Nêu Suy Nghĩ Của Em Về Câu Ngạn Ngữ Gieo Thói Quen Gặt Tính Cách

Tính cách và nhân phẩm của con người không chỉ phụ thuộc vào môi trường sống và chất lượng giáo dục mà còn bị chi phối bởi nhân tố chủ quan là những suy nghĩ, hành động và thói quen của con người. Bàn về tác động của thói quen trong việc hình thành nhân cách, ngạn ngữ cổ có câu “ Gieo thói quen, gặt tính cách”.

“Thói quen” là những hành động, ứng xử của con người được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành phản xạ tự nhiên trước những sự vật, sự kiện. Đó có thể là thói quen ăn uống khoa học, đó cũng có thể là thói quen xả rác bừa bãi,… “Tính cách” là đặc điểm tâm lí ổn định được hình thành dựa trên những thói quen bên ngoài và những mong muốn, suy nghĩ bên trong của con người. Tính cách mang tính chất bền vững hơn và có khả năng chi phối tới cách hành xử, suy nghĩ, tư duy của con người.

Câu ngạn ngữ “Gieo thói quen, gặt tính cách” đã bàn đến quan hệ hữu cơ mang tính nhân quả giữa thói quen và tính cách. Nếu thói quen tốt có thể hình thành nên những tính cách tốt đẹp, ngược lại nếu duy trì những thói quen xấu tính cách cũng trở nên tiêu cực, xấu x í.

Trước sự chi phối của hoàn cảnh sống và cách nhìn nhận, ứng xử chủ quan của con người có thể phân thành hai loại thói quen tốt và thói quen xấu. Những thói quen ban đầu chỉ là những suy nghĩ, hành động vô tình nhưng nếu chúng ta không nhận thức được bản chất và tác động của nó sẽ trở thành những thói quen ăn sâu bám rễ. Chẳng hạn do trời mưa nên bạn đến lớp muộn, đây là sự cố ngoài ý muốn buộc con người phải vi phạm nội quy của lớp học, phá vỡ nguyên tắc ( đi học đúng giờ) của bản thân nhưng nếu con người không nhận thức đúng đắn được vấn đề để lần sau có phương pháp khắc phục mà thấy việc đi học muộn một vài phút cũng không bị làm sao người ấy sẽ thường xuyên lặp lại thói quen đi học muộn dù không gặp trở ngại khách quan nào. Thói quen đi học muộn sẽ hình thành tính cách bê trễ, không có kỉ luật.

Những thói quen xấu có thể tác động tiêu cực đến tính cách, tác phong sinh hoạt, làm việc hàng ngày của con người. Ngược lại một thói quen tốt, có chiều sâu nhân bản sẽ giúp con người định hình thái độ, tính cách tốt. Chẳng hạn thói quen ăn uống vệ sinh, đúng bữa sẽ giúp cho con người sống khoa học, có kế hoạch hơn.

Tùy tiện thực hiện một hành động vô cùng đơn giản nhưng nếu thường xuyên lặp lại để trở thành thói quen sẽ rất khó trong việc từ bỏ, thay đổi. Vì vậy trong cuộc sống chúng ta cần có ý thức trước từng lời nói, hành động của mình.

Nhân cách sẽ được hoàn thiện theo một quá trình dài mà không phải định hình trong ngày một ngày hai nên mỗi người cần có ý thức học tập, rèn luyện để có những thói quen tốt, suy nghĩ tích cực. Khi chúng ta có những thói quen tốt, không chỉ nhân cách được hoàn thiện theo hướng tích cực mà chúng ta cũng sẽ trở thành tấm gương tốt và được mọi người yêu quý, kính trọng.

Từ khóa » Câu Ngạn Ngữ Gieo Thói Quen Gặt Tính Cách