Người Bị Chóng Mặt Nên ăn Gì, Kiêng Gì? - VnExpress Sức Khỏe

Một số chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất có thể cải thiện triệu chứng chóng mặt. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn và nên hạn chế nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt theo chia sẻ của TS.BS Lê Văn Tuấn, Cố vấn chuyên môn, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Các loại thực phẩm nên hạn chế

Ngoài việc chữa trị chóng mặt bằng thuốc hoặc các bài tập theo chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng rất quan trọng. Theo đó, chế độ ăn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân của chóng mặt, cụ thể như việc hạn chế muối, cà phê, rượu, thuốc lá ở người bị bệnh Ménière. Bác sĩ Tuấn cho biết, người thường xuyên bị chóng mặt nên tránh các loại thực phẩm sau:

Thức ăn có đường hay muối cao: đường và muối là hai thành phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, ăn nhiều muối có thể làm mất cân bằng các khoáng chất trong cơ thể và ảnh hưởng đến tình trạng chóng mặt, trong khi thức ăn có nhiều đường sẽ khiến chứng chóng mặt kéo dài.

Caffein, rượu bia: nồng độ cồn trong rượu bia và caffein trong cà phê cũng là các chất kích thích góp phần làm tăng thêm chứng buồn nôn, chóng mặt và đau đầu.

Nicotine: có trong thuốc lá sẽ làm bạn bị rối loạn giấc ngủ, gây chóng mặt, đau đầu và cản trở sự lưu thông máu.

Thức ăn lên men: các chất hóa học tự nhiên có trong thực phẩm lên men (tyramine) có thể kích thích gây đau nửa đầu.

Thức ăn gây ra cơn migraine: phô mai ủ lâu, nho, rượu vang, quả sung, thực phẩm lên men, thịt chế biến (xúc xích, thịt nguội), chất sulfites trong tôm và khoai tây chế biến...

Người bị chóng mặt không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối và đường. Ảnh: Shutterstock

Người bị chóng mặt không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối và đường. Ảnh: Shutterstock

Thực phẩm nên dùng

Người bệnh chóng mặt do rối loạn tiền đình hoặc do các nguyên nhân khác nên ăn các loại thực phẩm tốt cho hệ thần kinh và miễn dịch. Cụ thể là các thực phẩm giàu viatmin nhóm B (vitamin B6, B9), vitamin C và magie, uống đủ nước, nhất là các loại nước trái cây.

Các thực phẩm giàu vitamin B6: giúp tăng cường hoạt động của hệ thần kinh, rất tốt cho người mắc bệnh rối loạn tiền đình. Trong thực đơn mỗi ngày người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm như thịt bò, thịt heo, gà, cá hồi, cá ngừ...

Vitamin B9: ngoài việc tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tế bào, sản xuất hồng cầu và ngăn ngừa bệnh thiếu máu, vitamin B9 còn tham gia các hoạt động dẫn truyền thần kinh ở não. Các thực phẩm chứa vitamin B9 là gan động vật (bò, heo, gà), rau có lá màu xanh đậm, súp lơ xanh... có lợi cho người thường xuyên mắc chứng chóng mặt.

Vitamin C: là chất chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào não, duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các món ăn chứa vitamin C như cam, bưởi, canh, kiwi, dâu tây, cà chua, ớt chuông... cũng giúp hấp thu các chất khoáng vi lượng tốt cho não.

Magie: có vai trò to lớn trong việc điều hòa các chức năng của dây thần kinh, làm dịu thần kinh. Do đó, người bị chóng mặt nên bổ sung thực phẩm giàu magie: hải sản biển và cá nước ngọt, thịt các loại, đậu đỗ, các loại hạt...

Thực phẩm chứa vitamin B6 rất tốt cho người mắc chứng chóng mặt. Ảnh: Shutterstock

Thực phẩm chứa vitamin B6 rất tốt cho người mắc chứng chóng mặt. Ảnh: Shutterstock

Để tăng cường thêm hiệu quả điều trị triệu chứng và nguy cơ chóng mặt, người bệnh cần điều chỉnh lối sống và chế độ sinh hoạt hợp lý. Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, lo âu quá nhiều, không nên ngồi lâu một chỗ, vận động nhẹ nhàng, giữ tư thế ngồi phù hợp khi làm việc và ngủ đủ giấc. Thêm nữa, các bài tập như xoay vùng đầu, cổ gáy chậm rãi cũng có thể phòng ngừa triệu chứng chóng mặt.

Trâm Anh

Từ khóa » đau đầu Chóng Mặt Nên Uống Gì