Nghị Luận: Học Như Bơi Thuyền Ngược Nước, Không Tiến ắt Sẽ Phải Lùi

Nghị luận: “Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ phải lùi”.

  • Mở bài:

Nhà bác học Đác Uyn từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, loài người đã không ngừng tích lũy tri thức và nỗ lực học hỏi để có thêm hiểu biết và sáng tạo. Tri thức là do nỗ lực học tập mà có chứ không tự nhiên mà có được. Không học tập không thể nào tiến bộ được. Bàn về vấn đề này, ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến sẽ phải lùi”

  • Thân bài:

Học là hành động tiếp thu, chiếm lĩnh tri thức nhân loại để hình thành tri thức của mình và vận dụng vào thực tế cuộc sống nhằm tạo ra của cải vật chất, duy trì sự sống của bản thân, gia đình và xã hội. “Bơi thuyền ngược nước” là thuyền bơi trên dòng nước ngược, tốn rất nhiều sức. Nếu không ra sức chèo lái, con thuyền sẽ bị dòng nước đẩy lùi. Câu văn sử dụng phép so sánh ẩn dụ quá trình học hỏi của con người với hình ảnh con thuyền trôi ngược dòng nước không tiến ắt phải lùi.

Thật vậy, học là nhiệm vụ khó khăn như bơi thuyền ngược nước. Đó là một quá trình vất vả, không ngừng nghỉ. Đây là một hoạt động diễn ra suốt cuộc đời của con người chứ không phải là một giai đoạn gắn với trường học. Học ở trường lớp và học trong cuộc sống. Học ở thầy cô, bạn bè và học ở mọi người.

Nếu con người ngừng việc học tại một thời điểm nào đó nhất định sẽ bị lạc hậu so với xã hội, bị thụt lùi kiến thức so với người khác. Cách so sánh đã khái quát một trong những bản chất của việc học, học hành rất vất vả và liên tục không ngừng như người lái đò phải làm việc hết sức mới đưa được con thuyền tiến lên.

  • Nghị luận: “Tuổi trẻ không siêng năng học tập, tuổi già phải sống với hối hận”

Câu ngạn ngữ “học như bơi thuyền ngược nước” ngầm đưa ra dụng ý khuyên răn con người ta nên có thái độ học tập kiên trì, mạnh mẽ, tự vượt lên chính mình và chiến thắng hoàn cảnh khó khăn để học hỏi, hoàn thiện bản thân. Trong cuộc sống của chúng ta có không ít những tấm gương vượt khó trong học tập như thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí. Dù bị tật nguyền và chịu bao đau đớn về thể xác nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực phi thường, thầy đã đạt được rất nhiều thành công trong cuộc sống.

Kiến thức là vô bờ bến, rất sinh động và thay đổi. Kiến thức phát triển liên tục và luôn mới mẻ. Chỉ bằng cách học không ngừng nghỉ, người ta mới nắm kiến thức phục vụ hữu ích cho chính cuộc sống của mình. Nếu không học, con người sẽ không có kiến thức, nếu chỉ học trong một thời điểm và dừng lại, con người người sẽ bị tụt hậu so với thời đại.

Việc học quan trọng là thế nhưng hiện nay tình trạng lười học, bỏ học, học giả, học thiếu trung thực vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân một phần cũng do sự tự ý thức cá nhân còn quá kém, chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Hậu quả sẽ rất to lớn vì khi không có kiến thức, mọi việc sẽ trở nên rất khó khăn, dần dần sẽ trở thành người vô dụng.  Do đó, chúng ta phải cố gắng học hỏi, học mọi nơi, kiến thức không bao giờ là thừa.

  • Kết bài:

Học tập thành công luôn đòi hỏi ở con người rất nhiều ý chí, nghị lực và niềm tin tưởng. Qua câu ngạn ngữ: “Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi” chúng ta tự ý thức được việc học, cần phải có ý thức, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong học tập.

Vai trò của học tập đối với sự thành công của con người (nghị luận lớp 7)

Từ khóa » Học Như Bơi Thuyền Ngược Nước