Nghề Gốm Làng Bát Tràng - Cục Di Sản Văn Hóa

Nghề gốm làng Bát Tràng

Theo truyền thuyết, xưa ở Bát Tràng có 72 gò đất sét trắng, một số thợ Bồ Bát (nay thuộc Ninh Bình) thời Lý đã di cư cùng họ Nguyễn Ninh Tràng đến đây lập lò gốm với tên gọi là Bạch Thổ Phường (phường đất trắng). Thế kỷ XV, Bát Tràng được ghi nhận trong sử liệu là làng nghề gốm nổi tiếng, được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh.

Nguyên liệu làm gốm là đất sét và cao lanh được khai thác tại chỗ nhưng từ thế kỷ XVIII, nguồn nguyên liệu tại chỗ cạn kiệt nên người làm nghề lấy đất ở Sơn Tây, Phúc Yên, Đông Triều, Hải Dương (Tử Lạc, Bích Nhôi, huyện Kinh Môn; Hổ Lao và Trúc Thôn, huyện Chí Linh - dân làng gọi là đất đông). Trong đó, đất Trúc Thôn là loại đất được người ưa dùng nhất.

Trước đây, đối với các lò ếch thời kỳ đầu, người thợ gốm làng Bát Tràng thường dùng rơm rạ, tre nứa để đốt lò cóc (hay lò ếch), lò dã chiến, lò đàn. Khi chuyển sang lò bầu, dân làng Bát Tràng dùng rơm rạ kết hợp với các loại gỗ để nung gốm như phi lao, bạch đàn, gỗ mỡ,... Khi dân Bát Tràng chuyển sang sử dụng lò đứng, than cám (Quảng Ninh) trở thành nguyên liệu chính còn củi chỉ dùng để nhóm lò. Hiện nay, 100% các hộ sản xuất gốm tại làng Bát Tràng đều sử dụng lò ga, lò điện, lò tuy - nen (lò hầm, lò liên tục).

Gốm Bát Tràng sử dụng bàn xoay để chuốt thành sản phẩm, nay họ gắn thêm môtơ để tiết kiệm sức lao động.

Quy trình sản xuất gốm tại làng Bát Tràng phải trải qua 7 bước, gồm: xử lý, pha chế đất, tạo dáng, tạo văn, hoa trang trí; phủ men (tráng men) và nung sản phẩm, được đúc kết qua câu “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”.

Xử lý và pha chế đất: dùng hệ thống bể chứa để ngâm đất trong nước. Tùy vào đặc tính của mỗi loại đất mà thời gian và kỹ thuật xử lý, pha chế sẽ khác nhau. Đối với các loại đất sét khai thác tại các mỏ sét ở Hồ Lao, Trúc Thôn, thông thường mỗi cơ sở gốm sẽ xây một hệ thống bể gồm 4 bể chứa ở độ cao thấp khác nhau, gồm: bể đánh, bể lắng, bể phơi và bể ủ. Đối với loại đất tốt hơn như nguồn đất sét ở phường Bạch Thổ xưa hay đất vùng Dâu Canh (đất sét màu vàng xám thường gọi đất non) thì việc xử lý đơn giản hơn, chỉ cần loại bỏ bớt tạp chất, ngâm đất cho chín, đảo kỹ, vun thành đống, dẫm đất cho nát, rồi ấp lại thành quả đất và cuối cùng là thái quả đất nhiều lần bằng công cụ kéo cắt đất chuyên dụng (gọi là củi nể) cho cối đất thật mịn dẻo là được. Sau khi đất được làm sạch, tùy theo yêu cầu của từng loại gốm mà người ta có thể pha chế thêm cao lanh ít nhiều hoặc loại bớt cát, thêm cát trong đất sét.

Sau khi đất được xử lý và pha chế, thợ gốm sẽ tiến hành tạo dáng cho sản phẩm trên bàn xoay. Người thợ tạo hình sản phẩm sau đó xén lợi và bắt lợi, cắt chân, nghĩa là tạo miệng và để đồ gốm mộc thật cân đối. Với đồ gốm có kích thước lớn, người thợ phải be chạch bằng cách be, nặn, kéo đất để tạo hình sản phẩm. Mỗi cốt gốm được tạo xong đều đem ra khỏi bàn xoay và đặt vào cái bững để phơi khô. Ngày nay, ngoài kỹ thuật vuốt, be trạch bằng tay, thợ gốm Bát Tràng còn sử dụng phổ biến một số cách tạo gốm như đắp nặn, đúc khuôn hay khuôn in. Ngoài ra, người ta còn dùng phương pháp đổ rót, tức là đổ hồ thừa hay hồ đầy để tạo dáng sản phẩm. Cốt gốm được phơi sấy bằng cách hong trên giá trong nhà thoáng gió hay dùng lò sấy.

Cốt gốm mộc sau khi phơi cho cương tay sẽ tiến hành ủ vóc và tu sửa cho hoàn chỉnh. Để tu sửa sản phẩm, người thợ đặt sản phẩm trên bàn xoay nhẹ đà để sửa chân vóc cho cân, chặt lại và sản phẩm tròn trở lại gọi là lùa. Những sản phẩm sửa lại mà dùng bàn xoay thì gọi là làm hàng bàn, không dùng bàn xoay thì gọi là làm hàng bộ. Sau khi lùa, thợ gốm tiến hành các động tác cắt, gọt chỗ thừa, bồi đắp chỗ khuyết, chắp ghép các bộ phận của vật phẩm như tai đỉnh, tay tượng, vòi ấm, quai hình vôi, quai tích,...), khoan lỗ, chuốt tỉa hoa văn, chuốt nước cho mịn mặt sản phẩm. Đối với những sản phẩm in bằng khuôn phải lấy chân lượn quả, sả vách, (tức là tạo eo sản phẩm) và lấy lợi (gọi là tiện). Tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ gốm có thể phải đắp nổi hay khắc chìm trên mặt hiện vật.

Sản phẩm sau khi được sửa sẽ tiến hành trang trí. Vào thế kỷ XIV - XV, kỹ thuật trang trí chỉ dừng lại ở khắc chìm, tô men nâu theo kỹ thuật gốm hoa nâu thời Lý - Trần. Đến thế kỷ XVI - XVIII, kỹ thuật trang trí chạm đắp nổi kết hợp với vẽ lam hình rồng, phượng xen kẽ mây cụm, ngựa có cánh, hoạt cảnh người, cánh sen đứng, hoa dây, lá đề, phong cảnh sơn thủy... Thợ gốm dùng bút lông vẽ trực tiếp lên sản phẩm cùng nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu... để khi nung men chảy tỏa xuống tạo lên những đường nét màu sắc tự nhiên, hài hòa. Hiện nay, ngoài kỹ thuật trang trí truyền thống, ở Bát Tràng còn xuất hiện kỹ thuật hấp hoa, trang trí hình in sẵn trên giấy, dễ làm, nhanh nhưng không có tính sáng tạo và nghệ thuật.

Men gốm do người thợ chế biến và pha chế các nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn. Loại men mà người sử dụng phổ biến hơn cả là men tro. Loại men này chế từ tro trấu của làng Quế, làng Lường (Nam Hà), với đất sét trắng, vôi sống để tả. Từ men tro, người thợ Bát Tràng kết hợp với các nguyên liệu khác nhau chế ra 5 dòng men khác nhau và đặc trưng của gốm gồm: men nâu (men sô-cô-la), men lam, men rạn, men ngọc, men trắng (ngà). Các loại men truyền thống ấy đã tạo nên nhiều sắc độ tuyệt đẹp trên sản phẩm gốm lừng danh của người Bát Tràng. Men gốm có thể phối men theo hai cách: chế khô hoặc ướt. Thợ gốm ở Bát Tràng xưa nay quen dùng men ướt. Người ta cho hợp chất men đã nghiền mịn vào nước, khuấy tan rồi đợi đến khi hợp chất lắng xuống thì bỏ phần nước trong ở trên và bã đọng dưới đáy, chỉ lấy phần dị lơ lửng ở giữa. Dị chính là lớp men bóng phủ ngoài cốt gốm. Trong quá trình tạo men, để men dễ chảy hơn khi nung, người thợ gốm Bát Tràng thường nghiền bột tro mịn hơn nhiều so với bột đất và đúc kết lại thành câu châm ngôn truyền lại cho các thế hệ sau “nhỏ tro to đàn”.

Sản phẩm mộc hoàn chỉnh, người thợ gốm dùng sản phẩm mộc đã được phơi khô trực tiếp nhúng men rồi mang đi nung. Riêng đối với những loại xương gốm có màu, trước khi tráng men, thợ gốm còn phải dùng dung dịch đất sét màu trắng láng gọi là lớp lót. Sau khi lớp lót khô, tùy theo yêu cầu và đặc trưng của từng dòng sản phẩm mà người thợ có hình thức tráng men lên sản phẩm cho phù hợp. Kỹ thuật tráng men gốm ở Bát Tràng có nhiều hình thức. Thông dụng nhất là hình thức tráng men ngoài sản phẩm, gọi là kìm men. Khó hơn cả là các hình thức quay men và đúc men. Quay men là tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm cùng một lúc. Còn đúc men thì chỉ tráng men trong lòng sản phẩm. Đó là những thủ pháp tráng men của thợ gốm Bát Tràng, vừa là kỹ thuật, vừa là nghệ thuật, được bảo tồn qua nhiều thế hệ, thậm chí đã từng là những bí truyền trong nghề nghiệp tại đây. Sản phẩm tráng men sau khi khô trước khi đưa vào lò nung sẽ tiến hành tu chỉnh, gọi là sửa hàng men: thêm hay cạo bỏ men thừa.

Sản phẩm mộc sau quá trình gia công hoàn chỉnh được đem vào lò nung. Việc chồng lò, sắp xếp sản phẩm trong lò phụ thuộc vào loại sản phẩm, hình dáng, kích thước của bao nung và loại lò dùng để nung để vừa sử dụng triệt để không gian trong lò, vừa tiết kiệm được nhiên liệu mà lại đạt hiệu nhiệt cao. Cụ thể: đối với lò ếch, người ta xếp sản phẩm từ gáy lò ra đến cửa lò; đối với lò đàn, tùy nơi phân bố nhiệt mà dùng bao nung phù hợp như: nhiệt độ rất cao – bao nung ngoại cỡ, nhiệt độ cao – bao nung phù hợp với kích cỡ sản phẩm, nhiệt độ giảm không dùng bao nung cho sản phẩm; đối với lò hộp, sản phẩm mộc được đặt trong các bao nung hình trụ không đậy nắp và xếp chồng cao đến tới nóc lò, các khoảng trống giữa các bao nung đều chèn các viên hay bánh than, tùy thời tiết, khí hậu mà chèn nhiều hay ít.

Đốt lò là khâu quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của một lò gốm. Người làm nghề thường thực hiện nghi lễ cầu khấn cho một mẻ lò thành công. Thành công của việc đốt lò là ở bí quyết làm chủ ngọn lửa, tuân theo nguyên tắc: nâng dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín thì phải từ từ hạ nhiệt độ xuống. Đối với các loại lò truyền thống hầu hết quy trình đốt lò tương tự nhau. Bằng kinh nghiệm của mình, người thợ cả có thể làm chủ được ngọn lửa trong cả quá trình đốt lò. Khi đốt lò, người đốt phải biết được “dấm sấy khói cay, bắt đầy khói thối” (tức là quan sát lượng hơi nước bốc ra có nhiều tạp chất, ngửi mùi lưu huỳnh cay cay như nấu dấm thì tăng lửa lên). Đối với lò đứng thì việc đốt lò đơn giản hơn, tuy nhiên, chất lượng gốm nung lò đứng không cao bằng các lò bầu, lò đàn, bởi người thợ khó khống chế được ngọn lửa nung. Đối với lò con thoi hay lò tuy len, nhiên liệu chủ yếu dùng để nung gốm là dầu hoặc khí đốt, nhiệt độ được theo dõi qua hỏa kế, việc điều chỉnh nhiệt độ được thực hiện bán tự động hoặc tự động.

Gốm sứ Bát Tràng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, có 3 dòng chính: Đồ gốm gia dụng; Đồ gốm dùng để thờ cúng; Đồ trang trí được bán trong nước và xuất khẩu. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất không ngừng tìm tòi, học hỏi, thiết kế nhiều mẫu sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển và thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm gốm của Bát Tràng không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà dần khẳng định được vai trò và thương hiệu trên trường quốc tế. Trong quá trình làm nghề, người dân đã sáng tạo ra các thiết bị, công cụ, máy móc để hỗ trợ cho quá trình làm nghề như lò ga, máy trộn đất, máy nén, khuôn...

Nghề gốm làng Bát Tràng hiện vẫn được cộng đồng thực hành và ngày càng phát triển, mỗi hộ gia đình là một đơn vị sản xuất độc lập. Công nghệ và kỹ thuật trong quá trình sản xuất được cộng đồng ứng dụng để cải thiện chất lượng, số lượng, thời gian, nhân công, vấn đề về môi trường...

Nghề gốm làng Bát Tràng là sự kết tinh sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ. Khi chế tác sản phẩm, nghệ nhân ngoài việc vận dụng những kỹ thuật được học từ cha ông còn phải mày mò, tìm hiểu, khám phá và sáng tạo ra những họa tiết, hoặc kỹ thuật, hoặc mẫu mã mới, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nghề gốm là một trong những đặc điểm nhận diện văn hóa, phản ánh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng cư dân thực hành nghề gốm tại làng Bát Tràng. Cùng trong một làng nhưng sản phẩm của mỗi một nghệ nhân có hồn riêng, đặc trưng riêng. Nghề gốm làng Bát Tràng góp phần lưu truyền, lưu giữ và phổ biến các biểu tượng văn hóa, nước men truyền thống, là động lực để phát triển, phát huy giá trị di sản của các thế hệ trước. Sản phẩm gốm Bát Tràng thể hiện giá trị kỹ thuật, thẩm mỹ của người thợ, tạo nên sự đa dạng, phong phú và nét độc đáo cho những sản phẩm của làng. Nghề gốm làng Bát Tràng góp phần không nhỏ vào sự gia tăng giá trị sản phẩm của địa phương, thu ngân sách cho nhà nước, tạo công ăn việc làm và góp phần nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân trong làng và vùng lân cận, cải thiện các chỉ số về an sinh xã hội. Nghề gốm ở Bát Tràng đã xây dựng được mạng lưới những người làm nghề đông đảo, Hiệp hội Nghề gốm sứ Bát Tràng và vượt ra khỏi phạm vi làng, xã; xây dựng mối quan hệ kinh tế giữa những người thực hành nghề tạo nên sự gắn kết, tương hỗ lẫn nhau.

Với giá trị tiêu biểu, Nghề gốm làng Bát Tràng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019./.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Từ khóa » Thông Tin Về Làng Gốm Bát Tràng