Nghẹt Mũi: Nguyên Nhân Và 7 Cách Chữa Tại Nhà Nhanh Nhất - YouMed

Nội dung bài viết

  • Nghẹt mũi là gì?
  • Những nguyên nhân gây nghẹt mũi thường gặp?
  • Các cách làm giảm nghẹt mũi tại nhà
  • Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?
  • Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?
  • Bác sĩ điều trị nghẹt mũi như thế nào?
  • Tóm lại

Nghẹt mũi là một triệu chứng vô cùng phổ biến, hầu như ai cũng từng gặp phải. Triệu chứng nghẹt mũi có thể là sinh lý bình thường hoặc cũng có thể là bệnh lý. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến nghẹt mũi. Các cách chữa nghẹt mũi tại nhà liệt kê trong bài viết dưới đây của Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh có thể làm giảm nghẹt mũi, đặc biệt là nghẹt mũi gây ra bởi cảm lạnh. Tuy nhiên nếu nghẹt mũi kéo dài, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân bệnh lý khác.

Nghẹt mũi là gì?

Nghẹt mũi xảy ra khi hốc mũi bạn bị tắc nghẽn bởi những nguyên nhân khác nhau. Có thể là viêm, phù nề niêm mạc mũi gây ra cảm giác nghẹt tắc ở mũi. Triệu chứng này có thể đi kèm với những biểu hiện khác như: chảy mũi, sổ mũi, đau xoang,…

Nghẹt mũi có thể là sinh lý (bình thường) hay là biểu hiện của một bệnh lý ở mũi, ví dụ như viêm xoang.

nghẹt mũi
Nghẹt mũi thường gặp trong cảm lạnh

Xem thêm: Viêm mũi xoang (viêm xoang): Những điều bạn cần biết

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Hô hấp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Những nguyên nhân gây nghẹt mũi thường gặp?

Nghẹt mũi có thể gây ra bởi bất kỳ nguyên nhân nào làm kích thích hoặc gây viêm ở mũi. Các nguyên nhân thường gặp nhất là viêm nhiễm (ví dụ như cảm cúm hay viêm xoang) và dị ứng.

Đôi khi nghẹt mũi và sổ mũi có thể gây ra bởi các chất trong môi trường như khói thuốc lá hay khói bụi xe cộ. Tình trạng này được gọi là viêm mũi không do dị ứng hay viêm mũi vận mạch. Nguyên nhân ít phổ biến hơn có thể gây nghẹt mũi là khối u.

Nghẹt mũi có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Thường là trong 3 tháng đầu thai kỳ (hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất). Nguyên nhân gây ra điều này là do sự thay đổi hóc môn và tăng lượng máu cung cấp của cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai. Những thay đổi này còn có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, khiến nó viêm phù nề và dễ gây chảy máu mũi (chảy máu cam).

Nếu nghẹt mũi kéo dài hơn một tuần, nó thường là biểu hiện của một bệnh lý nào đó. Trong trường hợp này bạn nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh.

Những tình trạng và bệnh lý có thể gây nghẹt mũi bao gồm:

  • Dị ứng.
  • Cảm cúm.
  • Viêm xoang (nhiễm trùng xoang).
  • Những khối lành tính phát triển trong mũi. Ví dụ như polyp mũi hay u lành ở mũi.
  • Vẹo vách ngăn.
  • Viêm mũi không do dị ứng (nghẹt mũi kéo dài hay hắc xì hơi không liên quan tới dị ứng).
  • Viêm VA.
  • Dị vật trong mũi, thường gặp ở trẻ em.
  • Lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi.
  • Tiếp xúc hóa chất.
  • Khói thuốc lá, khói bụi từ môi trường.
  • Không khí khô.
  • Uống rượu.
  • Stress.
  • Bệnh lý tuyến giáp.
  • Mang thai.
  • Thay đổi hóc môn.
  • Thuốc, ví dụ như những thuốc dùng để điều trị huyết áp cao, rối loạn cương dương, trầm cảm, co giật hay những tình trạng bệnh lý khác.

Tìm hiểu nhanh 7 cách chữa nghẹt mũi nhanh và hiệu quả nhất qua video dưới đây!

Biên tập bởi: YouMed

Các cách làm giảm nghẹt mũi tại nhà

Những phương thức chữa nghẹt mũi tại nhà dưới đây có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Nếu triệu chứng chảy mũi của bạn dai dẳng kéo dài, chảy nước mũi loãng trong, đặc biệt nếu kèm hắc xì hơi, ngứa hay chảy nước mắt. Đó có thể là những triệu chứng của dị ứng. Khi đó dùng kháng histamin có thể làm giảm triệu chứng của bạn. Bạn cần lưu ý tuân thủ đúng các hướng dẫn sử dụng của thuốc.
  • Bạn cần tránh những chất gây dị ứng đã biết.
  • Tránh những chất kích thích phổ biến như là khói thuốc, khói bụi và sự thay đổi độ ẩm đột ngột.
  • Uống nhiều nước, vì nước sẽ giúp làm loãng dịch nhầy của mũi.
  • Máy tạo độ ẩm giúp cung cấp độ ẩm cần thiết cho không khí trong nhà bạn. Qua đó giúp làm loãng chất nhầy trong mũi hay làm dịu hốc mũi bị viêm. Tuy nhiên, nếu bạn bị hen suyễn hay các bệnh lý hô hấp khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng máy làm ẩm không khí.
  • Nằm gối cao đầu cũng có thể khiến dịch nhầy dễ chảy ra hơn, đồng thời làm giảm lượng máu tới mũi. Điều này giúp giảm nghẹt mũi.
  • Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Khá an toàn với mọi lứa tuổi và dễ áp dụng. Đối với trẻ nhỏ, bạn nên dùng những dụng cụ chuyên dùng để bơm và hút mũi cho trẻ. Những dụng cụ này có thể giúp loại bỏ dịch nhầy ứ đọng trong hốc mũi.
Dụng cụ bơm hút rửa mũi cho trẻ
Dụng cụ bơm hút rửa mũi cho trẻ

Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?

Đôi khi dù đã sử dụng các cách chữa nghẹt mũi tại nhà, bạn vẫn không cảm thấy giảm nghẹt mũi. Đặc biệt là khi triệu chứng nghẹt mũi này gây ra bởi một tình trạng bệnh lý nào đó ở mũi xoang.

Trong trường hợp này, điều trị y tế có thể cần thiết. Đặc biệt là khi tình trạng nghẹt mũi này gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn.

Nếu triệu chứng nghẹt mũi của bạn có những đặc điểm sau, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay:

  • Triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày.
  • Nghẹt mũi đi kèm với sốt cao.
  • Dịch chảy từ mũi có màu vàng hay xanh đục đi kèm với sốt hoặc đau vùng xoang. Đây có thể là dấu hiệu bạn bị nhiễm vi khuẩn.
  • Bạn có sẵn bệnh nền làm miễn dịch cơ thể suy giảm, bệnh hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Nên đến bệnh viện ngay nếu một người bị chảy máu mũi hay chảy dịch nước trong liên tục sau khi bị chấn thương ở đầu. Đây có thể là dấu hiệu của rò rỉ dịch não tủy.

Xem thêm: Bệnh Viêm mũi dị ứng nên chuẩn bị gì trước khi khám bác sĩ?

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể nguy hiểm hơn so với ở trẻ lớn và người trưởng thành. Triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến việc bú của trẻ và có thể dẫn đến vấn đề hô hấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tính mạng của trẻ. Nghẹt mũi kéo dài cũng có thể ngăn cản quá trình phát triển ngôn ngữ và thính giác của trẻ. Vì những nguyên nhân trên, bạn nên đưa trẻ sơ sinh đi khám ngay nếu trẻ bị nghẹt mũi.

Ngoài ra, bạn cũng nên đưa trẻ đi khám ngay nếu:

  • Trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi bị sốt.
  • Trẻ bị chảy mũi hay nghẹt mũi khiến việc bú hay thở trở nên khó khăn.
trẻ bị sốt
Nên đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi bị sốt

Bác sĩ điều trị nghẹt mũi như thế nào?

Sau khi bác sĩ đã xác định được nguyên nhân của triệu chứng nghẹt mũi kéo dài, họ có thể đưa ra một liệu trình điều trị phù hợp với bạn. Điều trị này thường bao gồm sử dụng các loại thuốc để làm giảm triệu chứng nghẹt mũi.

Những loại thuốc được dùng để điều trị nghẹt mũi bao gồm:

  • Thuốc kháng Histamin uống để điều trị triệu chứng dị ứng.
  • Kháng histamin xịt mũi.
  • Corticoid xịt mũi.
  • Kháng sinh.
  • Các thuốc co mạch làm thông mũi.

Nếu bạn có khối u hay polyp trong hốc mũi hoặc xoang ngăn cản dịch nhầy không thoát ra được, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ khối u hay polyp này.

Nghẹt mũi do polyp
Nghẹt mũi do polyp có thể cần phải phẫu thuật

Tóm lại

Nghẹt mũi là một triệu chứng vô cùng phổ biến. Nó có thể là sinh lý bình thường hoặc cũng có thể là bệnh lý. Nghẹt mũi thường hiếm khi gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân có thể gây nghẹt mũi, thường nhất là do viêm nhiễm hay dị ứng.

Nghẹt mũi thường cải thiện nhanh chóng khi được điều trị phù hợp. Các cách chữa nghẹt mũi tại nhà liệt kê phía trên có thể làm giảm triệu chứng, đặc biệt là nghẹt mũi gây ra bởi cảm lạnh. Tuy nhiên nếu bạn bị nghẹt mũi kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân bệnh lý khác và được điều trị phù hợp hơn. YouMed chúc bạn luôn bình an và may mắn.

Từ khóa » Cảm Nghẹt Mũi Uống Thuốc Gì