Nghệ Thuật Của Việc Lười Biếng

“Tôi luôn chọn người lười biếng cho những công việc khó khăn… Bởi vì họ luôn biết tìm con đường dễ dàng nhất để thực hiện nó.”

Bill Gates

Người lười biếng? họ là ai trong cái xã hội này?

Làm việc trong những ngành dịch vụ phải tiếp xúc với con người, chúng tôi không tránh khỏi tiếp xúc với hàng tá các thể loại tính cách khác nhau, mà ngó tới ngó lui thì nhiều khi “lười” lại một từ xuất hiện thường xuyên nhất nhì trong cuốn từ điển tính cách. Lười bắt đầu, lười làm việc, lười hoàn thành một cái gì đó, lười tiếp tục một thứ dang dở, đôi khi lại là “lười trả tiền”… Tuy nhiên lười thì lười, làm thì vẫn phải làm, vì “Cơm áo không đùa với khách…lười”.

Lười như một thứ thành phần trong bản chất, lười có trong tôi, trong anh, trong đối tác của chúng mình… vài người vượt qua được nó, nhưng không phải chúng ta! Vì chúng ta lười, lười vãi hồn!

Ồ thế những người lười trong xã hội này, họ trông ra sao, hình dáng thế nào? Đôi ba người nghe xong sẽ nghĩ ơ kìa rất là đơn giản, thằng lười điển hình là thằng trông đơn giản là …lười, nó uể oải, nó mệt mỏi, nó chả làm gì và cũng chả muốn làm gì. Rõ ràng thế còn gì? Thế nếu giờ tôi bảo bạn: nhiều khi mấy cái thằng làm quần quật ngày 10-12 tiếng, ăn ngủ chỉ vừa đủ qua loa, đang tìm mọi cách để tạo ra một thứ gì đó mới toe, thay đổi công nghệ, thay đổi cách thức người ta vận hành một cái gì đó, nó cũng là một thằng lười, bạn nghĩ sao?

Lazy Popcorn Eater

Thật ra người lười đơn giản chỉ là một người không thích một việc gì đó mà họ cho là quá tốn công sức, và họ phản kháng lại với công việc ấy. Dễ hiểu dễ hình dung he! Tôi lười quét nhà, tại sao cái nhà không tự sạch? Tôi lười soạn mớ code này, tại sao hôm trước gõ rồi, nay phải gõ lại? Tôi lười quản lý đám nhân viên quá, sao tụi nó không tự làm? Từ đứa trẻ, anh lập trình viên cho đến ông sếp, ai cũng có cái lười riêng. Vậy nên, một lần nữa, xin đừng đánh giá vẻ ngoài và quy chụp! Oan cho mấy thằng lười mà bị xem là thằng siêng năng!

Thành công là lười mà vẫn đạt được thứ của người siêng năng tạo ra

Và giờ đây là chính là lúc ăn tiền này: cách thằng lười phản ứng với công việc nó cần làm sẽ quyết định nơi nó ngồi. Nó không làm nó sẽ ngồi gục ngoài đường, nó cắn răng làm nó sẽ ngồi làm tới khi xong thì thôi. Còn nếu nó tìm ra một giải pháp thật sự hay ho để không phải làm nhưng việc vẫn xong, nó sẽ ngồi nhìn thằng khác làm trong sung cbn sướng, muahhahahaha.

Trong ví dụ trên, thằng nhóc cần quét nhà đã chế ra con robot hút bụi tự động, anh lập trình viên nọ đã chế ra công cụ copy/paste để không cần phải gõ lại một đoạn code cả trăm lần, nhà quản lý nọ đã tạo ra một quy trình, cộng nghệ hóa nó thành phần mềm giúp cả tổ chức vài ngàn nhân viên vận hành trơn tru mà không tốn quá nhiều thời gian và chi phí quản lý. Tất cả chỉ vì họ lười quá thôi đấy! bùm, ngạc nhiên chưa?

Lazy But Genius Video Watcher

2019 rồi các bạn, đừng lên án sự lười biếng nữa! Nếu các bạn lười đúng cách, nó sẽ đưa bạn đến với những chân trời đầy nắng ấm, bãi cát dài sóng vỗ rì rào, nằm dài vô lo vô nghĩ. Siêng năng không định hướng cuối cùng chỉ là sự ngập ngụa trong những việc cần làm không bao giờ dứt, và cảm giác “cuộc sống này thật bất công” mà thôi.

Nếu cần lên án xin hãy lên án cái sự vô trách nhiệm, nó là thủ phạm gây ra những hậu quả của 90% những gì người ta đổ thừa cho lười biếng. Lười biếng là xăng, nhà cháy là do mồi lửa “vô trách nhiệm” chứ không phải do cái bình xăng. Đem xăng đó đổ vào động cơ phù hợp, nó sẽ cho bạn đi nhanh hơn thằng đi bộ cả chục lần nhé! Thề luôn! vậy nên…

Tập cho mình lười như thế nào để trở nên tốt đẹp?

Đây là một câu hỏi mà người lười biếng nào cũng nên hỏi, thay vì “làm thế nào để hết lười?”. Không ai đã lười mà hết lười được đâu, chỗ anh em thân thiết nói thật =)), với cả lười là tính tốt mà, sao lại phải chấm dứt? Việc cần làm là xin hãy lười đúng cách, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận vì mình đã lười. Dưới đây là một số những quy luật để “lười đúng, lười hay” mà một thằng cực kì lười như tôi đúc kết ra và đang ngày ngày áp dụng:

Luật số 1. Chú trọng vào kết quả, tối ưu hiệu quả, giảm thiểu công sức

Khi mà ai đó cần đến bạn trong một công việc, cơ bản thì thứ quan trọng nhất họ cần là kết quả mà bạn mang lại. Cố gắng đạt được kết quả đó, hoàn thành đúng các tiêu chí để có một kết quả tốt ở đầu ra, còn việc bạn làm như thế nào sẽ rất ít khi được quan tâm. Hãy đặt “chất lượng kết quả” lên đầu tiên, và trong lúc làm hãy luôn nghĩ đến cách để giảm thiểu công sức, thế nên …

Luật số 2. Lười gì chứ đừng lười tư duy

Bạn lười, bạn có thể loại bỏ rất nhiều bước thừa để có một cách thức hoàn thành công việc nhanh gọn, nhưng tuyệt đối không được loại bỏ việc tư duy. Sự khác biệt ở đây là: khi bạn lười, bạn tư duy cách để làm nhanh, còn khi bạn lười tư duy, bạn sẽ làm đi làm lại, chui vào lối mòn làm mãi một kiểu công việc mà không có thời gian đâu để phát triển lên tiếp. Và rồi ơ kìa, bạn trông rất bận rộn nhưng thực chất không làm được gì nhiều, thế nên…

Image result for we are too busy

Luật số 3. Đừng tỏ ra siêng năng, tránh xa những môi trường đòi hỏi bạn “tỏ ra siêng năng”

Có mặt đúng và đủ 8 tiếng, không được sai lệch, những cuộc họp, báo cáo và giao việc dài đằng đẵng mà mỗi người phát biểu không cần thiết 30′ về việc mình đã làm, luôn phải trong trạng thái làm việc, không được tỏ ra xao nhãng… một môi trường đòi hỏi bạn “siêng năng giả tạo” sẽ kiềm hãm rất nhiều thứ. Nếu một ngày 24h mà bạn phải dành đến 8h để tỏ ra bận rộn, 4h để tăng ca, rồi mệt mỏi 12h còn lại, thì thời gian đâu để cho bạn… lười? Xin hãy lười thường xuyên và khi rảnh thì cứ rảnh, hãy tận hưởng. Tuy nhiên,…

Luật số 4. Hãy lười cho cả tương lai, đừng chỉ lười cho hiện tại

Hãy luôn tìm cách để sự lười của bạn ở hiện tại làm nền cho cái sự lười ở tương lai, càng lúc càng có nhiều thời gian hơn để lười. Đừng “giậm chân tại chỗ”, lười mãi một chỗ là không đúng theo tôn chỉ của sự lười đâu. Nếu đã hoàn thành một công việc và dư ra 2 tiếng đồng hồ, hãy dành 1 tiếng đồng hồ để hoàn thành những việc để hôm sau bạn có thể rảnh ra thêm 4 tiếng. Nghe hấp dẫn và mời gọi không? Thế nhé.

Đọc tới đây bạn đã có thể nhẹ nhàng áp dụng vào công việc, đời sống hiện tại và trở thành một người lười toàn diện, lười khỏe mạnh, tuy nhiên nếu muốn “lười cho đời một cách tốt đẹp hơn” thì xin hãy tới luật số 5 nhé.

Luật số 5. Hãy lười hộ những người xung quanh với

Tưởng tượng, bạn làm 15′ xong việc của một giờ đồng hồ, mất 3-4 tiếng để hoàn thành khối lượng việc của cả tuần, vậy thì một đội ngũ đầy những người lười như bạn họ sẽ dư ra được bao nhiêu thời gian? Và rồi thời gian dư thừa đó sẽ được chuyển hóa thành những gì nữa?

Do quá lười nên chúng tôi nghĩ nhiều về những quy trình, những công cụ tự động để lôi kéo người khác lười cùng mình. Chúng tôi muốn các bạn lười và đẩy hiệu suất công việc lên cao, hoàn thành sớm sủa thứ được giao để các bạn có thể tự do tận dụng thời gian đã được tiết kiệm mà thành. Và rồi một người lười mà mười người vui, ô hay thế giới thật đẹp đẽ biết bao.

Lười dùm người khác là một cách lười nhân văn cao cả và giúp xã hội phát triển. Gớm chưa?

Lời kết

Đọc tới đây và đã thấy cái sự diệu kì của sự lười khi được đặt vào đúng chỗ, bạn còn băn khoăn gì nữa mà không bắt tay vào thực hiện? Trì hoãn gì nữa?

Bắt đầu lười đi chứ thằng lười biếng kia!

Từ khóa » Cũng Lười