SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Cuốn Thơ Nôm Nguyễn Trãi Và Nguyễn ...
Có thể bạn quan tâm
Vẫn còn nhiều tranh luận về thời điểm xuất hiện của chữ Nôm, nhưng loại ký tự này luôn có một vị trí đặc biệt trong dòng chảy văn hóa và văn học dân tộc.
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Tư duy của người giàu gốc Á
Bắt đầu từ thời nhà Lý, chúng ta thấy trong các văn bia hiện còn lưu giữ được, xuất hiện những chữ Nôm ghi tên đất và tên người, như: Phụng Thánh phu nhân Lê Thị Mộ Chí (niên đại 1173) có các chữ: “Bà Cảm, đầu đình, cửa ngõ, bến sông”; Chúc Thánh Báo Ân tự bi (niên đại 1185-1214) có các chữ: “Bà Đỗ, đồng Mộc”; Báo Ân thiền tự bi ký (niên đại 1210) có các chữ” “đồng Hấp, đồng Chài, đồng Nhe”.
Những chữ Nôm khắc trên các văn bia thời Lý là sản phẩm của giai đoạn đầu trong quá trình hình thành và phát triển của chữ Nôm trong các văn bản và làm tiền đề tạo nên văn học chữ Nôm ở Việt Nam sau này.
Có lẽ vì lý do đó, học giả Đào Duy Anh cho rằng, do yêu cầu mới của xã hội từ sau cuộc giải phóng, đặc biệt dưới các triều Đinh, Lê và đầu Lý, chữ Nôm đã xuất hiện.
Dù chữ Hán được các triều đại phong kiến Việt Nam dùng làm văn tự chính thống của quốc gia, nhưng trong sáng tác văn học, chữ Nôm đã xuất hiện với nhiều tác giả nổi tiếng, những nhà thơ lớn, nhà văn hóa của dân tộc như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vào thế kỷ XV, văn học chữ Nôm thời kỳ này đạt được những thành tựu rất rực rỡ khi hai nhà thơ lớn là Nguyễn Trãi và Hội Tao đàn đã đẩy những sáng tác lên một bước phát triển mới.
Tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380-1442) 254 bài thơ Nôm. Hồng Đức quốc âm thi tập, trong đó Lê Thánh Tông có 128 bài và sau này người ta sưu tầm các bài thơ Nôm xướng họa của các tác giả khác trong Hội Tao đàn, tạo thành tập thơ quốc âm với khoảng 328 bài thơ Nôm. Quốc âm thi tập và Hồng Đức quốc âm thi tập được sáng tác bằng chữ Nôm, ghi lại tiếng nói của dân tộc, nói lên sức sống mãnh liệt, một bước tiến mới của ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác văn học và khẳng định vai trò của văn học chữ Nôm trong văn học Việt Nam thế kỷ XV.
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: 33 bài thực hành theo phương pháp Shichida
Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng văn chương chữ Nôm vẫn có sự phát triển riêng của mình. Tác giả quan trọng nhất của thời kỳ này là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tập thơ Bạch Vân thi tập.
Nhưng vấn đề lớn nhất của chữ Nôm nói chung và văn học chữ Nôm nói riêng là cách tạo từ của ký tự này rất khó, khó hơn chữ Hán, và cách hiểu có thể không giống nhau giữa những người tạo ra chữ đó.Nhà báo Hai Kieu đã lấy hai ví dụ như thế này trong tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.
Ví dụ thứ nhất: NƯỚC TRIỀU ĐÔNG. Trong hai câu thơ:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”.
“Nước triều đông” được các bản phiên âm như bản [Đ] (1976) và bản [N] (2000) đều chú thích là “Nước thủy triều ở biển đông cuồn cuộn đêm ngày”. Chú như vậy thì không đúng với ý nghĩa của hai câu kết bài thơ. “Nước triều đông” vốn có nguồn gốc từ “Kinh Thư”, thiên “Vũ cống”, mà “Từ nguyên” đã rút gọn vào hai từ ‘đông lưu’ 東流 nghĩa là ‘thủy hướng đông lưu" 水向東流 (nước chảy về hướng Đông). Nguyên văn trong thiên “Vũ cống” có câu: “Giang Hán triều tông vu hải” 江漢朝宗于海 (sông Giang, sông Hán đều chảy ra biển, tựa như chầu về tổ tông). Phần chú giải ‘Kinh Thư’ nói rõ: Trăm sông đều coi biển là tổ tông, là nguồn gốc bản nguyên, nên đều chầu về như triều kiến nhà vua/ chầu vua.
Vậy thì hai câu trên phải hiểu là: Duy chỉ có tấc lòng ưu quốc ái dân vốn có vẫn ngày đêm cuồn cuộn như nước chảy về hướng Đông/hướng biển cả, hàm nghĩa bóng là tấm lòng ưu ái ấy vẫn hướng về nhà vua, theo tư tưởng trung quân ái quốc của tác giả Nguyễn Trãi. “Triều đông” do đó không phải là chảy về biển đông, mà là “hướng quy về một rường mối cao nhất”.
Ví dụ thứ hai: QUÝ NỘ, ÔNG Ở ĐÂU? Trong Bạch Vân thi tập (BVTT) bản Nôm AB. 635 bài 174, phiên hai câu 5 – 6 như sau:
“Quý Nộ phân kim ai khéo bấy
Cao Biền ưa thủy phép sai đâu”.
Rồi chú thích là: “Quý Nộ chưa rõ tiểu sử. Cao Biền là quan Đô hộ đời Đường kiêm thầy phù thủy xảo quyệt”. Hai câu này do phiên âm sai nên chú cũng sai. Nguyên văn Nôm viết: 季怒, đọc “cuối nọ”. Câu dưới viết: 高箕 phải đọc “cao kia”. Chữ “phóng” 放 gần tự dạng chữ ư 於 nên đã bị đọc lầm là “ưa”. Cả hai câu đọc đúng phải là: “Cuối nọ phân kim ai khéo bấy | Cao kia phóng thủy phép sai đâu”. “Cuối nọ” tiểu đối với “cao kia”, đều là nói về hình thế mảnh đất mà thầy phong thủy đang thao tác, không hề chỉ tên người.
Từ hai ví dụ trên có thể thấy: (1) để hiểu đúng ngữ nghĩa chữ Nôm là rất khó, (2) hiểu đúng là rất quan trọng, kẻo sai một ly đi một dặm, (3) việc “dịch” thơ Nôm đúng ra phải là “khảo, cứu chữ Nôm”. Mà mỗi người làm việc đều là một nhà nghiên cứu đến tận căn bản.
Nhưng khảo cứu các văn bản chữ Nôm đồ sộ như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi hay Bạch Vân thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm đôi khi đến rất tình cờ.
Một ngày đẹp trời cách đây ít năm, nhân tha thẩn dọn lại đống sách vở, nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch nói rằng: thơ Nôm Nguyễn Trãi với thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ giống về âm hưởng mà còn có nhiều bài bị chép lẫn lộn.
Với vốn sở học chữ Nôm và niềm ưu ái với gia tài văn học của dân tộc, nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch đã bắt tay thực hiện dự án “Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Khảo cứu văn bản học so sánh – Phiên âm mới – Chú giải mới)”. Khối lượng công việc rất lớn, ông phải khảo chú cỡ gần hai năm mới xong bản thảo.
Nhưng công sức ấy đã được đền đáp. Công trình đã có những khám phá mới về cả ba mặt: văn bản học – phiên âm Nôm – và chú giải từ ngữ, điển cố.
Thứ nhất là về văn bản học, bằng các cứ liệu có cơ sở khoa học về văn bản học, ngôn ngữ học và phong cách học, đã giải quyết dứt điểm hơn 30 bài thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chép lẫn, trùng lặp, xác định rõ tác giả từng bài, do đó đã loại trừ được 13 bài không phải thơ Nguyễn Trãi và 22 bài không phải thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chép lẫn. Đây là đóng góp quan trọng và có ý nghĩa (dù ông không phải người đầu tiên hay duy nhất từng làm việc này).
Thứ hai là phiên âm mới hoàn toàn “Quốc âm thi tập” và “Bạch Vân thi tập”. Thao tác phiên âm căn cứ theo quy luật ngữ âm lịch sử tiếng Việt và tham chiếu các từ điển từ Việt cổ của các tác giả như A. de Rhodes (1651), Pigneaux de Béhaine (1772), Huình Tịnh Paulus Của (1895)...
Sở dĩ phải tốn công như vậy là vì tất cả các bản phiên âm trước đây đều có những hạn chế nhất định (do khách quan lịch sử hoặc do năng lực chủquan của người thực hiện): Đọc sai âm, dẫn đến hiểu sai nghĩa hoặc gán ghép nghĩa một cách gượng ép, khiên cưỡng. Đặc biệt, tác giả đã khám phá cách đọc hai chữ song viết 双曰 đầy thuyết phục, cả về ngữ âm và ngữ nghĩa mà nhiều bậc tiền bối Hán học suốt bao năm chưa thể giải mã triệt để.
Thứ ba là về chú giải, đã nêu rõ ý nghĩa và xuất xứ, nguồn gốc của các từ cổ và điển cố, không chỉ là hỗ trợ để người đọc hiện nay hiểu được nội dung các bài thơ một cách chính xác hơn, mà còn khắc phục một vi phạm nguyên tắc văn bản học phổ biến của hầu hết các bản phiên chú lâu nay, đó là thường “quên” ghi xuất xứ của lời chú. Quan niệm rằng, đó vừa là quy tắc khoa học, vừa là trách nhiệm đối với độc giả, nên khi chú giải một từ cổ hoặc một điển cố, bao giờ tác giả cũng ghi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cụ thể – “nói có sách, mách có chứng” để người đọc tiện tra cứu, tìm hiểu thêm khi cần thiết.
Tôi có thể mạnh dạn nói rằng, đối với “Quốc âm thi tập” và “Bạch Vân thi tập”, đây là bản phiên âm, chú giải tin cậy, chuẩn xác, công phu và đầy đủ bậc nhất từ trước đến nay và đặc biệt, lại được đứng chung – đối sánh trong cùng một ấn phẩm khá đồ sộ. (Tổng cộng, có 254 bài của Nguyễn Trãi và 168 bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm, không kể phần Khảo cứu và Phụ lục khoa học).
Khi viết những dòng giới thiệu này, tôi phải cân nhắc nhiều. Từng chữ nâng lên rồi lại ngẫm ngợi. Tôi sợ cái thiển cạn trong hiểu biết cổ học của mình làm nông, làm nhạt nhoà Tâm và Tứ của tác giả. Vì thế, bài giới thiệu, tôi giữ cho mình, tâm tứ của tác giả, tôi xin gửi các bạn, cùng với cuốn sách. Như một tứ thơ của Nguyễn Trãi mà tôi rất thích: Bui một tấc lòng ưu ái cũ. Bởi vẫn có những nhà nghiên cứu như thế, không từng ngưng nghỉ ưu ái vốn liếng văn hoá của tiền nhân.
THÔNG TIN CUỐN SÁCH - Tên sách: Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tác giả: Kiều Thu Hoạch - Khổ sách: 16x24 cm; Số trang: 860 trang; Bìa cứng (có bìa áo kèm theo) - Đơn vị liên kết: Tri Thức Trẻ Books & NXB Khoa học xã hội, 2021 - Giá bán: 799.000 VNĐ - Nơi bán: The Book Lag – Tiệm sách hay, hotline: 0963494641; Fanpage: https://www.facebook.com/thebooklag/ QUÀ TẶNG ĐẶC BIỆT Khi mua ấn bản này các bạn sẽ nhận được cuốn sách bìa cứng kèm theo: -Triện Văn Sử Tinh Hoa - Chữ ký tác giả - Đánh số 1-300 |
Có thể bạn quan tâm
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Tư duy của người giàu gốc Á
05:00, 11/12/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: 33 bài thực hành theo phương pháp Shichida
05:00, 21/11/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại
05:00, 20/11/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Thức dậy muốn đi làm”
05:00, 14/11/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Thay câu hỏi đổi cuộc đời
05:00, 30/10/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Thức tỉnh điều vô hình
05:19, 17/10/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Quá nhiều và không đủ”
05:00, 16/10/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Nấc thang kỳ diệu dẫn tới thành công”
04:46, 03/10/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: "Tôi đã khóc khi dịch hồi ký ông Joe Biden"
05:32, 25/09/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Hiểu rõ để vững vàng hơn
03:03, 19/09/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải
05:00, 12/09/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Sức bật tinh thần”
05:19, 05/09/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Offline - giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng
05:00, 07/08/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Đường về tỉnh thức
05:00, 01/08/2021
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Đằng sau một quyết định lớn
05:00, 04/07/2021
Từ khóa » Bài Thơ Nôm Của Nguyễn Trãi
-
THƠ NGUYỄN TRÃI, NHỮNG BÀI NÔM HAY NHẤT - BOOKHUNTER
-
Nhóm Bài Thơ: Quốc âm Thi Tập (Nguyễn Trãi - 阮廌) - Thi Viện
-
Thành Tựu Thơ Nôm Nguyễn Trãi - Prezi
-
Thơ Nôm Nguyễn Trãi: “thi Dĩ Ngôn Chí” Hay “thi Ngôn Chí”?
-
CUỘC SỐNG THÔN QUÊ TRONG THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI
-
Em Hãy Làm Sáng Tỏ Cái Hay Cái đẹp Trong Sáng Tác Của Nguyễn Trãi ...
-
Thơ Thiên Nhiên Trong Ức Trai Thi Tập Và Quốc âm Thi Tập Của Nguyễn
-
Ngẫm Thơ Nguyễn Trãi (thơ Nôm): Bài TRẦN TÌNH - Văn Hóa
-
Top 10 Bài Thơ Hay Của Vị Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trãi
-
Soạn Bài: Tác Gia Nguyễn Trãi – Văn Lớp 10 - Văn Mẫu
-
Đúng, Nguyễn Trãi Sáng Tác Bằng Cả Chữ Hán Và Chữ Nôm
-
Văn Học Của Nguyễn Trãi - VOER
-
Vẻ đẹp Tâm Hồn Nguyễn Trãi Qua Thơ Nôm - Tài Liệu Text - 123doc
-
Giới Thiệu Tập Thơ Quốc âm Thi Tập Của Nguyễn Trãi - Văn Mẫu