“Tõi Xưỡn”: Kỳ Lạ “mật Ngữ” Cổ Làng Đa Chất, Phú Xuyên

Nói tiếng Tõi Xưỡn như thế nào?

Thí dụ về mật ngữ lạ – tiếng Tõi Xưỡn như:

“Đổi ỏn ngáo bái” (Cẩn thận cái túi, đề phòng kẻ gian)

“Bệt rơi xì đồi thít mệnh” (Nhà chủ mời bố con ông thợ vào uống nước)

Khi được hỏi về quá trình học thứ tiếng này, bác Nguyễn Văn Tuyên – Trưởng thôn Đa Chất cho biết vài ba câu nói trên chỉ là hai thí dụ cho những trường hợp sử dụng của tiếng cổ. Những thế hệ sau như bác đều học bằng con đường truyền miệng qua mỗi chuyến đi xa làm nghề đóng cối xay hoặc trong môi trường giao tiếp của người làng với nhau.

“Tiếng cổ được dùng kèm theo những câu nói tiếng Việt phổ thông để đánh lạc hướng sự chú ý của người khác”, bác Tuyên nói. Thí dụ như: “Hôm nay trời nắng. Đổi ỏn ngáo bái”. Người lạ vào làng, nghe tiếng nói của người dân đều không hiểu thứ ngôn ngữ mà họ đang nói là gì.

Trong làng Đa Chất, hiện chỉ có những người ở độ tuổi trên 40 mới biết nhiều tiếng Tõi Xưỡn, và chủ yếu là nam giới. Phụ nữ và thanh niên trong làng biết ít hơn, hoặc có khi chỉ một vài câu giao tiếp cơ bản.

“Tiếng cổ của làng cũng có lượng từ vựng gần bằng với tiếng Việt, nhưng phong phú hơn. Phát âm trong tiếng Tõi Xưỡn có điểm giống với chữ Nho của người Mán”, cụ Nguyễn Ngọc Đoán (78 tuổi) – Cụ Từ chăm lo đình làng Đa Chất, người nhớ nhiều tiếng cổ nhất nhì trong làng khẳng định.

Nguồn gốc tiếng cổ “Tõi Xưỡn”

Đa Chất là tên gọi hiện tại của một ngôi làng cổ xa xưa có tên Tông Chất trang – một cái tên gọi có từ đầu thiên niên kỷ 1. Đa Chất là một trong sáu làng thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc Hà Nội. Cách đây 30 năm, làng vẫn phát triển nghề làm cối xay tre. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, người ta không còn cần đến cối xay tre nữa. Hiện nay, Đa Chất là một làng nông nghiệp thuần túy cấy lúa hai vụ, trồng màu một vụ.

Tiếng cổ “Tõi Xưỡn” được tạo ra trong quá trình làm nghề truyền thống – đóng cối tre của người làng Đa Chất. Đó là cái nghề, mà theo người làng kể lại, có từ khi xuất hiện cây lúa nước. Để phát triển nghề này, người dân làng thường phải đi lên các tỉnh phía Tây Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái… đóng cối xay bằng tre cho những gia đình có nhu cầu sử dụng.

“Tõi Xưỡn”: Kỳ lạ “mật ngữ” cổ làng Đa Chất, Phú Xuyên ảnh 1

Chiếc cối xay tre – sản phẩm của bàn tay chăm chỉ lao động và khối óc sáng tạo của người dân làng Đa Chất từ xưa.

Mỗi chuyến đi có một phó cả và một phó hai đi cùng nhau và thường kéo dài một tháng, hoặc có khi đến vài ba tháng. Họ phải làm việc ở nơi xa lạ nên cần có một thứ ngôn ngữ riêng để hai người cùng làng giao tiếp và giữ bí mật với nhau. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bảo đảm an toàn cho cả hai. Đó là cơ sở cho việc hình thành một thứ tiếng khác lạ, như một loại tín hiệu, mật ngữ.

Tiếng cổ của làng không có bảng chữ cái và cũng không có quy ước trong việc phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin đã đến làng mời các cụ già trong làng sưu tầm, tập hợp lại các từ trong tiếng cổ để in thành sách và giữ gìn cho các thế hệ sau.

“Tõi Xưỡn”: Kỳ lạ “mật ngữ” cổ làng Đa Chất, Phú Xuyên ảnh 2

Sách ghi lại lịch sử và tiếng cổ của làng.

Nói về hướng gìn giữ và bảo tồn ngôn ngữ cổ của làng, ông Tuyền cũng cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ cố gắng mở các lớp dạy tiếng lóng Tói Xưỡn cho các cháu nhỏ trong làng, đồng thời cũng mở Hội thi sáng tác thơ văn bằng tiếng cổ, qua đó giúp lan tỏa việc sử dụng và gìn giữ thứ ngôn ngữ đặc biệt này của làng”.

Từ khóa » Tiếng Lóng Hà Nội