Nét đặc Trưng Của “Nam Bộ Qua Ngôn Từ” - Báo Cần Thơ

Người miền Nam, đặc biệt là vùng Tây Nam bộ có lối nói chuyện đặc trưng về ngữ âm, từ vựng và phong cách diễn đạt. Ðiều gì tạo nên sự khác biệt ấy? Cuốn sách “Nam bộ qua ngôn từ” của Tiến sĩ Hồ Xuân Mai và Thạc sĩ Phan Kim Thoa sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngôn ngữ, văn hóa, con người vùng đất này.

Sách do NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 2-2019.

Với 10 bài viết nghiên cứu, khảo sát và cả tản mạn ở nhiều khía cạnh, hai tác giả đã phân tích, lý giải vì sao văn hóa và ngôn ngữ của người Nam bộ, cụ thể là Tây Nam bộ lại có những điểm khác với tiếng Việt phổ thông, giúp bạn đọc nhận diện ngôn ngữ nơi đây.

Dọc theo chiều dài lịch sử, tác giả Phan Kim Thoa đi tìm “Cơ sở hình thành bản chất người Nam bộ” qua bối cảnh lịch sử, quá trình khai phá, hình thành vùng đất mới, sự giao thoa văn hóa, ngôn ngữ với người Khmer, điều kiện thiên nhiên, địa lý, những tác động ngoại cảnh… Từ đó, đi sâu vào tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa của cư dân.

Theo hai tác giả, người Nam bộ thẳng thắn, bộc trực; không quanh co, rào đón trước sau nên lời ăn tiếng nói cũng vậy. Khi giao tiếp, họ dùng từ ngữ cụ thể, chính xác, trực tiếp, nghĩ sao nói vậy, ít khi nói vòng, nói tránh. Từ ngữ dùng để miêu tả giàu hình ảnh, dễ hiểu như: “đầu cá dồ”, “mỏ cá hô”, “râu cá chốt”, “mặt như trái bần”, “nói như tép nhảy”… Đặc biệt, người Nam bộ thường dùng những cụm từ gắn liền với sông nước như: “nói vòng vo như rạch Cái Tắc”, “mần ăn kiểu nước nhảy” (chỉ sự nhanh, bất ngờ, không bền vững), “buông dầm cầm chèo” (chỉ sự tháo vát, linh hoạt), “ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi” (chỉ sự tham ăn, lười biếng), “lội bộ” (đi bộ), vụ này “chìm xuồng” luôn rồi (giấu kín hoặc cho qua việc gì đó)… Hầu hết từ ngữ giàu hình ảnh của người Nam bộ là những từ thuần Việt, hiếm khi dùng từ Hán - Việt, giúp người nghe dễ hình dung, đón nhận.

Nếu bạn nghe ai dùng các từ như: “đi dìa”, “mình ên”, “bự tổ chảng”, “trớt quớt”, “ta nói”, “ngon bá cháy bù chét”, “dở ẹc”, “thiệt ngộ”, “khôn bà cố”, “giỏi một cái”, “xà quần”… hay những từ có ngữ âm, ngữ khí như: “chèng đéc ơi”, “mèng ơi”, “nghen/hen/héng, hôn/hông/hổng”… thì đó đích thị là người Nam bộ, chính xác hơn là miền Tây Nam bộ. Một điểm dễ nhận diện nữa là người miền Tây không có thói quen uốn lưỡi khi phát âm những phụ âm rung như chữ “r”, do đó thường phát âm “r” thành “g”, “tr” thành “ch”.

Những đặc điểm trong câu hỏi - đáp; những cụm từ xưng hô “bây - mầy”, “chị - chế”, “anh - hia”; từ “quầm” trong lời ăn tiếng nói của cư dân Tây Nam bộ; sự dung hợp của người Việt tại Nam bộ qua các từ: “xài”, “xà quần”, “xỉn”… được các tác giả phân tích, giải thích chi tiết, đưa ra những dẫn chứng cụ thể, hợp lý. Ngoài ra, sách còn có bài viết chuyên sâu về tiếng Khmer Nam bộ - ngôn ngữ có sự ảnh hưởng khá nhiều đến ngôn từ, cách nói của người nơi đây.

Với cách trình bày dễ hiểu, lập luận chặt chẽ, các bài viết trong cuốn “Nam bộ qua ngôn từ” không tạo cảm giác chuyên môn, nặng nề cho người đọc. Đây là tài liệu quý giá, có ích cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về con người, văn hóa, ngôn ngữ Nam bộ.

Cát Ðằng

Từ khóa » Việt Nam Bộ Là Gì