Nghị Luận Xã Hội Về Phía Sau Những Lời Khen
Có thể bạn quan tâm
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Phía sau lời khen ...
***
Bài viết hay nhất nghị luận về vấn đề phía sau lời khen
Nếu có ai hỏi rằng khi tôi thành công hoặc đạt được điều gì đó tốt đẹp thứ tôi mong chờ ở mọi người là gì thì tôi sẽ trả lời đó chính là lời khen ngợi. Lời khen và sự tán thưởng, tuyên dương từ người khác với mình là điều mà ai cũng thích và mong muốn. Mặc dù vậy, lời khen cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà chúng ta phải suy ngẫm và trăn trở.
Thomas Fuller từng nói “Lời khen chẳng tốn một xu nhưng nhiều người sẵn sàng trả giá cao cho nó”. Thật vậy! Lời khen là lời ca ngợi, biểu dương từ người khác khi bản thân mình đạt được điều gì đó tốt đẹp hoặc cao cả. Lời khen có hai loại: lời khen tốt và lời khen xấu. Lời khen tốt là lời khen xuất phát tự sự chân thành, nể phục của người khen và lời khen đó có ý nghĩa tích cực, động viên và khẳng định việc tốt ta đã đạt được. Lời khen xấu là lời khen không phải xuất phát từ sự kính phục, công nhận khả năng của người khác mà đó có thể là sự châm biếm, giễu cợt, nịnh bợ, tâng bốc hoặc có thể là lời khen từ sự ích kỉ, đố kị, không thật lòng. Chúng ta sẽ phải gặp rất nhiều kiểu người mà họ có những thái độ và ý kiến khác nhau về cuộc sống của chúng ta và những lời khen của người khác đôi khi cũng ảnh hưởng đến ta và khiến ta phải suy ngẫm.
“Nguyên lí sâu xa nhất trong bản tính con người là sự khao khát được tán thưởng” (Wiliam Jame) và đặc biệt những lời tán thưởng chân thành, có ý tốt thì càng được khao khát và trân trọng hơn nữa. Lời khen tốt là một món quà tinh thần vô vùng quý giá đối với con người. Khi chúng ta đạt được một điều tốt, thành công trong công việc nào đó, lời khen mang ý tốt, chân thành từ người khác với mình là phần thưởng mà ai cũng mong muốn. Nhận được lời khen tốt, điều đầu tiên ta cảm thấy đó là sự vui vẻ, phấn khởi. Lời khen tốt giúp ta thêm tự tin vào bản thân và có nghị lực để tiếp tục đạt được những điều tốt đẹp hơn nữa. Đạt được một điều gì đó, được người khác khen ngợi, một điều chắc chắn rằng ai cũng sẽ cảm thấy hãnh diện về bản thân mình. Lời khen tốt có sức mạnh vô hình tác động đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của ta rất nhiều.
Có một câu chuyện kể về một người đàn ông chăm sóc một vườn cây xanh tốt. Nhưng dù ông ta đã rào vườn cẩn thận và chắn chắn, bọn trẻ con trong xóm vẫn tạo ra một lối nhỏ để chui vào vườn của ông, bẻ hết hoa quả trong vườn khiến ông vô cùng tức giận và khó chịu. Một ngày nọ, ông đã bắt tận tay đứa trẻ đứng đầu lũ tinh nghịch ấy. Thằng bé sợ sệt và nghĩ rằng mình sẽ phải chịu một trận đòn đáng sợ. Nhưng không, người đàn ông thả thằng bé ra và dịu dàng nói: “Cháu đừng sợ, ta không phạt cháu đâu, vì cháu là một đứa trẻ vừa ngoan, vừa thông minh, dũng cảm, ta giao cho cháu một nhiệm vụ đó là đội trưởng của đội bảo vệ khu vườn này. Ta tin cháu sẽ làm tốt và xứng đáng với lời khen của ta”. Thằng bé rất ngạc nhiên vì lời khen của người đàn ông và nhận lời làm đội trưởng đội bảo vệ khu vườn. Kể từ đó, khu vườn của ông không những không bị phá mà còn được lũ trẻ chăm sóc chu đáo, cẩn thận.
Đó mới thấy được lợi ích của lời khen tốt là như thế nào. Vì vậy, việc thường xuyên dành cho nhau những lời khen tốt sẽ giúp con người có thêm động lực trong cuộc sống, giúp cho người gần người hơn, yêu quý nhau hơn.
Bên cạnh những lời khen tốt, cũng có những lời khen xấu mà người khác dành cho ta. Nếu như lời khen tốt chỉ có một kiểu đó là lời khen xuất phát từ sự kính phục, chân thành thì lời khen xấu lại có đủ kiểu khác nhau. Thứ nhất, đó là lời khen nhưng hàm ý chê bai, đó là sự mỉa mai, khinh bỉ. Khen kiểu chê bai sẽ dễ khiến người khác mặc cảm, tự ái, tự ti về bản thân. Nó mang ý nghĩa gay gắt hơn là la một lời chê bai thẳng mặt. Thứ hai, đó là lời khen xuất phát từ sự ganh ghét, đố kị. Khi ta đã đạt được điều gì đó tốt đẹp nhưng có người khen ta mà lời khen xuất phát từ sự đố kị thì điều này thật khó chịu. Lời khen này tạo cho con người những đức tính xấu và gây mất thiện cảm, đoàn kết trong các mối quan hệ bởi khi ghen tị với người khác, trong đầu ta chỉ có những suy nghĩ về những điểm xấu của người khác để sẵn sàng chờ cơ hội phơi bày ra còn khi họ thành công thì không chấp nhận sự thành công đó và cho rằng vì lí do này hay lí do khác mà người ta thành công. Nhưng có lẽ lời khen nguy hiểm nhất đó là lời khen nịnh bợ. Dale Carnegle từng nói rằng: “Đừng sợ những kẻ thù tấn công bạn. Hãy sợ những người bạn tâng bốc bạn”.
Nịnh bợ là khen quá lên so với sựu thật hoặc khen những điều không phải là thật. Thật chẳng khó khăn gì để tìm thấy những người hay nịnh bợ. Mặc dù nịnh bợ cũng là lời khen mang lại cho con người những cảm xúc, trạng thái tích cực như thích thú, mãn nguyện, hãnh diện nhưng nịnh bợ lại là lời khen mang ý nghĩa xấu. Những kẻ nịnh bợ thường sống giả tạo và đương nhiên những lời khen tâng bốc kia cũng là sự giả tạo. Khi một người luôn được khen ngợi, tâng bốc, được nhiều kẻ xum xoe, nịnh bợ thì dần dần sẽ trở thành người mù quáng trong cuộc sống, thành kẻ ảo tưởng về giá trị của bản thân dẫn đến chủ quan hoặc xem thường người khác.
Trong cuộc sống có những người luôn dành những lời khen chân thật, đích thực cho người khác, luôn đón nhận những lời khen của xung quanh xem đó là lời cổ vũ, khích lệ. Nhưng có những người còn ích kỉ trước sự thành công của người khác, không muôn khen ngợi những người hơn mình hoặc dành cho họ những lời khen mỉa mai, ghen tị, số khác lại xum xoe nịnh bợ, tâng bốc đủ đường. Đó đều là những hành vi, thái độ không tốt, đáng phê phán và cần thay đổi.
“Lời khen cũng giống như vàng và kim cương, đáng quý vì nó hiếm” (Samul Johnson). Chúng ta cần mở rộng lòng mình khen ngợi những người xứng đáng và sẵn sàng đón nhận không những chỉ lời khen mà cả sự chê bai của người khác. Chúng ta là những người trẻ tuổi, con đường phía trước còn rất dài, chúng ta hãy nâng niu những lời khen thật lòng, coi đó là động lực trong cuộc sống, sẵn sàng tiếp nhận sự chê trách để rút kinh nghiệm sau này, còn khi có ai đó khen mỉa mai, ghen tị hoăc tâng bốc ta, hãy bình tĩnh xem lại bản thân và bỏ qua những điều không hay, không tốt để tiếp tục sống bởi cuộc đời luôn có mặt trái của mọi vấn đề.
Khen ngợi, tán thưởng là mong muốn, khát khao của con người. Mặc dù lời khen có nhiều mặt, nhiều ý nghĩa nhưng dù là khen hàm chứa ẩn ý gì thì đó vẫn luôn là lời nhắc nhở ta về cuộc sống, về những vấn đề trong xã hội con người.
(Nguồn: thuvienvanmau.net)
Tham khảo thêm: Top 10+ bài văn hay nhất nghị luận về sự tự tin
Một số bài văn đạt điểm caocủa học sinh lớp 12 bàn về phía sau những lời khen
Bài mẫu 1:
Lời khen như một thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Dù ở bất cứ lứa tuổi hay cương vị nào thì con người cũng thích những lời động viên, khen ngợi từ người khác dành cho mình. Tuy nhiên, lời khen luôn có hai mặt của nó. Nếu là lời khen chân thật, đúng hoàn cảnh thì nó sẽ có tác dụng khích lệ, động viên con người phát triển theo chiều hướng tích cực, còn những lời khen giả dối, lời khen không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ thì nó sẽ phản tác dụng, gây ra những hậu quả khôn lường bởi phía sau những lời khen luôn tiềm ẩn nhiều điều mà ta không thể biết trước được.
Lời khen là lời ngợi ca, tán thưởng, khâm phục của mọi người dành cho một cá nhân nào đó. Lời khen có hai loại là lời khen tốt và lời khen xấu. Lời khen tốt là lời khen xuất phát từ tận đáy lòng, từ sự chân tình, không vụ lợi, và là động lực để con người phấn đấu vươn lên. Còn lời khen xấu là những lời khen không thật lòng, ẩn chứa nhiều mưu đồ và sự giả dối. Đó chỉ là những lời khen xã giao nhằm mục đích lấy lòng hoặc để đạt được một mục đích nào đó. Lời khen giống như một con dao hai lưỡi, nó có thể là lời khích lệ động viên cũng có thể là cái bẫy đẩy con người tới một việc làm xấu. Bởi vậy, con người cần phải tỉnh táo trước những lời khen của người khác.
Có người đã từng nói rằng “Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ là kẻ thù của ta”. Những lời khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp người được khen có được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự sung sướng và tự tin. Khi chúng ta làm được một việc tốt, một lời khen kịp thời sẽ giúp ta có thêm sức mạnh, niềm tin, khiến niềm vui được lan tỏa đến với mọi người xung quanh. Lời khen tốt là phần thưởng mà con người xứng đáng được nhận sau những cống hiến, hi sinh và sự nỗ lực của bản thân, giúp con người có thêm sức mạnh và ý chí để đi đến thành công. Một lời khen tốt có thể giúp một học sinh học yếu có ý chí phấn đấu. Một lời khen tốt có thể giúp cho người sa ngã muốn hướng thiệncó thêm sức mạnh để làm lại cuộc đời. Một lời khen tốt giúp con người vượt qua thử thách…
Tuy nhiên, không phải lúc nào lời khen cũng mang lại những tác dụng tốt. Lời khen là liều thuốc tốt cho đời sống tinh thần nhưng đôi khi nó trở thành một mối nguy hại vì có biết bao mầm mống của sự ảo tưởng, kiêu ngạo có thể sinh ra từ đó. Những lời khen với mục đích xã giao, không xuất phát từ cái nhìn thực tế thường là những lời khen có cánh, nó tức thì làm lan tỏa xung quanh ta thứ hương thơm ngọt dịu, xây dựng trước mắt ta một lâu đài ảo mộng khiến ta đắm chìm trong giấc mộng ảo đó. Bản chất của con người thường kiêu ngạo, vậy nên khi nghe lời khen giả tạo hay thực chất đó là những lời xua nịnh thì con người dễ trở nên kiêu ngạo hơn là sự khiêm nhường. Có thể cá nhân đó mới đạt được chút thành công bé nhỏ mà họ đã tự xem mình là trung tâm của vũ trụ, xem mình là hơn tất cả, đến khi thất bại dễ trở nên yếu đuối.
Không chỉ vậy, phía sau những lời khen giả tạo còn là cả một sự áp lực nặng nề cho người được khen. Vì được khen nên cá nhân đó phải gồng mình lên để sống tốt, làm việc tốt, học thật giỏi…. Những cố gắng đó đôi khi khiến con người trở nên căng thẳng vì sợ lúc nào mọi người xung quanh cũng đang theo dõi việc làm của mình. Lời khen giả tạo có thể làm cho con người ngộ nhận, ảo tưởng để rồi phải sống như một con rô bốt, như một con vẹt, chỉ dám nói hành động theo dư luận mà không dám sống là chính mình.
Tôi đã từng được nghe một câu chuyện kể về một vị tướng tài ba, có tài cầm quân. Ông chỉ huy trận nào là thắng trận đó. Rồi ông trở thành quốc vương của cả một vùng đát rộng lớn. Ông được mọi người tung hô, khen ngợi, nhưng rất ít lời khen thật lòng. Những đại thần thường vây quanh ông, khen ngợi ông hết lời để được ông ban thưởng vàng, lụa. Họ nịnh bợ ông, khẳng định với ông mình sẽ mãi trung thành và dù biết là nịnh bợ nhưng ông lại rất thích và rất tin vào điều đó. Cho đến một ngày, đát nước xảy ra biến cố, ông kêu gọi sự hợp sức của các đại thần nhưng họ đều lần lượt bỏ rơi ông. Đến khi ông nhận ra mình đã tin tưởng một cách mù quáng thì đát nước đã rơi vào tay kẻ khác.
Trong cuộc sống không phải ai cũng có thể tỉnh táo trước lời khen của người khác. Bên cạnh những người đã biết biến lời khen thành sức mạnh để phấn đấu thì một số người dẫu biết những lời khen chỉ mang tính chất “cho vừa lòng nhau” nhưng họ vẫn ngộ nhận, tin là thật. Một số khác lại quá coi thường lời khen hoặc lạm dụng lời khen để trêu chọc người khác, làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Đó đều là những hiện tượng xấu mà chúng ta cần khắc phục.
Một lời khen có thể khiến con người đến được tới đỉnh vinh quang nhưng cũng có thể khiến con người rơi xuống vực sâu của sự thất bại. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo để phân biệt được đâu là lời khen tốt, đâu là lời khen xấu, lời khen giả tạo. Tâm lí con người rất thích được khen bởi vậy mỗi người trong chúng ta không nên tiết kiệm lời khen nhưng cũng không nên lạm dụng nó. Hãy học cách khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ và lắng nghe lời khen có chọn lọc. Đó mới là cách sống của một người hiểu biết và thông minh.
Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta hãy biết tỉnh táo trước mọi lời khen. Chúng ta không nên quá khiêm tốn cũng không nên tự kiêu trước lời khen mà mình nhận được mà hãy luôn trau dồi bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Lời khen là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là động lực để chúng ta đi tới những thành công, là bài học để mỗi người trở nên trưởng thành, cứng cáp. Bởi vậy chúng ta hãy sử dụng lời khen đúng lúc, đúng chỗ như một món quà mà cuộc sống ban tặng cho con người.
Có thể bạn quan tâm: Những mẫu bài văn nghị luận bàn về văn hóa chỉ trích của người Việt
Bài mẫu 2:
Trong cuộc sống của chúng ta, những lời khen là vô cùng cẩn thiết để khích lệ, động viên hay khen ngợi ai đó. Lời khen giúp họ cảm thấy tự hào về những việc mình đã làm được và cố gắng làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, những lời khen mang tính chất nịnh bợ thì không tốt chút nào. Tuân Tử đã từng nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.” Trong câu nói bao gồm ba đối tượng: “Người chê ta”, “người khen ta”, “kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta” và vai trò của họ đối với cuộc sống mỗi con người.
“Người chê ta mà chê phải là thầy ta”. Chê, nhưng là chê phải. Đó là những người thấy ta sai và dám chỉ ra cái sai của ta, để từ đó ta rút ra được bài học và sửa chữa sai lầm. Bình thường, chúng ta thường không thích những người chê mình. Tuy nhiên, người khôn ngoan phải là người biết phân biệt đâu là những lời chê có thiện chí. Trong cuộc sống, tất nhiên không thiếu những kẻ ganh ghét, luôn chê bai người khác một cách ác ý. Chúng ta nên biết phân biệt đâu là những lời chê ác ý để bỏ qua, và đâu là những lời chê mang tính góp ý để chúng ta tiến bộ. Một người chỉ khi biết tiếp thu ý kiến của người khác thì mới có thể thành công được. Còn nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình, sớm muộn gì người đó cũng sẽ thất bại mà thôi. Chính vì thế, vai trò của những lời “chê phải”, những người dám nói lên những lời chê ấy là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Những người ấy chẳng khác gì thầy ta, giúp ta hiểu ra, học được nhiều điều trong cuộc sống.
Đối tượng thứ hai, là những người khen ta, nhưng tất nhiên, là “khen phải”. Vậy thế nào là khen phải? Đó là những lời khen chân thành, không nhằm vụ lợi cho bản thân mà tâng bốc đối tượng một cách quá đáng. Mục đích của lời khen ấy chỉ là xuất phát từ việc bày tỏ sự ngưỡng mộ, hay khích lệ người được khen. Con người ta luôn có xu hướng muốn được khen, vì những lời khen thường “dễ nghe” hơn những lời chê. Lời khen là quan trọng, có tác dụng giúp con người ta thấy tự hào vì những thứ được khen, tuy nhiên, chúng ta cần biết được đâu là những lời khen thật, đâu là những lời tâng bốc, xu nịnh. Không nên vì được khen quá nhiều mà dẫn đến suy nghĩ mình đã hoàn hảo, từ đó sẽ dẫn đến tự kiêu, không cố gắng, tất sẽ có ngày gặp thất bại. Những người có thể hiểu, có thể khen thật ta, đó chính là những người bạn của ta.
Còn đối tượng cuối cùng, cũng liên quan đến những lời khen, nhưng đó lại là “những kẻ vuốt ve, nịnh bợ”ta, như Tuân Tử nói, đó cũng chính là “kẻ thù của ta”. Những kẻ ấy chỉ nói những lời khen nhằm vụ lợi cho bản thân, chứ không xuất phát từ sự chân thành hay sự ngưỡng mộ đối với người được khen. Những lời khen ấy khiến cho người được khen cảm thấy mình thật tốt đẹp, thật quan trọng, thật vĩ đại, từ đó sẽ không cố gắng và dần dần sẽ bị thua kém so với những người xung quanh. Điều ấy thật nguy hiểm. Và những kẻ xu nịnh ta như vậy, giống như kẻ thù của ta vậy. Họ “giết” ta bằng những lời nịnh bợ, dối trá. Điều chúng ta cần làm là tránh xa, hạn chế giao lưu với những đối tượng ấy trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong môi trường học tập, làm việc.
Câu nói của Tuân Tử, từ xưa đến nay, vẫn luôn là bài học sâu sắc và đáng ghi nhớ cho tất cả mọi người trong cuộc sống. Hãy luôn tỉnh táo, để phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, để có thể có được những lời góp ý, lời khen chân thành nhất từ đó có thể hoàn thiện bản thân mình.
Đọc thêm: Nghị luận xã hội về cách cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống
Bài phân tích sâu sắc về lời khen - món quà ý nghĩa của cuộc sống
Bắt đầu câu chuyện nào đó bằng một lời khen cũng là bí quyết hiệu quả trong giao tiếp. Khen ngợi không chỉ là nghệ thuật giao tiếp mà còn đem lại niềm vui cho người khác và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên hạnh phúc hơn.
Mỗi người chúng ta chắc hẳn ai cũng từng bị chê bai hay bị phê bình về một điều gì đó, nên dù tự tin đến mấy cũng có điểm khiến ta lo lắng. Do đó, vẫn có những mong ước như muốn mình hoàn hảo hơn, xinh đẹp hơn, thông minh hơn… Và trong mọi trường hợp, ai cũng mong muốn những nỗ lực và khả năng của mình được công nhận.
Vì vậy, lời khen luôn mang đến những ý nghĩa tốt đẹp. Một nhân viên sẽ làm việc hăng say hơn nếu được sếp và tổ chức khen thưởng, thừa nhận khả năng làm việc, từ đó tiếp tục phấn đấu, nâng cao năng suất làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa. Trẻ con cũng sẽ biết vâng lời hơn, dễ dạy bảo nếu chúng được người lớn khen ngợi về những hành động ngoan ngoãn của mình. Một học sinh sẽ cảm thấy phấn khởi nếu được bạn bè và thầy cô khen thưởng về những tiến bộ trong học tập. Học sinh đã giỏi sẽ chăm chỉ để giỏi hơn, học sinh chưa giỏi sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân nếu được khen ngợi và động viên đúng cách. Đôi khi lời khen chân thành và đúng lúc còn là động lực để thay đổi cả một cuộc đời.
Tâm lý của nhiều người Việt là thường ngại ngùng khi thốt ra những lời nói yêu thương, tán thưởng. Trong khi đó, lời trách móc, chê bai, nói xấu hay chỉ trích thì lại thốt ra rất dễ dàng, phát tán nhanh và rất dễ lây lan. Người có hàng chục ưu điểm ít khi được nhắc đến, nhưng hễ người đó phạm phải một sai lầm nào đó thì sẽ bị đem ra mổ xẻ, bới móc, chỉ trích và kết tội. Điều này không chỉ làm mất đoàn kết trong tập thể mà còn làm mối quan hệ giữa người và người ngày càng trở nên xấu đi.
Giữa lời khen ngợi và sự tâng bốc, xu nịnh sẽ khó phân biệt được nếu mất đi điểm xuất phát từ sự chân thành, đúng lúc và đúng cách. Khi ta khen người khác, điều nhận lại đơn giản chỉ là tiếng “cảm ơn” nhưng nó khiến ta vui vẻ, hơn nữa sẽ tạo được sự phấn khởi cho người được khen. Khen người khác có nghĩa là ta nhìn thấy những điểm tốt, giúp họ tự tin vào bản thân. Và người được khen cũng sẽ tìm thấy những cái hay của ta, nó làm con người xích lại gần nhau hơn, khiến cho những lời nói xấu, chê bai không còn cơ hội tồn tại, giá trị tốt đẹp sẽ được nảy sinh, lan toả.
Tác giả Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ về giá trị của lời khen: Một lời khen tặng đúng lúc như sự tiếp sức, cổ vũ, định hướng cho bản thân đối với việc đang làm, con đường đang đi và tương lai đang hướng tới. Tôi nhớ một bộ phim hoạt hình có tên là “Ếch Đốm” mà tôi rất thích. Lời nói của bác ếch già lúc cuối phim làm tôi thích thú và xem đó như một chân lý của cuộc sống. “Các con ạ, đó là Ếch Đốm, con của bà Ếch Khoang. Cậu ta bị điếc nên khi các con reo hò cậu ta tưởng là cổ vũ nên đã cố nhảy ra khỏi miệng hố. Một lời cổ vũ đúng lúc sẽ khiến một người đang khó khăn thấy như được tiếp sức, họ sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn. Còn nếu ta chê trách họ thì vô tình ta đẩy họ đến đường cùng. Vì thế, hãy cẩn trọng với lời nói, các con hiểu chưa?”. Đừng bao giờ sợ sự dịu dàng, đừng tiếc lời khen tặng nếu điều đó là xứng đáng”.
/***/
Trên đây là tổng hợp những bài viết hay, bài nghị luận về vấn đề "phía sau lời khen", các bạn có thể đọc tham khảo để rút kinh nghiệm cho bài văn của mình cũng như có thêm những ý tưởng hay cho nội dung bài viết thêm sáng tạo và hấp dẫn. Chúc các bạn làm bài tốt và đạt điểm cao !
Văn mẫu lớp 12 tuyển chọn / Đọc Tài Liệu
Từ khóa » Những ý Nghĩa Của Lời Khen
-
Nghị Luận Xã Hội Về Phía Sau Những Lời Khen - Văn 12 (9 Mẫu)
-
Văn Mẫu Lớp 9: Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Của Lời Khen Dàn ý & 3 ...
-
Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Của Lời Khen
-
Trình Bày Suy Nghĩ Về Lời Khen Trong Cuộc Sống - TopLoigiai
-
Nghị Luận: Ý Nghĩa Của Những Lời Khen Ngợi
-
Lời Khen - Món Quà ý Nghĩa Của Cuộc Sống
-
Viết đoạn Văn Về ý Nghĩa Của Lời Khen
-
Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Của Lời Khen
-
Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Của Lời Khen - Thư Viện Đề Thi - Đáp Án
-
Nghị Luận Xã Hội Về Phía Sau Những Lời Khen - Quang An News
-
Văn Mẫu Lớp 9: Đoạn Văn Nghị Luận Về Vai Trò Của Lời Khen (3 Mẫu ...
-
“Lời Khen Là Một Món Quà Tặng”. Từ Câu Nói Trên, Anh Chị Hãy Viết ...
-
Thể Hiện Sự Khen Ngợi Trẻ Như Thế Nào Cho Phù Hợp? - Prudential