Nghĩa đồng Bào

Nghĩa đồng bào Cập nhật ngày: 30/01/2022 06:03:28

ĐTO - Trên thế giới, có lẽ chỉ ở Việt Nam ta mới có chữ đồng bào. Từ truyền thuyết cha Rồng mẹ Tiên đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con, rồi chia ra năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên non, gầy dựng cơ đồ, phát triển nòi giống, làm nên nước Việt Nam ta từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

Bác Hồ rất quí trọng và luôn dùng hai tiếng đồng bào khi nói chuyện hay viết lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quí!”. Đối với dân ta. Thiêng liêng làm sao! Đậm đà tình nghĩa làm sao! Trong tâm trí Bác, năm mươi bốn dân tộc cùng sinh sống trên đất nước ta, dù là người Mông, người Thái, người Tày... ở miền rừng núi phía Bắc; người Ca Tu (Cơ Tu), Ê Đê, Vân Kiều... ở Tây Nguyên; người Chăm ở Nam Trung bộ, người Hoa, Khơ-me... ở Tây Nam bộ và đa số người Kinh ở từ Bắc, Trung, Nam..., dù dân tộc nhiều người hay ít người đều là đồng bào cùng sinh ra từ bọc mẹ Tiên trăm trứng. Rộng như biển cả, cao như núi non, đẹp vô cùng, ý nghĩa vô cùng hai tiếng đồng bào!

Lịch sử Việt Nam trải qua bốn ngàn năm, khi thái bình, khi chiến tranh, lắm trận bão tố thiên tai, song tình đoàn kết máu mủ anh em ruột thịt chung cha mẹ, đã gắn bó sống chết có nhau, đúc thành truyền thống nghĩa đồng bào!

Tất cả các cuộc kháng chiến cứu nước của hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... đều có sự đoàn kết, đồng lòng, đồng hiệp sức của nhiều dân tộc anh em.

Thời thực dân Pháp cướp nước, thống trị dân ta, một trong những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chúng là cố chia rẽ các dân tộc, vừa mua chuộc vừa tàn bạo, gây kỳ thị. Chúng gọi đồng bào Tây Nguyên là mọi, là đồ man ri mọi rợ. Chúng dựng các khu “tự trị” để chia rẽ, các chánh sách mị dân, ngu dốt, nghèo đói hòng dễ dàng đè đầu cỡi cổ, bóc lột dân ta.

Nhớ thời chống Pháp, thực hiện Lời kêu gọi của Bác Hồ, hàng ngàn đồng bào Việt kiều ở Thái Lan, ở Lào đã cầm súng tình nguyện về Nam chiến đấu, hàng ngàn thanh niên miền Bắc lên xe lửa vào Nam trong cuộc “Nam tiến” cùng đồng bào Nam bộ kháng chiến. Thời chống Mỹ, hàng vạn thanh niên miền Bắc “ba sẵn sàng” theo đường mòn Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển đã vào Nam, sát cánh cùng đồng bào miền Nam đánh giặc Mỹ. Khi biên giới phía Bắc bị bọn bành trướng Bắc Kinh xâm lược, nhiều tiểu đoàn thanh niên tình nguyện từ miền Nam - trong đó có Đồng Tháp - đã hành quân ra Bắc, cùng đồng bào miền Bắc bảo vệ Tổ quốc. Những năm bão lũ miền Trung, đồng bào miền Nam - có Đồng Tháp - chở gạo, nhu yếu phẩm ra cứu trợ. Nghĩa đồng bào đó đã được ông bà ta đúc kết: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”; “Tay đứt ruột mềm”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Trong dòng chảy của lịch sử, dòng máu đồng bào con lạc cháu Hồng đã truyền lưu từ thế hệ này đến thế hệ sau, tiếp nối muôn đời...

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bằng một Chính phủ của dân do dân vì dân, một mặt trận đoàn kết dân tộc, cùng các chủ trương, chính sách cụ thể đã đưa miền núi dần tiến kịp miền xuôi, vừa tôn trọng, bảo tồn bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, vừa bình đẳng, hòa đồng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... Trong Quốc hội, trong Chính phủ, trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có đại biểu, tiếng nói của các dân tộc ít người. Đường giao thông, nhà ở, trạm xá, trường học, điện, nước sạch... ngày thêm nhiều trên miền rừng núi. Có thể khẳng định: Phát huy truyền thống, chưa bao giờ năm mươi bốn dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam yêu quí, tình đoàn kết trong sáng, sâu đậm nghĩa đồng bào thể hiện ngọt ngào, nồng thắm như bây giờ.

Năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành đất nước ta từ Bắc tới Nam, làm đảo lộn mọi thứ, gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác mà từ đầu năm mấy ai lường trước được.

Có ai ngờ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai xuất hiện những ổ dịch lây lan nhanh chóng, khiến nhiều người mắc bệnh, cả ngàn người qua đời, khiến nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, sản xuất ngưng trệ. Ở tỉnh ta, chợ không nhóm, đường xá vắng tanh, bến xe, bến phà ngưng chạy, lưu thông hàng hóa đình trệ, hàng trăm ngàn tấn nông sản không tiêu thụ được, học sinh phải ở nhà học online, nhiều tháng liền không có đám cưới, đám tang thưa người đến viếng; mình không đến nhà ai và không mời ai đến nhà mình. Rồi từ tháng mười bất ngờ hàng chục vạn người từ vùng dịch chạy về quê như thác đổ. Công an, dân phòng trực các chốt kiểm dịch phải mệt lả sàng lọc, đưa người về quê. Các ký túc xá sinh viên, trường học phải sử dụng làm nơi thu dung, sàng lọc, chữa người bị bệnh dịch...

Những đảo lộn, bất ngờ đó đã chạm mạnh vào truyền thống nghĩa đồng bào của Nhân dân ta. Đảng, Chính phủ, Mặt trận và cả hệ thống chính trị tức thời ra tay. Chỉ thị 15, 16 rồi 19 ban hành, rồi phân bốn vùng: xanh, vàng, cam, đỏ để xử lý. Chính phủ phải xuất kho gạo dự trữ Quốc gia cứu trợ đồng bào mất việc làm, gia đình gặp khó khăn. Chính phủ làm ngoại giao Covid-19 tìm nguồn vắc-xin để phòng trị bệnh cho dân. Sáng ngời bùng lên là từ tấm lòng sâu đậm nghĩa đồng bào của mỗi người Việt Nam đã bị chạm mạnh đã nẩy sinh ra hàng vạn con người tiêu biểu, hàng vạn việc làm được nhân đi, xuất hiện khắp mọi nơi. Các thầy thuốc thành những chiến sĩ áo trắng trực tiếp đối đầu với vùng dịch, lo cứu chữa người bệnh. Từ Bắc Giang, Huế... các “chiến sĩ áo trắng” tình nguyện vô thành phố Hồ Chí Minh, vô Sa Đéc (Đồng Tháp) góp tay trị bệnh. Rồi các “chiến sĩ áo trắng” từ bệnh viện Thống Nhất, Chợ Rẫy... về Bạc Liêu, Cà Mau cứu người. Xuất hiện những nhân viên giao hàng (shipper) áo xanh, những anh bộ đội làm người tiếp phẩm. Mỗi ngày ba bữa, hàng ngàn suất cơm thiện nguyện do các chị em tình nguyện nấu, các chú, các anh đưa đến tay người đang cách ly, điều trị. Những chuyến xe chở hàng nông sản đi cứu trợ đồng bào ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... Các nhà sư cũng ra đường lo cấp xăng, lo cơm nước cho người về quê, người trực chốt. Trẻ mồ côi cha, mẹ vì dịch Covid-19 được các bạn thanh niên mở lòng hỗ trợ đến 18 tuổi. Nhiều đoàn viên, thanh niên ưu tú được kết nạp vào Đảng. UBND tỉnh và các huyện, thành phố các ngành cấp hàng trăm Bằng khen, Giấy khen cho những gương người tốt làm việc tốt trong phòng, chống dịch. Thương lắm những người mẹ phải xa con nhỏ hàng mấy tháng liền túc trực ở bệnh viện, quên ăn mất ngủ để cứu người. Thương lắm những chiến sĩ biên phòng trực suốt đêm trên vùng biên ngăn người xâm nhập trái phép... Một trang giấy không sao kể xiết những người, những việc làm thiện nguyện tự phát trong thời dịch Covid-19 ở tỉnh nhà và khắp nơi.

Năm 2021, năm đầy biến động, đầy thách thức, cũng là năm bừng sáng nghĩa đồng bào từ mỗi người dân Việt Nam, làm đẹp và vun bồi thêm truyền thống con Rồng cháu Tiên.

Nguyễn Đắc Hiền

Từ khóa » Tình Dân Tộc Nghĩa đồng Bào Là Gì