Não úng Thủy ở Trẻ Sơ Sinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị

Não úng thủy ở trẻ sơ sinh là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất ở trẻ nhỏ. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng đã có cách điều trị. Bạn cần phòng ngừa bệnh ngay từ lúc mang thai.

Đầu năm 2017, câu chuyện về cậu bé bị não úng thủy Phạm Đức Lộc bị bỏ rơi ở cửa chùa được nhà sư cưu mang và giúp điều trị đã khiến cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ. Trước đây, căn bệnh này dường như rất ít người biết đến. Bệnh não úng thủy khiến cho phần đầu trẻ phình to bất thường do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bệnh não úng thủy là gì?

Não úng thủy là tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy (CSF), khiến não và sọ sưng lên. Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt bao quanh não và tủy sống, có vai trò cung cấp dưỡng chất cho não.

Dịch não tủy được hình thành chủ yếu trong hệ thống não thất do sự tiết của đám rối mạch mạc. Đám rối này nằm trong hai não thất bên, não thất ba và não thất bốn nhưng chủ yếu là trong hai não thất bên. Từ não thất, dịch não tủy sẽ di chuyển đến các bộ phận của hệ thần kinh.

Nguyên nhân gây não úng thủy ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân khiến bé bị não úng thủy phụ thuộc vào loại bệnh não úng thủy mà bé mắc. Cụ thể:

1. Não úng thủy bẩm sinh:

Tình trạng này xảy ra khi bé chào đời vì những lý do sau:

  • Giãn não thất (Ventriculomegaly): Đây là tình trạng não thất lớn hơn bình thường do khuyết tật bẩm sinh. Điều này khiến dòng chảy của dịch não tủy trở nên bất thường, gây ra não úng thủy.
  • Hẹp cống não: Các ống nối các phần của não thất bị hẹp, do đó ngăn cản dòng chảy của dịch não tủy.
  • Nang màng nhện: Các túi nang chứa dịch não tủy phát triển bất thường trong lớp màng nhện (một lớp màng bao phủ não). Nang màng nhện có liên kết với não thất, ảnh hưởng đến áp lực của dịch não tủy.
  • Nứt đốt sống: Đây là một dị tật ống thần kinh. Thuật ngữ này mô tả gai xương bị hở hay cột sống có phần không kín hoàn toàn. Điều này khiến tủy sống và phần còn lại của hệ thần kinh hình thành bất thường. Dư thừa dịch não tủy là một trong số các bất thường của tình trạng này.
  • Người mẹ bị nhiễm trùng trong thời gian mang thai: Nếu mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng trong thời gian mang thai thì nguy cơ sinh con bị não úng thủy sẽ tăng. Các bệnh như sởi, rubella, quai bị… có thể liên quan đến tình trạng não úng thủy ở trẻ.

2. Não úng thủy sau khi chào đời

Ngoài tình trạng bẩm sinh, cũng có những đứa bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh nhưng sau đó lại phát triển bệnh não úng thủy. Nguyên nhân của điều này là do:

  • Xuất huyết não thất: Chảy máu trong não khiến máu chảy vào não thất, trộn với dịch não tủy, làm tăng áp suất chất lỏng. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh non và hiếm khi xảy ra ở các bé sinh đủ tháng.
  • Chấn thương đầu có thể gây chảy máu trong não thất dẫn đến chứng tràn dịch não.
  • Nhiễm trùng: Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến chứng tràn dịch não.
  • Hấp thu dịch não tủy kém: Dịch não tủy chảy qua các tâm thất trái nhưng dòng máu không thể hấp thu lượng dịch dư thừa do các khuyết tật trong não thất.

Bệnh tràn dịch não có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt thời kỳ thơ ấu của trẻ.

Các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị não úng thủy

não úng thủy ở trẻ sơ sinh

  • Đầu bé sưng bất thường: Đây là dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất. Đường kính của đầu tăng theo từng ngày. Sọ sẽ mở rộng, căng phồng, mềm, có thể cảm nhận được khi sờ vào đầu. Ngoài ra, tình trạng này có thể khiến đầu bé trở nên hơi kỳ quặc và bất thường so với kích thước cơ thể.
  • Tách xương sọ: Bạn có thể thấy các vết nứt xuất hiện ở các phần khác nhau. Đây là những đường nối xương sọ nằm bên dưới da.
  • Mắt bé nhìn lệch xuống: Bé luôn nhìn xuống mà không di chuyển mắt nhiều.
  • Chán ăn và nôn: Bé sẽ không chịu ăn uống. Nôn mửa trở nên phổ biến.
  • Khó chịu và động kinh: Trẻ sơ sinh trở nên tức giận và thường xuyên bị động kinh.

Chẩn đoán bệnh não úng thủy

Bác sĩ sẽ chẩn đoán não úng thủy thông qua các bước sau:

  • Kiểm tra sức khỏe: Bác sĩ sẽ đo chu vi đầu của trẻ sơ sinh và kiểm tra xem có sự tăng trưởng bất thường hay không. Đôi mắt của bé cũng sẽ được kiểm tra để xác định xem bé có nhìn lệch xuống hay không.
  • Siêu âm: Bác sĩ sẽ siêu âm đầu bé. Các sóng siêu âm sẽ tạo thành hình ảnh của não để quan sát xem dịch não thủy có tích tụ hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), sử dụng nhiều hình ảnh X-quang để tạo ra hình ảnh ba chiều của não. Nó giúp bác sĩ phát hiện chính xác vị trí sưng. Chụp CT mất khoảng 20 phút và yêu cầu bé phải nằm yên. Do đó, bác sĩ có thể cho bé uống thuốc an thần trước khi chụp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là xét nghiệm sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh ba chiều của não. Hình ảnh này sẽ cho thấy chính xác mọi bộ phận của não. Quá trình chụp MRI có thể tốn đến một giờ tùy thuộc vào loại thiết bị.

Bệnh não úng thủy có chữa được không?

Cách duy nhất để điều trị bệnh này là phẫu thuật. Không có thuốc nào có thể chữa được bệnh này. Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật cấy ống shunt: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho trẻ sơ sinh bị tràn dịch màng não. Bác sĩ sẽ dùng một ống dài, giống như ống thông, được làm từ silicone đặt vào bên trong não thất nơi dịch não tủy tích tụ. Ống thông này sẽ chuyển hướng dịch não tủy ra khỏi não. Khoang cơ thể để chuyển dịch dư thừa thường là khoang phúc mạc. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ gắn 1 chiếc van tại một điểm gần não thất. Chiếc van này sẽ điều khiển dòng chảy và áp lực của dịch não tủy thoát ra khỏi não thất. Không những vậy, nó còn có tác dụng ngăn ngừa dòng chảy ngược của dịch não tủy vào não thất khi bệnh nhân thay đổi vị trí.
  • Nội soi phá sàn não thất 3: Bác sĩ sẽ rạch 1 đường ở não thất và chèn một máy dò để nhìn vào bên trong hệ thống não thất. Điều này cho phép các bác sĩ tạo ra 1 con đường mới cho dòng chảy dịch não tủy. Phương pháp này ít gây đau đớn nhưng ít hiệu quả với trẻ sơ sinh.

Ngăn ngừa não úng thủy ở trẻ sơ sinh

ngan-ngua-benh-nao-ung-thuy

Không có cách nào để ngăn ngừa chứng tràn dịch não mặc dù bệnh này được phát hiện khá sớm khi bé còn ở trong bụng mẹ. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm ra cách để ngăn ngừa và chữa trị bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể làm một số việc sau để giảm bớt rủi ro:

  • Khám sức khỏe định kỳ trong thời gian mang thai. Không bao giờ bỏ lỡ buổi hẹn của bác sĩ khi bạn mang thai và theo sát lịch trình siêu âm. Phát hiện sớm sẽ khiến cho cơ hội sống của bé tăng lên.
  • Tiêm phòng khi mang thai. Tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ về việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh. Bảo vệ bản thân khỏi những căn bệnh thông thường để giảm các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
  • Bảo vệ bé không bị chấn thương đầu: Loại bỏ những vật thể không an toàn khi bé tập bò, tập đi. Sử dụng nôi có lan can bảo vệ hoặc thanh chắn để ngăn không cho bé bị ngã. Khi đi du lịch bằng ô tô, sử dụng ghế an toàn dành cho trẻ em.
  • Tiêm chủng cho trẻ. Bảo vệ bé khỏi bệnh tật có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa về lịch tiêm phòng và theo sát nó.

Bệnh não úng thủy có thể kéo dài suốt đời nhưng đa số các bé đều vượt qua được. Hãy nhớ cảnh giác về bất kỳ biến chứng nào sau khi điều trị và đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ. Bệnh tràn dịch não phức tạp nhưng can thiệp kịp thời sẽ giúp bé có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Hình ảnh Em Bé Bị Não úng Thuỷ