Ngẫm Thơ Nguyễn Trãi (thơ Nôm): Bài TRẦN TÌNH - Văn Hóa

 

chuylaq1-1637636641.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

TRẦN TÌNH 

Chớ cậy sang mà ép nề,

Lời chăng phải, vưỡn khôn nghe.

Co que thay bấy ruột ốc,

Khúc khuỷu làm chi trái hòe!

Hai chữ công danh chăng cảm cốc,

Một trường ân oán những hăm he.

Làm người mựa cậy khi quyền thế,

Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe.

Có lẽ bài thơ này Nguyễn Trãi viết ở thời kỳ còn làm quan trong triều, ở thời Lê Thái Tông trị vì. Lê Thái Tông bấy giờ còn trẻ, chưa nắm được thực quyền. Lê Sát, Lê Vấn, nắm quyền lớn, thao túng cả triều đình. Nhiều kẻ hoạn quan bất tài vô đạo như Tạ Thanh, Lương Đăng, Nguyễn Thúc Huệ… và bè lũ đồng mưu với nhau chống lại Nguyễn Trãi và nhóm trung thần, yêu cầu nhà vua cho soạn Nhã nhạc cung đình, bắt chước theo kiểu nhà Minh. Nguyễn Trãi dâng biểu can ngăn, rằng thời điểm này là chưa nên. Ông khuyên nhà vua hãy chú ý sửa đức và hãy chăm lo cho muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu. Đó mới chính là cái gốc của nhạc. Bọn gian thần “đá quả bóng” về phía Nguyễn Trãi. Ông lớn tiếng vạch mặt bọn hại dân hại nước giữa triều đình, rồi cáo quan về Côn Sơn. Đấy là năm 1437. Có thể là Nguyễn Trãi chưa viết ngay ở Thăng Long, nhưng có lẽ khi về Côn Sơn rồi, ngẫm lại việc vừa qua, Tiên sinh vẫn chưa nguôi giận. Và đó phải chăng là bối cảnh tâm trạng nhân vật trữ tình trong thơ?

Mở đầu, tác giả viết:

Chớ cậy sang mà ép nề,

Lời chăng phải vưỡn khôn nghe!

Chúng bay chớ cậy sang, chớ cậy có quyền cao chức lớn mà ép ta phải làm (ép nề) cái việc không nên làm (soạn Nhã nhạc chăng?). Nếu như lời chẳng phải (chăng phải), lời sai trái, không đúng với lương tâm và đạo lý, thì ta vẫn (vưỡn) không nghe đâu, ép ta sao được! Tuyên bố thẳng thừng như vậy, đã thấy một thái độ dứt khoát, mạnh mẽ của tác giả. Vẫn chưa thể nguôi cơn giận dữ, Tiên sinh tiếp tục mắng mỏ bọn gian thần:

Co que thay bấy ruột ốc,

Khúc khuỷu làm chi trái hòe!

Lòng dạ chúng bay quanh co (co que) như ruột ốc, lại khúc khuỷu như hình trái hòe (quả hòe). Đấy là lên án lòng dạ tiểu nhân nham hiểm của của bọn người xấu xa đang vênh váo ra mặt tự đắc ở chốn quyền môn hiểm hóc. Rồi tác giả lại bàn tiếp về thế sự:

Hai chữ công danh chăng cảm cốc,

Một trường ân oán những hăm he.

Chúng có học hành gì đâu mà biết đến chuyện công danh của người quân tử? Hai chữ công danh kia, ta đây cũng “Chăng cảm cốc”, nghĩa là ta cũng chẳng bận lòng, chẳng ham hố gì lắm đâu. Thế mà bọn chúng chỉ những hăm he những chuyện ân oán hòng hại người trung nghĩa để mưu lợi một cách hèn hạ. Thật là cả một vương triều ngu xuẩn và xấu xa. Mắng mỏ dường như chưa nguôi cơn giận, Tiên sinh như thể đang chỉ vào mặt bọn gian thần mà bảo:

Làm người mựa cậy khi quyền thế,

Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe!

Làm người chớ cậy (mựa cậy) khi có quyền có thế. Kẻ có quyền lực và thế lực, thì vênh váo coi trời bằng vung, tham lam vô độ, coi thiên hạ như cỏ rác. Thế nhưng liệu rằng có cậy quyền cậy thế mà tác oai tác quái mãi được không? Rồi cũng sẽ “có thuở bàn cờ tốt đuổi xe” ngay đấy! Đó chính là lời cảnh báo của Nguyễn Trãi với bọn gian thần. Thực tế đã chứng minh lời Nguyễn Trãi là tiên tri. Thái Tông lớn dần, quyết tâm thâu tóm quyền lực. Vua giết Lê Sát, sau lại giết Lê Ngân và một số người trong phe nhóm lộng thần. Lên voi xuống chó vốn là chuyện thường ngày ở triều chính. Mà thực ra đời nào cũng thế cả thôi! Thời nào cũng thế cả thôi !

Từ khóa » Bài Thơ Nôm Của Nguyễn Trãi