Nghịch Lý: Xe Không Chui Lọt Qua Gầm Cầu Vượt - PLO

Sáu tháng trước, trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, từng đoàn xe phải dừng lại để chờ qua cầu vượt vì nửa chiều dài đoạn đường này đang thi công hạ nền đường. Bởi vì cầu vượt này được thiết kế chiều cao 4,5 m nên các loại xe vận tải quá khổ không qua lọt được.

Cứ ngỡ đó là cầu vượt cá biệt ở tuyến quốc lộ 1A. Thế nhưng một số cầu vượt trên các tuyến đường huyết mạch đã và đang xây dựng ở TP.HCM cũng có chiều cao 4,5 m, thậm chí có cầu gắn biển chiều cao chỉ 4 m.

Xì bánh xe vẫn không chui lọt

Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Thành (chuyên chở hàng thiết bị), cho biết: “Tuyến quốc lộ 1A đoạn từ ngã ba An Lạc đến ngã tư Bình Phước có nhiều cầu vượt bắc ngang qua. Thế nhưng các cầu vượt này lại gắn biển báo từ 4,2 m đến 4,5 m. Với chiều cao này, chỉ vừa đủ xe container chạy qua, chứ xe chở hàng thiết bị nguyên đai, nguyên kiện từ cảng ở quận 4, 7 đến các khu công nghiệp thường có chiều cao cả xe và hàng đều trên 4,5 m.

Thường các xe chở hàng quá khổ chọn đi hướng xa lộ Hà Nội để đi. Thế nhưng tại ngã ba Cát Lái (quận 2) thì lại vướng cầu vượt nút giao thông xa lộ Hà Nội, hiện đang xây dựng nhưng lại chỉ gắn biển báo 4,5 m. Có nhiều lô hàng thiết bị dù sử dụng rơ-mooc chuyên dụng (thấp hơn rơ-mooc thường từ 50 cm đến 70 cm), đồng thời tính đến phương án xì bánh xe cho thấp xuống nhưng vẫn không thể lọt qua cầu vượt, tôi phải từ chối vận chuyển.

Nghịch lý: Xe không chui lọt qua gầm cầu vượt ảnh 1

Xe container vừa nghiến chiều cao để chui qua cầu vượt ở ngã ba Cát Lái (biển báo chỉ gắn độ cao 4,5 m). Ảnh: TRUNG DUNG

“Các cửa ngõ ra vào TP.HCM đều vướng chiều cao cầu vượt, không chỉ tôi mà các doanh nghiệp vận tải chuyên chở loại hàng thiết bị đều lo lắng. Nếu nhận chở thì làm sao chạy qua lọt qua cầu, còn từ chối chở thì ảnh hưởng việc kinh doanh...” - ông Thành than.

Va quẹt vào gầm cầu

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi phát hiện không ít gầm cầu vượt trên tuyến quốc lộ 1A (từ ngã ba An Lạc đến ngã tư Bình Phước) có nhiều vết va quẹt ở gầm cầu. Thậm chí gầm cầu vượt ở khu vực Metro (quận 12) bị vỡ cả bê-tông. Cầu vượt ở ngã ba Cát Lái hiện nay dù đang thi công đã xuất hiện các vết xước ở gầm cầu.

Một CSGT Đội CSGT Rạch Chiếc cho biết: “Cuối năm 2008, một chiếc xe đầu kéo dùng rơ-mooc chuyên dụng chở máy cuốc trên tuyến đường xa lộ Hà Nội (từ hướng quận 2 đi Đồng Nai) thì kẹt gầm cầu vượt ở Trạm 2, gây ùn tắc giao thông đến vài giờ. Cách đây vài tháng, nền đường đoạn này nâng lên thì gầm cầu càng bị thấp xuống, xe chở máy móc, thiết bị càng khó qua...”.

Thiếu tá Lại Văn Ba, Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, nhận định: “Do cầu vượt có độ cao 4,5 m chỉ phù hợp với xe container. Các xe chở máy móc thiết bị không thể tháo rời nên đành chịu. Cầu vượt xây với độ cao như vậy là chưa đáp ứng được sự phát triển của ngành vận tải”.

Lại “gọt” đường?

Thạc sĩ Lê Viết Nam (nguyên Trưởng phòng Khai thác Cảng Bến Nghé), chuyên gia lĩnh vực giao thông, phân tích: “Theo Nghị định 186 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ năm 2004, giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần trên không được quy định từ tim đường đến điểm thấp nhất của gầm cầu là 4,75 m theo phương thẳng đứng”.

Nghịch lý: Xe không chui lọt qua gầm cầu vượt ảnh 2

Đố mà chui qua được! Ảnh chụp tại cầu vượt ở Trạm 2 (biển báo chỉ gắn độ cao 4 m). Ảnh: TRUNG DUNG

Theo ông Nam, quy định độ cao cầu vượt như vậy chưa phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế. Quy định này cũng chưa tính đến tình huống khi nâng cấp, duy tu đường bộ buộc phải nâng nền đường thì độ cao của cầu vượt càng thấp hơn nữa. Thời gian qua, nhiều cảng biển, khu công nghiệp được Chính phủ cho phép xây dựng, đồng nghĩa phải có nhiều máy móc, thiết bị được nhập khẩu để đáp ứng.

“Các máy móc, thiết bị được nhập về để phục vụ có chiều cao từ 4,5 m trở lên nhưng cầu vượt mới xây dựng gần đây lại gắn biển báo 4,5 m, thậm chí 4 m thì làm sao xe chạy lọt qua. Với độ cao như vậy thì xe container qua đã khó khăn chứ nói gì đến xe chở máy móc, thiết bị” - ông Nam nói.

Ông Đàm Văn Tiến, Giám đốc Công ty XNK Nam Tiến, lo ngại: Máy móc, thiết bị để phục vụ cho các công trình trọng điểm là loại hàng hóa được Chính phủ khuyến khích nhập khẩu. Nhưng với độ cao của cầu vượt như trên thì sẽ có rất nhiều loại máy móc, thiết bị phải nằm ở cảng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy: Nhà nhập khẩu thì phải chôn vốn và đóng tiền lưu kho bãi ở cảng, còn công trình thì chờ máy móc, thiết bị.

“Thiết kế và xây dựng cầu không chỉ sử dụng cho hiện tại mà còn đáp ứng được tốc độ phát triển kinh tế từ 30 năm trở lên nhưng có cầu vừa xây xong đã không đáp ứng nhu cầu hiện tại. Sắp đến có lẽ sẽ có chuyện phải “gọt đường” để cho xe qua như ở Thanh Hóa. Đó không còn là chuyện lạ...” - ông Nam bình luận.

Ông Mai Văn Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT:

Độ cao cầu trên quốc lộ dưới 4,75 m là sai

Nghị định 186 năm 2004 đã quy định cụ thể chiều cao tĩnh không của cầu trên các tuyến đường, phù hợp với từng cấp độ. Đối với cầu trên các tuyến quốc lộ, các trục đường đô thị chính, nhất định phải bảo đảm độ cao ở mức 4,75 m.

Riêng hệ thống cầu trên đường cao tốc phải đảm bảo độ cao trên 5 m. Những trường hợp xây cầu sau khi Nghị định 186 đã có hiệu lực mà không tuân thủ quy định trên là sai, chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp doanh nghiệp, dư luận phản ánh việc xây dựng cầu mới không bảo đảm độ tĩnh không như quy định mà chủ đầu tư không khắc phục thì có thể phản ánh đến Bộ. Nếu thấy phản ánh của doanh nghiệp là đúng, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu địa phương, các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc Nghị định 186.

THÀNH VĂN

TRUNG DUNG

dotung

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Chiều Cao Gầm Cầu Vượt