Nghệ Thuật Tò He Thấm đẫm Hồn Dân Tộc Việt - Hải Quan Online

Tò he là một trong số ít những trò chơi dân gian còn lưu truyền đến ngày nay. Những tác phẩm sinh động, đầy màu sắc, mộc mạc, mang đầy nét hoài cổ, nhưng tươi vui rạng rỡ, lạc quan như trẻ nhỏ. Thân thơm như đồng lúa đang thì con gái, được làm nên từ chính bông lúa quê hương bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng Xuân La, thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã chu du khắp bốn phương làm say đắm bao tâm hồn người Việt…

Khởi nguồn tò he

Tò he không những ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt, mà còn đi vào thơ ca như những gì đặc sắc nhất của nền văn hoá Bắc Bộ như trong bài đồng dao:

“Tò he mỗi cái một đồng Em mua một cái cho chồng em chơi. Chồng em đánh hỏng thì thôi Em mua cái khác em chơi một mình”

Không biết tò he có từ bao giờ nhưng với những câu đồng dao cổ trên thì tò he đã chứng tỏ là một trong những trò chơi dân gian có từ rất lâu còn tồn tại… Được nhắc đến như là nơi khởi nguồn của nghề nặn tò he là làng Xuân La, thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, theo một số cụ già làm nghề lâu năm trong làng thì tò he đã có lịch sử hơn 300 năm.

nghe thuat to he tham dam hon dan toc viet
Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn say sưa với tò he – môn nghệ thuật truyền thống

Ban đầu, người ta gọi tò he là đồ chơi chim cò bởi tò he được nặn thành hình con chim, con cò… những con vật gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp; Nhưng về sau, sản phẩm thường được gắn với một chiếc kèn ống sậy, đầu kèn có dính kẹo mạch nha có thể phát ra một thứ âm thanh hấp dẫn, khi thổi lên có tiếng kêu ngắt quãng tò… te… tò… te. Có lẽ vì thế người ta gọi là “tò te”, sau nói chệch thành “tò he”.

Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống nông dân. Ðó là những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay họ làm ra như: bột gạo, phẩm màu, que tre.

Giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ theo tỷ lệ 1 kg gạo tẻ với 1 lạng gạo nếp. Nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục. Cho cục bột vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội bột và nhuộm màu cho bột. Muốn bột có độ dẻo như ý thì người thợ phải hết sức chú ý trong quá trình làm bột.

Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn, làng Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên nói: Những sản phẩm tò he được làm nên từ bột gạo mang trong mình những ý nghĩa độc đáo không thể phủ nhận. Không chỉ là một thứ đồ chơi dân gian được làm nên từ những hạt gạo quê hương, mang đậm hồn dân tộc; những con tò he sặc sỡ, sinh động, đẹp mắt còn có thể được xem như những tác phẩm nghệ thuật. Những người nghệ sỹ chân chất, mộc mạc gắn bó với làng quê đã thổi hồn cho bột gạo để những con tò he cất lên tiếng nói của tâm hồn trẻ thơ đầy màu sắc.”

Không những thế, tò he còn là một “món hàng” giúp bà con sau ngày mùa nặng nhọc có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống. Người dân làng Xuân La có câu ca lưu truyền: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò” – chim cò ở đây là chỉ nghề nặn tò he. Cái nghề chỉ được xếp thứ 3 ở làng đã giúp cho người dân Xuân La nổi tiếng cả nước, và cũng với cái nghề chim cò ấy, họ đã rong ruổi khắp mọi miền quê.

Khát khao gìn giữ hồn dân tộc

Đến với buổi sinh hoạt nằm trong hoạt động “Góc nghệ thuật chiều thứ 4” với chủ đề “Vui tết thiếu nhi cùng tò he” của Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự lôi cuốn và sức sống của một nghề truyền thống tưởng chừng đã quá xưa cũ.

Trong buổi sinh hoạt, các em không chỉ được ngắm nhìn những con tò he sặc sỡ, mà dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Đặng Văn Tẫn các em còn được thỏa sức sáng tạo để tự tay tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tý hon. Những con vật ngồ ngộ, đáng yêu, những bông hồng với đủ màu sắc xanh đỏ dù chưa rõ hình thù, đường nét còn gồ ghề nhưng nó toát lên sự ngộ nghĩnh, đáng yêu, sự trong sáng của trẻ thơ…Công việc đã giúp cho các em rèn luyện năng khiếu mỹ thuật đồng thời cảm nhận rõ hơn giá trị của món đồ chơi dân gian này.

nghe thuat to he tham dam hon dan toc viet
Những “siêu phẩm” tò he hấp dẫn đầy màu sắc

Em Nguyễn Quỳnh Hoa- làng Xuân La, chia sẻ những cảm nhận của mình về những con tò he và công việc làm tò he: “Cái hay của tò he nằm ở chính tính thủ công từ những đôi bàn tay khéo léo, ở sự mộc mạc và cái đậm đà của hồn dân tộc thắm đượm trong mỗi tác phẩm. Tò he giản dị như ca dao, là tích tụ của trí tuệ nhân dân qua nhiều đời. Nó thực sự là món ăn tinh thần rất gần gũi với người dân Việt Nam”.

Thế nhưng, một điểm hạn chế việc quảng bá tò he đến với bạn bè quốc tế chính là do chất liệu làm ra chúng. Bột gạo rất dẻo khi nặn nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô, nứt. Mỗi sản phẩm tò he thông thường chỉ để được từ 3 đến 30 ngày (tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ nặn, thời tiết và cách bảo quản). Không ít khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam được chiêm ngưỡng những tác phẩm tò he, đã đặt vấn đề đưa tò he ra nước ngoài, thế nhưng sản phẩm làm ra, đem đóng hộp mang sang đến nước bạn thì bị khô nứt. Kế hoạch đưa tò he ra thị trường thế giới đành phải tạm dừng.

Chính bởi vậy, người dân Xuân La bên cạnh mong muốn có được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề thì họ đặc biệt muốn sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền. Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào “sân chơi” lớn hơn.

nghe thuat to he tham dam hon dan toc viet
Lớp trẻ hăng say, nặng lòng với tò he

Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn, nói với chúng tôi như cởi tấm lòng về mong muốn của những nghệ nhân làm nghề tò he trong việc phát triển nghề truyền thống: “Hi vọng trong một thời gian không xa nữa mong muốn của những nghệ nhân làm tò he, của những người dân làng Xuân La sẽ sớm trở thành hiện thực để một nét tinh hoa của nền văn hóa ngàn năm tuổi mãi được lưu giữ và trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế.”

Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian độc đáo, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính khoa học. Nó có tầm quan trọng trong cuộc sống, học tập, vui chơi giải trí và rèn luyện tính thẩm mỹ cho trẻ em. Những người tạo ra nó mặc dù chưa đủ khả năng nâng các sản phẩm của mình lên hàng mỹ nghệ, nhưng các sản phẩm ấy đã để lại cho người xem những tình cảm thắm đượm. Tò he thực sự là món ăn tinh thần rất gần gũi với người dân Việt Nam, là một trong những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Đức Hiệp

Từ khóa » đi Tò He Là Gì