Nghề Dệt Thổ Cẩm Của Người Chăm ở An Giang - Báo Thanh Tra

Theo các tài liệu nghiên cứu thì nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang có truyền thống lâu đời và đã từng có một thời gian dài phát triển hết sức thịnh vượng. Vào thời kỳ thịnh vượng, hầu như gia đình người Chăm ở đây cũng có khung để dệt thổ cẩm sử dụng trong gia đình và dùng làm hàng hóa trao đổi với các địa phương khác.

Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang tập trung chủ yếu tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Đa Phước, huyện An Phú. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của thị trường vải dệt thì việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm còn là cách để người Chăm giữ gìn bản sắc, lưu giữ truyền thống và phát triển văn hóa, du lịch.

Với phụ nữ dân tộc Chăm, hành trang trưởng thành của họ không thể thiếu nghề dệt thổ cẩm. Thông thường, ở độ tuổi 10 - 12, các bé gái đã được tiếp xúc với những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Đến tuổi 17 - 18, hầu hết các thiếu nữ Chăm ở An Giang đã thành thạo các công đoạn để làm ra sản phẩm dệt thổ cẩm.

Đặc trưng dễ nhận biết về các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang là thường có hoa văn, họa tiết ô vuông, kẻ sọc, sóng nước, vân mây, bông dâu, lồng đèn… với các sản phẩm phổ biến như xà rông, khăn quàng, túi xách. Những sản phẩm này được làm thủ công từ các công cụ chính là sa quay chỉ, khung kéo canh và khung dệt. Sự sắp đặt khéo léo về màu sắc, họa tiết đã tạo nên những hình ảnh sống động về thiên nhiên, về con người và những lễ hội sinh hoạt, phong tục tập quán.

Về nguyên liệu, người Chăm thường sử dụng 3 loại chỉ để dệt thổ cẩm là chỉ cotton (dùng cho trang phục cả nam và nữ), tơ (dành cho các mặt hàng dệt cao cấp, thường là trang phục cưới của cô dâu hay những trang phục lễ hội dành cho phụ nữ) và polyester (là loại chỉ dày nên chỉ dùng để làm túi xách, khăn choàng, ít khi may trang phục).

Người Chăm không dùng trực tiếp ống chỉ mua về mà chia ra thành nhiều ống nhỏ trước khi kéo canh. Chỉ dùng để dệt cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, bao gồm các loại sợi 20, 30, 40… Sợi có số càng lớn thì càng mảnh, thêu lên nét càng thanh.

Màu thổ cẩm của đồng bào Chăm được nhuộm bằng mủ, vỏ và trái cây hoặc chất do côn trùng tiết ra nên sắc màu đẹp và lâu phai. Kỹ thuật nhuộm sợi, nhuộm vải là bí quyết được lưu truyền từ thế hệ này sang thế khác trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Bên cạnh đó, những sản phẩm thổ cẩm của người Chăm còn đặc sắc bởi cách tạo hình hoa văn, cách phối màu, bố cục…

Sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ở An Giang mang những nét đặc trưng không thể pha lẫn. Ảnh: tanchau.angiang.gov.vn

Kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang có những đặc trưng riêng biệt, khác với những nơi khác và cũng khác với kỹ thuật dệt xà rông của chính đồng bào Chăm. Đây là kỹ thuật dệt sợi dọc có nền trơn và dệt tạo hoa văn trên sợi ngang. Tùy từng loại hoa văn mà số lượng khung go cũng thay đổi khác nhau. Ví dụ như dệt thổ cẩm hoa văn dạng mắt xích phải có 10 khung go, bông dâu cần 12 khung go, hoa văn con thoi, mắc võng cần 9 khung go, cánh quạt 8 khung go…

Theo nghiên cứu của tác giả Ngọc Hồ - Phương Mai được công bố trên Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang thì điểm đặc sắc trong kỹ thuật dệt của người Chăm là làm cho hoa văn nổi lên giữa nền vải và đường chỉ ngang mà không bị che khuất giữa các màu. Ngoài những kiểu hoa văn truyền thống thì họ cũng tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp từ nơi khác và kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm cho sản phẩm sinh động và mới mẻ hơn.

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống trong cả nước, có những thời điểm gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhưng nhờ chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các làng nghề truyền thống của Nhà nước cũng như việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nghề dệt của người Chăm đã có những thay đổi để thích ứng và phát triển.

Những năm gần đây, các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang đã bắt đầu đón các đoàn khách du lịch tới tham quan, trong đó có cả những du khách nước ngoài. Mặc dù số lượng khách tham quan chưa nhiều, nhưng đó là dấu hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của hướng phát triển làng nghề kết hợp du lịch cộng đồng.

Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cùng với ý thức giữ gìn truyền thống, giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc Chăm đang mở ra hy vọng về một tương lai phát triển mạnh, bền vững của nghề dệt thổ cẩm ở An Giang.

Từ khóa » Dệt Vải An Giang