Ngành Vật Lý Kỹ Thuật - Trường Đại Học Bách Khoa ĐHQG-HCM
Có thể bạn quan tâm
NGÀNH VẬT LÝ KỸ THUẬT
Website: www.fas.hcmut.edu.vn
Ngành Vật lý Kỹ thuật thuộc nhóm ngành Vật lý Kỹ thuật – Cơ kỹ thuật.
Ngành Vật lý Kỹ thuật có 01 chuyên ngành: Kỹ thuật Y sinh.
1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH:
Vật lý kỹ thuật là ngành đào tạo mang tính liên ngành, ứng dụng các nguyên lý vật lý và toán học để phân tích và giải quyết các vấn đề kỹ thuật và ứng dụng liên ngành. Mục tiêu tổng quát của ngành là đào tạo kỹ sư Vật lý Kỹ thuật có năng lực chuyên môn, được trang bị các kiến thức cơ sở vững vàng, có khả năng lãnh đạo, sáng tạo và khả năng tự học suốt đời trong lĩnh vực Vật lý kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ kỹ thuật cao của đất nước.
Chương trình Vật lý Kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở kiến thức nền tảng về vật lý, toán-tin, kỹ thuật công nghệ cơ bản và các nội dung tự chọn chuyên ngành một cách linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho nhiều lĩnh vực vật lý hiện đại có tính ứng dụng thời sự của nền khoa học và kinh tế nước nhà, đặc biệt:
- Kỹ thuật Y sinh (chế tạo và dịch vụ thiết bị y tế, vật liệu sinh học, cơ sinh học, kỹ thuật lâm sàng…)
- Vật lý tính toán (mô hình hoá và mô phỏng các quá trình vật lý trong ứng dụng vật liệu mới, khoa học sự sống, dược động học…, giải bài toán vật lý ứng dụng bằng phương pháp số, đa phương tiện hoá giảng dạy vật lý…)
- Kỹ thuật quang sinh học (diode phát quang - LED và ứng dụng, ứng dụng laser trong y học và kỹ thuật, quang bán dẫn ứng dụng…)
- Kỹ thuật hạt nhân (ứng dụng trong y sinh học, môi trường, nhà máy điện hạt nhân…)
Liên quan đến 2 chuyên ngành đào tạo, trong lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh, bên cạnh việc cung cấp kiến thức nền tảng về Lý Sinh và Cơ sở Kỹ thuật thiết bị y tế, chương trình định hướng các nghiên cứu chuyên sâu về Y khoa 4.0 (liên quan đến các phương tiện kỹ thuật và dịch vụ y tế IoT), các ứng dụng kỹ thuật quang học trong chẩn đoán và điều trị lâm sàng.
Trong lĩnh vực Vật lý tính toán, bên cạnh việc cung cấp kiến thức nền tảng về Vật lý, công nghệ thông tin và kỹ thuật tính toán máy tính, chương trình định hướng các nghiên cứu chuyên sâu (do các nhóm nghiên cứu mạnh phụ trách) về vật liệu mới, y sinh học tính toán, dược động học…
Chương trình Vật lý Kỹ thuật còn cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp giải pháp học tập nghiên cứu xuyên suốt nâng cao bậc Cao học và Tiến sĩ trong và ngoài nước.
- Triển vọng Nghề nghiệp
Trong giai đoạn trước mắt, chương trình ưu tiên cho chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh đáp ứng nhu cầu chuyên gia thiết bị y tế cho ngành y tế Việt nam. Các kỹ sư chuyên ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh có khả năng làm việc như kỹ sư lâm sàng (phụ trách quản lý vận hành trang thiết bị y tế trong các cơ sở chẩn đoán điều trị y khoa), chuyên gia thiết bị y tế tại các bệnh viện và cơ sở y tế nhà nước và tư nhân, các công ty kinh doanh và sản xuất thiết bị y tế, thiết bị trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Nhiều cựu SV của chuyên ngành đã trở thành các lãnh đạo phòng trang thiết bị y tế bệnh viện, các chuyên gia ứng dụng thiết bị y tế của các công ty lớn, các doanh nhân thành dạt trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh, các giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực ở các Trường Viện…
Các kỹ sư chuyên ngành Vật lý tính toán có thể làm việc tại các cơ sở ứng dụng lập trình tính toán vật lý kỹ thuật ứng dụng, các trường đại học và viện nghiên cứu vật lý khác; có triển vọng lớn học tập nghiên cứu nâng cao ở trong và ngoài nước.
SV tốt nghiệp với kết quả tốt có nhiều cơ hội được tuyển chọn học tập nâng cao sau đại học ở nước ngoài (Nhật bản, Hàn quốc, Đài loan, Mỹ, Canada…) và có nhiều cơ hội thăng tiến về chuyên môn cũng như nghề nghiệp cả trong và ngoài nước.
Các công ty và cơ sở y tế thường tuyển dụng các kỹ sư ngành Vật lý kỹ thuật: các bệnh viện tuyến trung ương, công lập và tư nhân các tỉnh thành phía Nam, các công ty về trang thiết bị và giải pháp dịch vụ y tế nước ngoài, liên doanh hoặc trong nước, Viện Vật lý Y sinh học, Các Viện Trường nghiên cứu liên quan Vật lý kỹ thuật vv…
- Các điểm đặc biệt
- Phòng thí nghiệm Công nghệ laser đã chế tạo được nhiều chủng loại thiết bị laser bán dẫn công suất thấp ứng dụng trong điều trị nhiều chứng và bệnh và chuyển giao hơn 1000 thiết bị cho các bệnh viện và cơ sở y tế của 22 tỉnh thành phố phía Nam, triển khai đến tận tuyến xã; là đơn vị đã góp phần xây dựng và đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật trường Đại học Bách khoa TP.HCM từ năm 2002 đến nay.
- Phòng thí nghiệm Vật lý tính toán là nhóm nghiên cứu mạnh phụ trách đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực mô phỏng vật liệu, y sinh tính toán có tầm vóc quốc tế, đã công bố hơn 150 bài báo trên các tạp chí quốc tế trong năm 2005 - 2018.
- Nhiều nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng do các Tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở Nhật, Đài loan, Hàn quốc, Canada trong các lĩnh vực quang sinh học, công nghệ plasma, ứng dụng LED, thiết bị chẩn đoán và điều trị IoT… là những hạt nhân ươm tạo cho những ý tưởng mới, những đồ án nghiên cứu cho SV từ những năm đầu học đại học.
2. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH: Xem chi tiết
3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Từ khóa 2014, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước, đáp ứng các quy định của nhà nước, cơ quan chủ quản, và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu các bên liên quan trọng yếu, từ đó giữ vững và phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, nhà trường chủ trương cung cấp các chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, cập nhật. Do đó, sau khi hoàn thành một chu kỳ đào tạo, nhà trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá CTĐT nhằm cập nhật và đổi mới trên phạm vi toàn trường. Cụ thể, trong những năm gần đây nhà trường đã đổi mới CTĐT vào các năm 2002, 2008, và 2014. Quá trình này có sự tham gia của các bên liên quan trọng yếu như: nhà sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên, và dựa trên các quy định của Luật Giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản. Trong lần đổi mới CTĐT vào năm 2014, nhà trường áp dụng mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), để xây dựng CTĐT nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nhà trường cho phép thay đổi và hiệu chỉnh nhỏ nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát sinh mới và cấp thiết.
Tính từ năm 2009 đến nay trường đã có 9 chương trình được công nhận đạt chuẩn AUN-QA; 07 chương trình được công nhận bởi CTI – ENAEE (EUR-ACE); và đặc biệt là 02 chương trình đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn ABET.
4. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: từ khóa 2014 về sau, từ khóa 2013 trở về trước
Đối với một chương trình đào tạo (CTĐT), mục tiêu đào tạo (MTĐT) đóng vai trò quan trọng, bởi nó xác định rõ lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể của CTĐT, bối cảnh hoạt động nghề nghiệp; phản ánh sứ mạng của trường/khoa và nhu cầu của các bên liên quan về những trình độ năng lực, phẩm chất … mà người học được trang bị. MTĐT sẽ quyết định cấu trúc chương trình và nội dung giáo dục đại học. Do đó, tại trường ĐH Bách Khoa tất cả CTĐT đều có MTĐT rõ ràng, cụ thể.
Theo đó, MTĐT được xây dựng dựa trên sứ mạng của trường và khoa và phù hợp với sự phát triển của ngành, có thể thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. MTĐT của từng CTĐT được xây dựng mới/cập nhật cùng với việc xây dựng mới/cập nhật CTĐT theo quy định và hướng dẫn của nhà trường. Các MTĐT sau khi được xây dựng, được phản biện bởi các chuyên gia và được đánh giá bởi Hội đồng Khoa học và Đào tạo của khoa.
Các MTĐT sau đó được cụ thể hoá thành các chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT, trong đó thể hiện cụ thể những trình độ năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học có thể đạt được vào thời điểm tốt nghiệp. Đối với các CTĐT 2014, các CĐR được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học trong đó CĐR phù hợp với MTĐT, phản ánh sứ mạng của trường, khoa. Trong quá trình xây dựng CĐR, các bên liên quan bao gồm giảng viên, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, và sinh viên được lấy ý kiến thông qua các hình thức khảo sát và/hoặc hội thảo, phỏng vấn sâu. CĐR được xây dựng chi tiết đến cấp độ 3 (cho CTĐT) và cấp độ 4 (cho môn học).
Cấu trúc của tất cả các CTĐT tại trường ĐHBK được xây dựng dựa trên cấu trúc CTĐT khung quy định bởi trường ĐH Bách Khoa. Cấu trúc CTĐT khung bao gồm các khối kiến thức từ kiến thức giáo dục đại cương đến khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, khối kiến thức giáo dục đại cương nhằm cung cấp nền tảng lý luận, toán và khoa học tự nhiên, chính trị, xã hội …; còn khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản của ngành đào tạo theo diện rộng và sâu của lĩnh vực đào tạo.
Từ khóa » Học Vật Lý Kỹ Thuật Ra Làm Gì
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Ra Làm Gì? Cơ Hội Việc Làm HOT Cho Bạn Trẻ!
-
Vật Lý Kỹ Thuật - Tuyển Sinh Đại Học Cần Thơ
-
Bạn Có Biết Học Xong Kiến Thức Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Ra Làm Gì?
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Và Điện Tử: Học Gì? Ra Trường Làm Gì? - USTH
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Là Gì? Ra Trường Làm Gì? Lương Bao Nhiêu?
-
Vật Lý Kỹ Thuật - Ngành đào Tạo ĐẠI HỌC
-
Thông Tin Tổng Quan Về Ngành Vật Lý Kỹ Thuật - Tuyển Sinh Số
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật | Thông Tin Tuyển Sinh Đại Học Cao đẳng
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Là Gì? Học Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Ra Trường Làm ...
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Là Ngành Gì? Sức Hot Trong Mùa Tuyển Sinh ...
-
Tìm Hiểu Ngành Nghề: Vật Lý Kỹ Thuật (Mã XT: 7520401) - TrangEdu
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Là Ngành Gì? Cơ Hội Việc Làm Có Cao Không?
-
Ngành Kỹ Thuật Không Gian
-
Ngành Vật Lý Kỹ Thuật Là Gì? Điểm Chuẩn Và Các Trường đào Tạo