Phẫu Thuật Thành Công Trẻ Sinh Cực Non Bị Não úng Thủy, đa Biến ...
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua BVĐK Tâm Anh đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi sinh cực non bị não úng thủy kèm đa biến chứng nguy hiểm. Một ngày sau phẫu thuật, tình trạng em bé ổn định, có thể tự thở mà không cần máy hỗ trợ.Bệnh nhi sinh non 25 tuần 6 ngày, nặng 850gr, bị não úng thủy và nhiều bệnh nguy hiểm, được các bác sĩ BVĐK Tâm Anh đặt ống dẫn lưu dịch não tủy ngay giữa ngày giãn cách, nuôi sống khỏe mạnh.
Cuộc đại phẫu cứu trẻ sinh cực non kèm bệnh lý phức tạp
Mang song thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đến 25 tuần 6 ngày, chị Nguyễn Thị Quỳnh Thi (38 tuổi, Quận 2, TPHCM) bị xuất huyết âm đạo phải nhập viện cấp cứu. Tại một bệnh viện tuyến cuối về Sản phụ khoa ở TP.HCM, bác sĩ thông báo một thai đã tử vong trong bụng mẹ và phải mổ khẩn để cứu em bé còn lại.
Sinh cực non ở 26 tuần, bé chỉ nặng 850gram, mang rất nhiều bệnh lý bẩm sinh phức tạp. Sau một tháng điều trị tại bệnh viện, dù đã dùng nhiều loại kháng sinh nhưng tình trạng của bệnh nhi không tiến triển, phải thở máy kéo dài, tiên lượng xấu, nhiều khả năng không qua khỏi. Bệnh viện nơi bé điều trị lại quá tải do dịch bệnh Covid-19, nên các bác sĩ gợi ý nếu được chuyển đến một bệnh viện chuyên chăm sóc trẻ sinh non sẽ tốt hơn cho bé.
Ngay khi nhận được cuộc gọi cầu cứu từ gia đình bệnh nhi, ekip bác sĩ Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã xác định đây là ca bệnh phức tạp cần có thêm nhiều đánh giá chuyên sâu. Bệnh nhi mắc cùng lúc nhiều bệnh lý do sinh non như: bệnh màng trong (Hội chứng nguy kịch hô hấp ở trẻ sinh non – RDS), xuất huyết trong não thất, nhiễm trùng sơ sinh, bệnh lý võng mạc (ROP)…
TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: Ngay khi nhận được cuộc gọi từ gia đình bệnh nhi, ekip bác sĩ Sơ sinh đã liên hệ với bệnh viện sản đang điều trị để phối hợp, tìm hiểu thông tin bệnh án. Bệnh nhi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lên phương án tiếp tục điều trị và theo dõi các bệnh lý sơ sinh. Qua thông tin thu nhận được về tình trạng xuất huyết trong não thất độ III, các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh nghi ngờ bé gặp tình trạng não úng thủy mắc phải sau xuất huyết não.
“Xuất huyết não thất độ I chỉ ghi nhận những xuất huyết nhỏ khu trú ở đám rối màng mạch máu, xuất huyết chỗ đám mao mạch, còn ở độ II đã thấy xuất huyết trong não thất nhưng chưa nhiều, chưa gây giãn não thất. Ở bệnh nhi đã bị xuất huyết độ III, lúc này xuất huyết trong não thất nhiều và có gây giãn não thất. Xuất huyết sẽ gây nên hiện tượng viêm, làm thay đổi cấu trúc thành não thất và hậu quả là làm rối loạn dẫn lưu và tái hấp thu dịch não tủy. Lượng lớn dịch não tủy ứ trệ trong các não thất làm não thất càng ngày lớn ra, làm tăng áp lực nội sọ và chèn ép nhu mô não” bác sĩ Chương cho biết.
Xuất huyết trong não thất rất đáng lo ngại ở trẻ sinh non, do đó, ngay khi phát hiện bé bị ở mức độ nặng (độ III, nặng nhất là độ IV), Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM liền tư vấn với người nhà về các nguy cơ và chuẩn bị tinh thần để cùng bác sĩ theo dõi và chăm sóc cho bé.
Được nhập viện điều trị tích cực tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh, tình trạng hô hấp của bé dần cải thiện. Từ việc phải thở máy, bé được cai dần qua thở NCPAP, thở oxy lưu lượng thấp và sau cùng bé đã tự thở được hoàn toàn và không cần hỗ trợ. Bé cũng dung nạp sữa nuôi ăn qua ống thông tiêu hóa tốt hơn và bắt đầu tự bú được một ít. Tuy nhiên, đúng như chẩn đoán ban đầu, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ.
Với kinh nghiệm, sự nhạy bén của người thầy thuốc, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương nhận thấy tri giác của bé càng ngày kém; mắt bé không còn linh hoạt như những ngày trước. Mắt bé hầu như chỉ nhìn xuống – đây là dấu hiệu mặt trời lặn chỉ điểm áp lực nội sọ đang tăng. Khi sờ thóp của bé, độ căng có tăng hơn so với những lần khám trước đó. Tốc độ tăng vòng đầu quá nhanh, trong khi ở trẻ bình thường, vòng đầu chỉ tăng khoảng 0,9cm/tuần thì vòng đầu của bé tăng từ 30cm lên 36cm chỉ trong 2 tuần, đến khi đưa vào phòng mổ thì vòng đầu lên tới 37,2 cm. Dựa vào các chỉ số chu vi vòng đầu trên biểu đồ Tăng trưởng Fenton cho trẻ sinh non, bác sĩ Chương cũng nhận thấy chỉ số vòng đầu của bé tăng quá đột ngột. Nếu những ngày trước, chỉ số vòng đầu còn nằm ở ngưỡng dưới 10th percentile, nhưng trong 1 tuần đã vượt lên trên 90th percentile”.
Thực hiện siêu âm xuyên sọ bằng máy siêu âm 4D màu Logiq F6, ghi nhận não thất ba và hai não thất bên của bé giãn rất lớn, có vùng nhu mô não chỉ còn một lớp mỏng. Từ những kết quả trên, bệnh nhi được chẩn đoán não úng thủy cấp và được hội chẩn với bác sĩ Phan Minh Trí, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Nhanh chóng, các bác sĩ Nhi – Sơ sinh, Ngoại Thần kinh Nhi và Gây mê Hồi sức đã hội chẩn để mổ sớm cho bé, bởi tình trạng não úng thủy sẽ tác động xấu đến phát triển thần kinh của trẻ nếu không can thiệp kịp thời.
TS.BS Cam Ngọc Phượng – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Bệnh não úng thủy khá phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe trong điều trị, đặc biệt đảm bảo trẻ không bị nhiễm trùng sơ sinh. Chỉ có những cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn về kiểm soát nhiễm khuẩn, đội ngũ gây mê hồi sức chuyên nghiệp và chuyên gia giỏi của khoa Ngoại thần kinh nhi phẫu thuật mới tránh được tối đa các rủi ro như đặt ống thông không đúng vị trí có thể xuyên các tạng khác, gây tắc nhiễm trùng…”
Sau khi hội chẩn nhiều chuyên gia Chẩn đoán hình ảnh, Sơ sinh, Gây mê hồi sức và Ngoại Thần kinh nhi trong và ngoài viện, nhận thấy bé đủ điều kiện sức khỏe và bệnh viện đầy đủ trang thiết bị cho cuộc mổ phức tạp này, các bác sĩ Nhi – Sơ sinh, Ngoại Thần kinh Nhi và Gây mê Hồi sức đã quyết định mổ sớm, can thiệp kịp thời, ngăn tình trạng não úng thủy diễn tiến gây ảnh hưởng nặng nề lên hệ thần kinh của trẻ.
Ca đại phẫu cứu bé kéo dài gần 2 giờ, bệnh nhi ít đau đớn và không mất máu nhiều với đường mổ nhỏ hình vòng cung chữ C chỉ 2-3cm ở trên đầu (phía trên đỉnh vành tai), và khoảng 1cm ở vị trí bụng (mỏm mũi kiếm). Sau khi đặt ống dẫn lưu não thất – phúc mạc, bé được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở hiện đại Babylog VN600 của Drager, Đức, giúp thông khí bảo vệ phổi và ổn định tuần hoàn não. Bé cũng được nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần trong giai đoạn phẫu thuật.
Chỉ một ngày sau phẫu thuật, bé được cai máy thở và có thể ăn sữa hoàn toàn trở lại. Sau 8 ngày phẫu thuật đặt ống thông đặc biệt để dẫn lưu dịch não tủy bị ứ đọng ở não xuống ổ bụng, kích thước vòng đầu bệnh nhi không còn tăng, thậm chí có xu hướng nhỏ lại. Bé đã phản xạ như trẻ bình thường, khóc khi đói, khi buồn ngủ hay khi muốn đi vệ sinh; mắt bé linh hoạt hơn.
Biến cố của người mẹ hiếm muộn giữa đại dịch Covid-19
Tận mắt chứng kiến người mẹ trẻ cố ngăn dòng nước mắt chia sẻ lại câu chuyện khiến ai nấy xung quanh đều không khỏi xúc động. Hơn 2 tháng trời ròng rã chiến đấu cùng con, nhớ lại khoảng thời gian đó, chị Thi chia sẻ: “Đó là khoảng thời gian mà có nhiều lúc mình tưởng chừng như đã tuyệt vọng, một mình chăm con, chồng vì kẹt dịch Covid-19 ở nước ngoài nên không thể về bên kề cạnh, nghĩ đến con, mình biết mình cần phải nỗ lực gấp nhiều lần nữa để cố vượt qua…”
“Ngay khi chào đời, con mắc nhiều bệnh sơ sinh nên phải nằm ở khu riêng biệt. Mỗi ngày, tôi chỉ gọi điện thoại nhờ các cô điều dưỡng, nữ hộ sinh… thông tin về sức khỏe của con. Sau một tháng trời, các cô chia sẻ bé vẫn còn yếu, nếu được chuyển đến một bệnh viện chuyên về khoa nhi sẽ giúp bé có cơ hội chăm sóc tốt hơn, vì bệnh viện đang kiệt sức do quá tải trước dịch bệnh Covid-19.
Khi được bác sĩ gợi ý chuyển viện, tôi nghĩ ngay đến Tâm Anh vì từng nghe bệnh viện nuôi sống bé sinh non 26 tuần tuổi như con tôi. Khi xe cấp cứu của Bệnh viện Tâm Anh đến đón cháu về điều trị, đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy mặt con sau một tháng sinh con. Ngay khi được các bác sĩ dặn dò, giải thích về bệnh xuất huyết trong não thất, tôi tin mẹ con mình đã tìm được nơi chăm sóc chu đáo và đặt nhiều hy vọng vào bác sĩ…
Quyết định đến Bệnh viện Tâm Anh quả thật không sai, tôi cũng không thể ngờ rằng một ca mổ phức tạp và chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy mà chi phí chỉ 25 triệu đồng, trong khi theo tôi được biết, nếu như sang Singapore thì chi phí này lên đến vài trăm triệu và cũng không thể di chuyển vào thời điểm dịch bệnh này”, ”chị Nguyễn Thị Quỳnh Thi (38 tuổi, nhà ở Quận 2, TPHCM) lau nước mắt kể lại hành trình cùng con chiến đấu với bệnh tật ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ.
Ngay khi con gái chào đời, bé chỉ nặng 850gram. Hiện con đã 38 tuần, nặng 3.150gram. Hai tháng qua cùng con chiến đấu lại bệnh tật ở BV Tâm Anh, tôi nhận thấy, mỗi ngày con lớn hẳn “có da có thịt”. Thấy con lớn từng ngày, mọi phản xạ của con như: biết khóc, đòi ăn, đi vệ sinh, quấy khóc trước khi ngủ… tôi bỗng hạnh phúc vì biết con đã tốt hơn, phản xạ như trẻ bình thường. Lúc mới chuyển qua đây, bé chỉ được truyền ăn qua tĩnh mạch nhưng bây giờ bé được bú bình, lại bú giỏi, mỗi ngày ăn 8 cữ, mỗi cữ 60ml sữa”.
“Hành trình tìm con hiếm muộn đã gian nan, nhưng giữ được con càng khó. Tôi nghĩ, ai làm mẹ cũng đều có cảm giác tìm điều tốt nhất cho con. Mẹ nào cũng vậy thôi, cũng sẽ tìm nơi nào an tâm nhất, hỗ trợ mình nhất. Ở Bệnh viện Tâm Anh, tôi may mắn khi được giúp đỡ mọi thứ, từ khâu chăm sóc sức khỏe bé, lo bữa ăn cho người nhà, các cô điều dưỡng phụ pha sữa và cho bé bú… và chia sẻ cả kinh nghiệm nuôi con nhỏ khi lần đầu tôi làm mẹ, đây là phước phần mà gia đình tôi khi đã gặp được đúng bác sĩ giỏi”, chị Thi xúc động.
Não úng thủy – mối đe dọa ở trẻ sinh non và cực non
Não úng thủy là nỗi ám ảnh của các gia đình, bởi bệnh để lại di chứng nặng nề do gây tích tụ quá nhiều dịch não tủy, khiến trẻ mắc bệnh có não và sọ sưng to bất thường. Não úng thủy có thể gặp ở mọi lứa tuổi, song phổ biến nhất là não úng thủy trẻ sơ sinh với tỷ lệ khoảng 1:500 thai kỳ. Hậu quả của não úng thủy ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tâm thần-vận động. Việc chẩn đoán sớm và can thiệp sớm bằng phẫu thuật sẽ hạn chế được tử vong, cải thiện sự phát triển của trẻ, tăng khả năng học tập và hòa nhập xã hội khiến cho chất lượng sống được cải thiện rõ rệt.
Trẻ có thể bị não úng thủy bẩm sinh ngay từ trong bụng mẹ, hoặc mắc phải sau khi chào đời. Bình thường trong hộp sọ có hệ thống các bể chứa dịch gọi là não thất, chất dịch não tủy được tiết ra, lưu thông từ trên não xuống hệ thống tủy sống rồi được tái hấp thu lại. Chất dịch não tủy trong suốt bao quanh não và tủy sống, có vai trò cung cấp dưỡng chất cho não, bảo vệ hệ thần kinh trung ương (não bộ và tủy sống) trước các sang chấn cơ học, điều chỉnh thay đổi áp suất trong não. Bệnh não úng thủy xảy ra do sự gián đoạn, mất cân bằng giữa sự hình thành, lưu thông dòng chảy hoặc tái hấp thu dịch não tủy.
Đặc biệt, não ở trẻ nhũ nhi có đặc tính giãn tốt, vì các khớp sọ còn mềm, tốc độ phát triển nhanh để không cản trở não phát triển. Do đó, khi dịch não tủy ứ lại sẽ làm cho thể tích phía trong nội sọ phát triển quá nhanh nên vỏ hộp sọ bên ngoài phát triển theo và to tương ứng. Đó là lý do nhiều trẻ mắc bệnh này đều có đặc điểm là đầu rất to…
Bệnh não úng thủy có nhiều nguyên nhân như: chấn thương sọ não, viêm màng não, khối u não, chảy máu trong não hoặc trong não thất, chảy máu khoang dưới nhện… Như trường hợp của bệnh nhi trong bài viết này, bị não úng thủy là do xuất huyết trong não thất mức độ III gây ra. Tình trạng chảy máu gây phản ứng viêm làm thay đổi cấu trúc vách não thất, đồng thời các sản phẩm của quá trình tiêu cục máu sẽ gây rối loạn tái hấp thu và dẫn lưu dịch não tủy bị ứ đọng, tăng thể tích gây ra tăng áp lực nội sọ và biểu hiện là vòng đầu đầu của bé tăng bất thường.
Nếu không điều trị sớm, sự dư thừa dịch não tủy ở não còn làm tổn thương nhu mô não. Đây là nguyên nhân khiến bé tử vong hoặc để lại các biến chứng, di chứng tàn tật suốt đời như chậm tâm thần vận động, bại não,….
Làm sao tầm soát não úng thủy ở thai nhi?
Bác sĩ CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, ngoài tình trạng não úng thủy mắc phải sau xuất huyết não như trường hợp của cháu bé, thai nhi còn gặp các nguy cơ não úng thủy bẩm sinh. Với máy siêu âm hay MRI hiện đại, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có thể dễ dàng tầm soát việc giãn não thất bào thai trong quá trình mang thai, đây là nguyên nhân gây ra não úng thủy. Khi phát hiện có một trường hợp giãn não thất, bác sĩ tiếp tục siêu âm, đánh giá bất thường cấu trúc hệ thần kinh trung ương, bất thường di truyền, nhiễm trùng bào thai… Trong trường hợp giãn não thất tiến triển sẽ cần tham vấn bác sĩ ngoại thần kinh nhi vì có thể phẫu thuật sớm cho bé sau sinh.
Khi trẻ sinh non có xuất huyết trong não thất đều có nguy cơ dẫn đến não úng thủy, tuy nhiên ở độ I và II rất thấp. Cần tầm soát và điều trị sớm có khi trẻ tránh được não úng thủy. Việc tầm soát ở giai đoạn sớm nhất là ở trẻ sơ sinh, đòi hỏi tay nghề chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị hiện đại. BVĐK Tâm Anh TP.HCM có Trung tâm Sơ sinh chuyên sâu, bác sĩ giàu kinh nghiệm, tay nghề cao dễ dàng phát hiện bệnh này ở trẻ. Việc lưu ý theo dõi vòng đầu và tình trạng tri giác của bé sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường, can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến phát triển tâm thần, vận động của bé về sau. Nếu cách đây 10 – 15 năm, mục tiêu điều trị cho trẻ sơ sinh là giữ được mạng sống thì hiện nay phải hướng vào trọng tâm không để lại di chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống của bé sinh non.
Thực tế, ngoài nguy cơ bệnh não úng thủy, thai nhi còn đối diện nhiều bệnh lý trong thai kỳ, do đó, thai phụ cần tầm soát đúng hẹn để giúp an toàn cho bé và mẹ:
- Ở 3 tháng đầu thai kỳ (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày), thai phụ cần khám thai ngay sau trễ kinh 2 – 3 tuần (trong thời điểm dịch Covid-19) hoặc 1 – 2 tuần (khi hết dịch) để xác định vị trí thai, dấu hiệu sống của thai. Khi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, thai phụ khám thai lần 2 để kiểm tra sức khỏe mẹ và tầm soát nguy cơ bất thường về số lượng nhiễm sắc thể cho thai (xét nghiệm Combined test/NIPT). Đây là giai đoạn thai nhi tiếp tục hình thành các cơ quan, tổ chức như tủy sống, não, tim, phổi, gan… nên thai phụ cần tăng cường thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, uống bổ sung 60mg sắt và 400mcg acid folic để phòng thiếu máu và giảm nguy cơ dị tật thai nhi.
- Ở 3 tháng giữa thai kỳ (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày), thai phụ cần khám thai mỗi tháng một lần, siêu âm hình thái học thai nhi quý 2, xét nghiệm máu tầm soát đái tháo đường thai kỳ, thiếu máu, xét nghiệm nước tiểu mỗi lần khám thai.
- Ở 3 tháng cuối thai kỳ (tính từ tuần 29 đến tuần 40) tái khám 3 mốc: tuần 29 – 32 mỗi tuần khám 1 lần, siêu âm hình thái học thai nhi quý 3. Từ tuần 33 – 35, cứ 2 tuần khám 1 lần. Tuần 36 – 40 thai kỳ cần khám mỗi tuần một lần.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi của Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Tim mạch, Hồi sức cấp cứu,… cùng hệ thống máy móc hiện đại trong chẩn đoán và tầm soát bệnh lý như hệ thống máy chụp CT 768 lát cắt liều tia thấp, máy cộng hưởng (MRI) thế hệ mới khảo sát bệnh lý cho trẻ nhỏ, hệ thống máy siêu âm 2D, 3D, 4D, siêu âm Doppler màu cho phép tầm soát dị tật mạch máu ở tim và não của thai nhi; máy Multibeam (Đức) áp dụng cho kỹ thuật điều trị truyền máu song thai…
Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật điều trị hội chứng truyền máu song thai nặng, nuôi dưỡng thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, nuôi sống trẻ sinh non từ 25 tuần tuổi…
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 0287 102 6789
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP. Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
Từ khóa » Hình ảnh Em Bé Bị Não úng Thuỷ
-
Nhận Diện Dấu Hiệu Sớm Của Não úng Thủy | Vinmec
-
Não úng Thủy Hình Thành Như Thế Nào? | Vinmec
-
Não úng Thủy: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Biến Chứng Và Cách ...
-
Phòng Ngừa Não úng Thủy ở Trẻ Sơ Sinh | Sở Y Tế Nam Định
-
Não úng Thủy ở Trẻ Sơ Sinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị
-
Não úng Thủy ở Trẻ Em: Điều Trị được Nếu Tận Dụng "thời Gian Vàng"
-
Tràn Dịch Não Thất - Khoa Nhi - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Não úng Thủy Bẩm Sinh | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Cứu Trẻ Sinh Cực Non Não úng Thủy, đa Biến Chứng - VnExpress
-
Não úng Thuỷ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Não úng Thủy - Y Học Cộng Đồng
-
Giãn Não Thất: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán & Điều Trị
-
Đầu Nước - Giãn Não Thất - Não úng Thủy ở Trẻ Em