Nghệ Thuật Trúc Chỉ - MyThuatMS
Có thể bạn quan tâm
Nghệ thuật Trúc chỉ
Một tác phẩm của Phan Hải Bằng
Một trong những hiện tượng đặc sắc mới nổi trong đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam mấy năm trở lại đây là sự xuất hiện của Nghệ thuật Trúc Chỉ. Các dự án, triển lãm nghệ thuật Trúc Chỉ đã diễn ra nhiều lần tại Huế - nơi sinh ra nó, và ở các địa phương khác như: Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Viêng Chăn (Lào).
Kể từ năm 2012 đến nay ở Việt Nam mới xuất hiện hình thức nghệ thuật được thể hiện bằng bột giấy tự tạo khá hấp dẫn và đang dần lan tỏa trong cộng đồng gắn với cái tên Trúc Chỉ. Vậy, Trúc Chỉ có thể là gì? Trước hết Trúc Chỉ là một loại bột giấy tự tạo. Cũng như các loại giấy thủ công mà nhiều dân tộc, vùng miền đã và đang sản xuất, tên giấy thường gắn liền với tên loại thảo mộc dùng làm nguyên liệu thô để tạo nên tờ giấy như: giấy mật hương làm từ cây mật hương, giấy dó làm từ vỏ cây dó, giấy giang làm từ cây giang, giấy sa của Thái Lan làm từ cây sa, xuyến chỉ là giấy xuyến… Theo đó mà nói thì cái tên Trúc Chỉ cũng tương tự như vậy. “Trúc” là cây trúc (tre), mà “chỉ” là giấy, vậy nên “Trúc chỉ” được hiểu theo nghĩa đen là giấy trúc, giấy tre. Tuy nhiên ở đây, không đơn thuần chỉ là tên gọi, mà chính cái tinh thần bên trong làm nên sự khác biệt của Trúc Chỉ. Nó không chỉ là một loại giấy làm từ cây tre, cây trúc, mà còn hơn thế nữa - đó là một khái niệm, một nghệ thuật mới: Nghệ thuật Trúc Chỉ.
Không gian triển lãm
Trúc Chỉ như một loại giấy thì không có gì mới, bởi kỹ thuật làm giấy Trúc Chỉ là kỹ thuật hoàn toàn truyền thống, giống như những gì các dân tộc ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã và đang sử dụng. Nghĩa là từ nguyên liệu thô là cây tre được chẻ thành những mảnh nhỏ, ngâm và đem luộc kỹ trong khoảng 12 tiếng rồi nghiền, lọc để lấy bột giấy, xeo và phơi để được giấy thành phẩm. Điều đáng nói là kỹ thuật làm giấy này đã được Phan Hải Bằng, họa sĩ đồ họa ở Huế nghiên cứu, tìm hiểu trên thực tế và thử nghiệm sau nhiều năm (từ 2000) rồi đi đến làm chủ nó. Đây cũng chính là sự trở về với truyền thống của một họa sĩ đương đại, để rồi từ đó có những bước đi nhằm mở rộng hình thức và phương thức thực hành của mỹ thuật ngày nay. Tuy nhiên, Trúc Chỉ không chỉ được làm ra bằng kỹ thuật cổ truyền đơn thuần và cũng không phải một loại giấy để rồi cho họa sĩ vẽ lên. Kỹ thuật làm Trúc Chỉ là kết hợp hài hòa giữa nghề truyền thống và kiến thức mỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật cá nhân, cụ thể là trong chế bản in tranh đồ họa. Trúc Chỉ được làm ra và tạo hình bằng kỹ thuật ăn mòn giấy, sử dụng các khuôn trổ và vòi phun nước khá đơn giản mà hiệu quả.
Hoa văn, họa tiết Trúc Chỉ
Hoa văn, họa tiết Trúc Chỉ
Trúc Chỉ là chuỗi nỗ lực để thay đổi quan niệm về khái niệm “giấy” - làm cho giấy thoát khỏi thân phận làm nền cho các sáng tạo khác để trở thành tác phẩm tự thân, trở thành một loại hình nghệ thuật. Đây cũng là phép cộng giữa truyền thống và đương đại, giữa một cá nhân và tập thể họa sĩ, nhà văn hóa để xây dựng, giới thiệu một khái niệm mới, một giá trị mới, một thuật ngữ mới: Đồ họa Trúc Chỉ/trucchigraphy. Chúng ta có thể hình dung về quy trình làm giấy và kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ như sau. Quy trình làm giấy: bột giấy được xeo trên khuôn xeo xong tấm giấy người ta chỉ việc nén, ép kiệt nước và làm khô là có được những tấm giấy thành phẩm. Quy trình của Trúc chỉ được bắt đầu từ khi thao tác xeo giấy kết thúc. Trên tấm giấy vừa xeo đang còn ướt, nghệ sĩ tác động lên bề mặt của nó, làm thay đổi cấu trúc và mặt độ của xơ sợi bằng kỹ thuật phun nước với áp lực mạnh để làm cho các hình ảnh, cấu trúc bố cục, sắc độ… hiện lên. Cụ thể là dùng một vòi phun nước có thể điều chỉnh được áp lực và kích cỡ hạt nước phun trực tiếp lên bề mặt tấm giấy ướt với các hình ảnh được trổ trên khuôn bằng giấy, phim trong hay xốp mỏng, nơi khuôn trổ che chắn làm cho độ dầy của tấm giấy ướt giữ nguyên, nơi có các hình trổ thủng bị nước tác động làm mỏng đi để các hình ảnh hiện lên. Nguyên lý cơ bản này được lặp lại nhiều lần theo thao tác của họa sĩ và nó chính là sự kết hợp phương pháp chế bản ăn mòn kim loại để tạo ra bản khắc đồng hay kẽm và phương pháp in xuyên (in lưới). Cách làm đó tạo ra các sắc độ tương ứng với độ dày mỏng trên tấm Trúc chỉ.
Tuy xuất hiện chưa lâu và đang có những bước phát triển ấn tượng, nghệ thuật Trúc Chỉ đã khơi gợi được hướng đi đáng quan tâm trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
- Nguyễn Nghĩa Phương -
Từ khóa » Tranh Trổ Giấy Là Gì
-
Đông Hồ, Còn Tranh Trổ Giấy - Báo Đại Đoàn Kết
-
Tranh Trổ Giấy Huyền ảo
-
Đông Hồ Còn Có Một Dòng Tranh Trổ Giấy - Báo Bắc Ninh
-
Tranh Giấy Xoắn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tìm Hiểu Lịch Sử Nghệ Thuật Tranh Cắt Giấy Của Trung Quốc - Thiệp 3D
-
Tranh Khắc Bản Là Gì ? - MyThuatMS
-
Giải Mã Các Bức Tranh Dân Gian Đám Cưới Chuột - Tạp Chí Mỹ Thuật
-
120 Tranh Trổ Giấy ý Tưởng | Nghệ Thuật, Giày, Giáo Dục Nghệ Thuật
-
Bài 2: Nghề Tranh Cắt Giấy Và Tạo Hình Trên Giấy - Báo Lào Cai
-
Những Bức Tranh Đông Hồ Lạ - Báo Thanh Niên
-
Nghệ Thuật Cắt Giấy Kirigami Chẳng Hề Khó Như Tưởng Tượng...
-
Tranh Dân Gian Đông Hồ: “Màu Dân Tộc Sáng Bừng Trên Giấy điệp”
-
Ván In Là đồ Gia Bảo Của Người Làm Tranh Đông Hồ - Zing