Nâng Cấp Cửa Khẩu Chàng Riệc: Vì Biên Giới Bình Yên Và Phát Triển

Tập kết nông sản tại chợ Chàng Riệc.

Trong cuộc họp mới đây tại UBND tỉnh, nhà tư vấn thuộc Phân viện Quy hoạch đô thị- nông thôn miền Nam đã trình bày đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) cửa khẩu Chàng Riệc thuộc Khu dân cư Chàng Riệc, huyện Tân Biên. Trong đó nêu rõ: Khu dân cư Chàng Riệc nằm giáp biên giới 2 tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) và Kampong Cham (Campuchia). Liên hệ giữa Tây Ninh và Kampong Cham qua đường Trung ương Cục, khoảng cách từ cửa khẩu Chàng Riệc đến thành phố Tây Ninh khoảng 45km. Việc cửa khẩu Chàng Riệc hình thành sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu thương mại của huyện Tân Biên, phân bố lại sản xuất và dân cư ở các bên giáp cửa khẩu, khơi dậy tiềm năng và phát huy nội lực của tỉnh Tây Ninh. Do đó, việc quy hoạch chi tiết Khu dân cư Chàng Riệc, cửa khẩu Chàng Riệc là cần thiết, có tác dụng thúc đẩy quá trình đô thị hoá vùng quê biên giới Tân Biên nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia biên giới. Mục tiêu chung là cụ thể hoá hệ thống cửa khẩu quốc gia, cụ thể hoá định hướng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới, hình thành một đô thị mới trong tương lai và mục tiêu cụ thể là hình thành một không gian cửa khẩu Chàng Riệc nối với các khu chức năng, khu quản lý cửa khẩu, khu thương mại, dịch vụ công cộng, khu bảo thuế, khu ở và khu cảnh quan. Qua đó tăng cường mối quan hệ giữa nước ta với nước bạn, trên cơ sở hợp tác kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ, kết hợp giữ gìn tốt an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và cải thiện đời sống người dân. Ngoài ra, cửa khẩu Chàng Riệc còn có các mục tiêu chiến lược như: xây dựng một mô hình đô thị cửa khẩu, hình thành khu quản lý cửa khẩu; hình thành khu thương mại dịch vụ công cộng, hình thành khu ở khoảng 14.000 dân, phục vụ cho công tác đô thị hoá vùng biên giới; xây dựng một hệ thống hạ tầng khung giao thông chính: tỉnh lộ 792, trục Trung ương Cục qua Campuchia; hình thành hệ thống hạ tầng xã hội đồng bộ phục vụ toàn Khu dân cư Chàng Riệc; hình thành không gian mở, đáp ứng nhu cầu về du lịch và thương mại.

Vị trí cửa khẩu Chàng Riệc trên biên giới Tây Ninh.

Theo nhà tư vấn, cửa khẩu Chàng Riệc nằm ở phía Đông Khu dân cư Chàng Riệc, có quy mô 285 ha, là cửa khẩu quốc gia, tiến tới hình thành đô thị loại V trong tương lai, với phân bổ quỹ đất theo chức năng và cơ cấu tổ chức không gian như: khu quản lý cửa khẩu, đồn biên phòng- quy mô 30,42 ha, chiếm 10,67% diện tích khu đất; khu thương mại, dịch vụ công cộng, dịch vụ hỗn hợp, du lịch, cơ quan, văn phòng- quy mô 58,71 ha, tỷ lệ 20,6% diện tích khu đất; khu chợ thương mại, trung tâm thương mại tổng hợp ở phía Tây, giáp ngã tư trục tỉnh lộ 792 và Trung ương Cục, thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá qua lại giữa hai nước và trong khu vực. Đây sẽ vừa là nơi tham quan, mua sắm cho khách du lịch từ Kampong Cham (Campuchia) sang và du khách trong nước đến biên giới. Các công trình dịch vụ công cộng như: bưu điện, ngân hàng, trạm xăng, các văn phòng đại diện bố trí trên tỉnh lộ 792 và Khu di tích Trung ương Cục, cơ quan hành chính khu vực, nhà văn hoá, phòng khám đa khoa, trường dạy nghề, trường THPT bố trí trên các trục đường chính, bảo đảm phục vụ sinh hoạt nhân dân toàn khu dân cư; khu bảo thuế quy mô 20,04 ha, tỷ lệ 7% diện tích đất; khu ở quy mô 41,57 ha, trong đó: công trình phục vụ công cộng 2,86 ha, nhà ở 38,71 ha, công viên cây xanh 6,46 ha. Khu nhà ở phục vụ cho khoảng 14.000 dân, chỉ tiêu bình quân 27,65m2/người, với 4 loại hình: nhà ở liên kế, nhà ở biệt thự, nhà ở tái định cư và chung cư thấp tầng. Ngoài ra, nhà tư vấn còn trình bày cụ thể về công trình cây xanh, phương pháp thoát nước, quy hoạch hệ thống thoát nước, giải quyết về vệ sinh môi trường... Điểm mạnh của cửa khẩu Chàng Riệc là có tỉnh lộ 792 đi ngang qua khu đất nối quốc lộ 22B đi thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia; địa hình tự nhiên khá bằng phẳng, thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng, dân cư thưa thớt nên thuận lợi trong việc đền bù, giải toả mặt bằng và có thể sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn điểm yếu là hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật yếu kém, thô sơ.

Nhà tư vấn phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013 - 2020) sẽ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên các trục giao thông đối ngoại: tỉnh lộ 792, đường từ Khu di tích Trung ương Cục sang Campuchia; xây dựng các công trình phục vụ cửa khẩu: quốc môn, trạm kiểm soát liên hợp, trung tâm quản lý cửa khẩu, chợ thương mại (chợ đường biên), trung tâm thương mại, các kho bãi nhập khẩu và tái chế; xây dựng một phần các công trình dịch vụ công cộng: bưu điện, ngân hàng, cây xăng... bố trí tái định cư, xây dựng các dãy nhà liên kế thương mại và một số công trình dịch vụ công cộng (nhà trẻ, trường học các cấp, hành chính khu vực) để phục vụ người dân. Giai đoạn 2 (2020 - 2025) tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại. Theo nhà tư vấn, tổng hợp kinh phí đầu tư khoảng 4.882 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là khoảng 2.100 tỷ đồng.

Các đại biểu dự họp về cơ bản thống nhất theo đồ án quy hoạch, vì đây là cửa khẩu quan trọng, đóng góp rất nhiều cho ngân sách tỉnh. Với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hằng năm: 2011 đạt trên 262 triệu USD, 2012 đạt trên 344 triệu USD, năm 2013 đạt trên 378 triệu USD, vượt qua hai cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, nên khi trở thành cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu Chàng Riệc sẽ đóng góp ngân sách cho tỉnh nhà nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, có đại biểu còn băn khoăn về vấn đề môi trường khi chưa thấy thể hiện điều này cụ thể trên bản vẽ, và đề nghị cần xác định điểm để làm trạm cấp nước và thoát nước. Cấp nước phải được đặt ở địa hình cao, thoát nước đặt ở địa hình thấp, phải có hệ thống xử lý nước thải ở gần khu dân cư. Vấn đề mật độ cây xanh như thế nào, trồng tập trung và phân tán ra sao cũng được đặt ra. Còn thêm đề nghị là phải đầu tư hệ thống giếng khoan nhiều hơn nữa để hạ giá nước, tạo điều kiện cho dân sử dụng được nhiều hơn. Có đại biểu đề nghị xem lại một số hạng mục trong quy hoạch, như khu dân cư mà quy hoạch kho bạc là chưa hợp lý, tại cửa khẩu mà quy hoạch trường dạy nghề là không thực tế. Ngoài ra, cần xem xét công trình nào bức xúc nhất ưu tiên thực hiện trước, phải có đề án cụ thể từng giai đoạn để không bị động khi thực hiện.

Trạm thu mua nông sản của một công ty miền Đông Nam bộ tại cửa khẩu Chàng Riệc.

Nhà tư vấn ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu và giải trình thêm: về phương pháp thoát nước, sẽ tổ chức thoát nước bám sát theo hướng dốc địa hình: lưu vực phía Nam đường 792 thoát theo hướng Tây Nam; lưu vực phía Đông đường 792 thoát ra hướng Đông. Nước mưa sau khi thoát ra khỏi mạng lưới sẽ tự chảy theo địa hình tự nhiên rồi thấm vào đất. Dự kiến quy hoạch thiết kế hệ thống thoát nước có bồn riêng; nước bẩn từ nhà dân, các công trình công cộng sẽ được xử lý bằng bể tự hoại trước khi thải ra cống, thu gom về đoạn xử lý nước bẩn chung; nước bẩn phải đạt QCVN 14-2008/BTNMT trước khi thải ra suối. Để giải quyết vấn đề môi trường, nhà tư vấn dự kiến rác thải khoảng 11 - 12 tấn/ngày, rác được phân loại vô cơ và hữu cơ. Rác vô cơ sẽ thu gom tái chế để giảm tải các hố chôn, rác hữu cơ được đưa đến bãi chôn lấp để xử lý.

Sau khi nghe phát biểu giải trình của nhà tư vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ kết luận: thống nhất đồ án quy hoạch, Khu dân cư Chàng Riệc có cửa khẩu Chàng Riệc là phù hợp, quy hoạch phải kết hợp hài hoà giữa 2 tỉnh giáp biên giới, đồng thuận quy hoạch kết nối hạ tầng, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng xem xét, cần dồn lực xây dựng như thế nào cho hợp lý. Cửa khẩu Chàng Riệc rất ít nước, tỷ lệ cây xanh cần tăng thêm vì khu vực này rất nắng, nóng; địa phương cần định hướng trồng cây gì, trồng tập trung, phân tán thế nào; phải tính toán cụ thể việc xây dựng trường lớp cho phù hợp, tránh lãng phí; giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với ngành liên quan đề ra kế hoạch thực hiện Quyết định 1490 của Thủ tướng Chính phủ.

Tây Ninh có vị trí quan trọng trong việc giao lưu quốc tế giữa Việt Nam – Campuchia và các nước Đông Nam Á, có hành lang kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng của quốc gia và các nước trong khu vực đi qua (tuyến Xuyên Á quốc lộ 22 và 22B). Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc nâng cấp thành công cửa khẩu Chàng Riệc sẽ giúp cho kinh tế vùng biên phát triển, góp phần ổn định an ninh quốc phòng biên giới.

DUY ĐỨC

Từ khóa » Chàng Riệc đa Thuộc