Nghĩ Về Câu Nói: “Sự Kiên Nhẫn đắng Chát Nhưng Quả Của Nó Lại Ngọt”

Suy nghĩ về câu nói: Sự kiên nhẫn đắng chát nhưng quả của nó lại ngọt.

  • Mở bài:

John Quincy Adams đã từng nói: “Sự kiên nhẫn và bền bỉ có tác động ma thuật khiến trước nó, khó khăn biến mất và trở ngại bốc hơi”. Mọi thành công đều được tạo nên từ sự kiên nhẫn bền bỉ. Bởi thế, có người cho rằng: “Sự kiên nhẫn đắng chát nhưng quả của nó lại ngọt”.

  • Thân bài:

Kiên nhẫn có nghĩa là nhẫn nại, kiên trì, bền trí không bỏ cuộc trước sự khó khăn. Kiên nhẫn có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh có khi nó có nghĩa là kiên cường, không bỏ cuộc, khi là bình tĩnh chờ đợi kết quả, khi là nhẫn nhục và chịu đựng. “Kiên nhẫn là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính” (Cato the Elder). Nếu như không có sự kiên nhẫn, con người không thể nào chạm đến thành công được.

Kiên nhẫn là đức tính mà mỗi cần có, là đức tính mỗi người cần phải rèn luyện trong cả cuộc đời. Kiên nhẫn giúp chúng ta thành công trên con đường đời của chúng ta, điều này là điều tất cả mọi người không thể nào phủ nhận được. Bạn học một trường học bình thường không có nghĩa là tương lai bạn sẽ phải làm một công việc bình thường, chỉ cần bạn kiên nhẫn học thì bạn có thể có một công việc tốt. Chúng ta thấy đấy, chỉ cần có lòng kiên nhẫn thì tương lai của bạn nằm trong tay bạn.

Tại sao chúng ta phải sống có lòng kiên nhẫn? Bởi kiên nhẫn mang lại thành công cho bản thân. Làm cho mọi người phải kính trọng, nể phục chúng ta, làm cho những người trước đây từng khinh thường chúng ta phải nhìn chúng ta bằng con mắt khác. Giúp ta tạo được chỗ đứng trong xã hội, giúp ta có thể ngẩng cao đầu khi đứng trước mọi người. Kiên trì không phải đơn giản như vậy, nó là một quá trình rèn luyện lâu dài biết bao nhiêu là đắng cay, nước mắt.

Vậy chúng ta cần làm gì để rèn luyện được đức tính kiên nhẫn? Trước hết, cần kìm chế lại tính nóng giận, vội vàng. Điều này rất là cần thiết đối với ta. Các bạn có tin rằng chỉ một phút nóng giận của chúng ta sẽ có thể làm hỏng cả cuộc đời, cả quá trình làm việc của bạn không ? điều đó là hoàn toàn có thể, khi bạn nóng giận đầu óc bạn sẽ không tỉnh táo và sẽ làm hỏng mọi việc. Quá trình làm việc của bạn giống như cái ly thủy tinh vậy, khi bạn nóng giận, bạn vô tình đập vỡ nó và khi bạn bình tĩnh suy nghĩ lại thì bạn cũng đâu thể nào làm cho cái ly trở về hình dạng cũ của nó được. Mặc dù, chúng ta có thể gắn ghép nó lại nhưng nó vẫn xuất hiện vết nứt, bạn không có thể khắc phục được cái vết nứt trên nó.

Điều tiếp theo ta cần phải làm là rèn luyện ý chí vững chắc và biết đứng lên sau thất bại. Sau mỗi thất bại, con người ta thường nản chí và không muốn đứng dậy. Nhưng con người có lòng kiên nhẫn thì khác, họ suy nghĩ rằng “lửa thử vàng, gian nan thử sức” họ sẽ tiếp tục cố gắng đến khi thành công. Họ coi gian nan, thất bại như là những dịp để tô luyện, khắc phục bản thân trước khi bước đến thành công. Mọi người đâu thể nào biết được đằng sau ánh hào quang của một người là biết bao thất bại của người đó. Chúng ta chỉ thấy được mặt thành công của người đó chứ đâu thể nào thấy được bao nhiêu kiên trì, cố gắng của người đó được.

Kiên nhẫn không phải là đức tính sẵn có của mỗi con người, kiên nhẫn phải qua quá trình rèn luyện khắc nghiệt có khi là một năm, hai năm hay là cả đời,… Vì thế mỗi con người cần thay đổi bản thân để rèn luyện được đức tính ấy. Chúng ta phải thay đổi bản thân, thay đổi những thói quen xấu, học tập những thói quen tốt để con đường dẫn đến đức tính kiên trì trở nên dễ dàng hơn và để hoàn thiện bản thân ngày một tốt đẹp, ngày một hoàn hảo hơn.

Nếu không thể nào thay đổi được hoàn cảnh bản thân thì chúng ta càng cần phải có lòng kiên trì. Ví như thầy Nguyễn Ngọc Kí là tấm gương sáng ngời về điều đó, Mạc Đĩnh Chi dùi mài kinh sử bằng ngọn đèn đom đóm rồi trở thành danh nhân đất Việt, Nguyễn Hiền nhà nghèo nhưng vẫn thi đỗ Trạng Nguyên năm 12 tuổi. Đó không phải là những tấm gương chứng minh cho lòng kiên trì sao ?

Tuy nhiên, trong xã hội này, đâu phải ai cũng sẵn sàng rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Cuộc sống bây giờ khá tiện nghi, đầy đủ họ được cha mẹ chăm sóc kĩ càng nên khi gặp khó khăn, thất bại họ sẽ không đứng lên mà trở lại bên vòng tay ấm áp của ba mẹ. Những người đó sẽ dễ dàng buông bỏ, không có tự tin rằng bản thân sẽ thành công, họ không kiên trì đến cùng với những việc họ đang làm. Họ dễ nản chí và họ chỉ nghĩ rằng họ làm mọi việc chỉ vì sở thích nhất thời mà không phải là vì đam mê lâu dài. “ đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông “

Là học sinh, chúng ta cần rèn luyện đức tính kiên nhẫn, không lùi bước trước những bài tập khó. Vì vậy hơn ai hết, ta cần rèn luyện đức tính đó để khi bước ra đời không vì “sóng cả mà ngã tay chèo”. Để được đức tính ấy, ta cần kiềm chế cảm xúc bản thân, thay đổi để trở nên tốt hơn và chịu đứng lên sau thất bại. ta cần khuyên nhủ, giúp đỡ mọi người rèn luyện đức tính ấy để đất nước trở nên tốt đẹp hơn

  • Kết bài:

Chỉ cần có ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa bạn đến thành công. Không bao giờ buông bỏ, luôn năng động và sáng tạo là cách để bạn có được lòng kiên nhẫn. Hãy tập đương đầu khó khăn để vững bước trên con đường đã chọn. Luôn kiên nhẫn để mang điều tốt đẹp cho bản thân và mọi người nhé.

  • Nghị luận về Lòng dũng cảm
  • Suy nghĩ về tính siêng năng và kiên trì
  • Nghị luận vai trò của ý chí trong học tập đối với học sinh
  • Cảm nhận bài học từ đoạn thơ sau: “Khi vấp ngã đừng lo bạn nhé. Hãy đứng lên bạn sẽ kiên cường…”

Từ khóa » đắng Chát Là Gì