Người Cựu Chiến Binh Tài Năng, Nhiệt Huyết - Báo Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
Cựu chiến binh (CCB), thương binh Trần Văn Chinh (thường gọi Trần Chiến Chinh), 70 tuổi, ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) nhiều lần trở về chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tận tình giúp cơ quan chức năng đưa vào cải táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, đồng thời luôn hăng hái công tác địa phương, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Cựu chiến binh Trần Văn Chinh (phải) trao quà cho hộ nghèo trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Thời chống Mỹ, ông Chinh công tác tại huyện Hòa Vang, lập nhiều chiến công trong công cuộc bảo vệ quê hương. Ông Chinh nhiều năm làm Đại đội trưởng Đại đội 2 Khu II Hòa Vang trong thời kỳ đánh Mỹ và viết 3 quyển “Nhật ký chiến trường” với hơn 1.000 trang. Từ 3 quyển nhật ký đó, ông viết thành trường ca “Một thời để nhớ”, phản ánh chặng đường gần 10 năm chiến đấu, công tác của Đại đội 2 trong sự chở che đùm bọc của nhân dân. Trường ca thể hiện gần 200 tên của cán bộ, chiến sĩ và các gia đình cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2. Từ trường ca độc đáo ấy đã dựng thành phim dân ca “Một thời để nhớ”.
Phim dân ca “Một thời để nhớ” cung cấp nhiều thông tin hỗ trợ công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ. Đơn cử như trường hợp liệt sĩ Phan Hữu Dũng, Đại đội phó Đại đội 2, Khu 2 Hòa Vang, hy sinh ngày 20-6-1971 tại khu vực hầm Xẻ (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình đi tìm nhiều nơi nhưng chưa tìm ra. Khi Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh chiếu phim này, anh Phan Thuần, em trai liệt sĩ Phan Hữu Dũng, nghe câu hát trong phim: “Đi qua hầm Xẻ, Cấm Đình/Tứ bề địch phục, Dũng nằm lại đây”. Thế là, anh Thuần liên hệ, tìm đến khu vực Cấm Đình, thôn Nam Thành (xã Hòa Phong) và đưa liệt sĩ Phan Hữu Dũng về cải táng tại quê nhà.
Trong khi đó, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hồng Lĩnh quê tỉnh Hải Dương, hy sinh năm 1974 tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), cũng qua lời hát trong phim “Một thời để nhớ” mà tìm được nơi an nghỉ của liệt sĩ này. Ông Chinh cho biết, liệt sĩ Nguyễn Hồng Lĩnh hy sinh ngày 16-6-1974 tại cao điểm 396 (xã Hòa Phú), được chôn cất tại khu vực Diêu Trì, gần cao điểm 396 và ông đã viết trong phim: “Lĩnh ơi đừng vội đi xa/ Đồi ba chín sáu chờ ta đợi mình”. Lời hát trong phim ấy giúp gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hồng Lĩnh.
Ông Chinh nhớ mãi liệt sĩ Trần Trung Nguyên, quê ở quận Thanh Khê, Trung đội trưởng trinh sát của Trung đoàn 3 (Quân khu 5), tăng cường cho Sư đoàn 307 trong trận truy quét địch tại dãy núi Đăng Rếch (tỉnh Preah Vihear, Campuchia). Khi đi trinh sát, anh Nguyên vấp mìn bị thương nặng. Người CCB già nghẹn ngào: “Tại trạm phẫu trung đoàn, anh Nguyên nhìn tôi và chỉ vào túi áo mình. Tôi vội lấy ra lá thư của người yêu anh Nguyên, đọc cho anh nghe nửa chừng, anh trút hơi thở cuối cùng, đó là chiều ngày 28-12-1984. Đơn vị đưa anh về an táng tại nghĩa trang Xa Em (Campuchia) và sau này chuyển về Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai”. Từ ký ức của ông Chinh, nhà báo Hồng Vân viết bài về những người nằm xuống “Lá thư chưa kịp đọc hết” đăng trên Báo Công an Đà Nẵng ngày 7-1-2015, qua đó thân nhân liệt sĩ Trần Trung Nguyên tìm được phần mộ của anh...
Cũng từ 3 quyển “Nhật ký chiến trường”, ông Chinh viết thành tập sách “Điều còn mãi”, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2022. Cùng với đó, ông Chinh tích cực tham gia các đoàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của huyện Hòa Vang và Sở LĐ, TB&XH thành phố, giúp cơ quan chức năng tìm được hơn 30 hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, ông đề đạt UBND huyện Hòa Vang và vận động bạn bè, đồng đội đóng góp hơn 700 triệu đồng, xây dựng Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm (thuộc Đại đội 2, Khu 2 Hòa Vang) tại thôn Dương Lâm (xã Hòa Phong). Chủ tịch Hội CCB huyện Hòa Vang Trương Văn Hòa cho biết: “Ông Chinh cùng các đồng đội đã vận động hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà đồng đội tặng CCB Đinh Văn Ép ở xã Ba Vinh (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) - nguyên chiến sĩ trinh sát của Khu 2 Hòa Vang trong thời chống Mỹ”.
Dẫu vào tuổi “cổ lai hy”, ông Chinh vẫn hăng hái tham gia công tác địa phương với nhiều chức vụ. Nhiệm vụ nào ông cũng nhiệt tình, năng nổ, tận tâm phục vụ nhân dân. Hiện nay, trên cương vị Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng CCB, ông dẫn dắt khu dân cư 31 đạt nhiều thành tích tiêu biểu, liên tục dẫn đầu và nằm trong tốp đầu phong trào thi đua toàn phường, được Đảng bộ phường Hòa Cường Bắc bình chọn là cá nhân điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.
Nhân dân khu dân cư 31 nhớ mãi hình ảnh người CCB già thường xuyên đem quà đến trao tận nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn trong những thời gian Covid-19 bùng phát. Nói về người cán bộ này, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Cường Bắc Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh: “CCB Trần Văn Chinh luôn nêu cao tinh thần quyết thắng và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường, tích cực đóng góp xây dựng địa phương, hết sức năng động, sáng tạo, xông xáo trong công tác, xây dựng khu dân cư 31 đạt nhiều kết quả tiêu biểu”.
LÊ VĂN THƠM
Từ khóa » Dãy đăng Rếch
-
Dãy Núi Dângrêk – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dãy Núi Dângrêk - Wikiwand
-
Dãy Núi Dângrêk – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Sương Trắng Triền Đăng Rếch - Báo Công An Đà Nẵng
-
Dãy Núi Dângrêk – China Wiki 2022 - Tiếng Việt
-
Dãy Núi Dângrêk – Wiki Tiếng Việt 2022
-
Dãy Núi Dângrêk - Unionpedia
-
Dãy Núi Dângrêk – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
E55 - Bantatum Mùa Xuân 85 Đỏ Lửa - Quansuvn
-
Chiến Dịch Ba Biên | BÁO QUẢNG NAM ONLINE - Tin Tức Mới Nhất
-
Câu Hỏi 438594
-
Trận đánh Xóa Sổ Căn Cứ 547 - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Câu 7: Giao Thông Vận Tải Của Cam-pu-chia Phát Triển Chủ Yếu; * 1 ...
-
Dựa Vào Lược đồ Hình 14.1, Cho Biết Các Dãy Núi Nà... - CungHocVui
-
Trận đánh Căn Cứ 547 Của Khmer Đỏ Năm 1979, Sau Khi Bị Quân ...
-
Lịch Sử Mặt Trận 579 Quân Khu 5 (1979-1989)