Nga Tuyên Bố Không Sử Dụng Vũ Khí Hạt Nhân Tại Ukraine - VnExpress

"Các kịch bản về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga được quy định rõ ràng trong cáchọc thuyết quốc gia", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Alexei Zaitsev hôm nay khẳng định. "Vũ khí hạt nhân không thể áp dụng đối với các nhiệm vụ trong chiến dịch tại Ukraine".

"Nga kiên quyết tuân thủ nguyên tắc 'không có kẻ chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân', điều này sẽ không xảy ra", ông Zaitsev nhấn mạnh.

Khói lửa chiến sự từ nhà máy thép Azovstal tại thành phố cảng phía nam Mariupol, Ukraine ngày 5/5. Ảnh: Reuters.

Khói lửa chiến sự từ nhà máy thép Azovstal tại thành phố cảng phía nam Mariupol, Ukraine ngày 5/5. Ảnh: Reuters.

Trước đó, giới chức phương Tây đã công khai thảo luận nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân tại Ukraine. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 14/4 nhận định "không ai có thể xem nhẹ nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp".

Nhận định của ông Burns được đưa ra cùng ngày Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẽ tăng quân ở sườn tây, triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm tới Kaliningrad, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Một số chuyên gia ước tính Nga sở hữu khoảng 2.000 loại vũ khí như vậy, có thể chuyển giao cho các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.

Ông Medvedev từng nêu 4 trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, gồm đất nước bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân hoặc có vũ khí hạt nhân được sử dụng để gây tổn hại đến Nga và đồng minh. Trường hợp thứ ba là khi Nga bị tấn công nhắm vào hạ tầng trọng yếu làm tê liệt năng lực răn đe hạt nhân. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch chống lại Nga và đồng minh, khiến sự tồn vong của đất nước bị đe dọa dù chỉ bằng vũ khí quy ước chứ không bao gồm vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin từ tháng 2 đã yêu cầu Bộ Quốc phòng lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Tuy nhiên, giới chức Anh và Mỹ nói rằng họ không phát hiện thay đổi đáng kể nào trong lực lượng hạt nhân Nga sau lệnh báo động của ông Putin.

Đức Trung (Theo TASS/Reuters)

Từ khóa » Học Thuyết Răn đe Hạt Nhân Của Nga