Nâng Tầm Giải Pháp để Kinh Tế Việt Nam Phục Hồi Và Phát Triển Bền ...

PV: Thưa Bộ trưởng, trải qua năm 2021 đầy gian nan thách thức, nền kinh tế nước ta về đích với 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm. Nhiều ý kiến đánh giá rất cao các giải pháp chính sách được Chính phủ ban hành trong năm 2021, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó. Là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, xin Bộ trưởng chia sẻ đôi điều về giải pháp chính sách giúp nền kinh tế đạt được những kết quả tích cực trong năm vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ, trong năm 2021, bám sát quan điểm của Đảng, Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng, trình ban hành nhiều văn kiện, tài liệu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là khung khổ, định hướng để phát triển đất nước, đó là: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và đầu tư công 5 năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Chương trình hành động, cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Quốc hội, đó là các Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 20/5/2021; Nghị quyết số 99/NQ-CP, ngày 30/8/2021. Cùng với đó là cụ thể hóa các mục tiêu phát triển trong quá trình triển khai xây dựng các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tỉnh; tạo nền tảng và cơ sở để các ngành, các cấp cụ thể hóa các chiến lược, kế hoạch trung hạn và ngắn hạn của ngành và cấp mình.

Đây là căn cứ quan trọng để triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức của dịch bệnh, đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian qua.

Cụ thể, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến người dân, doanh nghiệp, qua đó, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp ban hành kịp thời, trong đó có các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, như: chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ...; chính sách chung về thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 105/NQ-CP, Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ… Các chính sách trên đã góp phần hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân, người lao động, doanh nghiệp, nhất là các chính sách gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ, thanh toán; giảm tiền điện, nước, viễn thông...

Bám sát diễn biến dịch bệnh và tốc độ tiêm vaccine, từ giữa tháng 10/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển hướng chiến lược kịp thời để ứng phó với dịch Covid-19 với việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là quyết sách và là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế trong quý IV/2021 và năm 2022. Chính sách có tác động ngay tới sản xuất, kinh doanh, được dư luận xã hội đánh giá là chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân, doanh nghiệp.

Các chính sách được Chính phủ ban hành kịp thời, hợp lòng dân, đã giúp tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58%. Kim ngạch xuất - nhập khẩu lập kỷ lục với 668,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đặc biệt, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 - mức tăng thấp nhất 5 năm trở lại đây... Kết quả của năm 2021 cho phép chúng ta tự tin đã chọn đúng giải pháp đưa nền kinh tế vận hành trơn tru trở lại, thiết lập nên trạng thái bình thường mới và tiếp tục hướng đến các mục tiêu phát triển của năm 2022 cũng như các năm tới đây.

.

Từ khóa » Giải Pháp Tăng Gdp