Người đàn Bà Bị Mẹ Cha Ruồng Bỏ - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Thưa các anh, các chị!

Tôi thường đọc báo, thực ra để thoả tính tò mò của mình. Tôi không tin lắm vào những câu chuyện viết trên báo. Tôi cứ luôn nghĩ là họ viết báo để kiếm doanh thu, không mấy khi là sự thật, có chăng chỉ một ít thôi. Nhưng rồi những mảnh ghép, những mảng cuộc đời trong báo ANTG Cuối tháng của Chuyện khó tin nhưng có thật sao nó giống chuyện của tôi đến vậy. Khi chưa đọc báo tôi luôn nghĩ tôi bị hoang tưởng, hay tôi bị tâm thần. Lắm lúc những ký ức trở lại tôi phải cấu, phải véo để mình được ở thực tại. Khi đọc những câu chuyện trong báo, tôi biết ở đâu đó có những sự thật được giấu thật kín. Để rồi những nỗi đau làm cho con người ta có thể chết, có thể sống. Ở nước ngoài có những bệnh viện về tâm lý, có những bác sĩ tâm lý làm cho nỗi đau giấu kín được chia sẻ. Ở VN chúng ta chỉ có bệnh viện tâm thần. Tôi đọc ở đâu đó họ nói “Hạnh phúc thì giống nhau, bất hạnh mỗi người một vẻ”.

Câu chuyện của tôi được tôi giấu kín suốt mấy chục năm nay, tôi không định đem ra để phơi bày cho thiên hạ biết. Nó là biến cố mà mỗi ai trong cuộc đời đều có thể trải qua. Tôi không có ý định đem ra để răn dạy ai, để khuyên nhủ ai nhưng nếu ai có gặp những điều mà tôi đã gặp thì tìm cách tránh, tìm cách sống. Tiêu cực hay tích cực để giải quyết mọi vấn đề là lựa chọn của mỗi người. Tôi không đổ cho số phận, chúng ta tự quyết định cuộc đời của mình dù đúng dù sai. Sau khi đọc bài báo số 211 của Ái Vân, tôi thấy đau đớn vô cùng! Tôi muốn nói với Ái Vân một điều rằng: “Cô muốn cháu đọc hết câu chuyện của cô, trong nỗi khổ cùng cực vẫn có ánh sáng le lói để chúng ta thoát ra. Đừng đẩy mình vào nỗi tuyệt vọng vô bờ để rồi không còn đường quay lại”.

Tôi được sinh ra vào lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất. Gia đình tôi nề nếp, bố tôi là sinh viên những khoá đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa, sau khi tốt nghiệp được cử sang Nga tu nghiệp. Mẹ là y sỹ trong một bệnh viện phụ sản. Gia đình tôi được những người xung quanh ngưỡng mộ.

Bố mẹ tôi sinh được tôi là chị cả, sau còn một em trai nữa kém tôi 4 tuổi. Có lẽ những điều tôi nhận thức được rõ nhất về thân phận của mình là khi tôi 7 tuổi. Tôi biết bố mẹ không thương tôi bằng em trai. Tôi biết mình là đứa xấu xí khi mỗi lần được nghe mẹ hét lên trước mặt tôi: “Mày có một phần người và 9 phần khỉ”. Tôi thường xuyên bị đánh đập không thương tiếc, chết đi sống lại vì không trông em, vì nấu cơm bị cháy, vì làm vỡ đồ, vì không chịu nhổ răng và cả vì thấy ngứa mắt...

Những cơn nóng giận vô căn cứ của mẹ gần như là vô tận. Có những khi đánh tôi chưa đã, chắc vì mệt nên tối về mẹ lại tiếp tục kể tội cho bố tôi nghe, kích động để ông đánh tôi tiếp. Bố tôi đi làm về mệt lắm nên chẳng cần biết đúng sai là đánh luôn.

Lúc đó tôi chỉ biết sợ, sợ lắm, mỗi lần nhìn thấy bố mẹ đi làm về, nỗi sợ tôi tăng dần lên cho đến lúc đi ngủ. Có lẽ do hay bị đánh đập, bị đối xử khắc nghiệt nên tôi là đứa bé nhạy cảm, hiểu thân phận hẩm hiu của mình nên tôi cố gắng ngoan ngoãn, chăm chỉ để tránh bị đòn roi. Nhưng tính mải chơi và hay đọc sách nên có lỗi thường xuyên. Tôi biết có những lúc bị đòn là đáng lắm nhưng có lúc không vì sao cũng ăn đòn thì chỉ biết chịu đựng. Rất may mắn là tôi ở gần nhà ông bà ngoại, ông bà và các cậu, các dì thương tôi lắm. Tôi như cây cỏ, lớn lên trong nỗi sợ hãi dày vò mà chẳng biết kể cùng ai. Mẹ không quan tâm, bố cũng không nốt.

Sau khi hoà bình, nhà tôi chuyển nhà lên phố. Tôi vẫn bị đòn như cơm bữa. Nhiều lúc vừa ăn cơm, vừa khóc. Nhưng bản năng cho tôi biết, tôi càng khóc càng ăn đòn nhiều hơn. Lúc đó tôi bắt đầu hiểu là mình bị ghét như thế nào. Tôi vừa đi học, vừa phụ việc để kiếm tiền bằng việc may màn xô. Ai nhờ gì tôi cũng làm, tôi đi xếp hàng mua gạo, mua dầu,… và giúp đỡ hàng xóm bất cứ việc gì mà họ nhờ nên tôi được rất nhiều người thương. Nhưng khi về trong gia đình mình, tôi lại bị đối xử như một con chiên ghẻ. Tôi thu mình lại để tránh đòn thù. Giờ thì em trai tôi đã lớn và nó cũng biết tôi bị ghét nên khi nó có tội là nó đổ hết lên đầu tôi để tôi bị đòn thay nó.

Gia đình tôi thuộc diện khá giả. Bố mẹ tôi được phát vải để may quần áo để đầy tủ. Tôi là con gái lớn trong nhà, nhưng không bao giờ được bố mẹ cho may. Tôi được mẹ thải cho những bộ bà đã mặc chán, cũ sờn. Nhưng tôi chẳng màng, những thứ tôi cần là thứ khác. Tôi cần một cử chỉ vuốt ve âu yếm của mẹ, của bố. Suốt cả tuổi ấu thơ, tôi chỉ ước được một lần sà vào lòng mẹ, được mẹ tôi gội đầu, được bố mẹ thương như những đứa con gái con nhà hàng xóm của tôi được bố mẹ chúng yêu chiều.

Ngày đó tôi sống khổ sở vô cùng, đã có lúc tôi nghĩ “có lẽ chết sẽ bớt khổ”. Tôi thường mang cơm vào cho cô tôi đang làm trong bệnh viện và tôi được cô an ủi, khuyên tôi đừng dại dột. Có lần tôi hỏi cô: Cô ơi, cháu có phải con của bố mẹ không? Cô bảo tôi nói bậy, chính cô chứng kiến tôi được sinh ra mà. Cô bảo khi nào có con tôi sẽ hiểu. Và chính câu nói đó của cô mà tôi vượt qua bao nỗi cay đắng, buồn tủi để sống tiếp và tôi chờ đến lúc này đây.

Khi tôi 16 tuổi, tôi và em trai ngủ trên gác xép. Một đêm mẹ tôi đi trực. Tôi bị bóng đè. Tôi tỉnh dậy và thấy bố tôi nằm trên người tôi. Ông đang tìm cách cưỡng hiếp tôi. Bản năng của một người biết việc này rất kinh khủng. Tôi cố đạp ông ra và tìm cách trốn thoát. Ông sợ tôi kêu to làm em tôi thức nên không dám tiếp tục. Tôi sợ đến chết. Giờ tôi mới hiểu sợ đến chết là như thế nào.

Từ hôm đó gần như đêm nào tôi cũng không ngủ, sợ nhất những hôm mẹ tôi đi trực. Tôi thì không dám kể cho ai, mẹ tôi chẳng đáng tin cậy để mà kể. Bạn tôi ư? Không thể! Tôi giữ kín và quyết tâm tự bảo vệ bằng cách vừa nhìn thấy bố tôi lên gác là kêu ầm lên giống như người ngủ mê. Ông sợ quá không dám làm gì tôi nữa.

Tôi học càng ngày càng sút, những trận đòn vẫn càng dày đặc hơn. Trước là đũa cả, sau là bằng bất cứ thứ gì bố mẹ tôi nhìn thấy. Người tôi lúc nào cũng thâm tím. Có những lần mẹ còn cào cấu rách cả mặt tôi… Và mức độ chửi cũng tăng lên: Mày là con đĩ, mày là đồ mất dạy… Có lần vì thương cảm, bố tôi tự dưng bênh tôi, liền bị mẹ tôi chửi: “Ông ngủ với nó hay sao mà bênh nó”. Tôi chết lặng. Tôi lại muốn chết. Cô tôi lại đưa tay ra, đầy bao dung. Cô tôi lại ru ngủ tôi: Rồi sau này con có con, con sẽ hiểu. Tôi lại không chết, chờ lớn lên, để hiểu.

Tôi trượt đại học. Lại một trận đòn thù nữa. Nhưng giờ tôi chẳng thấy đau nữa, cha mẹ chỉ làm cho ý chí của tôi tăng hơn thôi. Giờ tôi sống im lặng, sợ hãi trong vòng tay của bố mẹ.

Một việc rất may mắn đến với tôi. Cơ quan bố tôi có suất cho con em lãnh đạo sang Đông Âu học. Và cơ hội đến với tôi. Bố mẹ tôi biết tôi rất khó dạy nên tống khứ tôi đi cho khuất mắt. Tôi cũng muốn xem chân trời khác có tủi nhục hơn cái chết không? Bởi vì lúc này tôi chẳng còn gì để mất nữa. Tôi lên đường.

Một thời gian sống và học tập ở Đông Âu, tôi không còn buồn về chuyện gia đình mình nữa. Nỗi đau qua hết, tôi cố gắng làm việc thật tốt, kiếm thật nhiều tiền. Làm được bao nhiêu, tôi không dám ăn, dám tiêu. Tôi không dám kể cho bố mẹ tôi những ngày tôi sống và làm việc đó cực nhọc như thế nào. Tôi sợ họ lo lắng. Tôi luôn sợ làm người khác phiền lòng vì mình, mà quên rằng lẽ ra mình cần phải được đối xử tốt hơn thế. Tôi cứ thế vươn lên. Rồi tôi lập gia đình và sinh con.

Bố mẹ có nhã ý mua nhà cho tôi ở Việt Nam để sau này tôi về có chỗ ở. Tôi và chồng tôi bàn nhau chuyển về cho bố mẹ tiền để mua nhà. Khi chúng tôi về nước thì mới biết là nhà đã sang tên cho mẹ tôi và tôi không có quyền gì với ngôi nhà đó. Bố mẹ tôi đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Tôi và chồng tôi như chết lặng. Chúng tôi phải ở nhờ nhà của một người bạn. Đến lúc này thì tôi mới hiểu, dù tôi có làm gì đi nữa thì tôi cũng vẫn là một con chiên ghẻ mà thôi.

Mẹ tôi luôn nói xấu tôi với họ hàng, hội hưu trí của mẹ, bà làm cả thơ chửi tôi. Giờ mức độ căm ghét của bà lây cả sang các con tôi. Bà rủa cả chúng nó. Bà dựng đủ thứ chuyện để làm cho chị em tôi cãi nhau. Bà còn nói xấu tôi với chồng của tôi và muốn anh bỏ tôi. Anh đã phải thốt lên, vợ con là con gái mẹ đấy!

Với bố tôi, bà xuyên tạc mọi chuyện để ông ghét tôi, vì bà nói gì, làm gì ông cũng cho là đúng. Bố mẹ tôi giờ còn thêm một việc hoang tưởng nữa là ông bà đi rêu rao khắp nơi là tôi đang tìm cách chiếm đoạt nhà và tài sản của ông bà.

Khi mẹ tôi ốm, mẹ tôi cấm không ai được báo cho tôi biết. Bà đổ lỗi cho tôi, rằng vì tôi mà bà phải nằm viện. Tôi thuê người chăm sóc vì bà không muốn nhìn thấy tôi. Nếu bà ốm thêm là lỗi của tôi.

Tôi làm tất cả mọi thứ không phải vì tôi thương yêu họ. Tôi muốn trả cái ơn họ đã sinh ra tôi. Họ đã cho tôi cuộc sống này. Tôi càng ngày càng ít lại gần bố mẹ tôi, chỉ khi nào giỗ chạp, bố mẹ ốm đau tôi mới về. Tôi sợ giáp mặt người đã sinh ra mình.

Sau khi về nước lập nghiệp, chúng tôi ra sức phấn đấu học, phấn đấu làm việc và giờ tôi có tất cả. Tôi đỗ đại học, tôi có 3 căn nhà lớn, tôi có rất nhiều tiền và trên hết tôi có tài sản lớn nhất mà không gì đánh đổi được là 3 đứa con ngoan, học giỏi. Các con tôi được tình yêu thương bao la từ vợ chồng tôi. Tôi bị chứng hoang tưởng về mua sắm cho con. Lắm lúc tôi cảm giác mình giống như một loại con nghiện khi đi mua đồ cho con. Cứ nghĩ đến con là tôi mua. Tôi đã từng nói với các con “Nếu mẹ có tiền, mẹ sẽ mua cả trái đất này đặt xuống chân con”. Khi cháu lớn học lớp 2, bài văn đầu tiên cháu viết về mẹ có câu nói đó. Đọc xong tôi đã khóc.

Tôi đã làm mẹ, tôi đã cố trả lời câu nói của cô tôi là sau này làm mẹ cháu sẽ hiểu. Nhưng thực sự, tôi không hiểu! Tôi giờ không cần tìm câu trả lời vì sao tôi không được yêu thương nữa. Tôi tìm cách yêu thương các con bằng tình yêu vô bờ của mình. Tôi sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của chúng và học cả cách xin lỗi chúng nếu tôi làm sai. Tôi chọn cách sống tích cực nhất để tồn tại và tôi đã sống tốt.

Giờ mọi chuyện đã được nói ra, câu chuyện cũng đến hồi kết thúc. Có những câu châm ngôn ngày xưa làm cho chúng ta ngẫm lại “Hổ dữ không ăn thịt con” có đúng không? Tôi lại muốn khóc.

Hà Nội, ngày 18/10/2014

Hoa Ban

Lời bình của BBT:

Chào chị Hoa Ban! Tôi thực sự không biết vì sao chị lại sống như vậy, khi từ thuở ấu thơ đến khi chị trưởng thành chưa một lần nhận được lời yêu thương của cha mẹ mình? Tôi e rằng chị mới kể một nửa của sự thật mà thôi. Dẫu vậy, hành trình đi đến bình an của chị ngày hôm nay cũng trải qua rất nhiều cay đắng, mà cay đắng lớn nhất là bị cha mình lạm dụng lúc vị thành niên. Chị đã rất nhân hậu khi bỏ qua được mọi chuyện và bắt đầu một cuộc đời mới. Chị buồn vì quá khứ nhưng tôi tin chị sẽ có một tương lai yên ổn, bởi chị hiểu cái giá của sự đớn đau. Chúc chị luôn bình an!

Từ khóa » Con Cái Ruồng Bỏ Cha Mẹ