Sương Trắng Triền Đăng Rếch - Báo Công An Đà Nẵng

(Cadn.com.vn) - Cuối mùa mưa năm 1986, bầu trời Stungtreng, Campuchia còn sũng nước. Tuy nhiên, theo quy luật thời tiết ở Campuchia thì mùa khô đã bắt đầu. Tiểu đoàn dân quân tỉnh Stungtreng có nhiệm vụ chốt giữ tuyến biên giới Campuchia-Thái Lan tại khu vực dãy núi Đăng Rếch, thuộc tỉnh Preah Vihear, nhằm chặn đánh quân Khơ Me đỏ vượt sang từ đất Thái Lan, lén lút vào nội địa móc nối với bọn phản động bên trong chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ của đất nước Chùa Tháp. Tại khu vực này, bãi mìn được bố trí dày đặc suốt toàn tuyến biên giới, chiều ngang đến 5 km, gọi tắt là tuyến K5 (tiếng Campuchia là ko prăm). Tôi được chỉ huy Đoàn 5503, Mặt trận 579, Quân khu 5 giao nhiệm vụ trực tiếp làm chuyên gia quân sự cho đơn vị này. Tôi chọn 1 chiến sỹ làm cần vụ là Minh, mới hơn một tuổi quân. Tôi nghĩ mình quê gốc Hòa Vang, còn Minh người Đà Nẵng, rứa là cùng dân Quảng Nam-Đà Nẵng, thuận tiện nhiều bề.

Mọi công tác chuẩn bị cho đợt công tác dài ngày này tôi giao hẳn cho Minh lo liệu, từ quân tư trang, vũ khí, thuốc quân y và cả thuốc lá phải ít nhất là sử dụng đủ trong 3 tháng (tôi vốn nghiện thuốc lá khá nặng). Một ngày đầu tháng 7, hai "thầy trò" chúng tôi bám theo xe vận tải Zin 131 của Sư đoàn 307, Quân khu 5, đang hoạt động tác chiến ở khu vực tỉnh Preah Vihear. Đường hành quân lên Preah Vihear còn lắm gian truân, mới qua mùa mưa mà đã bị các loại xe pháo cày tung bụi đất đỏ ba-zan, các cánh rừng khộp hai bên đường vừa thay lá sau mưa cũng chuyển màu đỏ quạch mỗi lúc xe qua. Chúng tôi phải dùng khăn trùm kín cả mặt, chỉ chừa hai mắt để quan sát động tĩnh phía trước và hai bên đường hành quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bởi việc tàn quân Pôn Pốt gài mìn hoặc phục kích dọc theo đường lên biên giới như là "chuyện thường ngày ở huyện". Chạng vạng tối chúng tôi mới đến doanh trại của tiểu đoàn dân quân tỉnh Stungtreng ngay sát chân núi. Người đầu tiên đón chúng tôi không ai khác là đại úy Đặng Quang Thiện, người sẽ được tôi thay thế, tỏ ra rất vui bởi anh đã liên tục 6 tháng "cắm" ở nơi "khỉ ho cò gáy" này. Là đồng hương xã Hòa Hải, H. Hòa Vang (nay là P.Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) nên chúng tôi hòa nhập rất nhanh với công việc bàn giao từ khâu tổ chức biên chế, trang bị vũ khí đạn dược, công tác bảo đảm hậu cần cho đến địa bàn đảm nhiệm chiến đấu, hệ thống công sự trận địa và sự phối hợp với các đơn vị bạn liên quan. Sau hai ngày giao nhận nhiệm vụ đã hoàn tất, Thiện tranh thủ bám theo xe của đơn vị bạn quay về Stungtreng.

Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam. Ảnh tư liệu

Những ngày đầu Minh có vẻ lo sợ, vừa ngại ngùng vừa lúng túng trước một tiểu đoàn dân quân (khoảng 300 quân) toàn người Campuchia, tôi vừa động viên, vừa hướng dẫn Minh cách tiếp xúc với bạn theo kiểu kết hợp tập nói tiếng Campuchia vừa bằng lời vừa bằng... tay! Tuần đầu đến đây, tôi làm việc trước với Ban Chỉ huy tiểu đoàn, được Tiểu đoàn trưởng Khăm Xay báo cáo tình hình, trao đổi những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị như tình hình địch, quân số đơn vị, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trực thuộc, việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho bộ đội... Đây cũng là tuần đầu tiên có thể nói là "đơn thân độc mã" nơi rừng sâu núi thẳm, không có giờ nào, ngày nào không nghe tiếng mìn nổ quanh mình. Đêm. Bên ngọn đèn dầu, tôi và Minh mắc võng nằm bên nhau, hòa trong tiếng tắc kè núi và muôn thú núi rừng thành một bản hợp xướng nghe đến não lòng, là bao nhiêu chuyện của quê hương, chuyện về gia đình, người thân, bạn bè... được hai anh em chia sẻ với nhau.

Một ngày cuối tháng 7, sau cơn mưa dông lớn, tôi quyết định lên đỉnh Đăng Rếch kiểm tra Đại đội 1, là đơn vị chủ công của tiểu đoàn đang chốt giữ tại đây. Sau khi nhắc cậu Minh mấy việc cần chú ý khi tôi đi vắng, tôi đề nghị tiểu đoàn trưởng Khăm Xay cử một sĩ quan tác chiến cùng đi. Từ sáng sớm, ăn cơm xong, tôi mang trang bị gọn nhẹ do Minh chuẩn bị rồi cùng Sùm Lươn, sĩ quan tác chiến của tiểu đoàn khẩn trương bắt đầu leo núi. Chiếc gậy do tôi tự làm từ trước phát huy ngay tác dụng mỗi khi leo lên những dốc đá dựng đứng. Cơn mưa dông đêm hôm trước thật tai hại, nhiều đoạn đường bị tảng đá lớn lăn xuống nằm chình ình cản lối, tôi cùng Sùm Lươn phải dốc sức mở đường vòng quanh hoặc chặt tre rừng làm thang mới lên tới được ban chỉ huy Đại đội 1 lúc vừa nhá nhem tối. Tiểu đoàn phó Khiêu Phăn đang ngồi nhấm nháp rượu với anh em thấy tôi đến vội đứng dậy chào bắt tay mừng rỡ. Tôi khoát tay nói với anh em bằng tiếng Campuchia rằng cứ tự nhiên cho vui rồi cũng sà vào bàn nâng ly chúc sức khỏe mọi người... Đang vui, bỗng trần chiếc lều bạt dã chiến kêu lộp bộp... lộp bộp, mấy cậu lính chạy ra kiểm tra rồi hét to: "Mưa đá! Mưa đá!, thế là bao nhiêu thau chậu, soong nồi được tận dụng để đựng đá "lộc trời". Hôm ấy, bộ đội và dân quân trên các chốt được một phen thỏa thích với cơn mưa đá bất chợt.

Đêm trên đỉnh Đăng Rếch, sát biên giới Thái Lan - Campuchia, ai cũng nghe rõ mồn một tiếng nhạc, điệu nhảy lăm vông, đó là hoạt động về đêm của các quán bar sát biên giới chủ yếu phục vụ cho lính biên phòng Thái Lan. Có câu chuyện bộ đội đặc công của ta khi làm nhiệm vụ truy tìm xác định tọa độ các căn cứ của tàn quân Pôn Pốt, vì muốn ngắm các cô gái Thái múa lăm vông đã đóng giả lính biên phòng Thái Lan vào cùng nhảy lăm vông với mấy cô gái Thái. Khi bị phát hiện, mấy anh bộ đội ta liền tìm cách chuồn nhanh ra rừng, thật đáo để hết chỗ nói! Sáng đầu tiên trên đỉnh Đăng Rếch, vừa bước ra khỏi chiếc lều bạt dã chiến tôi thật sự ngỡ ngàng trước một vùng sương đặc quánh, trắng xóa đẹp đến mê hồn. Người và chiếc lều bạt chỉ thấy mờ mờ trong sương, có đám sương bềnh bồng trôi trên con đường mòn cơ động chiến đấu nối liền các điểm cao trên đỉnh Đăng Rếch, có màn sương nhẹ nhàng khẽ luồn qua khe núi, khi thì như một dải lụa trinh nguyên, khi thì giống như con thác rì rào tung nước trắng xóa, không thể nhìn thấy chân núi... Chúng tôi đi mà cứ như trôi bềnh bồng, bềnh bồng trên mây. Đến bây giờ, đã ngót 30 năm mà mỗi khi nhớ lại cảnh được đắm mình trong sương trên triền Đăng Rếch năm nào, tôi lại thêm một lần tiếc là lúc đó không có máy ảnh chụp để lưu lại cảnh đẹp mê hồn ấy. Nhớ quá Đăng Rếch ơi, và nhớ Minh nữa, Minh ơi, bây giờ cậu đang ở đâu?

Mai Mộng Tưởng

Từ khóa » Dãy đăng Rếch