Nghiên Cứu Chọn Tạo Giống Lúa Chịu Hạn Cho Vùng Duyên Hải Nam ...
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thì nước và lương thực là hai vấn đề rất cần thiết và quan trọng cho sự tồn tại của con người. Nhu cầu về lương thực ngày càng tăng và nguy cơ khủng hoảng về nước đã được cảnh báo sẽ xảy ra trong tương lai gần. Sự thiếu hụt cả hai sẽ xảy ra nếu chúng ta không biết sáng tạo và phát triển công nghệ thích hợp. Những năm gần đây hạn hán thường xảy ra với tần suất và qui mô ngày càng tăng, gây tác động xấu đến kinh tế và xã hội như: giảm diện tích gieo trồng; giảm năng suất và sản lượng thu hoạch; làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm; làm giảm thu nhập của các hộ gia đình, đồng thời, kéo theo một loạt các hậu quả nghiêm trọng khác như bệnh tật và đói nghèo...
Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là những vùng có điều kiện địa hình phức tạp, ngắn và dốc, đồi núi nhiều, hằng năm phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai, trong đó bão, lụt và hạn hán xuất hiện nhiều nhất và gây hậu quả nặng nề cho đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, từ năm 2011 đến nay mỗi năm có hàng chục nghìn hecta lúa ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gặp hạn. Vùng Tây Nguyên thường gặp hạn trong vụ Đông xuân (mùa khô), vùng Duyên hải Nam Trung bộ thường gặp hạn nặng trong vụ Hè thu (mùa khô).
Năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên có 14.052 ha lúa và hoa màu bị hạn (chiếm 13% diện tích gieo trồng), trong đó, có 4.293 ha bị mất trắng. Năm 2014, diện tích lúa bị hạn toàn vùng Nam Trung bộ là 16.156 ha. Trong đó, có 3.316 ha mất trắng ước thiệt hại khoảng 18 ngàn tấn. Diện tích còn lại bị giảm năng suất 30-40% so với đại trà đã làm năng suất lúa bình quân toàn vùng giảm khoảng 1,6 tạ/ha. Sản lượng lúa giảm gần 43 ngàn tấn. Các tỉnh thiệt hại nặng gồm Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Năm 2015, khu vực NTB trực tiếp bị ảnh hưởng hiện tượng El-Nino, toàn vùng có trên 30,8 ngàn ha không tiến hành sản xuất được (riêng đất lúa gần 15,7 ngàn ha). Các tỉnh bị thiệt hại lớn là Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận. Năm 2016, do ảnh hưởng El-Nino nên diện tích lúa vụ Đông xuân ở vùng Nam Trung bộ không xuống giống được là 16.423 ha.
Hiện nay, các giống lúa đang sử dụng phổ biến trong sản xuất ở Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên phần lớn là các giống lúa thích hợp cho vùng thâm canh như: ĐV108, Q5, BC15, ML48, TBR1, NA2, OM4900, OM7347, OM6976, HT1, PC6, KDđb, ML 202… các giống lúa cho vùng khó khăn như lúa chịu hạn, lúa chịu úng, lúa chịu mặn... còn rất hạn chế. Đã có một số giống lúa chịu hạn như: CH207; CH208; LC93-1; LC93-4… 2 nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của sản xuất.
Để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do han hán gây ra, cần có sự phối hợp chung của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa có khả năng chịu hạn tốt, ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng khá, nhiễm nhẹ sâu, bệnh hại... để bổ sung vào sản xuất là một trong những giải pháp tích cực, có tính khả thi cao, góp phần giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy sản xuất lúa phát triển bền vững cho vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Xuất phát từ thực tế trên, TS. Lại Đình Hòe, Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ cùng các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu hạn cho vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên” với mục tiêu: Chọn tạo và phát triển giống lúa mới chịu hạn năng suất cao, chất lượng tốt thích hợp cho vùng sản xuất nhờ nước trời ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả đáng chú ý như sau:
1. Đã thu thập nguồn vật liệu khởi đầu được 222 dòng, giống (đạt 115% so với kế hoạch). Đã xác định được 43 dòng, giống thích hợp dùng làm vật liệu cho lai tạo. Đã lai tạo được 423 tổ hợp lai mới (đạt 282,0% so kế hoạch). Đã tiến hành gây đột biến với 30 mẫu hạt từ 10 dòng, giống lúa chịu hạn là: CH208; CH207; CH16; Đuôi nai; Tàu cúc; Bát quạt; LCH34; LCH36; LCH37; LCH3 (đạt 100% so với kế hoạch).
2. Đã chọn lọc dòng phân ly từ vật liệu kế thừa 335 dòng, từ các tổ hợp lai hữu tính 1833 dòng, từ gây đột biến 377 dòng (đạt từ 125,6-183,3% kế hoạch). Thanh lọc hạn 1100 dòng trong nhà lưới và trong phòng. Đã xác định được 20 dòng có nhiều triển vọng cho thí nghiệm so sánh từ HT. 2013 đến HT.2014; Xác định được 15 dòng triển vọng cho thí nghiệm so sánh từ 2015 đến 2016.
3. Kết quả khảo nghiệm tại Bình Định và Đắc Lắc, từ Hè thu 2013 đến Hè thu 2014 đã xác định được giống lúa chịu hạn DH39 và DH14 thích hợp với điều kiện sản xuất vụ Đông xuân và Hè thu, đạt năng suất trung bình từ 61,36- 63,10 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng CH208 từ 15,19- 18,23%, nhiễm nhẹ sâu, bệnh hại chính.
+ Kết quả khảo nghiệm các giống lúa chịu hạn từ vụ Hè thu 2015 đến vụ Hè thu 2016, đã xác định được tại Bình Định có 03 giống lúa chịu hạn đạt năng suất cao là: DH100.1.1.5; DH1.1.4.4; DH26.6.1.3 (65,89-69,17 tạ/ha), cao hơn đối chứng CH208 từ 9,39-14,84%. Tại ĐắcLắc, có 04 đạt năng suất cao là: DH100.1.1.5; DH1.1.4.4; DH1.1.5.1; AN36 (61,90 -68,02 tạ/ha), cao hơn đối chứng từ 12,08 -23,17%. Các giống trên đều ngắn ngày, thấp cây, nhiễm nhẹ các đối tượng sâu, bệnh hại chính, chịu hạn từ khá đén tốt, thích hợp với điều kiện sản xuất vụ Đông xuân và Hè thu ở Bình Định và Đắc Lắc.
4. Đã xây dựng 03 mô hình trình diễn với 05 giống lúa chịu hạn mới là DH14; DH15; DH39; DH36; AN36. Kết quả các giống lúa chịu hạn trong mô hình đạt năng suất cao hơn đối chứng CH208 từ 6,2-13,7%; Tỷ lệ lợi nhuận cao hơn đối chứng CH208 từ 15,3-73,39% .
+ Đã tổ chức được 04 lớp tập huấn về qui trình kỹ thuật canh tác lúa chịu hạn tại Bình Định và Đắc Lắc với tổng số trên 160 lượt người tham dự.
+ Đã tổ chức thành công 02 Hội nghị đầu bờ (01 tại Bình Định và 01 tại Đắc Lắc), với tổng số trên 200 đại biểu tham dự.
5. Đã khảo nghiệm VCU được 06 giống lúa chịu hạn triển vọng (DH39; DH14; DH15; DH36; AN106; AN36). Khảo nghiệm DUS 02 giống lúa chịu hạn triển vọng cho giống lúa chịu hạn DH39 và DH14. 108
+ Giống lúa chịu hạn DH39 đã được công nhận sản xuất thử cho vụ Đông xuân và Hè thu tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên (Quyết định số 323/QĐ-TT-CLT ngày 31/08/2017 của Cục Trồng trọt ).
Giống lúa chịu hạn DH39 có thời gian sinh trưởng từ 96-117 ngày ở Bình Định; 106-122 ngày ở Đắc Lắc. Cao cây 92-102 cm; dạng hạt trung bình, khối lượng 1000 hạt 25-26 gam, hàm lượng amylose 21,7%. Giống DH39 có khả năng chịu hạn tốt (điểm 1- 3), nhiễm nhẹ sâu, bệnh. Năng suất đạt 60,0 -65,2 tạ/ha trong điều kiện nước tưới bấp bênh và trên 50 tạ/ha trong điều kiện nước trời.
+ Đã chuyển giao cho doanh nghiệp được 01 giống lúa chịu hạn (BĐR 07); 02 giống lúa chịu hạn triển vọng là DH14 và AN36 sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản xuất thử trong thời gian tới.
6. Đã xác định được mật độ gieo sạ thích hợp tại Bình Định là 110 kg/ha kết hợp với lượng đạm bón 100 kgN/ha đạt năng suất cao (58,80 tạ/ha) và hiệu quả kinh tế cao (14.832 triệu đồng/ha).
+ Đã xác định được mật độ gieo sạ thích hợp với tỉnh Đắc Lắc là 110 kg giống/ha kết hợp bón 120 kg N/ha đạt năng suất cao (61,82 tạ/ha) và lợi nhuận cao (17.423,5 triệu đồng/ha).
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15070/2017) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)
Từ khóa » Một Số Giống Lúa Chịu Hạn
-
Các Giống Lúa Thích ứng Với Biến đổi Khí Hậu - Báo Bạc Liêu
-
Một Số Giống Lúa Có Khả Năng Chịu Hạn Cao
-
(PDF) KHẢ NĂNG CHỊU HẠN CỦA MỘT SỐ DÒNG/GIỐNG LÚA ...
-
Giống Lúa Siêu Năng Suất Chịu Hạn Tốt Hiện Nay - AgriDrone
-
Các Giống Lúa Chịu Hạn - Hội Nông Dân Việt Nam
-
Nghiên Cứu Giống Lúa Chịu Hạn Mới - Phân Bón Phú Điền
-
Một Số Giống Lúa Thích ứng Biến đổi Khí Hậu Tại Đồng Bằng Sông ...
-
KHẢ NĂNG CHỊU HẠN CỦA MỘT SỐ DÒNG/GIỐNG LÚA TRONG ...
-
Cấp Thiết Tạo Giống Lúa Chịu Hạn Mặn Và Biến đổi Khí Hậu
-
Thí điểm Thành Công Các Giống Lúa Chịu Lạnh, Ngô Chịu Hạn
-
[PDF] Nhận Biết Khả Năng Chịu Hạn Của Một Số Dòng, Giống Lúa địa Phương
-
[PDF] Khả Năng Chịu Hạn Của Một Số Giống Lúa Cạn địa - VNUA
-
[PDF] KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU, CHỌN TẠO VÀ KHẢO NGHIỆM MỘT SỐ ...
-
Giới Thiệu Một Số Giống Lúa Thích Hợp Cho Vụ Đông Xuân 2021-2022