NÀY – ĐÂY – ẤY – ĐÓ/ĐẤY – KIA - TIẾNG VIỆT: NGẪM NGHĨ...
Có thể bạn quan tâm
Tuesday, 4 December 2012
NÀY – ĐÂY – ẤY – ĐÓ/ĐẤY – KIA
Này, đây, ấy, đó/đấy, kia là nhóm từ rất khó gọi tên, vì gọi theo kiểu nào thì cũng không thỏa. I. Để dễ hình dung, có thể trình bày nhóm từ này theo kiểu “truyền thống”, nghĩa là bắt chước ngữ pháp châu Âu: (i) đại từ,(ii) tính từ (chỉ định). Nó là đại từ, vì nó có thể độc lập làm thành một ngữ đoạn để tham gia vào cấu trúc câu. Tuy nhiên, khả năng này bị ràng rịt tứ phía. Khi nó ở cương vị đề/chủ ngữ, thành phần thuyết/vị ngữ không thể có trung tâm là một vị từ bình thường – bất kể loại nào – mà phải là hệ từ là: (1) Đây là quyển sách của thầy Dân. (2) Đó/Đấy là trường tôi. (3) Kia là trạm xe buýt. (4) *Đó đẹp quá! (5) *Kia ăn ngon hơn. Riêng ấy và này không được nhìn nhận ở cương vị này. Này thì hầu như chỉ xuất hiện trong một câu Kiều, và được hết quyển sách này đến quyển sách khác dẫn lại để cho rằng nó có tư cách đề/chủ ngữ: “Này chồng này mẹ này cha, Này là em ruột này là em dâu”. (Có lẽ trong tiếng Việt hiện đại, đây đã thay thế hoàn toàn cho này khi làm đề). Trong khi đó, ấy hầu như không thể: (6) *Ấy là quyển sách tôi mới mua. (7) *Ấy là nhà tôi. (8) *Ấy là mẹ, ấy là cha, ấy em gái tôi. Ở tư cách bổ ngữ, nhóm từ đang bàn cũng được dùng rất hạn chế: nó chỉ là đại từ chỉ vị trí chứ không thể dùng để chỉ bất cứ cái gì khác. (9) Hôm nào mình về đó/đấy chơi nghe! (10) Từ đây đến đó/đấy bao xa? (11) Đến kia ngồi mát hơn. (12) Em qua kia ngồi nhé? (13) Em về đây mấy ngày? (14) Ở đây ai cũng nhớ em. (15) *Ở quán này có món heo mọi nướng rất ngon. Tôi thích đó. (16) *Cái áo đẹp thật! Chị mua đó đi! Một lần nữa, ấy và này không giống những từ còn lại. (17) *Tôi sẽ đến này/ấy cuối tuần này. (18) *Chị mua ở này/ấy à? Có điều lạ: riêng đây có thể đứng sau hệ từ là đề làm thuyết/vị ngữ. (19) Giải pháp cho tương lai là đây. (20) Sự thật là đây. Tuy nhiên, cách dùng này rất hãn hữu: những trường hợp chỉ trỏ sự vật bình thường hầu như không thể dùng. Chẳng hạn: (21) ??Cuốn sách của tôi là đây. (22) ??Nhà tôi là đây. Nói thêm: Thật ra, đây chỉ có quan hệ với nhóm đang bàn (đúng ra chỉ là đó/đấy, kia, vì ở vd (17) và (18) ấy/này đã bị loại) ở ý nghĩa chỉ định vị trí (vd (9) – (14)). Nói rõ hơn, đây là một đại từ chỉ định cái nơi/chỗ mà người nói đang tồn tại và đưa ra phát ngôn. Đây bao giờ cũng là đây của người nói, và sẽ trở thành đó/đấy khi chuyển lượt lời cho người nghe. Đây trực chỉ nơi/chỗ của người nói, đó trực chỉ nơi/chỗ của người nghe (hay nói rộng hơn, xa người nói mà gần người nghe), còn kia trực chỉ nơi/chỗ xa cả người nói và người nghe (có thể không tồn tại trước mắt của cà người nói và người nghe). Ngoài ý nghĩa này, đây không thể tham gia vào các cấu trúc danh ngữ với tư cách là định ngữ (đó/đấy, kia thì được, như các ví dụ (23) – (26) cho thấy). Duy có một lối nói đặc biệt: –Xin lỗi, anh đây là...? –Xin giới thiệu, chị Hà đây là vợ của bác sĩ Nam. Ở đây không thể nói đây là định ngữ của anh, chị Hà. Và như vậy chúng tôi cho rằng có lẽ ngữ đoạn duy nhất mà đây xuất hiện sau một danh từ chung (nơi đây trong câu Nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt) cũng nên xem cùng loại với anh đây, chị Hà đây. (Chúng tôi ngờ rằng lối diễn đạt vừa đề cập là một cách nói trớ từ này, vì lý do lịch sự: rõ ràng anh đây, chị Hà đây lịch sự hơn anh này, chị Hà này. Hơn nữa, nếu ở phát ngôn của một người lớn với người nhỏ hơn mình thì này vẫn là một chọn lựa ưu tiên: Anh này là ai vậy? Thằng này là thằng Tâm, ông không nhớ à?) Và nếu chấp nhận cách lý giải vừa phát biểu thì cuối cùng chỉ còn lại một ngoại lệ là nơi đây, dù trong mọi trường hợp nơi đây đều có thể thay bằng nơi này. Nó là tính từ, vì nó chiếm vị trí sau một danh từ, làm định ngữ cho danh từ đó để tạo thành một ngữ danh từ. Khả năng này cũng không được phân đều cho cả nhóm. Vì đây đứng lẻ loi bên ngoài. (23) Chỗ này có ai ngồi chưa ạ? (24) Tôi không muốn nói đến việc ấy. (25) Chuyện đó/đấy đến đâu rồi? (26) Anh kia là bạn chị à? Nhưng không thể nói: (27) *Chuyện đây không phải là chuyện của anh. (28) *Tôi sẽ làm xong việc đây trước thứ bảy. Những người “cóp” hệ thống của ngôn ngữ phương Tây cho rằng như vậy (đại từ và tính từ) là hợp lý, hệ thống, phản ánh được khả năng kết hợp của các từ đang bàn – đặc biệt là tránh được hiện tượng khó giải thích: yếu tố “chuyên” đứng sau danh từ để làm định ngữ mà lại gọi là “đại từ”(!). (Nhưng họ quên rằng, nếu là tính từ, những từ này sẽ tạo thành một nhóm tính từ “lạ” của tiếng Việt, vì không thể hoạt động như những tính từ khác: không thể đứng trực tiếp sau đề/chủ ngữ để làm thuyết/vị ngữ. Giữa hai đặc trưng của tính từ, không hiểu sao họ lại ưu tiên cho đặc trưng làm định ngữ hơn?!) Những người cho nhóm từ trên là đại từ, bất kể khả năng hoạt động của nó, cũng có cái lý riêng: (i) tránh được bất cập vừa nói, (ii) thích hợp với chủ trương không có từ loại tính từ (mà chỉ có vị từ). Nhưng nếu vậy thì phải cho rằng ở đây hoặc có sự chuyển loại (đại từ chuyển thành cái giống như tính từ, nhưng nếu như vậy thì lại rất kỳ cục: này, đây, ấy, đó/đấy, kia lại trở thành vị từ!!) hoặc mở rộng “khả năng” của đại từ (đại từ làm định ngữ cho danh từ). Có vẻ như gần đây nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ giải pháp đại từ hơn tính từ. Cũng có người trung dung, gọi nhóm đang bàn là “chỉ định từ” hay “từ chỉ định” để khỏi phải băn khoăn. II. Có một sự luận phiên trong một số trường hợp giữa ấy và đó, khiến nhiều người cho rằng ấy và đó đồng nghĩa với nhau, khác nhau ở sự ưu tiên mang tính địa phương. Quả thật, có sự phân biệt địa phương trong khi chọn lựa ấy – đó; nhưng nó chỉ là nét thứ yếu. Đó khác ấy ở một số điểm:- Đó dùng trực chỉ (chỉ trỏ, đặc biệt là khi đi kèm với cử chỉ), trong khi ấy dùng hồi chỉ.
- Đó trực chỉ những sự vật, đặc biệt là những vật nhỏ, cụ thể; trong khi ấy hồi chỉ những sự vật trừu tượng hay những sự việc đã biết (chẳng hạn có danh từ đi trước là chuyện, việc, điều...).
- Đó có thể kết hợp với một từ nghi vấn (nào, gì, đâu, ai) để chỉ phiếm chỉ; ấy thì hầu như không thể.
- Đó có thể dùng cuối một phát ngôn để đánh dấu sự đáng chú ý của nội dung phát ngôn trước đó (người nói cho rằng thông tin đưa ra là thông tin mới, cần cho người nghe); ấy thì không thể. Trường hợp này, đó hoạt động như một ngữ khí từ / từ tính thái cuối câu.
- Đó có thể dùng trong nghi vấn để hỏi một điều mà người nói đang chứng kiến hoặc biết sắp diễn ra (vì có dấu hiệu cụ thể); ấy không thể. Trường hợp này, đó hoạt động như một ngữ khí từ / từ tính thái cuối câu.
- Đó có thể đứng riêng ở đầu câu như một thán từ (thán từ gọi đáp), nhằm lưu ý người nghe rằng cái sự vật, sự việc đã nói trước đấy (hay có vẻ như đã nói) giờ đây đã hiển hiện; và do vậy, sau nó là một phát ngôn nhắc lại (hay đúng hơn là để đay nghiến) người nghe về điều đã nói trước đấy.
3 comments:
- Anonymous5 December 2012 at 10:05
Bài viết bổ ích, cảm ơn anh.
ReplyDeleteReplies- Reply
- Unknown10 June 2016 at 22:21
Rất cám ơn về bài viết hữu ích này^^Giờ em mới phân biệt được các từ này...
ReplyDeleteReplies- Reply
- Unknown16 January 2021 at 19:04
Tiếng Việt đâu có dễ. Tôi là người nước ngoài nhưng được đọc bài viết này thì tôi mới phân biệt được các từ này.Bài viết này rất hữu ích đấy!
ReplyDeleteReplies- Reply
Trang
- Home
Followers
Blog Archive
- ► 2023 (2)
- ► April (2)
- ► 2020 (2)
- ► March (2)
- ► 2017 (1)
- ► September (1)
- ► 2016 (1)
- ► September (1)
- ► 2015 (5)
- ► July (1)
- ► May (2)
- ► April (1)
- ► February (1)
- ► 2014 (6)
- ► October (1)
- ► September (1)
- ► July (1)
- ► June (1)
- ► March (1)
- ► February (1)
- ► 2013 (15)
- ► December (1)
- ► November (1)
- ► October (1)
- ► September (1)
- ► August (1)
- ► July (2)
- ► May (2)
- ► April (1)
- ► March (1)
- ► February (2)
- ► January (2)
- ► 2011 (19)
- ► December (13)
- ► November (6)
Contributors
- MH
- TV
Từ khóa » Cái Này đây Là Gì
-
CÁI NÀY ĐÂY In English Translation - Tr-ex
-
Đâu Là Sự Khác Biệt Giữa "cái Này Là Cái Gì?" Và "đây Là Cái ... - HiNative
-
Đại Từ Chỉ định: These & Those; Dạng Số Nhiều Của Danh Từ - TFlat
-
Ngữ Pháp - Đại Từ Chỉ định: This/That; Mạo Từ Bất định: A/An - TFlat
-
Sự Khác Biệt Giữa Cái Này Và Cái Kia - Strephonsays
-
Bài 2-cái Này Là Cái Gì: 이것이 뭐예요? - Tiếng Hàn Trên SKYPE
-
Ngữ Pháp これ、それ、あれ Cái Này, Cái đó, Cái Kia, Trợ Từ の
-
Cái Này Là Gì? Tiếng Nhật Là Gì?→AのB, これは何の[物]ですか?Ý ...