẻ theo cách như trên đã xuất hiện ở rất nhiều đền chùa, lễ hội miền Bắc. Tại đền Sái (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng có tới hơn chục thầy giải quẻ như thế. Hiện tượng trên đang trở thành vấn nạn tại các di tích và lễ hội đầu năm.

Đội quân dịch quẻ thẻ đông đảo ở đền Âu Cơ.

Không chỉ xuất hiện dịch vụ "phiên dịch" mới, tại rất nhiều đền chùa hiện nay còn có tình trạng khấn thuê, làm giảm đi giá trị tâm linh của đền chùa. Điểm nổi tiếng nhất của hiện tượng này phải kể đến là đền Bà Chúa Kho ở TP Bắc Ninh. Đội quân khấn thuê ở đây cũng phải tới vài chục người, hầu hết là phụ nữ. Họ không ngồi chờ khách nhờ khấn mà còn tiếp cận tận nơi, nài nỉ khách khấn thuê. Nếu có người nhờ khấn, họ sẽ vừa khấn và xin âm dương với lời khấn rất to, đặc sệt sự xin xỏ, cầu cạnh thần Phật.

Ngay cả Đền Hùng (ở tỉnh Phú Thọ) những ngày này mặc dù lượng khách về lễ chưa đông nhưng cũng có người thường trực khấn thuê cho khách. Lẽ ra, việc đi lễ là xuất phát từ cái tâm của người làm lễ, tại sao lại phải nhờ người khác lễ hộ?

Sự xô bồ, chen lấn, xô đẩy, xả rác, nhét tiền vào tay Phật… cãi chửi nhau trước cửa Phật, bán hàng ép khách, bán đồ rởm, thuốc rởm, sách lậu… tại các di tích và lễ hội đầu năm đang khiến cho lễ hội mất đi không gian văn hóa cần có.

Tại đền Âu Cơ, có người phụ nữ tay dang rộng, mồm khấn to liên hồi xin "tỷ tám" khiến người chứng kiến thấy rất phản cảm. Hay tại chùa Hương người ta xẻ thịt bán dọc đường, bán băng đĩa hài nội dung không hợp với sự linh thiêng của chùa… Đó là những hạt sạn cần phải dọn sạch để trả lại môi trường văn hóa cho di tích, lễ hội. Đối với đội quân dịch quẻ thẻ, khấn thuê, Ban tổ chức các di tích, lễ hội cần dẹp bỏ ngay, tránh để họ gây nhốn nháo, phức tạp nơi đền chùa.

"Cò mồi" dẫn khách để ép mua hàng

Ngày 22/2, anh Nguyễn Trọng L ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cùng bạn bè đến thăm quan chùa Thầy ở Quốc Oai, Hà Nội. Đoàn anh L. vừa bước xuống xe, đã có một số phụ nữ mặc áo sang trọng, ngực có đeo thẻ nhưng lại lật ngược vào trong nên anh L không biết tên tuổi cũng như là người của công ty du lịch nào. Một người phụ nữ nhanh nhẹn bước tới nhận dẫn đường và đưa lễ, đặt lễ cho đoàn anh L. Khi nhắc đến giá cả, người phụ nữ này xua tay: "Các bác yên tâm, chủ yếu là làm lấy lộc cho các bác chứ tiền nong quan trọng gì". Mọi người đều tỏ ra phấn khởi vì đầu năm đi lễ đã gặp may.

Tuy nhiên, sau khi lễ xong, người phụ nữ này dẫn đoàn anh L. đến một quầy bán hàng lưu niệm. Khi đoàn khách anh L. tỏ ý không muốn mua vì giá các mặt hàng lưu niệm ở đây đều được "hét" gấp 3, gấp 4 so với các cửa hàng khác thì có một nhóm người đàn ông cơ bắp, mặt mũi bặm trợn sẵn sàng dọa nạt, to tiếng. Họ yêu cầu mỗi người đều phải mua một thứ đồ lưu niệm Thế là, cực chẳng đã, đoàn của anh L. - mỗi người phải mua một thứ quà. Bản thân anh L. mua một chiếc vòng đeo cổ dây mặt nhựa cứng với giá hơn một trăm nghìn đồng. Và, một lẽ đương nhiên, người hướng dẫn viên du lịch cũng "xin" 50.000 đồng tiền dẫn dắt.

Thực tế cho thấy, đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở nhiều điểm thăm quan, lễ hội. Nhiều đối tượng "cò mồi" lợi dụng khách thập phương để dẫn dắt rồi ép mua hàng với giá "chặt sắt, cắt thép". Đề nghị mọi người cảnh giác với những chiêu "cò mồi" tránh mất tiền đầu năm chuốc bực mình vào người.

N.H.

Từ khóa » Giải Quẻ Số 02 đền Mẫu Hưng Yên