Nghi Lễ Hằng Ngày - Chùa Hoằng Pháp

NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN

NGUYỆN HƯƠNG

(Thầy chủ lễ cầm 3 cây hương, quỳ kính cẩn xướng)

Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo. O

Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.

Tác đại chứng minh. O

Nguyện đem lòng thành kính

Gửi theo đám mây hương

Phảng phất khắp mười phương

Cúng dường ngôi Tam Bảo

Thề trọn đời giữ đạo

Theo tự tánh làm lành

Cùng pháp giới chúng sanh

Cầu Phật từ gia hộ

Tâm Bồ đề kiên cố

Chí tu học vững bền

Xa bể khổ nguồn mê

Chóng quay về bờ giác. O

Hôm nay là ngày ..... tháng ..... năm ..... (nhằm ngày ..........). Tại chùa .........., xã .........., huyện .........., thành phố .......... Chúng con một dạ chí thành, đốt nén tâm hương, thành tâm kính nguyện chư Phật, chư đại Bồ-tát, chư hiền thánh Tăng quang giáng đạo tràng từ bi chứng minh gia hộ cho đôi trẻ: Chú rể .........., Pháp danh .........., sánh duyên cùng cô dâu .........., Pháp danh .........., được trọn đời hoà thuận thương yêu, trăm năm sắt son chung thuỷ một lòng, xứng danh chồng hiền vợ thảo, hạnh phúc tràn đầy, nối nghiệp gia phong. Lại nguyện tình hai họ luôn luôn thuận thảo, nghĩa thông gia mãi mãi thắm nồng, phước thọ tăng long, mọi việc hanh thông, cát tường như ý. Ngưỡng mong Phật trí cao vời từ bi gia hộ. O

Nam mô Hương Cúng Dường Bồ-tát Ma-ha-tát. (3 lần) O

TÁN PHẬT

Dung nhan Phật tốt lạ lùng

Hào quang soi sáng khắp cùng mười phương

Từ bi oai đức khôn lường

Ra đời tế độ sáu đường chúng sanh

Được thấy tướng lại nghe danh

Cũng nhờ phước đức căn lành trồng sâu

Thế tôn đủ tướng nhiệm mầu

Làm cho muôn loại cúi đầu quy y.O

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

Chí tâm đảnh lễ: Tất cả đức Phật ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O

Chí tâm đảnh lễ: Tất cả tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O

Chí tâm đảnh lễ: Tất cả hiền thánh Tăng ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O

Người hướng dẫn: Cung thỉnh chư Tôn đức Tăng (Ni) an toạ tại bàn chứng minh và mời tất cả mọi người ngồi xuống. Sau đó, giới thiệu lý do, chương trình buổi lễ và thành phần tham dự.

TUYÊN BỐ LÝ DO

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

- Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.

- Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể thân mến!

Nhận thức được ý nghĩa tổ chức lễ cưới tại chùa là tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể quay về nương tựa ba ngôi báu cũng như được sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng (Ni). Hôm nay, ngày ..... tháng ..... năm ..... Hai gia đình Phật tử đã đến chùa .................... xin tổ chức lễ hằng thuận cho chú rể .......... Pháp danh .........., cô dâu .......... Pháp danh .......... Đó là lý do của buổi lễ hôm nay.

Người hướng dẫn: Xin đại chúng cho một tràng pháo tay chúc mừng.

CHƯƠNG TRÌNH BUỔI LỄ

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

- Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.

- Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể thân mến!

Sau đây chúng tôi xin được phép thông qua chương trình buổi lễ như sau:

1. Cung nghinh chư Tôn đức Tăng (Ni) quang lâm.

2. Niêm hương, bạch Phật.

3. Tuyên bố lý do, thông qua chương trình.

4. Giới thiệu thành phần tham dự.

5. Đại diện gia đình hai họ tác bạch thỉnh sư.

6. Nghi thức lễ bái.

7. Tuyên đọc ý nghĩa chiếc nhẫn.

8. Nghi thức trao nhẫn cưới.

9. Chư Tôn đức Tăng (Ni) ban đạo từ và tặng quà.

10. Cô dâu, chú rể tác bạch cảm tạ

11. Hồi hướng.

Người hướng dẫn: Tiếp theo chương trình chúng tôi xin giới thiệu thành phần tham dự buổi lễ hằng thuận hôm nay.

GIỚI THIỆU THÀNH PHẦN THAM DỰ

- Chúng con xin cung kính giới thiệu: (Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, ...) và chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.

- Chúng tôi xin giới thiệu: Chú rể .......... Pháp danh .......... sẽ sánh duyên cùng cô dâu .......... Pháp danh ..........

- Và cuối cùng xin giới thiệu hai họ nhà trai, nhà gái và quý quan khách có mặt ngày hôm nay.

Người hướng dẫn: Xin cho một tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng.

Người hướng dẫn: Mời đại diện gia đình hai họ, dâng lời tác bạch thỉnh sư. Mời cô dâu chú rể đồng đứng lên làm lễ.

ĐẠI DIỆN GIA ĐÌNH HAI HỌ DÂNG LỜI TÁC BẠCH

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

- Kính bạch trên chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.

Hôm nay gia đình hai họ chúng con có duyên sự xin đầu thành đảnh lễ tác bạch. (1 lạy)

Quỳ xuống đọc:   

Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni)! Thời gian thấm thoát trôi, kể từ khi chúng con được may mắn tiếp xúc với giáo lý Phật đà, đã hiểu và thực hành những lời dạy của Phật, chúng con đã có được lợi ích, an lạc trong cuộc sống hiện tại. Là một người Phật tử, chúng con xin học theo hạnh của đức Phật, muốn cho nhiều người được diễm phúc như chúng con, tìm về chánh đạo, nhất là con cháu của mình.

 Hôm nay, nhân dịp hai cháu của chúng con kết hôn, cũng như muốn cho hôn lễ được kiết tường, hai họ sum vầy, vợ chồng được trăm năm hạnh phúc, chúng con xin cúi đầu đảnh lễ, cung thỉnh quý Ngài hoan hỷ tác pháp, cử hành lễ hằng thuận cho hai cháu được ân triêm công đức.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.

HỨA KHẢ CỦA CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG (NI) CHỨNG MINH

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Hôm nay, quý vị đã về chùa .................... cung thỉnh chư Tôn đức Tăng (Ni) làm lễ hằng thuận cho các cháu. Thầy thay mặt chư Tôn đức Tăng (Ni) hiện diện hoan hỷ hứa khả. Vậy, quý vị y như pháp lễ hiền thánh Tăng chứng minh cho.

Đại diện hai họ: Trên chư Tôn đức Tăng (Ni) đã từ bi hứa khả cho rồi, chúng con xin thành tâm đảnh lễ tri ân tam bái.

Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu và chú rể đứng dậy thực hiện nghi thức lễ bái.

NGHI THỨC LỄ BÁI

Người hướng dẫn: Để tưởng nhớ thâm ân của chư Phật, ơn dạy dỗ của thầy tổ, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và thể hiện sự tương kính, tôn trọng nhau của cô dâu và chú rể. Giờ này, xin mời cô dâu và chú rể chỉnh trang y phục chuẩn bị lễ bái.

Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu, chú rể thành tâm hướng về Tam Bảo chuẩn bị lễ bái.

Kính lạy Phật từ bi cứu thế

Đem đạo lành phổ tế chúng sanh

Trần gian biết nẻo tu hành

Nhờ đèn trí tuệ quang minh soi đường.

- Nhất bái: Lễ kính chư Phật.

Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu, chú rể hướng về cha mẹ chuẩn bị lễ bái.

Ơn cha lành cao như núi Thái

Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi

Dù cho dâng trọn cuộc đời

Cũng không trả hết ân người sinh ta.

- Nhị bái: Tri ân phụ mẫu.

Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu, chú rể đối mặt với nhau chuẩn bị lễ bái.

Hai ta nên vợ thành chồng

Keo sơn gắn bó một lòng thuỷ chung

Ngọt bùi chia sẻ nhau cùng

Đắp xây hạnh phúc tình nồng điểm tô.

- Tam bái: Phu thê tương kính.

Người hướng dẫn: Mời cô dâu và chú rể ngồi xuống, sau đó mời (Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, ...) đại diện cho chư Tôn đức Tăng (Ni) đọc ý nghĩa đôi nhẫn cưới.

 Người hướng dẫn:

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

- Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.

- Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể thân mến!

Chiếc nhẫn là tín vật không thể thiếu trong ngày cưới, nó mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hạnh phúc của lứa đôi trong cuộc sống hiện tại cũng như về sau. Vậy, giờ phút này đây chúng con cung thỉnh (Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, ...) đại diện cho chư Tôn đức Tăng (Ni) đọc ý nghĩa đôi nhẫn cưới.

Ý NGHĨA ĐÔI NHẪN CƯỚI

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

- Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.

- Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể!

 Hôm nay trong ngày lễ thành hôn, các con đã dâng hương hoa, lễ vật cúng dường lên Tam Bảo và cung thỉnh chư Tôn đức Tăng (Ni) làm lễ hằng thuận. Giờ này thầy xin thay mặt chư Tôn đức Tăng (Ni) đọc ý nghĩa đôi nhẫn cưới, để lát nữa các con trao tặng cho nhau trước Tam Bảo, cha mẹ, gia đình hai bên, và phát nguyện kết tóc se tơ, nên duyên chồng vợ.

Các con thân mến! Đây là món trang sức quý giá biểu thị đạo lý hôn nhân, tên là nhẫn, đeo ở ngón tay, để các con luôn nhìn thấy, nhằm nhắc nhở những điều như sau:

Thứ nhất: Nhẫn còn có nghĩa là nhường nhịn. Muốn trong nhà vui vẻ đầm ấm hạnh phúc, trước phải biết nhường nhịn lẫn nhau, không nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Chiếc nhẫn lại được đeo vào ngón tay, để các con dễ nhìn thấy, để tự nhắc mình về sự nhẫn nhịn.

Thứ hai: Chiếc nhẫn hình tròn tiêu biểu cho phước báu và tiền của đầy đủ, nhà đất thịnh vượng. Muốn được như thế, vợ chồng phải siêng năng làm việc, dành dụm tiền bạc, chi tiêu chừng mực, không được phung phí. Ngoài ra phải biết san sẻ cứu giúp cho người nghèo, được vậy mới hưởng phước báu lâu dài.

Thứ ba: Chiếc nhẫn này được làm bằng chất vàng, vàng có đặc tính là “tuỳ duyên bất biến”, nghĩa là hình dạng tuy có thay đổi, nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn. Hay nói rõ hơn, dù ai có vo tròn bóp méo, kéo dài cán mỏng đi nữa, hình dạng tuy đã thay đổi, nhưng tính chất giá trị của vàng vẫn nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế! Các con chung sống bên nhau, dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, cũng phải giữ vẹn lòng chung thuỷ trước sau như một. Cổ nhân có dạy: “Ngọc càng dồi càng sáng, vàng càng luyện càng tinh”, đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì danh lợi, tiền của, sắc đẹp, v.v... mà thay lòng đổi dạ. Ngoài ra chất vàng có đặc tính là màu sắc tươi đẹp, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần mưa nắng, dù có rơi rớt, vùi dập nơi nào, nhưng nó vẫn mãi tươi đẹp. Đạo vợ chồng cũng thế! Các con đã thề nguyện chung sống bên nhau, dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa, hoặc mai kia có già yếu, bệnh tật, nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng phải nồng nàn tươi đẹp như thuở ban đầu mới cưới nhau.

Chính vì những lý do trên, đôi nhẫn này có ý nghĩa rất thiêng liêng trong tình nghĩa vợ chồng, các con phải giữ nó làm kỷ niệm, xem nó là món quà hết sức quý báu. Lát nữa đây, các con sẽ đeo cho nhau để kỷ niệm một cuộc đời mới, một cuộc sống lứa đôi, tràn đầy hạnh phúc và an lạc.

Nam mô A-di-đà Phật.

NGHI THỨC TRAO NHẪN CƯỚI

Người hướng dẫn: Tiếp theo chương trình là phần đọc lời phát nguyện của cô dâu và chú rể, mời hai người cùng quỳ lên.

Người hướng dẫn: Mời chú rể đọc lời phát nguyện.

 Chú rể phát nguyện:

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Trong giờ phút thiêng liêng này, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên, con tên là .......... Pháp danh .......... xin giới thiệu em .......... Pháp danh .......... sẽ là vợ của con. Kính xin Tam Bảo chứng minh cho chúng con kể từ nay được nên duyên chồng vợ. Khi đã thành chồng, thành vợ rồi con xin phát nguyện giữ gìn năm nguyên tắc căn bản đạo đức, làm người Phật tử chân chánh, trọn lòng chung thuỷ với vợ, tôn trọng, hiểu biết sẻ chia, để cùng nhau xây dựng gia đình mãi mãi hạnh phúc an vui và nguyện thực hiện năm bổn phận được Phật dạy trong kinh Thiện Sanh.

1. Khi vợ đi, về luôn hỏi thăm lịch sự.

2. Dễ dàng trong vấn đề ăn uống để khỏi phiền lòng vợ phải nấu nướng cực nhọc.

3. Sắm những đồ dùng cần thiết cho vợ như quần áo, trang sức, nếu như gia đình có khả năng, sẽ không bao giờ hẹp hòi với vợ của mình.

4. Không sanh tâm tà vạy luôn chung thuỷ với vợ, không bao giờ ngoại tình.

5. Tin tưởng vợ và giao phó công việc nhà.

Nam mô A-di-đà Phật.

Người hướng dẫn: Mời cô dâu đọc lời phát nguyện.

Cô dâu phát nguyện:

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Trong giờ phút thiêng liêng này, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên, con tên là .......... Pháp danh .......... xin giới thiệu anh .......... Pháp danh .......... sẽ là chồng của con. Kính xin Tam Bảo chứng minh cho chúng con kể từ nay được nên duyên vợ chồng. Khi đã thành vợ, thành chồng rồi con xin phát nguyện giữ gìn năm nguyên tắc căn bản đạo đức, làm người Phật tử chân chánh, trọn lòng chung thuỷ với chồng, tôn trọng, hiểu biết sẻ chia, để cùng nhau xây dựng gia đình mãi mãi hạnh phúc an vui và nguyện thực hiện năm bổn phận được Phật dạy trong kinh Thiện Sanh.

1. Kính yêu hoà thuận với chồng, cư xử lịch sự nhã nhặn.

2. Khi chồng đi vắng, phải lo việc nhà và phải hết mực chung thuỷ với chồng.

3. Phải giữ tiết hạnh, không được ngoại tình.

4. Có của ngon vật lạ không nên dùng riêng cho mình, khi chồng nóng giận thì không nên lớn tiếng cãi vã, làm mất hoà thuận, mà phải đợi khi chồng bình tĩnh lại rồi mới dùng lời lẽ để khuyên bảo. Ngược lại khi chồng khuyên giải đúng thì phải vâng theo.

5. Phải xem tài sản trong gia đình là của chung, phải có trách nhiệm quán xuyến mọi việc trong nhà.

Nam mô A-di-đà Phật.

Thầy chủ lễ: Theo tâm nguyện của các con, được sự đồng thuận của cha mẹ hai bên, dưới sự chứng minh của Tam Bảo, thay mặt chư Tăng (Ni) hiện diện, thầy chúc mừng các con kể từ giờ phút này chính thức thành vợ, thành chồng.

Thầy chủ lễ: Xin đại chúng cho một tràng pháo tay chúc mừng.

Người hướng dẫn: Mời cô dâu và chú rể đứng dậy, đến bàn chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh thực hiện nghi thức đeo nhẫn.

Thầy chủ lễ: Đứng dậy, cầm hộp nhẫn chứng minh cho cô dâu và chú rể đeo cho nhau.

Người hướng dẫn: Xin đại chúng cho một tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng.

Sau đó mời cô dâu chú rể ngồi xuống, nghe chư Tôn đức Tăng (Ni) ban huấn từ.

HUẤN TỪ CỦA CHƯ TÔN ĐỨC CHỨNG MINH

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Hôm nay, các con trước khi thành vợ thành chồng đã đến chùa xin làm lễ hằng thuận, cầu nguyện Tam Bảo chứng minh gia hộ để cuộc sống vợ chồng sau này được an vui, hạnh phúc. Thầy xin thay mặt cho chư Tôn đức Tăng (Ni) hiện diện có đôi lời nhắc nhở cũng như chúc phúc đến các con. Để cho buổi lễ hằng thuận hôm nay thật sự đầy đủ ý nghĩa, thầy sẽ nói về ý nghĩa của hai chữ Hằng Thuận.

Hằng là thường, là luôn luôn.

Thuận là hoà thuận.

Hằng thuận nghĩa là luôn luôn hoà thuận. Hoà thuận chính là cái gốc của an lạc, hạnh phúc. Gia đình nào có hoà thuận là gia đình đó có hạnh phúc. Ngược lại, gia đình nào không có hoà thuận là gia đình đó không có hạnh phúc. Hoà thượng Thích Giác Nhiên có nói về chữ “hoà” như sau:

Thân con hoà là con được bình an,

Hoà anh chị là trọn tình cốt nhục,

Gia hoà hiệp là gia thường thủ túc,

Quốc hoà đồng là quốc thạnh dân an,

Thế giới hoà là thế giới thanh nhàn,

Từ cá thể đến đồng bào xã hội.

Đức Phật đã dạy người Phật tử phải biết sống Lục hoà để tạo an lạc, hạnh phúc cho tự thân và gia đình. Vậy Lục hoà là gì? Lục hoà là sáu pháp hoà hợp đưa đến an lạc hạnh phúc, sáu pháp hoà đó là:

Thân hoà đồng trú

Khẩu hoà vô tranh

Ý hoà đồng duyệt

Giới hoà đồng tu

Kiến hoà đồng giải

Lợi hoà đồng quân.

1. Thân hoà đồng trú:

Nghĩa là thân hoà cùng ở. Các con sau khi đã tìm hiểu và sáng suốt quyết định đi đến kết hôn sống chung trọn đời với nhau, được cha mẹ đồng ý, pháp luật chấp nhận. Từ nay về sau, các con sẽ sống chung một nhà, ăn chung một mâm. Do vậy, thân hoà cùng sống chung cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Một người làm không hết việc, một người ngồi chơi xơi nước, như vậy không thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, dễ dẫn đến bất hoà, xung đột, cuộc sống sẽ mất hạnh phúc. Người ta nói rằng: “Yêu nhau mà không sống chung được với nhau là khổ”. Thế nhưng, đã sống chung với nhau rồi mà không hoà hợp, hằng ngày phải gặp mặt nhau lại càng khổ hơn. Đây là một trong tám cái khổ mà đức Phật đã dạy là: “Oán tắng hội khổ”. Nghĩa là ghét nhau mà phải sống chung với nhau là một nỗi khổ lớn. Nên các con muốn gia đình hạnh phúc, phải biết sống hoà hợp với nhau theo tinh thần Phật dạy là thân hoà đồng trú. (Nếu có thời giờ nên nói rộng thêm)

2. Khẩu hoà vô tranh:

Nghĩa là lời nói hoà hợp không lớn tiếng cãi nhau. Ông bà ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hoặc: “Một câu nhịn chín câu lành”. Vợ chồng nói với nhau những lời hoà nhã, nhẹ nhàng, êm dịu. Không nên nói lớn tiếng, nói lời thô lỗ, mắng nhiếc, nói dối tạo sự bất hoà trong gia đình. Đức Phật dạy chúng ta có 3 cách nói: Nói như mật, nói như hoa và nói như phân. Nói như mật là khi nói ra người nghe cảm thấy như nuốt mật ngọt. Nói như hoa là khi nói ra người nghe cảm thấy như ngửi mùi hương rất dễ chịu. Nói như phân là khi nói ra người nghe cảm thấy khó chịu như ngửi mùi hôi thối. Nói như mật, như hoa là nói lời chân thật, hoà nhã, êm dịu, ngọt ngào. Nói như phân là nói lời dối trá, thô lỗ, cộc cằn, ác khẩu. Các con hãy chọn cho mình một cách nói thật thích hợp, không nên vì một lời nói không hay mà làm cho đối phương phải đau khổ. Chồng nói một, vợ nói hai chắc chắn gia đình không thể có hạnh phúc. Vì vậy, muốn gia đình hạnh phúc, Phật dạy phải nói lời hoà nhã.

3. Ý hoà đồng duyệt:

Nghĩa là ý hoà cùng vui. Ý làm chủ con người của mình. Nếu ý thanh tịnh, hoà hợp thì lời nói và việc làm sẽ thanh tịnh, hoà hợp. Ngược lại, ý ô nhiễm, bất hoà thì lời nói và việc làm cũng sẽ ô nhiễm, bất hoà. Đạo vợ chồng cũng thế, mỗi người cần giữ gìn ý của mình. Nếu ý hoà, vui vẻ thì hành động và lời nói sẽ giữ được hoà khí, gia đình hạnh phúc. Trái lại ý bất hoà, thường trái ngược nhau, thì thân và khẩu rất khó giữ được hoà thuận dẫn đến gia đình đổ vỡ. Dù cho thân và khẩu được hoà khí, nhưng ý không hợp, vui vẻ với nhau thì sự hoà thuận này cũng chẳng khác gì một lớp sơn đẹp đẽ, tô lên một tấm gỗ đã mục. Một khi sự xung đột bên trong đã đến mức độ không thể chứa đựng được nữa, sẽ nổ tung ra trong lời nói hay những hành động không hay.

Vợ chồng sống chung phải hiểu ý nhau, nhường nhịn nhau. Nhất là phải biết tha thứ, vì có tha thứ sẽ thư thái. Vợ có ý cố chấp, bảo thủ, chồng có ý cố chấp, bảo thủ sẽ dẫn đến bất hoà, gia đình theo đó cũng bất hạnh, đổ vỡ. Cho nên Phật dạy: “Muốn gia đình hạnh phúc, vợ chồng cần phải hiểu ý nhau”.

4. Giới hoà đồng tu:

Nghĩa là giới luật cùng nhau tiến tu. Người Phật tử tại gia phải giữ năm giới là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Đây là những giới điều căn bản nhất cho một người Phật tử tại gia có được an vui và hạnh phúc khi sống trong một gia đình, một xã hội. Đạo vợ chồng cũng thế, nếu người vợ giữ được năm giới này, người vợ có an lạc, hạnh phúc. Người chồng giữ được năm giới này, người chồng có an lạc, hạnh phúc.

Ví dụ, nếu người vợ và người chồng, giữ được giới thứ ba trong năm giới là chung thuỷ một vợ, một chồng, không ngoại tình, lừa dối nhau (không tà dâm), thì chắc chắn vợ chồng sẽ có được hạnh phúc, an vui. Ngược lại, vợ chồng sống không tôn trọng lẫn nhau, không khép mình vào khuôn khổ, kỷ cương, sống buông lung, phóng túng, không giữ được năm giới thì gia đình đó sớm muộn gì cũng đổ vỡ. Cho nên, trong đạo vợ chồng, các con phải cùng nhau giữ gìn, tu tập năm giới này cho nghiêm túc. Được như thế thì cuộc sống của các con không chỉ hạnh phúc ở đời hiện tại mà còn cả ở đời vị lai.

5. Kiến hoà đồng giải:

Nghĩa là những điều hiểu biết chia sẻ cho nhau. Cuộc sống vợ chồng phải có sự đồng thuận với nhau trong mọi sinh hoạt. Người xưa có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”. Bất cứ việc gì trong gia đình nên bàn bạc với nhau, để tạo sự thông cảm và đồng thuận. Vợ làm gì chồng không biết, chồng làm gì vợ không biết sẽ dẫn đến nghi ngờ hiểu nhầm lẫn nhau. Kết quả là hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Tốt nhất, vợ chồng mỗi tuần nên ngồi lại với nhau để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống, để cùng nhau góp ý xây dựng, tìm ra giải pháp tốt nhất. Muốn được như vậy, vợ chồng phải luôn biết lắng nghe. Có lắng nghe mới hiểu, có hiểu mới thông cảm, có thông cảm mới thương yêu. Hạnh phúc gia đình từ đó sẽ được bền vững. Cho nên, muốn gia đình hạnh phúc cần phải biết chia sẻ, lắng nghe.

6. Lợi hoà đồng quân:

Nghĩa là lợi hoà cùng chia đều cho nhau. Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng cần phải công khai tài chính. Chồng làm được một tháng lương bao nhiêu, vợ phải biết. Vợ làm được một tháng lương bao nhiêu, chồng phải biết. Những việc thu chi trong gia đình phải bàn bạc trước và công khai minh bạch. Nếu việc này không làm nghiêm túc, sẽ dẫn đến nghi ngờ lẫn nhau. Chồng nghi vợ đem tiền cho người khác ăn, vợ nghi chồng đem tiền cho người khác ăn, dẫn đến gia đình bất hạnh đổ vỡ. Người xưa có câu: “Của chồng công vợ”. Người chồng làm ra tiền, người vợ ở nhà lo việc gia đình, con cái. Do vậy, đồng tiền chồng làm ra là của chung. Không nên cho rằng, chồng làm ra tiền có quyền tiêu xài phung phí, vợ không có quyền nói, như vậy là bất công, bất hoà. Phật dạy: Muốn gia đình hạnh phúc phải chia sẻ lợi ích đồng đều với nhau.

Tóm lại trên đây là sáu pháp hoà hợp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho gia đình, các con cố gắng thực hành theo lời Phật dạy, cuộc sống vợ chồng sẽ có an lạc hạnh phúc.

Thêm nữa, trong đạo vợ chồng các con phải nhớ rằng: Trước kia lúc chưa thành vợ thành chồng thì mình sống với nhau bằng cái tình. Tức là những tình cảm riêng tư, hầu đáp ứng được nhu cầu mong muốn của mình. Nhưng khi các con đã là vợ chồng rồi, thì phải sống với nhau bằng cái nghĩa. Nghĩa ở đây là sống cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững.

Đã là vợ chồng, ai cũng mong muốn mình có con nối dõi tông đường. Điều mong muốn lớn nhất của người làm cha làm mẹ đó là có được những đứa con xinh đẹp, khoẻ mạnh, ngoan hiền, thông minh, học giỏi, ... Muốn quả tốt phải có nhân tốt. Việc cha mẹ sinh con cũng như việc trồng cây lấy quả. Giống tốt, đất tốt, chăm sóc tốt sẽ ra hoa kết quả tốt. Cha là hạt giống, mẹ là thửa đất. Hạt giống tốt của cha, gieo vào thửa đất tốt của mẹ lại thêm chăm sóc tốt nữa chắc chắn sẽ sinh ra những đứa con tốt. Đây là nhân quả rõ ràng. Bậc làm cha mẹ có thể thực hiện được. Cha giữ được năm giới là hạt giống tốt, mẹ giữ được năm giới là thửa đất tốt, sự chăm sóc của người mẹ khi mang thai như luôn nhớ Phật, nghĩ những điều tốt, đọc kinh sách, nhất là không nên có những tư tưởng tà hạnh, buồn rầu, đau khổ, thù oán, ... được như vậy chính là chăm sóc tốt. Cha tốt, mẹ tốt, chăm sóc bào thai tốt chắc chắn sẽ sinh ra những đứa con tốt. Người Phật tử phải sinh ra được những đứa con tốt làm đẹp mặt cha mẹ, rạng rỡ nòi giống tổ tông. Ngược lại, nếu sinh ra những đứa con ngỗ nghịch, hư hỏng, sa đoạ, tội lỗi, ... cha mẹ cũng có một phần trách nhiệm trong đó và có tội lỗi với tổ tiên, với đất nước.

Khi con sắp đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cần phải quan tâm, gần gũi, chăm sóc nhiều hơn. Vì lúc đó, cơ thể sinh lý phát triển, có những sự tò mò tìm hiểu của tuổi mới lớn, nếu không kịp thời hướng dẫn, con trẻ sẽ tìm ra bên ngoài và rất dễ bị phạm vào tà hạnh, tội lỗi. Người mẹ phải gần gũi con gái để hướng dẫn và giải toả những vướng mắc về sinh lý cho con. Người cha gần gũi con trai để hướng dẫn và giải toả những vướng mắc về sinh lý của con mình. Không nên chỉ lo chú trọng đến việc kiếm tiền mà bỏ qua việc chăm sóc con cái. Có những gia đình cha mẹ rất giàu, nhiều tiền lắm của, nhưng con cái lại hư hỏng. Hạnh phúc của con chính là hạnh phúc của cha mẹ, bất hạnh của con cũng chính là bất hạnh của cha mẹ.

Vợ chồng bước qua giai đoạn làm cha mẹ, phải luôn là tấm gương sáng cho con noi theo. Cha mẹ phải sống khắc kỷ, ghép mình vào khuôn khổ đạo đức. Phải biết hy sinh những hưởng thụ lạc thú cá nhân, sống hết lòng vì con. Cha uống rượu không thể khuyên con đừng uống rượu, mẹ cờ bạc, lẳng lơ không thể khuyên con sống tốt được. Muốn dạy con tốt cha mẹ phải là tấm gương tốt.

Hạnh phúc của con người không chỉ dừng ở chỗ hưởng thụ khoái lạc vật dục mà cần phải thăng hoa tinh thần đến chỗ chân thiện mỹ. Mỗi ngày thân thể chúng ta muốn khoẻ mạnh cần phải ăn uống vật thực, cũng thế tinh thần chúng ta muốn trong sáng cần phải học Phật pháp. Vì Phật pháp giúp chúng ta thấy rõ được sự thật của nhân sinh vũ trụ là vô thường, khổ, không, vô ngã. Biết rõ nhân quả tội phước, có đời này đời sau, làm lành gặp lành, làm ác gặp dữ, biết sống hướng thiện hướng thượng. Nếu vợ hoặc chồng chưa quy y Tam Bảo thọ trì năm giới thì nên quy y Tam Bảo thọ trì năm giới. Nếu đã quy y rồi thì nên tích cực giữ gìn năm giới. Giữ được năm giới này chính là người chồng tốt, người vợ tốt và an lạc hạnh phúc có được không chỉ đời này và cả đời sau.

Mừng cho đôi trẻ thành hôn

Trăm năm kết tóc kiền khôn lâu dài

Sắt cầm hảo hợp bền dai

Phụng loan ứng lứa đẹp thay duyên lành

Tơ hồng Nguyệt Lão đành rành

Se tơ kết tóc sẵn dành từ lâu

Tóc xanh cho đến bạc đầu

Chồng hoà vợ thuận là câu muôn đời.

Trước khi dứt lời, một lần nữa thầy thay mặt chư tôn đức Tăng (Ni) hiện diện chúc các con trăm năm hạnh phúc.

Nam mô A-di-đà Phật.

Người hướng dẫn: Mời cô dâu và chú rể đến bàn chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh, để nhận phần quà và giấy chứng nhận.

Thầy chủ lễ: Tặng quà cho cô dâu, chú rể (đeo chuỗi cho đôi trẻ, trao giấy chứng nhận).

Người hướng dẫn: Mời cô dâu, chú rể quỳ xuống đại diện phát biểu cảm tạ.

PHÁT BIỂU CẢM TẠ CỦA CÔ DÂU VÀ CHÚ RỂ

- Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

- Kính bạch chư Tôn đức chứng minh.

- Kính thưa bà con cô bác hai họ và quý quan khách!

Hôm nay, ngày ..... tháng ..... năm ..... là ngày hạnh phúc của chúng con, niềm hạnh phúc này lại được nhân đôi khi chúng con được may mắn, đầy đủ duyên lành, được trên chư Tôn đức Tăng (Ni) từ bi hứa khả quang lâm cử hành lễ hằng thuận, không những vậy quý Ngài còn ban cho những lời pháp thật quý báu. Chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm những lời quý Ngài đã dạy.

 Dẫu cuộc đời có gặp khó khăn thử thách, chúng con cũng đồng lòng chia ngọt sẻ bùi, trên thuận dưới hoà sống trọn đạo làm con và bổn phận của người con Phật. Hai con sẽ luôn tôn trọng nhau, thuỷ chung trọn đời để khỏi phụ lòng ân sanh thành dạy dỗ và niềm tin yêu của cha mẹ. Cũng như tỏ lòng tri ân đến Tam Bảo và chư Tôn đức Tăng (Ni). Chúng con nguyện phụng đạo giúp đời, xứng đáng là một công dân tốt trong xã hội.

Từ khóa » Khăn Bạch Hỷ Là Gì