Nghĩa Của Câu Là Gì? - Luật Hoàng Phi
Có thể bạn quan tâm
Mục lục bài viết
- Nghĩa của câu là gì?
- Thành phần nghĩa của câu
- Hướng dẫn luyện tập nghĩa của câu
Ngôn ngữ là công cụ giúp người nói, người viết truyền tải thông tin, nội dung. Mỗi câu nói đều mang những cảm xúc, thể hiện những ý nghĩa khác nhau. Vậy thì nghĩa của câu là gì? nghĩa của câu có mấy loại?
Mời bạn đọc cùng theo dõi và tìm hiểu nghĩa của câu là gì và các nội dung liên quan thông qua bài viết dưới đây.
Nghĩa của câu là gì?
Nghĩa của câu là cái không thể thiếu đối với mỗi câu. Mỗi câu đều mang theo những ý nghĩa mà người nói hay viết muốn biểu hiện.
Ví dụ: 6h30 đã vào lớp rồi (câu nói thể hiện thái độ không mong muốn, ý chỉ thời gian quá sớm)
Nghĩa của câu thường sẽ được mọi người dễ dàng tự hiểu và cảm nhận được trong quá trình giao tiếp, khi nghe hoặc khi đọc theo thói quen, theo kinh nghiệm.
Mỗi câu thường có hai thành phần nghĩa: nghĩa sự việc và nghĩa tình thái. Hai thành phần nghĩa này hòa quyện, bổ sung, hỗ trợ cho nhau giúp người đọc, người nghe dễ dàng hiểu rõ thông điệp mà người nói muốn truyền đạt cho người nghe.
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về nghĩa của câu là gì thông qua các phần sau.
Thành phần nghĩa của câu
Nghĩa của câu bao gồm hai thành phần: nghĩa sự việc và nghĩa tình thái.
1. Nghĩa sự việc
Nghĩa sự việc còn được gọi là nghĩa miêu tả (hay nghĩa biểu hiện, nghĩa mệnh đề)là thành phần nghĩa tương ứng với sự việc được đề cập đến ở trong câu. Tức là trong câu đề cập đến sự việc gì thì nghĩa của câu sẽ tương ứng với sự việc đó.Nó thường được biểu hiện nhờ các từ ngữ đóng vai trò, chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, khởi ngữ và một số thành phần phụ khác.
Lưu ý: Sự việc là những sự kiện, hiện tượng, hoạt động xảy ra trong đời sống được nhận thức.
Một số sự việc tạo thành nghĩa sự việc trong câu gồm: Hành động, quan hệ, sự tồn tại, tư thế, quá trình, trạng thái -tính chất- đặc điểm.
Một số câu biểu hiện nghĩa sự việc bao gồm: Câu biểu hiện hành động; Câu biểu hiện trạng thái, tính chất, đặc điểm; Câu biểu hiện quá trình; Câu biểu hiện tư thế; Câu biểu hiện quan hệ.
a. Câu biểu hiện hành động
Sử dụng các động từ diễn tả hành động (chạy, nhảy, thả, buộc…) kết hợp với thành phần câu.
Ví dụ: Xuân Tóc Đỏ cắt đặt đâu vào đấy rồi mới xuống chờ những người đi đưa.(Vũ Trọng Phụng, Số Đỏ)
b. Câu biểu hiện trạng thái, tính chất, đặc điểm
Sử dụng các tính từ, từ ngữ miêu tả ( vui, buồn, giận, hờn, lớn – nhỏ, cao – thấp) kết hợp với thành phần câu.
Ví dụ: Trời thu xanh ngắt mấy từng cao.
(Nguyễn Khuyến, Vịnh mùa thu)
c. Câu biểu hiện quá trình
Sử dụng từ ngữ biểu hiện quá trình ( đưa, tiễn…) với thành phần câu.
Ví dụ: Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
(Nguyễn Khuyến, Câu cá mùa thu)
d. Câu biểu hiện tư thế
Sử dụng các từ biểu hiện tư thế (ngồi, đứng, quỳ, chênh vênh…) với thành phần câu.
Ví dụ: Lom khom dưới núi tiều vài chú.
(Bà Huyện Thanh Quan, Qua đèo Ngang)
e. Câu biểu hiện sự tồn tại
Sử dụng các động từ tồn tại ( còn, mất, hết…) kết hợp với thành phần câu.
Ví dụ: Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
(Nguyễn Bình Khiêm, Thói đời)
Động từ tồn tại: (Còn, hết)
Sự vật tồn tại: (Bạc, tiền, đệ tử, cơm, rượu, ông tôi)
g. Câu biểu hiện quan hệ
Sử dụng từ biểu hiện quan hệ ( là, của, như, để, do…) kết hợp với thành phần câu.
Ví dụ: Đội Tảo là một tay vai vế trong làng.
(Nam Cao, Chí Phèo)
Quan hệ đồng nhất: (là)
2. Nghĩa tình thái
Nghĩa tình thái là Sự nhìn nhận, đánh giá và thái độ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu (phỏng đoán, khẳng định, đánh giá…)hoặc thể hiện tình cảm, thái độ của người nói với người nghe (kính cẩn, thân mật, hách dịch…).
Nghĩa tình thái có thể biểu hiện một cách rõ ràng bằng các từ ngữ tình thái (thành phần tình thái). Có trường hợp có thể tách riêng từ ngữ tình thái thành một câu độc lập. Lúc đó câu chỉ có nghĩa tình thái mà không có nghĩa sự việc.
Ngay cả khi câu không có từ ngữ riêng thể hiện tình thái thì nghĩa tình thái vẫn tồn tại trong câu. Đó là trường hợp câu có nghĩa tình thái khách quan trung hoà.
a. Sự nhìn nhận, đánh giá và thái độ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu
+ Khẳng định tính chân thực của sự việc
Các từ ngữ biểu hiện gồm: sự thật là, quả là, đúng là, chắc chắn…
Ví dụ: Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa.
+ Phỏng đoán sự việc với độ tin cậy cao hoặc thấp
Gồm các từ như chắc chắn là, hình như, có lẻ, có thể, hình như…
Ví dụ: Mặt trời chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ.(Chí Phèo – Nam Cao)
+ Đánh giá về mức độ hay số lượng đối với một phiên diện nào đó của sự việc.
Có các từ như đến, có đến, hơn, chỉ là, cũng là…
Ví dụ: Với lại đêm họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc là cùng.(Hai đứa trẻ – Thạch Lam)
+ Đánh giá về sự việc có thực hay không có thực, đã xảy ra hay chưa xảy ra.
Gồm các từ như giá mà, có lẽ, giá như…
Ví dụ: giá mà hôm nay trời đừng mưa thì tốt.
+ Khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết hay khả năng của sự việc.
Các từ ngữ biểu hiện: không thể, phải, cần, nhất định…
Ví dụ: Tao không thể là người lương thiện nữa ( Chí Phèo – Nam Cao)
b. Tình cảm, thái độ của người nói đối với người nghe
+ Tình cảm thân mật, gần gũi
Các từ biểu hiện: mà, nhỉ, nhé, à, ơi…
Ví dụ: Em thắp đèn lên chị Liên nhé ( Hai đứa trẻ – Thạch Lam)
+ Thái độ bực tức, hách dịch
Các từ biểu hiện: kệ mày, mặc xác mày…
Ví dụ: Kệ mày, mày muốn đi đâu thì đi.
+ Thái độ kính cẩn
Gồm các từ như à, bẩm, dạ, thưa…
Ví dụ: Bẩm cụ, có ông Lý đợi ngoài cửa ạ
Hướng dẫn luyện tập nghĩa của câu
1. So sánh ba câu văn sau và cho biết nghĩa sự việc và nghĩa tình thái ở mỗi câu :
a) Năm nay tôi 19 tuổi.
b) Năm nay tôi mới 19 tuổi.
c) Năm nay tôi đã 19 tuổi.
Gợi ý: Sự việc mà cả ba câu đều đề cập đến là “Năm nay tôi 19 tuổi”.
– Câu a thể hiện thái độ trung hoà, khách quan đối với sự việc.
– Câu b thể hiện sự đánh giá 19 tuổi là còn ít, còn trẻ (từ mới).
– Câu c thể hiện sự đánh giá 19 tuổi là nhiều, là đã trưởng thành, đã là người lớn (từ đã).
2. Câu văn sau đây thể hiện thái độ, sự đánh giá như thế nào của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu?
Quả nhiên họ nói có sai đâu!
(Nam Cao, Chí Phèo)
A – Bác bỏ ý kiến của người khác cho rằng họ nói sai
B – Khẳng định sự việc họ nói không sai
C – Nhấn mạnh sự việc họ nói không sai
D – Qua thực tế, khẳng định sự việc họ nói không sai và bác bỏ ý kiến cho rằng họ nói sai
Gợi ý: Phương án D là đúng nhất. Nghĩa sự việc của câu là : họ nói không sai. Câu nói vừa thể hiện thái độ khẳng định của người nói đối với việc họ nói không sai, vừa bác bỏ ý kiến cho rằng họ nói sai. Sự khẳng định của người nói đã được kiểm nghiệm qua thực tế. Những từ ngữ thể hiện nghĩa tình thái là : quả nhiên, có sai đâu.
3. Trong hai câu thơ mở đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
những từ ngữ nào chủ yếu để nói về sự việc, hiện tượng, còn những từ ngữ nào chủ yếu để biểu hiện thái độ, sự đánh giá của người kể chuyện đối với sự việc, hiện tượng đó ?
Gợi ý: Hai câu thơ mở đầu Truyện Kiều biểu hiện sự việc : Trong vòng một đời người (trăm năm), tài và mệnh thường xung khắc với nhau, đố kị, bài xích nhau (người có tài thì thường xấu mệnh).
Nghĩa tình thái là : thái độ mỉa mai, chua xót của tác giả đối với hiện tượng tài mệnh xung khắc. Nghĩa tình thái thể hiện ở cụm từ khéo là (khen mỉa).
4. Phân tích thái độ của bá Kiến (người nói) đối với Chí Phèo (người nghe) thể hiện trong lời nói sau đây :
Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn :
– Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy,
(Nam Cao, Chí Phèo)
Gợi ý: Lời nói của bá Kiến đối với Chí Phèo thể hiện rõ thái độ của bá Kiến. Trước việc Chí Phèo rạch mặt ăn vạ, và lí Cường, con trai bá Kiến, không biết cách xử sự để “lửa cháy đổ thêm dầu”, bá Kiến đã rất khôn ngoan, tìm cách xoa dịu Chí Phèo :
– Dùng từ xưng hô thân mật và đề cao Chí Phèo : tôi, anh, ta.
– Đề cao Chí Phèo, coi Chí cũng là người lớn như mình và cho Chí Phèo là có họ với nhà mình.
– Tỏ vẻ dễ dãi, rộng lượng : nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong; chỉ một câu chuyện với nhau là đủ.
5. Xác định nghĩa sự việc, nghĩa tình thái và các từ ngữ biểu hiện hai thành phần nghĩa đó trong câu sau :
Nào ngờ, một buổi tối, lí Kiến đang ngồi soạn giấy má, thì Năm Thọ vác dao xông vào.
(Nam Cao, Chí Phèo)
Gợi ý: Trong câu văn, có hai sự việc xảy ra đồng thời trong “một buổi tối” : “lí Kiến đang ngồi soạn giấy má” và “Năm Thọ vác dao xông vào”. Hai sự việc đó tạo nên nghĩa sự việc của câu. Còn cụm từ “nào ngờ” thể hiện nghĩa tình thái : đánh giá sự việc xảy ra bất ngờ, ngoài dự đoán của người kể chuyện và (hoặc) của người trong cuộc (lí Kiến).
Trên đây là các nội dung liên quan đến Nghĩa của câu là gì? Hy vọng các thông tin này hữu ích và giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Từ khóa » Thành Phần Nghĩa Của Câu Là Gì
-
Nghĩa Của Câu - Ngữ Văn Lớp 11 - Baitap123
-
Nghĩa Của Câu Là Gì? - Thư Viện Khoa Học
-
Nghĩa Của Câu - Củng Cố Kiến Thức
-
Thành Phần Nghĩa Của Câu - Tài Liệu Text - 123doc
-
Nghĩa Của Câu - Ngữ Văn Lớp 11
-
Bài Học: Nghĩa Của Câu - Giỏi Văn
-
Thành Phần Của Câu: Phân Loại Câu - Ví Dụ - Giang Béc
-
Các Thành Phần Chính Của Câu
-
Soạn Văn Nghĩa Của Câu Lớp 11 đầy đủ Nhất - Hocvan12
-
Soạn Bài Nghĩa Của Câu - I Hai Thành Phần Nghĩa Của Câu - Học Tốt
-
NGHĨA CỦA CÂU - Giao An Ngu Van 11
-
Thành Phần Phụ Của Câu Là Gì
-
Hướng Dẫn đọc Hiểu Và Phân Tích Nghĩa Của Câu-Ngữ Văn 11