Nghề Trồng Lúa Nước - Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Cà Mau

Đầu thế kỷ 17, cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh đã tạo ra cuộc di dân từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong của cư dân Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ để tránh cuộc binh đao, tìm cuộc sống yên ổn. Cuộc chiến ngày càng mở rộng, cuộc di dân ngày càng tiến xa về phương Nam. Đến giữa thế kỷ 17, một số người Việt đã đặt chân đến phía Bắc Cà Mau ngày nay. Họ cùng với cư dân bản địa khai phá, mở mang, trồng trọt, chăn nuôi… trên vùng đất này để mưu sinh. Và cũng từ đây, nghề trồng lúa nước ở Cà Mau đã ra đời.

Phát ruộng – công việc làm đồng - để chuẩn bị cấy lúa. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Nghề trồng lúa nước là một trong những nghề chính và lâu đời nhất của nông dân Cà Mau từ thời đi khẩn hoang mở đất. Thời ấy, hình ảnh ngưởi xưa đi khẩn hoang, mở đất được lưu giữ lại cho đến ngày hôm nay là một chiếc xuồng ba lá với cái nóp, giữa bốn bề là rừng cây rậm rạp. Đến đây, lưu dân chặt cây, đốn lá dừa nước làm chòi (nhà sàn). Họ không đi một mình mà rủ nhau đi theo dòng họ hoặc xóm giềng, có khi vài chục hộ. Họ khoét lõm rừng để trồng lúa, bắt cá. “Cách khai khẩn này, người xưa gọi là “móc lõm”. Những khu đất khai phá đầu tiên ấy được mở rộng dần và càng về sau khoảng cách giữa chúng càng bị thu hẹp lại, để rồi đến một lúc nào đó chúng được nối với lại nhau thành cánh đồng liền khoảnh. Cánh này tuy có chậm tiến độ và các lõm đất được khai phá dễ bị thú rừng, chim chuột phá hại mùa màng, phải tốn nhiều công sức bảo vệ nhưng lại phù hợp với tình hình nhân lực ít ỏi và trình độ kỹ thuật thấp kém lúc bấy giờ, hiệu quả đem lại chắc chắn. Cho nên cũng có thể coi đó như một sáng tạo của người lưu dân”. (Huỳnh Lứa – Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX).

Đãi lúa lép trước khi ngâm giống gieo mạ. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Đặc điểm nghề trồng lúa nước từ thời kỳ đầu đi khẩn hoang, mở đất Cà Mau cho đến những ngày đầu giải phóng, do đất đai mới khai phá, còn phì nhiêu, màu mỡ nên lúa thường bị lốp (lúa tốt, nhiều lá, ít bông, hay lép hạt), chưa thu hoạch đã bị đổ ngã, gặp nước lúa mọc mầm, thu hoạch không còn được bao nhiêu, chất lượng kém.

Nhổ mạ. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Để khắc phục những thiệt hại này, nông dân đã có biện pháp cấy giâm. Tức là sau khi gieo mạ khoảng 1 tháng rưởi, mạ còn non, nhổ ra cấy (1 mạ mười lúa). Một tháng rưởi sau tiếp tục bứng lúa ra cấy đôn (một cấy ra 3 – 4). Cách làm này tuy tốn nhiều công sức nhưng làm cho cây lúa bị đứt rễ 2 lần (cấy 2 lần), mất sức, từ đó lúa không bị lốp mà còn tiết kiệm được lúa giống. Phương thức này hiện nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau, nhất là ở những khu vực có đồng đất sâu trũng như U Minh, Trần Văn Văn Thời thỉnh thoảng nông dân vẫn còn áp dụng.

Lòi mạ. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Theo nhiều tài liệu cũ, nghề trồng lúa nước ở Cà Mau có nhiều giống lúa. Lúa tẻ gồm có tàu lùn, móng tay, móng chim vàng, cà nhe, tráng nhất, nàng tét, nàng gáo, nàng quớt,… Lúa nếp cũng có nhiều loại như nếp than, nếp đỏ… Những loại lúa nếp này hiện nay người dân còn dùng để nấu xôi, làm bánh, nấu rượu…. Trong đó, giống lúa nổi tiếng nhất và ngon cơm nhất là giống lúa một bụi. Đây là giống lúa mùa, dài ngày. Đặc điểm của giống lúa này là ít nở bụi (ít đẻ nhánh). Có lẽ vì vậy mà có tên một bụi. Thu hoạch chủ yếu bông cái, hạt gạo ốm dài, cong, nấu com có hương thơm, cơm dẻo, mềm, để nguội cơm vẫn mềm và thơm.

Lúa mùa vừa mới cấy. Ảnh: Tấn Điệp.

Công cụ trồng lúa nước chủ yếu là phảng, cù nèo, bàn đá, bồ cào, cày tay, bừa, nọc cấy, vòng gặt, cặp đập lúa… Thời trước, nông dân không cân mà chỉ dùng táo, thúng để đong, đo lúa gạo.

Lúa mùa thường bị lốp (do nhiều lá, ít bông, hay lép hạt), chưa thu hoạch đã bị đổ ngã, năng suất, sản lượng thấp. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Phương thức sản xuất xưa kia là gieo mạ, cấy nọc trên đất phát. Vì nước sâu nên gieo mạ trên 3 tháng, khi mạ lên cao trên 1 mét mới nhổ cấy. Giống lúa mùa dài ngày, cảm quang phản ứng với ánh sáng, đến cuối năm khi gió chướng về, lúa gom mình, đứng cái, làm đòng, trổ bông và cho thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Có khi, mùa lúa kéo dài đến đầu tháng 3 năm sau.

Cây rơm làng quê. Ảnh: Diễm Phương.

Những vùng đất sâu trũng, nông dân phải đào mương phèn (để xổ phèn và kê liếp cho đất gò lên) để cấy lúa. Trong quá trình làm đất, phần lớn nông dân phải phát, cào, cuốc, kéo cày, kéo bừa, làm đất thay trâu. Sau khi cấy xong, gặp đất tốt, trời mưa, nước nổi, không bão lũ, cây lúa cứ thế đâm chồi nẩy nở, không cần bón phân, chăm sóc. Cuối năm, thấy chim bay về như dự báo lúa đã ngậm sữa, cong trái me hoặc sắp đỏ đuôi, nông dân chỉ việc chống xuồng thăm đồng, làm vài con bù nhìn (như hình nộm) để xua đuổi chim phá hại. Đến khi lúa chín, vần công lao động đến gặt (chủ yếu bằng vòng gặt, chưa cắt bằng liềm và càng không có máy gặt). Lúa gặt xong được bó lại thành từng bó rồi dùng gốc rạ bẻ cò (tương tự như chiếc ghế) để bó lúa lên cho khỏi ngập nước.

Vòng gặt, cặp đập lúa – những công cụ sản xuất nông nghiệp của nông dân. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Sau đó, lúa bó được lòi (vận chuyển) hoặc dùng trâu cộ (chở) về sân nhà để chất cộ, xây ngố, xây cà lang và chọn những ngày nắng ráo để bắt giàn đập lúa (dùng cặp cây như cặp côn để đặp lúa), có khi phải đạp bằng chân hoặc dùng trâu để đạp. Lúa hạt rụng ra, nông dân phải giũ rơm, gom lúa, dê lúa lép để lấy lúa chắc, phơi khô, cho vào bồ dự trữ để ăn quanh năm. Muốn có hạt gạo, nông dân phải cho vào cối xay cho tróc vỏ trấu. Sau đó, cho gạo vừa xay được (còn gọi là gạo lức) vào cối để giã cho đến khi gạo trắng rồi mới nấu ăn. Nhiều gia đình không có lao động, cứ để gạo lức nấu ăn từ năm này, sang năm khác. Về sau có máy suốt lúa, máy chà gạo nông dân đỡ vất vả hơn.

Khi xong mùa thu hoạch lúa, nông dân chất rơm thành từng cây, từng đống, dự trữ cho đến mùa thu hoạch lúa năm sau để làm ông cúi hun khói đuổi muỗi, giữ lửa; làm chất đốt, cho trâu, bò, gà, vịt ăn.

Cối và chài giã gạo được làm bằng gỗ. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Quá trình hình thành và phát triển nghề trồng lúa nước ở Cà Mau qua các vụ lúa như sau:

- Lúa mùa: là vụ lúa có từ khi hình thành vùng đất cà Mau, gồm các giống lúa dài ngày (trên dưới 200 ngày), cao cây, năng suất thấp như giống lúa móng chim vàng, nàng hương, lúa ong… nhưng phần lớn là gạo thơm, ngon.

- Lúa mùa sớm cao sản: có thời gian sinh trưởng khoảng 150 ngày. Gieo mạ từ tháng 6 và thu hoạch khoảng tháng 11 hàng năm. Trà lúa này có thể sản xuất kết hợp 1 vụ lúa 1 vụ cá.

Thời trước, nông dân không cân mà chỉ dùng táo, thúng để đong đo lúa gạo. Ảnh: Huỳnh Lâm.

- Lúa hè thu: là vụ lúa ngắn ngày (từ 85 đến 120 ngày), năng suất khoảng 5 tấn/ha và được hình thành từ sau ngày giải phóng.

- Lúa vụ 2: là vụ lúa được tiến hành sau khi thu vụ vụ lúa hè thu. Thời gian từ tháng 9 đến tháng 12.

- Lúa trên đất nuôi tôm: Đây là vụ lúa sản xuất theo hình thức luân canh tôm - lúa. Thời gian sản suất từ giữa mùa mưa đến cuối tháng 9. Mô hình này là một sáng tạo độc đáo của nông dân Cà Mau trong việc thực hiện mô hình sản xuất ngư - nông kết hợp và bảo vệ môi trường bền vững.

Các trà lúa hè thu, cao sản năng suất, sản lượng cao hơn lúa mùa. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, với tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, nghề trồng lúa nước ở Cà Mau đã từng bước đưa các loại máy cày, máy cấy, máy suốt, máy gặt đặp liên hợp… vào sản xuất. Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng, đưa các giống lúa cao sản, ngắn ngày vào sản xuất đại trà nên nghề trồng lúa nước ở Cà Mau đã trồng được lúa 2 vụ, 3 vụ/năm. Kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác của nông dân không ngừng được nâng lên; thâm canh rồi thâm canh kết hợp với “3 giảm, 3 tăng”; IPM để nâng cao hiệu quả sản xuất. Phương pháp cấy nọc, trồng lúa mùa cũng không còn nhiều và chuyển dần qua sạ khô, sạ ngầm, sạ gát, sạ hàng, sạ máy, cấy máy… đã dần dần rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, sản lượng lúa và từng bước giải phóng được sức lao động của nông dân.

Từ khóa » Cấy Lúa để Làm Gì