Ngọt Lòng Bòn Bon “xứ Tiên”

Trên hành trình thiên lí của dải đất Việt hình chữ S từ Bắc vào Nam, chúng ta sẽ bắt gặp vô vàn dáng núi, hình sông cùng với nhiều loại cây ăn trái theo mùa và đó là đặc sản, mang phong vị riêng cho từng vùng miền bởi tình người, hồn quê nơi ấy đã ấp ủ, nuôi dưỡng.

Quê tôi – Tiên Phước (Quảng Nam) miền trung du, nơi “mưa dầu, nắng dãi” mà ai đã một lần đặt chân đến thì không chỉ ấn tượng, nhớ mãi với dòng sông Tiên ngược dòng uốn lượn, với những ngõ đá cổ kính, rêu phong mà còn có cả hương vị ngọt ngon, đậm đà, để thương, để nhớ của những trái bòn bon dân dã quê nhà.

Tôi sinh ra và lớn lên sau này nên chỉ biết gốc tích và xuất xứ của cây bòn bon qua sử sách hay những người lớn kể lại. Tên của nó thì người dân bản xứ nơi đây gọi là bòn bon, bòng bong, hay là loòng boong đều cũng được cả.

Nhưng đã một lần có dịp ghé “xứ Tiên” hay là đã thưởng thức vị ngọt ngon của trái bòn bon thì đều làm ta chợt nhớ về nguồn gốc mĩ lệ, huyền bí của loại cây trái đặc biệt này.

Tương truyền, lúc công tử Nguyễn Phúc Ánh chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam, không may bị quân Tây Sơn phát hiện, phải trốn lên thượng nguồn Ô Gia.

Nhiều ngày lẩn trốn, lương thực cạn, may thay giữa lúc đó gặp ở rừng có loại trái cây rất ngon ngọt, làm dịu cơn khát và đỡ đói. Nhờ vậy mà Nguyễn Phúc Ánh thoát chết để chạy tiếp vào miền Nam thực hiện ý chí “tẩu quốc”, rồi “phục quốc”.

Sau này, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh ban cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ tên là Nam Trân (trái quý ở phương Nam) – một danh hiệu đầy vinh dự cho một loại sản vật.

Và cũng từ truyền thuyết này, cho đến bây giờ mỗi khi ta ăn trái bòn bon, trong phần thịt của quả còn hằn in dấu móng tay của chúa Nguyễn Phúc Ánh bấm vào lúc trái còn trên thân cây.

Bòn bon quê tôi có trong vườn nhà hầu hết của mọi người dân, vườn nhà nào cũng có dăm ba cây, nó như một thứ cây của sự gắn bó, nghĩa tình với mảnh đất miền trung du nghèo từ thời cha ông đi mở cõi.

Bây giờ, nhiều và ngon nhất là bòn bon ở xã Tiên Châu, nhưng theo thời gian vì thổ nhưỡng nơi đây thích hợp với loại cây này và trong những năm gần do nguồn lợi kinh tế loại cây này mang lại nên người dân đã ươm hạt và gieo trồng, nhân rộng ra nhiều xã như Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Cẩm…đều có.

Bòn bon ra hoa vào tháng 4, tháng 5 âm lịch hàng năm, hoa có màu trắng dài, kết thành từng chuỗi. Nhà nào mà có vườn bòn bon nhiều thì hoa nở rộ, tung phấn đồng loạt, hương thơm ngào ngạt, từng chuỗi, từng chuỗi hoa trắng muốt hòa lẫn trong nắng vàng lấp lánh, thơm lừng trong gió, đẹp đến mê lòng.

Bòn bon thân gỗ, cây cao nên từ khi trồng cho đến khi cây cho trái cũng không phải mất công chăm bón gì nhiều. Ðến chừng tháng 7 thì bòn bon kết trái, đến tháng 9 tháng 10 là trái chín và bắt đầu thu hoạch.

Mùa bòn bon chín chỉ kéo dài chừng một tháng và theo kinh nghiệm của người dân Tiên Phước thì bòn bon càng cuối mùa lại càng ngọt, càng ngon, khi ăn cũng nên chọn những quả lớn vừa, hình hơi thon một chút, vỏ hơi đen thì sẽ càng ngọt.

Trái bòn bon từa tựa trái dâu đất, to cỡ bằng ngón chân cái, khi chín trái bòn bon có màu vàng nhạt như mỡ gà, nom rất đẹp mắt. Mùa bòn bon chín rộ, nếu ta lạc bước vào những vườn bòn bon thì ta sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vàng ươm của trái chín, của những chum bòn bon trĩu nặng, sum suê từ thân đến ngọn, trái trĩu trên cành, trái lẫn trong lá xanh.

Nếu người sành ăn thì cũng phải biết thưởng thức đúng cách, ta phải bóc vỏ bòn bon từ đầu múi chứ không phải ở cuống. Trái bòn bon có khoảng 5 – 6 múi, mỗi múi có thịt màu trắng trong và mang một hạt ở bên trong, có múi thì không có hạt, chứa nhiều nước thơm.

Hạt bòn bon rất đắng nên khi ăn có thể nhai nhẹ nhẹ hạt để thưởng thức cái mùi vị thơm, vị ngọt của bòn bon rồi nuốt luôn cả hạt, có người thì chỉ thưởng thức phần thịt còn bỏ đi phần hạt.

Cái dư vị ngọt ngon, đậm đà của trái bòn bon không chỉ đến từ vị ngọt ngọt, thanh thanh mà nó còn làm ta nhớ bởi vị chua chua đầu lưỡi. Mỗi khi đã ăn bòn bon thì ăn miết, ta có thể ăn no mà không hề biết ngán.

Thời tiết bây giờ ở Quảng Nam cũng đã vào đông và kèm theo mưa rây rây kéo dài liên miên như hối thúc những vườn bòn bon trĩu quả chín rộ. Thời điểm này trên mọi cung đường của quê tôi, dọc hai bên đường, người dân bày bán thứ đặc sản này rất nhiều, người mua chủ yếu là khách đi đường ghé lại, họ mua vài kí thứ quả lạ, ngon mà rẻ này làm quà cho bạn bè, người thân.

Hay là vào buổi sáng sớm, bòn bon có khi được các chị, các mẹ gồng gánh ra chợ bán tấp nập; bòn bon còn được theo xe của thương lái ra tận Đà Nẵng, vào cả Sài Gòn xa xôi; bòn bon có mặt cả trong quầy bán hoa quả trong các chợ gần xa.

Gần đây, bòn bon trở thành đặc sản của xứ Tiên nên mọi người biết đến nhiều hơn, thương lái đến thu mua tận nhà chính vì thế mà đời sống của người dân nơi đây phần nào cũng được cải thiện.

Từ loại cây hoang dại ngày xưa thì ngày nay cây bòn bon đã trở thành thứ cây trồng rất thân thuộc, được người dân yêu quý và cây bòn bon cũng trở thành niềm tự hào của người “xứ Tiên” quê tôi.

Những người con Tiên Phước dù đi xa mưu sinh, lập nghiệp ở chốn thị thành nhưng mỗi mùa bon bon chín trái thì họ lại thèm lắm cái vị chua chua – ngọt ngọt của món quà quê trong từng hơi thở, trong từng nỗi nhớ cố hương.

Giờ đây dù đang sống trên quê hương của mình nhưng mỗi lần được thưởng thức thứ trái cây dân dã, chân chất này luôn làm tôi nhớ về một huyền thoại mĩ lệ mà cao sang, quyền quý như nguồn gốc vốn có của nó để rồi trong lòng tôi lại chất chứa, ngân nga lên câu hát và ai cũng thế có thể một lần ăn mà nặng nợ cả đời.

Trái bòn bon trong tròn ngoài méo Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi Em thương anh ít nói ít cười Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng.

Lê Thạch Thi - Trường THPT Phan Châu Trinh

Từ khóa » Bòn Bon Tiên Phước