Tôn Giáo Của Người Việt ở Nam Bộ Có Gì đặc Biệt

Tôn giáo là 1 sản phẩm lịch sử gắn liền với điều kiện lịch sử xác định . Do đó tôn giáo ở miền nam việt nam ( nam bộ ) cũng có những nét đặc trưng riêng . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tôn giáo ở Miền Nam việt Nam xem có gì đặc biệt nhé.

Là một vùng đất đa tộc người, nơi đất lành chim đậu của di dân người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và các tộc người khác, Nam Bộ đã trở thành môi sinh thuận lợi để phát triển các tôn giáo có nguồn gốc Bắc Bộ, Trung Bộ hoặc tiếp biến từ các tộc người cộng cư và từ người Pháp. Vì vậy, đây chính là vùng đất phong phú nhất về tín ngưỡng – tôn giáo ở Việt Nam, với đầy đủ bốn loại hình tôn giáo đa thần và độc thần, nội sinh và ngoại sinh. Vì vậy, đời sống tâm linh của người Việt Nam Bộ khá phức tạp, chịu ảnh hưởng đồng thời của nhiều tôn giáo có nguồn gốc khác nhau.

cac-ton-giao-o-mien-nam-viet-nam-5

Các tôn giáo đa thần

Tôn giáo đa thần Bao gồm các tôn giáo thờ cúng nhiên thần: phổ biến nhất là thờ cúng Thổ Địa – Thần Tài, Táo Quân, Ông Thiên (gia đình), Cá Ông (đình miễu ven biển), Thành Hoàng Bổn Cảnh, Sơn Thần (đình miễu trong nội địa), Bà Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu (đền miễu ở núi Sam, núi Bà Đen, và rải rác), Ngũ Hành Nương Nương (miễu). Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng Ngọc Hoàng, Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì, Cửu Thiên Huyền Nữ, Ông Tà, Hà Bá – Thuỷ Long, Mười Hai Bà Mụ, Ông Tơ Bà Nguyệt, v.v.

Sự khác nhau giữa tôn giáo đa thần miền Bắc Và Miền Nam

Khác với Thành Hoàng có nguồn gốc nhân thần ở miền Bắc, miền Trung, Thành Hoàng Bổn Cảnh ở Nam Bộ là nhiên thần, chỉ có danh hiệu chứ không có lý lịch, thần tích, và chỉ một phần trong số đó có sắc phong thần của triều đình với tên gọi chung là “Thành Hoàng Bổn Cảnh”.

Kế tiếp là các tôn giáo thờ cúng nhân thần: phổ biến nhất là thờ cúng gia tiên – tổ tiên (tang ma, đám giỗ, cúng việc lề), Quan Thánh Đế Quân (gia đình), Bà Thiên Hậu, Ông Bổn (chùa, miễu), tổ nghề nghiệp. Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng Tổ tiên nhân loại (Cửu huyền trăm họ), các danh nhân – anh hùng dân tộc: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn, Thầy Thím, liệt sĩ cách mạng (đền, miễu, dinh), v.v.

Ngoài ra, từ sau năm 1954, người Việt Bắc Bộ còn đưa vào một vài nơi ở Nam Bộ (như thành phố Hồ Chí Minh) các tôn giáo thờ cúng nhân thần: Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, v.v.

Các tôn giáo độc thần

Tôn giáo độc thần Bao gồm các tôn giáo dân tộc: đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 tại Tây Ninh, kết hợp đạo Phật với Đạo giáo, Khổng giáo, Công giáo, đạo Thánh Mẫu, có 2,4 triệu tín đồ trên cả nước (2009), tập trung nhất ở Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Tiền Giang. Phật giáo Hoà Hảo được thành lập năm 1939 tại An Giang, trên nền tảng Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, kết hợp đạo Phật với tín ngưỡng dân gian, được công nhận tổ chức tôn giáo năm 1999, hiện có khoảng 1,3 triệu tín đồ ở Tây Nam Bộ, tập trung đông nhất ở An Giang.

cac-ton-giao-o-mien-nam-viet-nam-4

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời năm 1867 tại An Giang, được công nhận tổ chức tôn giáo năm 2010, hiện có khoảng 78.000 tín đồ ở Tây Nam Bộ, tập trung nhất ở An Giang. Ngoài ra, một số người còn tin theo các giáo phái, hệ phái bắt nguồn từ Phật giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương (thành lập năm 1849 ở An Giang, có khoảng 15.000 tín đồ ở Tây Nam Bộ), Huỳnh Đạo (thị xã Châu Đốc, An Giang), đạo Ông Trần (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), đạo Dừa (cồn Phụng, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre), v.v.

Các tôn giáo thế giới

Kế tiếp là các tôn giáo thế giới: Phật giáo Bắc Tông, Công giáo, Tin Lành. Tiếp nối truyền thống của người Việt ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ, người Việt Nam Bộ cũng dành ưu tiên cho đạo Phật, xây dựng chùa chiền trên khắp đồng bằng, đặc biệt là những vùng đồi núi sót. Tính chung tất cả 9 tổ chức và hệ phái bao gồm cả Phật giáo Nam Tông, đạo Phật có khoảng 10.000.000 tín đồ trong cả nước (2010). Đạo Công giáo, đạo Tin Lành cũng có đông tín đồ, phần lớn là giáo dân di cư từ miền Bắc.

Các cơ sở thờ tự ở nam bộ

Tương ứng với hình thái đa dạng về tôn giáo là mạng lưới dày đặc các cơ sở thờ tự. Rất nhiều cơ sở thờ tự cũng đồng thời là di tích lịch sử – văn hoá của Nam Bộ như đền Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh; chùa Bà ở Bình Dương; đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai; lăng Ông Lê Văn Duyệt, chùa Ông, chùa Bà ở thành phố Hồ Chí Minh; lăng Hoàng Gia, lăng Trương Định, lăng Tứ Kiệt ở Tiền Giang; lăng và đền thờ Thoại Ngọc Hầu, miễu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc; đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá; v.v.

cac-ton-giao-o-mien-nam-viet-nam-2

Các lễ hội tôn giáo ở Nam Bộ

Tương ứng với sự phong phú về cách thức hoạt động sản xuất và về tôn giáo, lễ hội của người Việt Nam Bộ cũng rất đa dạng, bao gồm cả bốn loại hình lễ hội truyền thống ở Việt Nam: lễ hội nông nghiệp – ngư nghiệp; lễ hội tưởng niệm danh nhân – anh hùng dân tộc; lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo; và hỗn hợp. Tất cả đều mang sắc thái Nam Bộ mặc dù nhiều lễ hội bắt nguồn từ Trung Bộ. Ở các đình làng, thường xuyên có các lễ hội Kỳ yên tiến hành vào đầu năm và cuối năm, để tạ ơn Thành Hoàng Bổn Cảnh, các thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, giúp dân an cư lạc nghiệp.

Lễ hội Nghinh ông

Ở vùng ven biển, lễ hội Nghinh Ông là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá và tâm linh của cư dân. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có 10 đền thờ cá voi, nhiều nhất ở miền Nam, bên cạnh lễ hội Nghinh Ông còn có lễ Lệ Cô Long Hải từ 10/2 đến 12/2 âm lịch để thờ cúng Mẫu – Nữ thần và kết hợp cúng thần biển. Ở Bến Tre, lễ hội Nghinh Ông được tiến hành vào ngày 16/6 âm lịch hằng năm tại các làng ven biển thuộc huyện Bình Đại, huyện Ba Tri. Trong ngày hội, tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung để nghinh Ông, tế lễ, vui chơi và ăn uống. Ở Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Vàm Láng (Tiền Giang)… đều có lễ hội Nghinh Ông trọng thể hằng năm.

Lễ hội tưởng nhớ danh nhân

Lễ hội tưởng niệm các danh nhân có công mở đất như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên… và lễ hội tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn… đều là những lễ hội long trọng do nhân dân tổ chức, với sự bảo trợ của chính quyền địa phương.

cac-ton-giao-o-mien-nam-viet-nam-3

Lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo

Lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo bao gồm hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen; lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam; các lễ tết cổ truyền như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ; các lễ hội thường niên của đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành… Trong số đó, lớn nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ 23/4 âm lịch ở núi Sam, Châu Đốc, một địa chỉ hành hương tiêu biểu của Nam Bộ, hằng năm thu hút đến 2,9 triệu người hành hương và du khách (2008).

Trên đây là đôi nét về các tôn giáo ở Miền Nam việt nam ( tôn giáo ở Nam Bộ ) . Bạn còn biết tôn giáo nào hay lễ hội nào Nam Bộ nào nưa thì hãy chia sẻ với chúng tôi ở bên dưới nhé

Tags: tôn giáo tín ngưỡng

Từ khóa » Việt Nam Bộ Là Gì