Nghĩa Vụ Trả Hoa Lợi, Lợi Tức Khi Chiếm Hữu, Sử Dụng, được Lợi Từ Tài ...

1.Căn cứ pháp lý

Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật không chỉ có nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản đang chiếm hữu bất hợp pháp cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác với tài sản mà còn phải hoàn trả cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó. Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức như sau:

“Điều 581. Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức 1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. 2. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”

2.Nội dung

Hoa lợi, lợi tức là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại, những khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Theo nguyên tắc chung, chỉ có chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền khác với tài sản mới có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản đem lại. Do đó, chủ thể chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả không chỉ tài sản mà mình chiếm hữu bất hợp pháp mà còn phải hoàn trả cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó. Tuy nhiên, khác với nghĩa vụ hoàn trả tài sản gốc, là trong mọi trường hợp kể cả chiếm hữu ngay tình hay không ngay tình thì chủ thể vẫn hoàn trả toàn bộ tài sản. Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức lại phụ thuộc vào ý chí của người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản tại thời điểm chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi. Cụ thể: -Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng không ngay tình thì phải hoàn trả toàn bộ hoa lợi, lợi tức thu được kể từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản. Người không ngay tình là người biết rõ việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản của mình là bất hợp pháp, họ biết rõ mình không có quyền với tài sản đó nhưng lại im lặng và tiếp tục chiếm hữu, sử dụng tài sản. Ví dụ: hành vi trộm cắp, chiếm đoạt tài sản; mua tài sản trộm cắp không có giấy tờ rõ ràng (với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu);…Về nguyên tắc, người không ngay tình không được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản đem lại. Vì vậy, làm phát sinh nghĩa vụ của họ trong việc phải hoàn trả toàn bộ hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản. Ví dụ: A trộm xe của B, dùng xe đó cho thuê và thu được tiền thuê do người thuê xe trả. Sau đó thì B phát hiện và đòi lại tài sản, theo quy định pháp luật A phải trả cả xe và tiền cho thuê xe (là lợi tức thu được từ việc khai thác tài sản) trong thời hạn chiếm hữu, khai thác tài sản bất hợp pháp. -Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì chỉ cần hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết về việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật. Người ngay tình là người nghĩ rằng việc chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình là hợp pháp, họ tin rằng mình có quyền đối với tài sản đó. Ví dụ: mua tài sản là tài sản trộm cắp nhưng không biết (xảy ra đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu),…Quy định này xuất phát từ khoản 3 Điều 184 BLDS năm 2015 về việc người chiếm hữu ngay tình có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản đem lại. Tuy nhiên, để được hưởng hoa lợi, lợi tức người chiếm hữu ngay tình phải đảm bảo các điều kiện nhất định, cụ thể: (1) Chiếm hữu liên tục. Tình trạng chiếm hữu không bị gián đoạn về thời gian. Chiếm hữu liên tục đòi hỏi trong suốt quãng thời gian chiếm hữu không có tranh chấp về quyền đối với tài sản. Chiếm hữu sẽ bị coi là gián đoạn bởi hành vi của chính người chiếm hữu, người được lợi về tài sản về việc công nhận nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu hoặc trong trường hợp có yêu cầu hoàn trả tài sản từ phía chủ sở hữu. (2) Chiếm hữu công khai. Tính công khai thể hiện sự minh bạch, không giấu giếm. Quy định này nhằm khẳng định tính ngay tình của chủ thể. Nếu chủ thể thực hiện sử dụng, chiếm hữu tài sản công khai, không giấu giếm tức họ tin mình có quyền với tài sản đó. Trong thời gian chiếm hữu, tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng, và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình. -Căn cứ theo quy định của pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật thì phải có nghĩa vụ hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức từ tài sản cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác với tài sản. Tuy nhiên, pháp luật loại trừ trường hợp người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Đây là trường hợp xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Tức căn cứ vào thời hạn chiếm hữu, sử dụng tài sản mà đến một khoảng thời gian nhất định tài sản đó đương nhiên thuộc về quyền sở hữu của người đó, khi tài sản thuộc về quyền sở hữu của người đó thì đương nhiên hoa lợi, lợi tức cũng thuộc về họ. Lúc này, mọi việc đã quay trở về bản chất vốn có của nó. Khi người chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật xác lập quyền sở hữu đối với chính tài sản đó. Tức họ đã trở thành chủ sở hữu mới của tài sản được pháp luật công nhận, bảo hộ nên họ có quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuộc sở hữu của mình.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Ví Dụ Hoa Lợi Lợi Tức Phát Sinh Từ Tài Sản Riêng