Tò He - đồ Chơi đậm Nét Văn Hóa Dân Gian - Báo Lao Động Thủ đô

Tò he nét đẹp xưa Về làng “lưu giữ” ký ức tuổi thơ… Tái hiện Hà Nội văn hiến qua nghệ thuật dân gian tò he

Ngày còn nhỏ, mỗi khi có dịp lễ, Tết, khi theo mẹ đi lễ ở đền Ngọc Sơn hoặc Văn Miếu, tôi thường gặp những người thợ làm tò he bày gian hàng với những hình tò he rất phong phú như 12 con giáp, bộ tam đa, tứ linh, đĩa xôi, các loại hoa, mâm ngũ quả... Tôi thường níu tay mẹ đòi mua một con tò he hình con rồng để tặng anh trai và một bông hồng dành cho mình.

Tò he - đồ chơi đậm nét văn hóa dân gian
Ảnh minh họa

Khi mẹ yêu cầu, người thợ chỉ cần sử dụng một cái vòng bằng nứa, một cái lược nhỏ (một đầu có răng, một đầu vót nhọn), một con dao nhỏ, một miếng sáp ong bắt đầu nặn tò he. Lần nào cũng vậy, tôi mê mải ngắm người thợ làm tò he “biến hóa” những cục bột nhỏ xinh thành những hình thật sống động, ngộ nghĩnh. Cầm chiếc que tre mộc mạc có cắm hình tò he bên trên, tôi vừa ngắm, vừa hít hà hương vị bột nếp phảng phất hương thơm của đồng quê. Một trong những điều khiến tôi thích thú món đồ chơi này là bởi sau khi chơi chán, có thể ăn được.

Bột để làm tò he được làm từ gạo nếp, gạo tẻ trộn đều, ngâm nước, sau đó xay nhỏ, nhào kỹ đến khi không dính tay rồi nắm thành từng nắm nhỏ đem luộc chín. Theo các nghệ nhân, tỉ lệ trộn hai loại gạo và luộc bột là khâu quan trọng nhất. Bột phải dẻo, dễ nặn nhưng không được dính tay. Nếu làm bột không tốt, tò he thiếu độ kết dính và có thể bị rơi khỏi que tre khi thực hiện tạo hình.

Sau khi bột luộc xong sẽ được đem “đấu màu”. Cách tạo màu của người làm tò he rất độc đáo và không bao giờ sử dụng hóa chất. Người dân thường sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật. Màu đỏ lấy từ quả gấc hoặc dành dành, màu vàng làm từ củ nghệ hoặc hoa hòe, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá chàm, màu đen dùng cây nhọ nồi. Từ những màu cơ bản này, người thợ còn pha chế, sáng tạo ra các màu trung gian khác thật hài hòa cho tò he.

Ở một số vùng miền, tò he còn được gọi là “con bánh” bởi các nghệ nhân thường nặn thành hình mâm cỗ, mâm ngũ quả để dâng cúng lên đình, chùa và gia tiên. Tò he được coi là một nét văn hóa đặc trưng riêng của văn hóa vùng Bắc Bộ. Ngày nay, tò he được lưu giữ bởi các nghệ nhân làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn, tạo hình được nhiều sản phẩm tò he độc đáo được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích. Những ngày cuối tuần, khi đến phố đi bộ Hồ Gươm, bạn có thể chứng kiến những khách hàng trầm trồ thán phục khi dõi theo các động tác tạo hình khéo léo của người thợ làm tò he. Gần đây, một số nghệ nhân của làng Xuân La đã được mời xuất ngoại để giới thiệu với bạn bè quốc tế thú chơi đậm nét văn hóa dân gian của Việt Nam.

Năm tháng trôi, tôi vẫn mãi nhớ về những con tò he rực rỡ sắc màu, thơm thơm mùi bột nếp. Có lẽ, trong tất cả những món đồ chơi, tò he được lưu dấu trong ký ức của nhiều người bởi sự bình dị, mộc mạc và tính nghệ thuật độc đáo. Mong rằng, nghề làm tò he sẽ luôn được lưu giữ và ngày một phát triển.

Từ khóa » đi Tò He Là Gì