NGHỆ THUẬT ẨN DỤ TRONG CA DAO

Thơ ca trữ tình dân gian là nơi bộc lộ rõ nhất tâm hồn dân tộc. Ý nghĩa cơ bản của thơ ca trữ tình dân gian là biểu đạt những tư tưởng, tình cảm và cảm xúc của nhân dân.Những tư tưởng, tình cảm và cảm xúc ấy được chuyển tải thông qua những hình ảnh giàu giá trị tạo hình và qua một thế giới nghệ thuật lung linh sắc màu. Một trong những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của ca dao là ẩn dụ.

1. Khái niệm

- Ẩn dụ là phương thức tu từ dựa trên cơ sở đồng nhất hai hiện tượng tương tự, thể hiện cái này qua cái khác mà bản thân cái được nói đến thì được ẩn đi một cách kín đáo.

2. Ý nghĩa của ẩn dụ trong ca dao.

a. Ý nghĩa nhận thức

- Biện pháp ẩn dụ đưa đến cho ta một nhận thức mới, một lối tư duy mới về sự vật.

Tiếc thay hạt gạo tám xoan

Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà

Ở đây trong nghĩa hiển ngôn ta tiếp nhận được đặc điểm và suy ra mối quan hệ giữa gạo tám xoan, nồi đồng(những thứ đáng giá) với nước cà(là thứ vô giá trị) là mối quan hệ khập khiễng không tương xứng, từ nhận thức về mối quan hệ giữa các sự vật ấy giúp người tiếp nhận liên tưởng về những sự khập khiễng trong cuộc đời, về những sự vô tâm, vô tình, hờ hững của những mối quan hệ giữa con người.

Như vậy rõ ràng ẩn dụ đã tạo ra một lối tư duy mới cả về phương diện miêu tả sự vật cụ thể lẫn những khái niệm trừu tượng, không định hình, khó đong đếm.

b. Ý nghĩa thẩm mỹ.

Biện pháp ẩn dụ giúp cho tác giả dân gian diễn tả được những điều thầm kín, thậm chí những điều khó nói nhất, khó diễn đạt nhất bằng những hình tượng nghệ thuật vừa khái quát vừa giàu chất thơ.

Quả đào tiên ruột mất vỏ còn

Buông lời hỏi bạn, lối mòn ai đi

Quả đào tiên là loại quả quý nhưng cái quý nhất là ruột thì lại mất rồi , chỉ còn lại cái vỏ mà thôi. Ngụ ý bài ca dao này nói về một cô gái không còn giữ được phẩm chất, nhân cách. Vậy thiết nghĩ ít có cách diễn đạt nào tế nhị, bóng bẩy và hay như thế.

c. Ý nghĩa biểu cảm

Trong đặc điểm của loại hình nghệ thuật sáng tác theo phương thức trữ tình, cái đọng lại trong lòng người tiếp nhận không chỉ ở chỗ sự vật ấy được phản ánh ra sao mà quan trọng là tình cảm, trạng thái tâm hồn của con người thể hiện như thế nào qua cách phản ánh ấy.

Trong thơ ca trữ tình dân gian, tính chất trữ tình đặc biệt được thể hiện qua các thán từ “trách ai”, “tiếc thay”...

Tiếc thay hạt gạo trắng ngần

Đã vo nước đục lại vần than rơm.

Trách người quân tử vô tình

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao

Em tưởng nước giếng sâu em nối sợi gầu dài

Ai ngờ nước giếng cạn em tiếc hoài sợi dây

Công anh bắt tép nuôi cò

Cò ăn cò lớn cò dò lên cây.

Như vậy thông qua các thán từ, tác giả dân gian đã bộc lộ rất rõ cảm xúc, thái độ, tình cảm đối với đối tượng được đề cập, ca dao có bao hàm và chứa đựng hầu hết các ý nghĩa: Thẩm mỹ, nhận thức và biểu cảm.

Ca dao là thể loại văn học dân gian được các nhà nghiên cứu để tâm đến nhiều bởi giá trị nhiều mặt của nó. Những thế giới nghệ thuật trong ca dao như một mảnh đất rộng rãi và hấp dẫn cho những ai quan tâm, yêu thích vẻ đẹp của ca dao.

Trung tâm gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC

(nguồn từ internet)

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT

ĐÀO TẠO NTIC

Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng Hotline: 0905540067 - 0778494857

Email: daotaontic@gmail.com

Từ khóa » Tiếc Thay Hạt Gạo Trắng Ngần Biện Pháp Tu Từ