Nghĩ Về Nguồn Tài Nguyên Cây Lác ở Vũng Liêm

Nghề dệt chiếu lác ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm

Biến nguy thành cơ hội

Có mặt tại Vũng Liêm vào những ngày tháng 10 mưa bão liên tục kéo dài tôi đã được chứng kiến một màu xanh mới đầy lạc quan từ những cánh đồng trồng cây lác. Trước đây, dân nơi này nghèo xơ xác. Họ không biết canh tác cây gì trên vùng nước mặn đồng chua này.

Từ khi dân trong vùng đẩy mạnh trông cây lác, đời sống người dân đã đổi thay. Nhiều lão nông tri điền vốn đã gắn bó với cây lác hàng chục năm qua kể rằng: Cây lác vùng Vũng Liêm là loại lác voi, thân mập, cọng dai, cao đến hơn 1,5 mét thuộc họ lác cói. Cây lác dễ trồng, không kén đất, có thể sống ở vùng đất khắc nghiệt ít nước tưới hay bị xâm nhập mặn. Đặc biệt, cây lác chỉ cần trồng một lần, bón phân đúng định kỳ thì có thể thu hoạch liên tiếp 7 đến 8 năm, thậm chí 10 năm mới phải phá bỏ, trồng mới. Đây là một lợi thế rất lớn cho người trồng lác vì không phải trồng mới mỗi năm, từ đó tiết kiệm được cho phí đầu tư.

Thông thường, sau khi trồng khoảng 4 đến 5 tháng cây lác đến độ trưởng thành là có thể thu hoạch. Riêng ở đợt đầu tiên sau khi trồng lác, thường phải mất từ 9 đến 10 tháng. Trước khi trồng, nông dân sẽ xới đất lên sau đó cấy lác xuống, Cứ vài tháng thì rải phân, xịt thuốc cho ruộng lác.

Lác ở Vũng Liêm thường được phơi khô sau đó gia công chẻ nhỏ từng sợi chủ yếu phục vụ cho việc dệt chiếu của làng nghề truyền thống huyện đã được tỉnh Vĩnh Long công nhận. Việc phơi lác khô thường mất khoảng 1 đến 2 ngày tùy thuộc nắng nhiều hay ít. Hiện nay giá phải trả cho người cắt lác, phơi, se nhỏ cọng từ 180.000 đến 220.000 đồng/người/ngày tùy vào công việc cụ thể. Sau khi trừ hết chi phí, người trồng có lãi từ 20 đến 22 triệu đồng/công. năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Ông Trần Trường Trung, ngụ xã Trung Thành Đông cho biết: Là thứ cỏ dại nhưng trồng lác khá hơn gấp mấy lần so với làm lúa. Cây lác rất chịu nắng nóng, khô hạn, kể cả chịu được độ mặn xấp xỉ 10/1.000 lẫn mưa dầm và phát triển rất mạnh quanh năm. Hiện có hàng trăm hộ dân đeo bám với lác và đều có cuộc sống ổn định.

Một cánh đồng lác ở Vũng Liêm

Hình thành làng nghề truyền thống

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, ngụ ấp Thái Bình, người đã có trên 20 năm làm nghề dệt chiếu kể lại “ gia đình tôi có đến 3 đời làm nghề dệt chiếu, lúc trước dệt bằng tay vất vả lắm nhưng sản phẩm không đồng đều nên khó tiêu thụ, bây giờ dệt bằng máy móc nên vừa nhiều, vừa đều lại vừa đẹp, mỗi ngày làm cật lực cũng kiếm được 180 đến 200.000 đồng, tuy ít nhưng tạm sống được bởi gia đình không có ruộng vườn”.

Chị Chi kể thêm: Để hoàn thành một sản phẩm phải trãi qua rất nhiều công đoạn như phơi khô chẻ nhỏ; nhuộm màu; dệt thành chiếu; may viền…. sau đó vận chuyển đi tiêu thụ tại các địa phương như Vĩnh Long,Trà Vinh, TP Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng….Nghề này phù hợp với cả lao động nữ và trẻ em vì có thể tham gia lao động khi nhàn rỗi phù hợp với điều kiện canh tác ruộng vườn của gia đình mình.

Bà Tạ Thị Tuyết, ngụ TP Vĩnh Long nhận xét: “Chiếu Lác Vũng Liêm có chất lượng rất cao không hề thua kém bất kỳ sản phẩm nổi danh của các tỉnh ĐBSCL như chiếu Định Yên ( Đồng Tháp); chiếu Trà Cú ( Trà Vinh), chiếu Long Định ( Tiền Giang)…, giá cả chấp nhận được, nhiều mẫu mã nên bán rất “ chạy”, từ đó tôi đến đây mua đi bán lại đã hơn 20 năm nay…”

Ông Nguyễn Văn Bình, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Trung Thành Đông nói thêm: Huyện Vũng Liêm có trên 300 ha đất trồng lác nhiều nhất là xã Thanh Bình, Quới Thiện, Trung Thành, Trung Thành Đông… trong khi nhiều loại cây ăn trái, lúa, rau củ bị ảnh hưởng rất lớn do nắng nóng, hạn mặn, mưa bão thì người trồng lác ở đây vẫn có lãi ổn định. Tuy nhiên, để xây dựng hoàn chỉnh, vững chắc thương hiệu “ Làng nghề dệt chiếu Thanh Bình” đã được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận rất cần sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp trong hỗ trợ vốn vay.

Từ khóa » Cay Lác