Văn hóa - Giáo dục
Ngày xuân nghe hát ca trù08:27, 26/01/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN |
- Lưu giữ, bảo tồn di sản ca trù
- Sống dậy ca trù Phủ Diễn
|
(Congannghean.vn)-Người mà chúng tôi muốn nói đến là Nghệ nhân ưu tú Ngọc Mai. Chị đã và đang miệt mài với công cuộc gìn giữ, truyền dạy nghệ thuật ca trù cho mọi người. Chị bảo, chỉ vì một chữ “duyên” mà cháy hết mình với niềm đam mê ấy. |
Chị Ngọc Mai vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú |
Về xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu vào một ngày đầu xuân, từ đầu làng, chúng tôi đã nghe ngân vang câu hát “Gặp xuân ta giữ xuân chơi. Câu thơ chén rượu là nơi đi về. Hết xuân, cạn chén, xuân về. Nghìn thu nét mực xuân đề vẫn xuân! Xuân ơi, xuân hỡi!...”. Những điệu khó trong bài ca trù “Gặp xuân” cất lên bay bổng, thiết tha hòa với tiếng trống tòm chát xen tiếng phách rộn ràng lúc khoan, lúc nhặt; tiếng đàn sâu lắng quyện lẫn lời ca nỉ non như tiếng đồng vọng của quá khứ khiến bao tao nhân mặc khách bồi hồi, xúc động nhớ về cội nguồn, đánh thức nỗi niềm sâu thẳm của trái tim hướng về quê hương, nơi có cây đa cổ thụ, giếng nước, mái đình. Những câu hát ấy được cất lên từ Nghệ nhân ưu tú Ngọc Mai - người con của mảnh đất này. Ca trù từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Diễn Liên nói riêng, huyện Diễn Châu nói chung, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Loại hình nghệ thuật dân gian này đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể năm 2009. Trong nghệ thuật ca trù, các nghệ nhân được xem như là “báu vật sống” để lưu giữ linh hồn của di sản. Nghệ nhân Ngọc Mai là một trong những “báu vật” đó. Nghệ nhân Ngọc Mai tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mai. Mùa xuân này chị tròn 53 tuổi. Ngay từ thuở bé, những câu ca dao, những điệu hò, ví giặm của bà, của mẹ đã ngấm sâu trong tiềm thức của chị. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã là một cây văn nghệ của trường. Đến với loại hình nghệ thuật ca trù, chị bảo đó là cái “duyên”. Nghệ nhân Ngọc Mai chia sẻ: “Năm tôi tròn 30 tuổi, trong một lần đi tham gia phục vụ văn nghệ mừng thọ cho các cụ trong làng nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi được nghe các cụ hát ca trù. Tiếng hát nỉ non, ma mị cùng tiếng tính tang, tòm chát… lôi cuốn khiến tiệc tan mà người cứ như trong cơn “say”. Ca trù ngấm vào máu, trở thành đam mê từ ngày đó”. Để hát được ca trù, ngoài đam mê, người hát phải không ngừng học hỏi, trau dồi và có thời gian rèn luyện. Nghệ nhân Ngọc Mai cho biết, hát ca trù rất khó, từ cách lấy hơi, nhả chữ, gõ phách đều phải tập luyện. Kỹ thuật hát trong ca trù phải ém hơi, nhả chữ. Ém một hơi nhả ra một chữ tạo thành hột, đây là điểm cốt lõi làm nên hồn cốt của loại hình nghệ thuật này. Ca trù không đơn thuần là hát mà phải nảy hột. Nảy hột phải có kỹ thuật, chịu khó rèn luyện mới có được hơi chắc. Ngoài ra, ca nương phải đạt đến độ điêu luyện khi một lúc hát, gõ phách, tai tập trung lắng nghe tiếng đàn của đào kép và tiếng trống chầu của quan viên… Tất cả phải được kết hợp một cách nhuần nhuyễn. |
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Mai biểu diễn 1 điệu ca trù |
Để trau dồi giọng hát của mình, nghệ nhân Ngọc Mai đã tích cực tham gia các lớp học nâng cao kỹ năng như: Lớp huấn luyện ca trù thí điểm Diễn Châu, lớp nâng cao truyền dạy ca trù tại Viện Âm nhạc Hà Nội. Ngoài ra, chị còn thường xuyên tham gia giao lưu, học hỏi với các câu lạc bộ (CLB) ca trù, tham gia Hội diễn ca trù toàn quốc… “Cháy” cùng nghệ thuật ca trù truyền thống, nghệ nhân Ngọc Mai đã gặt hái được nhiều thành tích tại các hội diễn văn nghệ như Huy chương Bạc tại Hội diễn ca trù toàn quốc năm 2005; giải A Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2006, 2008; giải A và B hát, múa Lắc Sinh năm 2011; giải A lớp truyền dạy nâng cao ca trù năm 2012… Ca trù là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa mang đậm tính dân gian lại vừa rất uyên bác cả trong âm nhạc lẫn lời ca. Trong bối cảnh hiện nay, ca trù rất kén người nghe và khá khó khăn khi hòa nhập với đời sống đương đại. Đến bây giờ, số người biết hát chỉ đếm trên đầu ngón tay, lớp trẻ lại không mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, điều mà nghệ nhân Ngọc Mai luôn trăn trở là làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ, phát huy được di sản, giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại. Đau đáu, trăn trở, Ngọc Mai cùng với những người yêu ca trù quyết định thành lập CLB ca trù của xã Diễn Liên và huyện Diễn Châu. Các thành viên đến với CLB từ nhiều độ tuổi. Có gia đình, bố mẹ đàn, con hát như gia đình ông Võ Công Súy, gia đình chị Võ Thị Mai… Ngoài sinh hoạt thường niên, nghệ nhân Ngọc Mai còn tổ chức dạy hát cho các thành viên trong CLB của mình cũng như CLB ca trù ở những xã lân cận là Diễn Xuân, Diễn Hoa, Diễn Yên… Đến nay, chị đã truyền dạy ca trù cho khoảng 80 người, trong đó có em Võ Thị Mai Anh (SN 1999) nay đã là một ca nương thành danh, được người dân yêu thích và mến mộ. Nghệ nhân Ngọc Mai chia sẻ, các bậc tiền nhân hay những người như các chị, theo thời gian cũng sẽ già đi và về thế giới bên kia. Vì vậy, việc trao truyền cho con cháu môn nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại thực sự rất cần thiết. Nghệ nhân Ngọc Mai làm với tinh thần tự nguyện và hơn ai hết, chị hiểu rằng, chỉ có niềm đam mê mới giúp chị vượt qua mọi khó khăn để có thời gian cống hiến cho bộ môn nghệ thuật này. Ông Trần Cảnh Yên, nguyên Chủ nhiệm CLB ca trù Diễn Châu cho biết, nghệ nhân Ngọc Mai là một trong những cánh chim đầu đàn của CLB, là nghệ nhân có năng khiếu, hát được nhiều thể cách khác nhau. Chị có nhiều đóng góp cho CLB ca trù của xã, huyện. Tâm huyết, làm việc có tinh thần, trách nhiệm, năm 2019, nghệ nhân Ngọc Mai vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Đình làng tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu những ngày vào Xuân thật rộn ràng, náo nức. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Nghệ nhân ưu tú Ngọc Mai lại cùng các đào nương, kép đàn xúng xính trong trang phục truyền thống tập trung về đình làng vào đêm Giao thừa để hát ca trù chào đón Xuân sang. Tiếng hát cất lên khiến cho tâm hồn con người lắng lại, thả hồn mình tìm về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên. Ngoài việc biểu diễn tại đêm Giao thừa, CLB ca trù Diễn Liên còn được mời biểu diễn trong các buổi lễ mừng thọ đầu Xuân tại các dòng họ, các xóm và gia đình. Ngoài những bài hát cổ mang âm hưởng sâu lắng thì các thành viên CLB cũng đã có những sáng tác mới với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân, nhớ ơn Bác Hồ, những đổi thay của quê hương, đất nước… Chia tay Nghệ nhân ưu tú Ngọc Mai khi chiều vừa tắt nắng, gió hiu hiu lạnh, những lời ca, âm thanh như dẫn dụ, níu kéo bước chân người ở lại. Tin rằng, với tình yêu dành cho ca trù, nghệ nhân Ngọc Mai, những ca nương mới đã và đang tiếp nối nhau gìn giữ và phát huy giá trị độc đáo của quê hương mình.Gia Khánh
Các tin khác
- Thiếu tướng Lê Văn Khiêu: Vị tướng của những nụ cười dí dỏm!
- Huyền tích về nơi vua Lê Thái Tổ dừng chân
- 3 điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại Nghệ An
- Chiều cuối năm, người về mau...
- Giữ nét xưa trong lòng Tết hiện đại
- Công nhận 27 bảo vật quốc gia
- Bảo tồn trang phục dân tộc gắn với phát triển du lịch
- Báo Công an Nghệ An số 2720
- Sôi nổi các hoạt động 'Hội chợ Xuân 2020' tại các trường học
- Nhặt được của rơi, trả người đánh mất