Ngồi Thiền Theo Lời Phật Dạy

Qua kinh nghiệm thiền tập và tâm chân thành học hỏi lời Phật, người học Thiền thấy muốn Thiền và thụ hưởng được kết quả tốt đẹp của Thiền, ngồi thiền phải được ưu tiên thực tập.

a. Kỷ thuật Thiền:

Đọc lại từng lời Phật giảng trong Kinh Saccaka, Tứ niệm xứ, Thân hành niệm và Quán niệm hơi thở, người học Thiền thấy có ba kỷ thuật Thiền được Đức Phật chia sẻ.

1. Chánh niệm:

Chánh niệm được hiểu là “ghi nhận đơn thuần”. Ghi nhận những gì đang diễn ra, không chủ quan, không tham dự vào cảm xúc hay nhận thức. Như Đức Phật nói: “Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở vô dài; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở ra dài; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở vô ngắn; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở ra ngắn.”[1] . Chánh niệm ở đây chính là ghi nhận, biết hơi thở diễn ra như nó đang là. Không có suy nghĩ, không có mong muốn, không có phán xét, không có can dự và không có áp đặt. Để thân, tâm, hơi thở và ngoại giới tự nhiên, người hành Thiền chỉ có một yêu cầu là “quan sát và ghi nhận”. Mục đích của chánh niệm là đạt tới tâm giải thoát.

2. Quán niệm:

Quán niệm được hiểu là “ghi nhận có chủ ý”. Quán niệm khác Chánh niệm ở chổ “có chủ ý” và “đơn thuần”. Người quán niệm thay vì chỉ đơn thuần ghi nhận (như Chánh niệm), người ấy ghi nhận theo chủ ý của mình. Như Đức Phật nói: “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập; An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập; An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập.”[2] . Quán niệm ở đây (như lời Phật) có nghĩa trước hết phải có chủ ý, sau đó ghi nhận theo chủ ý đó. Lời hướng dẫn “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập” cho thấy rõ người tập Thiền thở có ý thức và chủ quan ghi nhận cảm giác toàn thân mình. Mục đích của quán niệm là nhìn thấy sự thật của thân, tâm và ngoại giới, đạt tới tuệ giải thoát.

3. Hướng tâm:

Hướng tâm được hiểu là đưa tâm ý mình hướng đến một mục tiêu, thực hiện một mục đích. Với những ai có tâm giải thoát và tuệ giải thoát, hướng tâm chính là cách triển khai thần lực tinh thần. Đại kinh Saccaka còn ghi lại Đức Phật nhờ sử dụng phương pháp hướng tâm mà thành tựu minh trí, nhớ lại toàn bộ quá khứ của mình: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này.” [3]

Từ khóa » Cách Thiền định Trong Phật Giáo