“Ngoại Ngữ” Riêng Của Làng Đa Chất - Sở Du Lịch Hà Nội

Theo cụ Nguyễn Ngọc Đoán, một trong những người được cho thông thạo “ngoại ngữ làng nhất”, tiếng “Tõi Xưỡn” của làng có từ thuở sơ khai của làng, từ khi làng có nghề đóng cối xay; người dạy dân làng nghề đóng cối cũng truyền lại ngôn ngữ này.

Không gian bên trong đình làng Đa Chất

Theo tìm hiểu của phóng viên, làng Đa Chất xưa có nghề đóng cối xay, còn “Tõi Xưỡn” là một thứ tiếng lóng của dân làng . Những người thợ đóng cối xay thường hay lang thang khắp nơi hành nghề kiếm sống. Trong quá trình đi lại tàu xe, chợ búa, gặp những cái tai quái, trộm cắp thì người làng truyền khẩu bằng tiếng lóng báo lại cho nhau để biết mà giữ gìn. Tiếng lóng của làng còn dùng trong nhiều trường hợp khác: trao đổi với người cùng làng như một dấu hiệu nhận biết cũng như bày tỏ sự thân thiện khi hành nghề ở xa; trao đổi giữa các thợ đóng cối cùng hiệp thợ để điều chỉnh những công đoạn làm cối sai trước mặt gia chủ; hay thể hiện sự nhân văn, lễ nghĩa khi bảo nhau nhường cơm cho gia chủ nghèo, ứng xử lễ phép với gia chủ tốt; dùng để bảo nhau ứng đối với người đời khi gặp gia chủ chua ngoa, hay gặp những đám cưới hỏi bị thách cưới quá cao… Nói chung, tiếng lóng của làng Đa Chất được dùng với mục đích chủ yếu là trao đổi thông tin của những người trong làng mà vẫn đảm bảo giữ bí mật với người ngoài dù là việc trao đổi ở trước mặt tất cả mọi người. Cuộc sống ngày xưa vốn vất vả, nhưng thợ đóng cối làng Đa Chất luôn đĩnh đạc; điều này đã trở thành niềm tin, thương hiệu ở những nơi họ đi qua và hành nghề.

Người làng Đa Chất nói tiếng lóng thường xen vào trong câu tiếng Việt, khiến người nghe không thể thích ứng và nắm bắt; tiếng lóng cũng không truyền ra ngoài, chỉ dạy trong làng theo cách truyền miệng. Hiện làng Đa Chất còn khoảng 10 cụ thông thạo tiếng lóng; tiếng lóng không có bảng chữ cái, không có quy ước phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Bộ Văn hóa – Thông tin đã cử chuyên gia đến làng, mời các cụ già trong làng sưu tầm, tập hợp lại các từ trong tiếng lóng để in thành sách và giữ gìn cho các thế hệ sau. Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cũng đã tiến hành khảo sát hiện trạng, nhận diện giá trị tư liệu văn hóa di sản và lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa tiếng lóng làng Đa Chất vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia.

Cụ Nguyễn Ngọc Đoán cho biết, ngày xưa cuộc sống vốn nghèo khó, nhưng người làng Đa Chất ra ngoài hành nghề đóng cối luôn trong tư thế ngẩng đầu. Thợ đóng cối Đa Chất luôn quan niệm, đóng cối là nghề nghề giúp thiên hạ, không phải làm vì mưu sinh. Làm được vậy là một phần nhờ tiếng lóng của làng. Chẳng hạn, lúc đóng cối cho gia đình nghèo, con cái đông, người ta dành riêng hai bát gạo để nấu cho thợ cối ăn thì dùng tiếng lóng bảo nhau ăn ít còn bớt lại cho các cháu nó ngoài cửa nó nhìn vào… Những nhà giàu, thợ cối bảo nhau lấy tiền công cao hơn, nhà nghèo thì tiền công lấy bớt chút ít; hay nhà nào đối xử khinh miệt thì thợ cối cũng bảo nhau để ứng xử.

Cũng theo cụ Nguyễn Ngọc Đoán, tiếng lóng của làng được sử dụng trong các trường hợp đặc biệt. Tiếng lóng được dùng rải rác trong câu chuyện, không dùng câu dài, ít dùng cả đoạn, thông tin nói nhanh và ngắn gọn. Ví dụ như khi đóng cối bị sai, thợ chính bảo thợ phụ “mày sẩn cảo rồi đệt nhỗ kìa”, nghĩa là mày làm sai rồi, chủ nhà đang nhìn đấy; hay “sảo tớp hách”, nghĩa là có thằng ăn trộm đấy; “trầm trủi thích” nghĩa là không được ăn miếng đó người ta đánh giá đấy…

Có một điều đặc biệt, gần như duy tâm, là tiếng lóng chỉ truyền dạy được cho những người trong làng. Cụ Nguyễn Ngọc Đoán chia sẻ: “Người ngoài làng không học được. Ngay cả như xóm trên với xóm dưới, họ cũng không học được. Gần như duy tâm, dù đã học rồi, cứ ra khỏi làng thì họ lại quên hết”.

Nguồn: Đình Phong

Từ khóa » Tiếng Lóng Hà Nội