Người Giáy ở Việt Nam - Thế Giới Di Sản
Có thể bạn quan tâm
Sở dĩ có tên gọi khác nhau như trên là do nhiều lý do. Người Giáy ở Lào Cai tự gọi tên mình là Pú Dáy. Người Tày sống gần với người Giáy lại gọi họ là Càn Giắng, hay người Kinh gọi chệch Dắng thành Nhắng. Còn Pâu Thìn, Pú Nà mặc trang phục như người Giáy, dùng lời hát, thơ ca, tục ngữ, đồng dao như người Giáy, nhưng ở Lai Châu, tiếng Pù Nà người Giáy nghe không hiểu. Dáy Cùi Chu cũng có tiếng nói khác. Còn Dìn là tiếng Quan Hỏa để chỉ tên người Giáy.
Thiếu nữ người Giáy.
Dân tộc Giáy nói tiếng Giáy – một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai - Ka đai – một hệ ngôn ngữ phân bố khá rộng trên bán đảo Đông Dương. Theo tổng điều tra dân số năm 1999, người Giáy ở Việt Nam có 49.098 người, đến năm 2009, số dân lên tới 58.617 người. Đây là mức độ tăng dân số vừa phải, đủ để bảo tồn giống nòi và gìn giữ bản sắc văn hóa của một dân tộc thiểu số, được xem là không quá lớn ở nước ta.
Hiện nay, do yêu cầu đời sống và làm việc, người Giáy cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Địa bàn cư trú truyền thống của dân tộc Giáy chủ yếu ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái với tổng số 57.426 người. Như vậy, 39 tỉnh và thành phố chỉ còn có khoảng trên một nghìn người Giáy, được coi là xa hương.
Kinh tế truyền thống của người Giáy là làm ruộng nước. Nương rẫy chỉ là thu nhập phụ cùng với chăn nuôi lợn, gà. Người Giáy nuôi nhiều trâu, ngựa và họ dùng ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu kéo cầy và kéo gỗ.
Đám cưới người Giáy.
Hôn nhân gia đình của người Giáy, vị thế nổi bật nhất là người đàn ông. Theo phong tục, địa vị quan trọng nhất là người cha và chồng. Con cái lấy họ theo cha. Nhà trai chủ động việc cưới xin. Sau lễ cưới, cô dâu về ở cùng với gia đình nhà chồng. Tuy vậy, việc ở rể cũng rất phổ biến. Trước Cách mạng Tháng 8, người Giáy có tục “kéo vợ”. Đó là trường hợp cô gái và gia đình đồng ý nhưng nhà trai không đủ tiền của để cưới xin đàng hoàng, chàng trai phải tổ chức “kéo vợ”. Phụ nữ Giáy khi mang thai phải kiêng cữ và cúng cầu, mong sinh nở yên lành. Khi đứa trẻ đầy tháng, có lễ trình báo với tổ tiên và cầu xin tổ tiên phù hộ. Tên, ngày tháng, năm sinh của mỗi người được thầy cúng ghi vào miếng vải đỏ, sẽ dùng để so tuổi khi tính chuyện cưới xin và chọn giờ trong việc làm nhà cửa, đám ma của chính người đó.
Văn hóa của người Giáy khá phong phú. Cộng đồng này có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao. Họ cũng có nhiều truyện giải thích hiện tượng tự nhiên, có nhiều truyện thơ dài, có những truyện kết hợp lời kể với lời hát. Dân ca phong phú, gồm nhiều loại, mỗi loại có nhiều bài, điệu khác nhau, đặc biệt là các hình thức hát giao duyên nam nữ và sinh hoạt cộng đồng sôi nổi, hấp dẫn.
Người Giáy có hai loại hình nhà cửa, tùy theo từng địa phương. Ở Hà Giang, Cao Bằng, người Giáy ở nhà sàn. Lai Châu, Lào Cai ở nhà đất. Tuy nhiên, theo truyền thuyết và văn học dân gian, ngôi nhà truyền thống của người Giáy là nhà sàn. Vết sót của nhà sàn truyền thống còn đọng lại qua ngôi nhà đất, đó là một sàn trước cửa để sử dụng. Dù là nhà sàn hay nhà đất, gian giữa là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng ngủ các cặp vợ chồng trong gia đình ở gian bên. Phụ nữ không được nằm gian giữa. Bếp xưa kia thường để ở gian bên, nay đã có nhiều nơi làm biệt lập với nhà chính.
Trang phục của người Giáy có sự khác biệt giữa nam và nữ. Trang phục nam có áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới và một túi bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Quần nam là quần ống đứng, rộng khoảng 30 - 40 cm, cạp to, không dùng dây rút mà chỉ vận vào người. Trước kia, nam giới thường quấn khăn trên đầu. Cũng có đôi nhóm nam không mặc áo xẻ ngực mà mặc áo xẻ nách như nữ giới, dù có sự khác biệt cơ bản. Trang phục nữ phổ biến là loại áo ngắn xẻ nách. Đây là loại áo ngắn trùm kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng. Cổ áo có đường viền xẻ nách từ vai trái sang phải, với đường viền và trang trí khác nhau và thường tương phản với màu nền áo. Hai vai, giữa cánh tay và cửa tay cũng vậy. Có loại áo như trên nhưng người phụ nữ Giáy còn có loại áo màu chàm hoặc trắng, không hề trang trí các đường viền. Ngoài áo dài bên ngoài, phụ nữ Giáy còn có một áo mặc trong. Đó là áo ngắn cộc tay, xẻ ngực, cổ tròn thấp và có hai túi dưới. Áo xẻ nách, cài cúc vải được tết cẩn thận, mặc ở bên ngoài là ấn tượng nhất của người phụ nữ Giáy với vẻ đẹp bắt mắt. Phụ nữ Giáy cũng thường đội khăn, quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc. Nhóm phụ nữ Giáy Lào Cai, Lai Châu mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng. Tóc của họ vấn theo kiểu hình vành khăn và thường đeo túi vải thêu hoa văn phổ biến ở đáy túi là hình răng chó - có lẽ là vật tổ của dân tộc này. Phụ nữ Giáy đi giầy vải, thêu hoa văn nhiều loại.
Trên đây là đôi ba nét phác thảo về dân tộc Giáy. Vì là những nét phác thảo, theo đó, còn quá nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc này chưa được làm hiển lộ, qua một ngòi bút không chuyên. Hơn thế, dung lượng bài viết không cho phép xây dựng các chuyên khảo hay nhấn nhá sâu thêm vào những cạnh khía của đời sống xã hội trước thách thức của nên kinh tế thị trường đang làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Giáy được gìn giữ hàng trăm năm lịch sử. Đó cũng là một vấn đề không chỉ đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam mà ngay cả với nền văn hóa nước nhà, trong các nghị quyết của Đảng ta luôn quan tâm, nhắc nhở. Hy vọng rằng, những bài viết sau, tác giả sẽ quan tâm hơn tới lĩnh vực này, nếu có điều kiện đi khảo sát, để có thêm tư liệu chắc chắn hơn.
TS Phạm Quốc Quân
Từ khóa » Dân Tộc Giáy
-
Người Giáy – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dân Tộc Giáy - UBND Tỉnh Yên Bái
-
NGƯỜI GIÁY - Ủy Ban Dân Tộc
-
Dân Tộc Giáy - Topas Ecolodge
-
Đặc Sắc Văn Hóa Dân Tộc Giáy
-
Dân Tộc Giáy - Thị Xã Sa Pa
-
Dân Tộc Giáy - Tỉnh ủy Lai Châu
-
Dân Tộc Giáy
-
Dân Tộc Giáy | 54 Dân Tộc Việt Nam
-
Dân Quân Dân Tộc Giáy - Cổng TTĐT Bộ Quốc Phòng Việt Nam
-
Dân Tộc Giáy - UBND Tỉnh Lai Châu
-
Giữ Nét Văn Hóa độc đáo Của Lễ Cầu An Dân Tộc Giáy ở Hà Giang
-
Nặng Lòng Gìn Giữ Văn Hóa Dân Tộc Giáy - Báo Biên Phòng