Ngành Dệt May Việt Nam Sau 5 Năm Gia Nhập WTO - Nghiên Cứu

Cơ hội & Thách thức

Việc Việt Nam gia nhập WTO đã đem lại cho ngành Dệt May Việt Nam những cơ hội rất lớn về thị trường, về đầu tư, và trên khía cạnh hội nhập quốc tế về chính sách, pháp luật và đàm phán.

Về thị trường, từ năm 2005, ngành Dệt May Việt Nam đã được EU và Canada xóa bỏ chế độ hạn ngạch, song vẫn phải chịu hạn ngạch vào thị trường Hoa Kỳ. Với việc gia nhập WTO năm 2007, ngành Dệt May Việt Nam đã được dỡ bỏ hạn ngạch và hưởng thuế MFN vĩnh viễn vào thị trường Hoa Kỳ, bước vào giai đoạn phát triển mới với khả năng tiếp cận thị trường dệt may thế giới bình đẳng với các quốc gia xuất khẩu khác.

Song song với cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nêu trên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng theo đó đổ vào Việt Nam. FDI vào ngành dệt may Việt Nam riêng trong năm 2007 đã đạt 148 dự án với tổng số vốn đăng ký 689 triệu USD, nhiều hơn số dự án và số vốn đăng ký của bất kỳ năm nào khác. Từ năm 2007-2012, FDI vào ngành dệt may đạt 485 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD.

Việc gia nhập WTO cũng là nền tảng để Việt Nam chủ động tham gia hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, tích cực đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA quan trọng mà trong đó dệt may là một ưu tiên cốt lõi của Việt Nam: có thể kể đến FTA ASEAN – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Nhật Bản…và hiện nay đang đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như khởi động đàm phán FTA Việt Nam – EU và FTA Việt Nam – Liên bang Nga.

Bên cạnh cơ hội là thách thức. Khi gia nhập WTO, ngành dệt may Việt Nam chịu áp lực rất lớn về việc tuân thủ các quy định và cam kết quốc tế: (1) tuy được dỡ bỏ hạn ngạch vào thị trường Hoa Kỳ song Việt Nam lại phải chịu Cơ chế giám sát dệt may của Hoa Kỳ và nguy cơ phía Hoa Kỳ tự khởi kiện điều tra chống bán phá giá; (2) theo cam kết WTO, Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực Quyết định 55/2001/QĐ-Ttg về một số cơ chế hỗ trợ ngành dệt may; (3) các Hiệp định và quy định của WTO nói chung còn rất phức tạp với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam; các doanh nghiệp còn chịu áp lực của nhiều hàng rào kỹ thuật: CSR, SA 8000, Okotex, xử lý rác thải Reach, TBT, v.v…

Đồng thời, độ mở của nền kinh tế sau khi gia nhập WTO cũng khiến ngành dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, đơn hàng và giá cả giảm mạnh. Giá cả nguyên phụ liệu, mức lương tối thiểu, giá cả sinh hoạt tăng cao tạo sức ép cho doanh nghiệp tăng chi phí sản xuất; các lợi thế về lao động không còn là ưu thế nổi trội của dệt may Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt. Áp lực cạnh tranh đã đặt các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu trên cả thị trường quốc tế và thị trường trong nước khi bộc lộ một loạt điểm yếu về khâu dệt-nhuộm-hoàn tất, ngành công nghiệp phụ trợ, năng lực thiết kế, đào tạo nguồn nhân lực, và khả năng nắm bắt và đáp ứng các quy định quốc tế trong WTO và các FTA, đặc biệt là quy tắc xuất xứ hàng dệt may.

Kết quả sau 5 năm gia nhập WTO

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm liên tục tăng cao, từ mức 5,9 tỉ USD của năm 2006 lên mức 15,8 tỉ USD trong năm 2011, tăng trung bình 21,7%/năm. 7 tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới đặc biệt khó khăn, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn đạt 9,24 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2011. Hiện nay Việt Nam là nhà cung cấp hàng dệt may thứ 2 vào Hoa Kỳ, thứ 3 vào Nhật Bản và thứ 5 vào EU. Bên cạnh vị trí ngành công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm 15-16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ngành dệt may cũng thu dụng trên 2,5 triệu lao động, đóng góp rất lớn vào việc giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Sản phẩm dệt may “Made in Vietnam” cũng bước đầu xây dựng được uy tín trên thị trường thế giới.

Vai trò của Hiệp hội Dệt May Việt nam (VITAS)

Hiệp hội Dệt May Việt Nam, với hạt nhân là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) đơn vị trực tiếp xây dựng các đề án, chiến lược và họat động tư vấn chính sáh, đã và đang triển khai một số mảng công việc sau:

Công tác thông tin, tuyên truyền:

Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công thương, các Dự án hỗ trợ của nước ngoài, thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá đến doanh nghiệp trong ngành các thông tin về WTO và thay đổi cơ chế, chính sách liên quan tới WTO; phổ biến tới các doanh nghiệp việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định 55/2001/QĐ-Ttg về hỗ trợ ngành dệt may; đồng thời cũng tiến hành tuyên truyền cho các đối tác nước ngoài hiểu về ngành dệt may Việt Nam và doanh nghiệp Nhà nước trong ngành.

Xây dựng và triển khai Chương trình hành động của ngành dệt may Việt Nam chỉ sau 1 năm gia nhập WTO:

Đóng vai trò cốt lõi trong việc xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định 36/2008/QĐ-Ttg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Đây có thể được coi là “Chương trình hành động của ngành dệt may Việt Nam thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP”, trong đó thể hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển và các giải pháp chiến lược của ngành dệt may bám sát các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và chương trình hành động của Chính phủ. Đến nay, việc thực hiện các mục tiêu theo Quyết định 36 đang tiến triển thuận lợi, năm 2011 đạt kim ngạch 15.8 tỷ USD trong khi theo kế hoạch chiến lược là 14.4 tỷ USD, vượt 1.4 tỷ USD. Đặc biệt tăng trưởng của các năm 2010-2011 đủ để bù đắp tốc độ tăng trưởng chậm của giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái năm 2008-2009. Hiệp hội đang xây dựng, cập nhật định hướng mới cho giai đoạn 2020-2030.

Dẫn dắt các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vượt qua được Cơ chế giám sát dệt may của Hoa Kỳ:

Là đầu mối đoàn kết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, các Hiệp hội nhập khẩu bán lẻ của Hoa Kỳ và luật sư tư vấn, xử lý thành công Cơ chế giám sát dệt may của Hoa Kỳ qua cả 3 lần rà soát, không để xảy ra kiện chống bán phá giá và kiện chống trợ cấp đối với dệt may xuất khẩu của Việt Nam; trong khi các ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như thủy sản, da giày đều phải chịu những vụ kiện này.

Cải thiện tỉ lệ nội địa hóa và tăng giá trị xuất siêu ngành dệt may:

Định hướng cho các doanh nghiệp dệt may trong ngành đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư, dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị & cung ứng toàn cầu. Tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam tăng dần qua các năm, đạt 46% năm 2010, tăng lên 48% năm 2011. Các doanh nghiệp dệt may trong ngành đã dịch chuyển từ gia công (CMT) sang FOB1 – là hình thức FOB nhưng nguyên liệu do chủ hàng chỉ định (30%), FOB2 – là hình thức FOB nhưng doanh nghiệp sản xuất tòan quyền quyết định về nguồn nguyên liệu (5-8%) và ODM- bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế (2-5%). Xuất siêu dệt may Việt Nam đã tăng từ khoảng 1,4 tỉ USD năm 2005 lên 6,5 tỉ USD năm 2011, tăng 360% cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cùng kỳ (chỉ tăng 226%)

Trở thành đối tác tư vấn, phối hợp với Chính phủ trong quá trình đàm phán các Hiệp định song phương và đa phương mới, thể hiện rõ nhất trong đàm phán TPP:

Hiệp hội đã trưởng thành trong quá trình phối hợp, tham vấn với Chính phủ qua các kỳ đàm phán song phương và đa phương. Khởi đầu với WTO, Hiệp hội bắt đầu tham vấn với Chính phủ song do đối mặt với những vấn đề quá mới, Hiệp hội còn nhiều bỡ ngỡ, vai trò đóng góp còn nhỏ. Trải qua quá trình thực hiện các cam kết WTO, thực hiện Quyết định 36/2008/QĐ-Ttg, phối hợp với các cơ quan Chính phủ xử lý thành công Cơ chế giám sát dệt may của Hoa Kỳ, vai trò của Hiệp hội dần được cải thiện. Đặc biệt là sau khi thủ tướng chính phủ có quyết định 06 quy định cụ thể việc tham vấn doanh nghiệp của các đòan đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế, hiệp hội đã có vai trò chính thức hơn trong việc tham gia ý kiến vào các nội dung hiệp định. Đến quá trình đàm phán Hiệp định TPP hiện nay thì Hiệp hội VITAS đã thực sự trở thành đối tác tư vấn và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, theo sát các vòng đàm phán, tích cực tham gia các hoạt động bên lề, là Hiệp hội duy nhất tham vấn cụ thể với đòan đàm phán Chính phủ đến từng mặt hàng, từng vấn đề quan trọng trong quá trình đàm phán.

Bên cạnh những mặt làm được, sau 5 năm gia nhập WTO, ngành dệt may cũng nhận thấy còn những hạn chế như:

-Nhận thức của các doanh nghiệp, doanh nhân trong ngành về hội nhập chưa đồng đều. Còn một bộ phận nhỏ doanh nghiệp do chưa thấu hiểu hết các nguyên tắc cần tuân thủ khi hội nhập cho nên có những họat động chưa thực sự phù hợp với chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh chung của tòan ngành

-Cơ chế hoạt động, vị thế của các hiệp hội trong đó có hiệp hội dệt may còn yếu, chưa tương xứng với vai trò đại diện doanh nghiệp trong các tham vấn chính sách. Một phần quan trọng là do các DN chưa ý thức được vai trò của Hiệp hội, chưa tham gia đầy đủ các trách nhiệm của DN để hiệp hội phát triển. Ngòai ra cũng cần có thêm các chính sách nhà nước quy định rõ hơn quyền hạn, nhiệm vụ của các hiệp hội ngành nghề, nhất là việc xem xét khả năng cho các doanh nghiệp FDI trở thành hội viên chính thức.

-Do không gắn liền với nhiệm vụ xây dựng quy họach đầu tư tại các địa phương, không được là nơi cùng xem xét, có ý kiến với quy họach ngành tại địa phương. Cho nên vai trò định hướng đầu tư, thu hút đầu tư, thẩm định và tư vấn đầu tư của hiệp hội chưa được thực hiện.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 08/NQ-TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP trong thời gian tới, Hiệp hội Dệt May Việt Nam xin có một số kiến nghị với Chính phủ:

  • Môi trường chính sách cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng minh bạch, hiệu quả; các thay đổi chính sách nhằm thực thi cam kết theo các hiệp định FTA và WTO cần được thông báo rộng rãi về lộ trình và thời hạn thực hiện.
  • Cải thiện năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ doanh nghiệp, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, thủ tục hải quan và các ngành công nghiệp phụ trợ.
  • Chính phủ xác định quy hoạch địa bàn, quy mô và vị trí của ngành dệt may trong nền kinh tế quốc dân. Giao nhiệm vụ cho hiệp hội dệt may tham vấn, có ý kiến về các quy họach ngành tại các địa phương.
  • Tăng cường khuyến khích đầu tư và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Cho phép các DN FDI được tham gia hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam.
  • Tiếp tục thúc đẩy đàm phán TPP, FTA với EU, với Nga và các đối tác khác, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề dệt may.
  • Xây dựng cơ chế tạo điều kiện và hỗ trợ các Hiệp hội ngành nghề như VITAS tham gia tích cực, chủ động trong việc tư vấn, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong quá trình đàm phán các FTA kể trên.

Lê Tiến Trường

Phó chủ tịch HH Dệt May VN

TV HĐTV, Phó TGĐ thường trực Tập đòan Dệt May VN

Từ khóa » Dệt May Trong Wto